22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng từ 1/3
Trong số 34 ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước về biểu phí ATM mới, 22 đơn vị cho biết chưa thu phí nội mạng dù đã được bật đèn xanh.
Theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, từ 1/3 các ngân hàng phát hành được phép thu phí giao dịch tại ATM đối với chính khách hàng của mình (thu phí nội mạng). Ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước – cho biết tính đến ngày 27/2, gần 80% các ngân hàng đã gửi báo cáo, nội dung biểu phí ATM mới (có hiệu lực từ 1/3). 2 ngân hàng quy định phí dưới mức cho phép (từ 200-500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng) và 10 ngân hàng thu mức phí rút tiền nội mạng tối đa 1.000 đồng trên một giao dịch. 22 ngân hàng khác vẫn miễn thu phí ATM.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố cụ thể danh tính các đơn vị này. “Các ngân hàng sẽ chủ động thông báo trên website chính thức trong thời gian tới”, ông Tiên cho biết.
Ông Bùi Quang Tiên (phải) – Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Thanh Lan.
Ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này sẽ thu phí ATM nội mạng từ ngày 1/3. Tuy nhiên ông chưa cho biết cụ thể mức phí.
Thông tư 35 được Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối năm 2012, cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.
Video đang HOT
Theo các ngân hàng, trong suốt hơn chục năm qua hoạt động ATM tại Việt Nam luôn gánh lỗ nặng và việc miễn phí, chấp nhận lỗ để mợ rộng mạng lưới nên được chấm dứt. Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Văn Tuân cho biết, nếu tính tổng chi phí cho ATM của các ngân hàng trong Hội thẻ Việt Nam trên tổng số giao dịch thì trung bình mỗi một giao dịch mất từ 7.000 – 9.000 đồng. “Riêng Vietcombank, nếu thu phí trong kỳ này thì ngân hàng chỉ giảm được 1.000 đồng chi phí và vẫn phải bù lỗ 6.000 đồng”, ông Tuân nói.
Chi phí cho ATM tại Việt Nam tốn kém được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội thẻ giải thích do thói quen chi tiêu và các hành xử của người Việt khác với các nước trên thế giới. “Ở nước ngoài, hạ tầng thanh toán của họ rất tốt nên việc rút tiền mặt là hạn hữu. Còn ở Việt Nam, 75%-80% các giao dịch chỉ là để rút tiền”, ông Bùi Quang Tiên dẫn chứng.
2 ngày nữa, một loạt biểu phí ATM của các ngân hàng sẽ thay đổi. Ảnh: Thanh Lan.
Còn theo đại diện Hội thẻ – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ATM của các nước trên thế giới chủ yếu để người dân rút lượng tiền mặt thiếu hụt trong khi ATM của Việt Nam lại đóng vai trò là kênh phân phối tiền lương, nhả tiền mặt nên rất vất vả.
Mặc dù việc thu phí ATM nội mạng vấp phải sự phản đối của nhiều người nhưng không ít bày tỏ quan điểm đồng tình với chuyện thu phí. “Đã là dịch vụ thì đều phải mất phí nhưng vấn đề là người dân mong mỏi chất lượng dịch vụ cũng tương xứng với chi phí họ bỏ ra”, một chuyên gia tài chính bình luận. Trong nhiều năm nay, việc người dân than phiền về chất lượng máy ATM như kẹt tiền, gặp sự cố hay nhả tiền rách, nát đã không còn xa lạ. Thậm chí, tình cảnh rồng rắn xếp hàng trước cây ATM tại nhiều nơi liên tục tái diễn.
Về vấn đề này, đại diện Hội thẻ Việt Nam cho biết: “Thực lòng dưới góc độ doanh nghiệp, tôi xin chia sẻ, dù có thu hay không thì chất lượng vẫn phải đảm bảo. Không phải vì thu thì chất lượng chúng tôi mới tốt lên. Mong người dân hãy có cái nhìn công bằng hơn về thẻ ATM”.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là những đối tượng thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã khuyến khích các ngân hàng thương mại nới hạn mức rút tiền tối đa trong mỗi giao dịch thêm 2 triệu đồng. Hiện đa phần hạn mức rút tối đa tại ATM tại các nhà băng chỉ 2 triệu đồng. Tính đến nay, toàn thị trường có khoảng 50 triệu thẻ ghi nợ nội địa và có 15.000 máy ATM.
Theo VNE
"Mặt trái" từ thu phí ATM nội mạng
Việc thu phí rút tiền ATM nội mạng sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn thu nhập không nhỏ, nhưng bên cạnh đó, những mặt trái không mong muốn cũng có thể phát sinh. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Ngân hàng Nhà nước vừa có dự thảo thông tư quy định về phí rút tiền mặt qua ATM cho giao dịch nội mạng sẽ áp dụng từ tháng 3/2013, với hy vọng giúp các ngân hàng thuơng mại có thêm nguồn thu nhập không nhỏ để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ ATM của mình.
Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi thực hiện việc này, vì thực tiễn ngày càng cho thấy dịch vụ ATM mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan, từ người cung cấp, đến người thụ huởng và Nhà nước. Còn về nguyên tắc trong kinh tế thị truờng, những người huởng lợi đều phải trả tiền cho mọi dịch vụ thương mại trong sự hài hoà lợi ích chung, giảm thiểu tác động mặt trái có thể phát sinh.
Đối với ngân hàng, với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ ATM, thì họ được hưởng lợi từ những khoản thu trực tiếp phí duy trì dịch vụ và từ lợi nhuận danh nghĩa do chênh lệch lãi suất không thời hạn với có thời hạn cho tổng các khoản tiền lưu ký tối thiểu phải gửi 50.000đ/thẻ và các khoản tiền thường xuyên kết dư trên ATM...
Theo một ước tính nhanh, với con số do NHNN và Hiệp hội thẻ Việt Nam công bố, thì với khoảng 37,7 triệu tài khoản ATM cá nhân, trong đó trên 90% là thẻ thanh toán nội địa và tổng số tiền kết dư gần 70.000 tỷ đồng (thời điểm cuối tháng 6/2012) chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 2%/năm so với mức có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên tối thiểu 9%/năm, đã mang lại cho các ngân hàng phát hành ATM tới trên 4.900 tỷ đồng/năm; tức bình quân mỗi trong số 13.920 cây ATM hiện có thu về trên 350 triệu đồng/năm.
Chuyên gia kinh tế, T.S Nguyễn Minh Phong
Ngoài ra, các ngân hàng đang được thu tới 3.300 đồng /lượt rút tiền và thu 1.650 đồng /lượt kiểm tra thông tin và in sao kê các khoản phí từ tổng số 130 triệu giao dịch thanh toán liên mạng, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng mà các chủ thẻ ATM trên đã thực hiện hàng năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư toàn diện cho một cây ATM chỉ vào khoảng trên dưới 500 triệu tới 1 tỷ đồng. Tức thời hạn khấu hao của đầu tư một máy ATM hiện chỉ từ 2-3 năm thì quả là đáng ao ước đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh "người khôn, của khó" trên phạm vi toàn quốc và toàn cầu hiện nay.
Việc thu phí nội mạng về lý thuyết có thể tạo nguồn thu mới, nhưng cũng có thể gây thiệt hại lớn cho ngân hàng vì làm giảm thiểu các giao dịch trên ATM và hao kiệt nhanh chóng lượng tiền kết dư trên các tài khoản ATM, do nguời dùng ATM rút toàn bộ tiền mặt khỏi tài khoản để mang về nhà cất giữ, nhằm giảm số lần và giảm phí giao dịch rút tiền qua ATM...
Đối với người sử dụng thẻ ATM, dù được hưởng một phần tiện ích của ATM với tư cách là "chiếc ví điện tử", khá tiện lợi và an toàn, thì cũng cần thấy rằng, đa số họ, nhất là người lao động làm công ăn lương, đều có thu nhập trung bình và thấp, rất tằn tiện trong chi tiêu; hơn nữa, việc họ và các chủ lao động trả lương cho họ sử dụng thẻ hiện nay chủ yếu là theo áp đặt quản lý Nhà nước về tiền mặt để phục vụ lợi ích chung trong đời sống kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, người sử dụng thẻ ATM còn đang bị cảnh ngân hàng cung cấp dịch vụ ATM đơn phương khống chế số lần và hạn mức rút tiền/giao dịch, cũng như chất lượng dịch vụ ATM còn nhiều điều đáng phàn nàn. Việc thu tiền nội mạng có thể khiến họ thiệt hại hơn do các ngân hàng tiếp tục hạ hạn mức rút tiền/giao dịch xuống để buộc chủ ATM phải thực hiện nhiều lần giao dịch hơn và do đó sẽ phải mất nhiều tiền phí giao dịch nội mạng hơn.
Đối với quản lý Nhà nước, việc phổ biến dùng ATM là trực tiếp góp phần giảm tải thanh toán qua tiền mặt trong xã hội, do đó giảm bớt các chi phí và hệ quả tiêu cực của tình trạng này, có lợi chung cho quản lý Nhà nước và văn minh toàn xã hội. Nếu thu phí giao dịch nội mạng ATM kéo theo hệ quả giảm sử dụng giao dịch ATM và tăng lượng tiền mặt kết đọng trong dân như phân tích ở trên, thì chắc chắn làm giảm và mất đi hiệu quả mục tiêu quan trọng nhất này.
Số tiền phí 1.000-3.000 đồng/lần rút tiền giao dịch nội mạng ATM có thể không lớn đối với nhiều người có nhu cầu thực sự dùng ATM và thu nhập cao, nhưng NHNN cần cân nhắc thời điểm, mức thu, các điều kiện, cũng như trách nhiệm xã hội của các bên có liên quan để bảo đảm sự hài hoà lợi ích quản lý Nhà nước, phát triển phương thức thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Theo 24h
Phí ATM nội mạng: "Đè" chủ thẻ ra thu Không chỉ phí rút tiền ngoại mạng, theo dự thảo thông tư quy định phí giao dịch ATM, chủ thẻ "gánh" thêm hàng loạt phí khác như phí rút tiền nội mạng (rút tại chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ), phí chuyển khoản... Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là...