21 ngày sống trong sợ hãi của người nghi nhiễm Ebola
21 ngày bị cách ly là 21 ngày sống trong sự lo âu và sợ hãi của những người bị cách ly vì Ebola. Không chỉ có vậy họ còn phải đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng.
Chiếc tủ lạnh trong căn hộ nhỏ của Youngor Jallah đã bị hỏng vào tuần trước, mùi thực phẩm thối rữa bắt đầu bốc lên. Tuy nhiên khi cô thông báo vấn đề này với ban quản lý căn hộ nơi cô đang ở, thì nhận được câu trả lời rằng họ sẽ phái thợ sửa chữa tới vào ngày thứ 2 tuần tới, thời điểm kết thúc 21 ngày cách ly với Jallah và 4 đứa con của cô, kể từ ngày bạn trai của mẹ cô, Thomas Eric Duncan phải nhập viện vì nhiễm Ebola.
Youngor Jallah và căn hộ nơi cô cùng gia đình bị cách ly tại Dallas, sau khi Thomas Eric Duncan phải nhập viện vì nhiễm Ebola
Sau thời gian cách ly, cơ quan chức năng cho biết Jallah, con gái của bà Louise Troh có thể ra ngoài, tới các cửa hàng nhưng tránh các nơi công cộng. Tuy nhiên cô sẽ phải đối mặt với sự lảng tránh của người dân tại bất cứ nơi nào cô đi qua.
Cô Jallah tâm sự: “Nếu như tôi tới cửa hàng và chào mọi người, có lẽ họ sẽ bỏ chạy. Họ nghĩ rằng tôi đã bị nhiễm Ebola. Cuộc sống của tôi giờ đây sẽ không còn trở lại bình thường như trước.”
Trong bối cảnh người dân Mỹ đang sống trong sự sợ hãi khi nạn nhân nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ Eric Duncan qua đời sau 8 ngày nhập viện và 2 nữ y tá tại Bệnh viện Presbyterian có kết quả dương tính với Ebola, số người cách ly do lo nhiễm Ebola ngày một tăng, một phần do chính phủ yêu cầu, một phần là tự nguyện.
Các quan chức tại bang Texas trong tuần qua cho biết gần 100 nhân viên y tế đã được yêu cầu ký cam kết không sử dụng giao thông công cộng, đi tới những nơi công cộng hoặc nhà hàng trong vòng 21 ngày, thời gian ủ bệnh tối đa của virus Ebola.
Khi thông tin một nữ y tá bị nhiễm bệnh đã thực hiện hành trình bay từ Dallas tới Cleveland và ngược lại, điều này đồng nghĩa với việc gần 300 hành khách cùng chuyến bay với cô và các thành viên phi hành đoàn có nguy cơ phải cách ly.
Tiến sĩ Howard Markel, giảng viên lịch sử tại Đại học Michigan, cho biết việc cách ly gợi người ta nhớ tới đại dịch tả, thương hàn và bệnh dịch hạch đã hoành hành trong lịch sử.
Ông nói: “Đại dịch Ebola đã mang chúng ta trở lại thế kỷ thứ 19. Thật khủng khiếp khi mọi thứ bị cô lập. Bạn không thể liên lạc với người khác. Bạn sợ hãi như thể có một quả bom hẹn giờ sinh học gắn trong người.”
Video đang HOT
Trong khi khu vực cách ly đang được thiết kế, thì những người bị cách ly phải đối mặt với nỗi sợ hãi, sự kỳ thị của cộng đồng, đôi khi họ bị đối xử một cách tàn ác.
Allen Mann, người đã ở 3 tuần tại Liberia, đã tự cách ly mình và gia đình ở Payson thuộc bang Arizona, Mỹ
Tại Payson thuộc bang Arizona, người dân địa phương đã vô cùng sợ hãi sau khi có tin đồn một nhà truyền giáo tại đây, ông Allen Mann đã tới Liberia, trung tâm của đại dịch Ebola và ở lại quốc gia này trong 3 tuần. Mặc dù ông Allen đã ly tự cách gia đình cùng 4 đứa con với người dân xung quanh, nhưng tin đồn ông có kết quả dương tính với virus Ebola đã khiến những người dân địa phương bị kích động, họ còn đòi đốt nhà của ông.
Tại Dallas, 4 người đã từng ở chung trong căn hộ với Duncan trong hành trình ngắn ngủi từ Liberia đã trở thành những đối tượng đầu tiên bị cách ly. Do căn hộ có thể đã bị nhiễm virus, họ đã được chuyển tới một nơi cư trú mới. Với bà Louise Troh, 54 tuổi, bạn gái của Duncan, đây là một giai đoạn khủng khiếp khi chứng kiến người bạn của mình phải ra đi trong sự cô lập. Khi linh mục George Mason tới và thông báo rằng ông Duncan đã qua đời, mọi thứ xung quanh bà sụp đổ. Cha Mason cho biết hiện chưa rõ bà Troh và cậu con trai 13 tuổi, Timothy sẽ ở đâu khi thời gian cách ly của họ sẽ kết thúc vào ngày thứ 2 tới. Thẩm phán Clay Jenkins tại hạt Dallas cho biết rất khó để tìm một chủ nhà sẵn sàng cho họ ở.
Còn với Byron Watter, 46 tuổi cùng người vợ của mình Tiffany Bramwell-Watters, 39 tuổi, mọi thử thách giờ đây mới bắt đầu. Khi cặp vợ chồng này nhìn thấy bức ảnh của nữ y tá Amber Joy Vinson, người thứ 3 nhiễm Ebola ở Mỹ trên TV, họ nhận ra rằng người vợ Bramwell-Watters đã ngồi cạnh nữ y tá này tại sân bay Cleveland trong suốt 2 giờ đồng hồ khi chuyến bay bị hoãn do thời tiết xấu.
Nơi hai vợ chồng làm việc đã yêu cầu họ ở nhà ít nhất trong 3 tuần và căn hộ của họ tại Dallas cũng bị đóng cửa trong thời gian này.
Axl Goode đã bỏ dở công việc trong 3 tuần để tự cách ly sau khi đi cùng chuyến bay với nữ y tá Amber Joy Vinson
Cũng giống như vậy, 2 trong số những hành khách trên chuyến bay của hãng Frontier Airlines mà nữ y tá Vinson đã có mặt là Taylor Cole và Axl Goode, họ đã nguyện tự cách ly mình trong căn hộ trong suốt 3 tuần tới, đối tượng mà họ được tiếp xúc duy nhất là nhân viên của sở y tế tới để kiểm tra các triệu chứng nghi nhiễm Ebola 2 lần một ngày. Goode cho biết, anh phải trải qua nỗi sợ hãi mỗi khi nhân viên y tá đo nhiệt độ, vì chỉ một chút bất thường trong cơ thể cũng có thể biến anh thành đối tượng bị lây nhiễm Ebola tiếp theo.
Theo Khampha
Hơn một nửa nước Mỹ đang "sống trong sợ hãi" vì Ebola
Trong một cuộc khảo sát gần đây, có đến 2/3 người Mỹ thừa nhận lo sợ trước dịch bệnh Ebola đã lây lan sang Hoa Kỳ khiến 2 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có một người gốc Việt.
Trong bài viết đăng trên CN, tác giả Mel Robbins "mỉa mai" chứng sợ hãi quá độ của nước Mỹ trước Ebola. Bà Robbins dẫn một khảo sát của tờ Washington Post và ABC News cho biết, 2/3 người Mỹ được khảo sát đang sống trong lo sợ dịch Ebola sẽ lan rộng tại nước này.
Theo đó, đa số người Mỹ ủng hộ việc giới hạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với người dân đến từ các nước Tây Phi. Mức độ lo lắng của người Mỹ theo khảo sát này ngang bằng nỗi sợ nhiễm cúm gia cầm vào năm 2006, và vượt qua dịch SARS hồi năm 2003.
Virus "sợ Ebola" đang lan truyền khắp nước Mỹ
Bà Robbins bình luận hội chứng sợ-Ebola như là một loại virus đang lan nhanh, "nó có thể truyền nhiễm thông qua trò chuyện, thâm nhập bộ não con người theo đường tai. Virus này nguy hiểm đến độ nó có thể phát tán chỉ bằng việc xem hình ảnh hoặc video về Ebola".
Bệnh nhân Ebola nhận được sự giúp đỡ của các nhân viên y tế trong khu cách ly ở Tây Phi.
Theo bà Robbins, sợ hãi Ebola là một căn bệnh nguy hiểm bởi nó khiến con người không thể suy nghĩ một cách logic, quyết định thiếu chính xác và ảo tưởng. Đó là lý do nhiều người Mỹ muốn cấm hoàn toàn việc người từ Tây Phi nhập cảnh vào Mỹ, hoặc ám ảnh bởi chuyện Ebola có thể qua không khí đều là nạn nhân của vi-rút này.
"Không riêng gì người dân, "vi rút" sợ-Ebola lây lan cả đến các cơ quan, tổ chức. Navarro College, một trường cao đẳng cộng đồng nhỏ, đã dương tính với "vi rút" này và ngưng tiếp nhận sinh viên đến từ những quốc gia có người nhiễm Ebola".
Mel Robbins cho biết Navarro College đã từ chối đơn xin học của sinh viên từ Nigeria, một quốc gia có dân số 174 triệu người so với 20 ca nhiễm Ebola được phát hiện. "Việc này được so sánh với một sự phân biệt chủng tộc sâu sắc".
Bà nhận định hội chứng sợ-Ebola ở cấp độ tổ chức là "đặc biệt nguy hiểm" bởi nó kéo theo sự phân biệt đối xử trên diện rộng. Robbins dẫn lời mẹ của bà: "nước Mỹ có một người chết vì Ebola, và chuyện đó mới kinh khủng làm sao.
Mel Robbins cũng kêu gọi người Mỹ thay vì "sống trong sợ hãi" về việc Ebola sẽ bùng phát ở đây, hãy "suy nghĩ trên phương diện toàn cầu", rằng "thế giới cần nước Mỹ giúp đỡ" và việc Ebola lan rộng tại các nước Tây Phi là do những bất ổn chính trị cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn (không như nước Mỹ).
Cuối cùng, Mel Robbins nhắc nhở mọi người, trong lúc đang ở Mỹ và tìm cách giúp đỡ châu Phi chống chọi với Ebola, "cẩn thận không thì "dính" cúm".
Ảnh hưởng đến cả châu lục
Amber Vinson, nhân viên y tế thứ hai ở Texas bị nhiễm vi rút Ebola sau y tá gốc Việt Nina Phạm.
Theo các chuyên gia, nỗi sợ hãi virus Ebola đang lan truyền trong xã hội Mỹ và cả phương Tây sẽ đem đến những tác động tiêu cực đến toàn bộ châu Phi. "Tôi thấy sự hoảng loạn và sợ hãi còn lây lan mạnh hơn bệnh dịch" - nhà kinh tế Carlos Lopes tới từ Guinea-Bissau, người đang lãnh đạo Hội đồng Kinh tế LHQ về châu Phi nhận xét.
Với việc một số chính trị gia Mỹ kêu gọi cách ly châu Phi, sau khi một du khách Liberia mang bệnh Ebola tới Mỹ, Lopes cùng các nhà kinh tế, chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp khác lo sợ khu vực Châu Phi Cận Sahara sẽ đối mặt với nạn "kỳ thị" liên quan tới Ebola.
Trước đợt bùng dịch, châu Phi là điểm đến đầu tư và du lịch sáng sủa. Khu vực này, với quy mô dân số hơn 1 tỷ người và giàu tài nguyên thiên nhiên, đã bắt đầu được xem như môi trường hứa hẹn để phát triển kinh tế. Quá khứ nghèo đói, nhiều xung đột đã bắt đầu lùi lại phía sau và tương lai sáng sủa hiện dần ra trước mắt. Tuy nhiên bệnh dịch Ebola đã đe dọa cản trở tiến trình này.
Phản ứng sợ hãi khiến du khách hủy vé máy bay, hủy kế hoạch du lịch ở Tây Phi - nơi là tâm dịch Ebola. Các doanh nhân cũng sẽ ngán ngại khi tới đây làm ăn. Hàng loạt quyết định đầu tư sẽ bị đảo ngược, các biên giới bị đóng cửa, hoạt động giao thương đình trệ. Những điều này sẽ nhân lên gấp bội thiệt hại kinh tế mà đại dịch Ebola gây ra.
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng ngoài việc gây thiệt hại lớn về kinh tế cho 3 quốc gia bùng dịch là Sierra Leone, Liberia và Guinea (2 nước sau được dự báo giảm nửa tăng trưởng GDP), khu vực Tây Phi có thể chịu thiệt hại kinh tế tới 32 tỷ USD vì Ebola. Thiệt hại sẽ tăng lên tới 40 tỷ USD nếu dịch bệnh lan sang Nigeria, Bờ Biển Ngà và Senegal.
Theo Đời sống pháp luật
Giải mã bí ẩn nữ y tá Tây Ban Nha bị nhiễm Ebola Nữ y tá Teresa Romero hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Madrid, trong bối cảnh các quan chức y tế Tây Ban Nha đang ráo riết điều tra nguyên nhân khiến cô bị lây nhiễm Ebola bất chấp những quy trình nghiêm ngặt trong khi chăm sóc bệnh nhân. Ngày 8/10, một bác sĩ đang điều trị cho nữ...