221 vị trí đê xung yếu cần bảo vệ trong mùa mưa lũ
Triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá có 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cần sẵn sàng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ.
Mưa lũ lớn có thể đe doạ đến an toàn đê điều và các hồ chứa. Ảnh: Bích Nguyên
Cụ thể khu vực đồng bằng Bắc Bộ: 200 vị trí; Khu vực Bắc Trung Bộ: 21 vị trí. Ngoài ra, còn có 72 công trình đang thi công cần có phương án bảo vệ, trong đó có 16 công trình đê biển, đê cửa sông: đang thi công (Thái Bình 8, Ninh Bình 1, Thanh Hóa 1, Nghệ An 3, Hà Tĩnh 1, Thừa Thiên Huế 2).
Về hồ chứa, có 204 hồ hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công cần lưu ý gồm: Bắc Bộ: 81 hồ chứa hư hỏng; 41 hồ đang thi công. Bắc Trung Bộ: 53 hồ chứa hư hỏng. Nam Trung Bộ: 24 hồ chứa hư hỏng; 31 hồ đang thi công. Tây Nguyên: 41 hồ chứa hư hỏng; 43 hồ đang thi công. Đông Nam Bộ: 5 hồ chứa hư hỏng.
Video đang HOT
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 1 đến 5-8, mưa lớn diện rộng: Bắc Bộ mưa lớn đến 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa lớn đến 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.
Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam mưa lớn đến 250mm/đợt. Khu vực Bắc Tây Nguyên mưa lớn đến 300mm/đợt.
Tại Đắk Lắk đã có mưa rất to, tại Ea Kiết 271mm/8 tiếng sáng sớm ngày 31-7 gây ngập lụt cục bộ tại một số khu vực nhất là tại huyện Ea Súp.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày 2-8 áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Bão có phạm vi gió bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông.
Đến sáng 1-8, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng đã thông báo, hướng dẫn cho 46.125 tàu, thuyền biết về hướng di chuyển và khả năng mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới.
Thu Hằng
Luôn sẵn sàng ứng phó, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai
Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) là địa bàn đầu tiên chúng tôi đặt chân đến sau trận mưa lũ lớn, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua.
Từ dưới chân núi, chiếc xe gắn máy đưa chúng tôi đi trên cung đường phong quang, sạch sẽ về tận các thôn, bản thuộc xã Mù Sang. Rất ít ngôi nhà lợp tấm fibro xi măng mà thay vào đó là mái tôn màu xanh, đỏ nằm vững chãi quanh sườn đồi. Các điểm sạt lở được gắn biển cảnh báo hạn chế người dân qua lại. Anh Ngải A Chùa, Trưởng bản Khoa San, xã Mù Sang tâm sự: "Sau trận mưa lũ vừa qua, cũng may, bản chúng tôi được các chú bộ đội đến giúp sửa sang lại nhà cửa, đường sá, thưng lợp lại mái nhà bằng tôn do các nhà hảo tâm hỗ trợ, nên cuộc sống dân bản mới sớm trở lại yên bình như vậy".
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lai Châu giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: CHÂU LONG
Chúng tôi có mặt tại xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu), địa phương cũng chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua. Ngồi trong căn nhà vừa được cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lai Châu di chuyển sang nơi an toàn, ông Lò Văn Hương ở bản Chằm Cáy vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: "Sáng 12-7-2020, tôi và các con đang ngồi trong nhà, ngoài trời mưa tầm tã. Nhà nằm gần con suối, nước dồn về liên tục, tôi đang lo lắng thì được các chú bộ đội và chính quyền đến thông báo di chuyển khẩn cấp. Sau đó, toàn bộ căn nhà gỗ của tôi cùng đồ đạc, lợn gà được bộ đội và người dân di chuyển sang vùng đất mới nằm cuối bản nên tránh được hiểm họa".
Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục trận mưa đá, dông lốc, lũ quét, làm nhiều người chết, hàng trăm ngôi nhà của người dân hư hỏng, tốc mái, 3 nhà dân ở xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) và xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; thiệt hại khoảng 200ha hoa màu; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, do địa bàn nhiều đồi núi cao, dốc, xen kẽ thung lũng sâu và hẹp; thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa hằng năm lớn, nhiều sông, suối nên gây ra hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá. Trong khi đó dân bản chủ yếu sống tập trung ở các sườn núi nên nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra. Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chỉ đạo ban CHQS huyện, thành phố duy trì công tác trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN); chủ động phát huy phương châm "4 tại chỗ", kịp thời xử lý các tình huống. Đồng thời, thực hiện công tác rà soát, bổ sung các phương án; chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu. Điển hình như trận mưa lũ vừa qua (24-4) trên địa bàn huyện Phong Thổ. Nhận được điện báo của địa phương có hai nhà bị sạt lở, trong đó hai bà cháu ngủ trong lán coi nương ở bản Sàng Cải, xã Mù Sang bị lũ cuốn trôi, ngay trong đêm, Ban CHQS huyện Phong Thổ đã báo cáo cấp trên, huy động 10 đồng chí phối hợp các lực lượng tiến hành tìm nạn nhân mất tích. Ở huyện Than Uyên, Ban CHQS huyện duy trì một trung đội, tổ chức luyện tập, sẵn sàng cơ động phòng, chống lụt bão, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân...
Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác PCTT, TKCN. Hiệp đồng thống nhất các phương án PCTT từ Bộ CHQS tỉnh tới các đơn vị với chính quyền địa phương. Lúc cao điểm, chỉ đạo mỗi xã duy trì một trung đội dân quân cơ động; bộ đội thường trực của ban CHQS huyện duy trì một trung đội; Bộ CHQS tỉnh duy trì một đại đội sẵn sàng cơ động tham gia PCTT, TKCN.
Mưa lũ ở Hà Giang gây thiệt hại hơn 500 tỉ đồng Ngày 22-7, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đã dẫn đầu đoàn công tác lên Hà Giang kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ phức tạp tại địa phương và miền núi phía bắc. Theo báo cáo của các...