21 ngày cách ly:”Tôi mừng vì không mang mầm bệnh có hại cho cộng đồng”
Đây là chia sẻ của nhiều người trong số 30 công dân từ Vũ Hán trở về nước. Sức khỏe ổn định sau 21 ngày cách ly, họ giờ đây được đoàn tụ với gia đình.
21 chứ không phải 14 ngày cách ly
Chiều 2/3, TS Phạm Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng các y bác sĩ tại đây đã nhận những bó hoa cám ơn của 30 công dân Việt Nam đầu tiên trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
30 người, trong đó có một phụ nữ mang thai và 6 trẻ em, khi trở về Việt Nam đã được cách ly trong 21 ngày qua tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại thời điểm ra viện, tất cả đều có sức khỏe ổn định, không ho, không sốt và kết quả xét nghiệm đều âm tính với Covid-19.
TS Phạm Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Giải thích về 21 ngày cách ly, TS Phạm Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Theo quy định, chúng tôi chỉ cần cách ly 14 ngày nhưng đây là những trường hợp đầu tiên nên chúng tôi muốn theo dõi xem có diễn biến gì khác thường không. Đến thời điểm này họ đều ổn định, khỏe mạnh”.
Trước đó, sáng 10/2, chuyến bay đặc biệt của hãng Hàng không Vietnam Airlines đã đưa 30 công dân Việt Nam từ thành phố tâm dịch Covid-19 Vũ Hán về nước. Toàn bộ phi hành đoàn, các y bác sĩ theo đoàn hỗ trợ cũng được cách ly trong vòng 14 ngày.
Thai phụ 37 tuần chạy dịch Covid-19
Chị Nguyễn Thị Thanh (27 tuổi, Bắc Ninh) mang bầu ở tuần thứ 37 không khỏi lo lắng khi hai vợ chồng đang theo học Thạc sĩ ở tâm dịch Covid-19 Vũ Hán. Kể lại những ngày khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, chị Thanh cho biết, thời điểm đó là gần Tết, nên vợ chồng chị đã chuẩn bị tích trữ đồ ăn đầy đủ. Đến khi thành phố bị phong tỏa, hai vợ chồng chỉ biết đóng cửa ở nhà với sự hoang mang vì mọi thứ xung quanh đều bị ngưng trệ.
“Khi ở trong tâm dịch, ngày nào tổng đài bên Trung Quốc cũng nhắn tin hướng dẫn nên làm gì để phòng tránh dịch bệnh. Đại sứ quán Việt Nam cũng nắm bắt được tình hình và lập một nhóm riêng để kết nối mọi người, giúp đỡ chúng tôi nắm bắt được tình hình kịp thời nên chúng tôi bớt lo lắng. Vợ chồng tôi chỉ ở trong nhà và thực hiện các biện pháp như rửa tay, khử trùng, uống nước ấm…”, chị Thanh nói.
Video đang HOT
Đến khi có thông tin về chuyến bay đặc biệt trở về Việt Nam, vợ chồng chị cùng nhiều công dân Việt khác đều thở phào nhẹ nhõm. Điều đầu tiên nói về 21 ngày cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vợ chồng chị Thanh cùng gửi lời cám ơn tới các y bác sĩ đã chăm sóc và luôn động viên mình. Đang ở những tuần cuối ở thai kỳ, lại phải ở trong khu vực cách ly, chị Thanh vẫn khám thai như bình thường 1 lần/tuần, được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và được nằm phòng riêng biệt.
Thai phụ Nguyễn Thị Thanh luôn được các y bác sĩ ân cần hỏi thăm, động viên sức khỏe.
“Cuộc sống hằng ngày của em tại khu cách ly rất tốt. Ngày được xuất viện, tất cả đều muốn gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ. Cám ơn Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã hỗ trợ chúng tôi tất cả những gì tốt nhất để trở về nước an toàn”, vợ chồng chị Thanh xúc động nói.
Với bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Phương Thảo (25 tuổi, Tiền Giang), việc chăm con nhỏ mới 9 tháng tuổi trong khu cách ly không gặp bất cứ khó khăn nào.
“Điều kiện ở bệnh viện rất tốt và giống ở nhà vậy rất đầy đủ tiện nghi. Cháu có thể xem tivi, nằm máy lạnh… Cái gì cũng có hết. Hai mẹ con được bác sĩ thăm khám mỗi ngày 2 lần nên rất yên tâm”, chị Thảo nói.
Chồng chị Thảo là người Hàm Ninh, Hồ Bắc, Trung Quốc. Sang Trung Quốc khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát, gia đình chị cũng rất khó khăn để xoay sở: “Lúc đầu sang, tôi không hề biết có dịch bệnh. Sang được 3 ngày mới thấy mọi người bảo đang có dịch bệnh cúm. Lúc đó, tôi cũng chưa lo lắng gì vì nghĩ chỉ là dịch cúm bình thường. 5 ngày sau thì lệnh phong tỏa bắt đầu. Lúc đó mới thấy sợ”.
Trên chuyến bay trở về Việt Nam, cũng có lúc chị Thảo gặp nhiều khó khăn vì con nhỏ mới 9 tháng. Đến nay, khi cả hai mẹ con cùng những người khác đều bình an vô sự, tất cả đều rất vui mừng nhất là khi sẽ sớm đoàn tụ với gia đình.
Chị Thảo và cô con gái nhỏ chờ từng giây phút để đoàn tụ với gia đình.
Bác sĩ cần sự hợp tác của người cách ly
Ths.BS Trần Hải Ninh, Trưởng Khoa nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, một trong những bác sĩ chăm sóc, điều trị cho 30 công dân Việt từ Vũ Hán trở về cho biết, đây là khoảng thời gian khá căng thẳng với cả chính các bác sĩ: “Với những người cách ly, họ còn căng thẳng hơn khi vừa trở về từ vùng dịch Ngay từ khi ở Vũ Hán, họ đã rất lo lắng, sau đó, khi được đưa về BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, họ cũng buồn vì về đến Việt Nam mà không được gặp gia đình, gặp người thân. Nhiều trường hợp đã khóc nhiều trong quá trình thăm khám vì nhớ nhà.. Các buổi đi khám của chúng tôi chủ yếu chuyển sang điều trị tâm lý, để động viên họ, bởi nếu họ không hợp tác thì rất khó cho quá trình cách ly. Rất may, trong toàn bộ thời gian này, tất cả đều rất hợp tác với bệnh viện”.
Theo BS Ninh, trong đoàn 30 người có tới 6 trẻ em có độ tuổi từ 8 tháng-14 tuổi, trong đó đặc biệt 2 cháu dưới 1 tuổi. Trong 21 ngày cách ly, tình trạng lâm sàng của các bạn nhỏ và cả thai phụ Nguyễn Thị Thanh đều rất ổn định. Thai phụ vào cách ly ở 37 tuần, trong khi thời điểm chuyển dạ tự nhiên là từ 38-42 tuần, nên các bác sĩ đồng thời theo dõi sát các dấu hiệu chuyển dạ. Còn các bệnh nhân khác chỉ có những diễn biến rất nhẹ như ho khan, sổ mũi… và đều được theo dõi sát về mặt y tế và tiến hành điều trị chính quy.
“Biểu hiện viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh hiện nay. 4 bạn nhỏ khi cách ly đã có biểu hiện viêm đường hô hấp nên chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm PCR Corona 3 lần. Rất may mắn kết quả đều âm tính và chúng tôi chỉ cần áp dụng phác đồ điều trị chính quy về các bệnh lý viêm đường hô hấp giống như hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế”, BS Thanh rất vui khi kể lại.
BS Trần Hải Ninh chia sẻ những ngày đồng hành của 30 người công dân Việt từ Vũ Hán trở về.
Thầy Trần Đình Nhân, giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Huế gửi lời cám ơn tới các y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Trong ngày ra viện, thầy Trần Đình Nhân, giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Huế đã thay mặt cho tất cả đoàn cách ly gửi lời cám ơn tới các y bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Thầy Nhân cho biết, sau hơn 20 ngày cách ly tình hình sức khỏe của cả đoàn đều ổn chính vì vậy mọi người đều rất thoải mái.
“Dù bị cách ly và kiểm tra y tế, nhưng tâm lý của tất cả mọi người từ khi đặt chân về Việt Nam đều đã rất vui sướng và thoải mái. Thứ nhất, sức khỏe bản thân mình đã được bảo đảm và thứ 2, mình tin chắc là mình không còn mang mầm bệnh hay điều gì đó không tốt cho cộng đồng”, thầy Nhân vui mừng chia sẻ.
Hiện, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có khả năng tiếp nhận cách ly 1.000 trường hợp. Tất cả các tuyến ở khu vực phía Bắc, khi phát hiện người bệnh tại các khu cách ly có biểu hiện lâm sàng của bệnh đều chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, với khoảng 30-50 trường hợp được chuyển tới cách ly tại đây. Khi tiếp nhận, BV đều kiểm tra y tế và đến nay các ca đều âm tính với Covid-19./.
Theo VOV
Phân tuyến 9 bệnh viện đầu ngành tiếp nhận điều trị người bệnh nCoV
Các đơn vị khám chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nCoV trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 khu vực lưu: khu người bệnh nghi ngờ; khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu người bệnh trước khi xuất viện.
Ngày 29-11, trước diễn biến phức tạp và sự gia tăng nhanh chóng số người mắc dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV), Bộ Y tế đã có công văn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh thành và y tế các ngành yêu cầu sẵn sàng phân loại người bệnh khi người dân đến đăng ký khám chữa bệnh. Phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt...); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc bảo đảm tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên, liên tục; sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh theo phân tuyến điều trị: Khi có người bệnh nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương (tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh); Khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với nCoV sẽ chuyển người bệnh tới bệnh viện tuyến cuối theo phân tuyến điều trị. Cụ thể:
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh sẽ được chuyển đến: Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương.
- Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận người bệnh khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên).
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trường hợp hết cơ số giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc trực cấp cứu, phân loại bệnh nhân nghi ngờ mắc nCoV
Bộ Y tế cũng yêu cầu các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV và gửi mẫu bệnh phẩm tới: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc; Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực miền Trung và Viện Pasteur TPHCM đối với các tỉnh khu vực phía Nam.
Đặc biệt, các đơn vị khám chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc cách ly triệt để người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nCoV trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 khu vực lưu: khu người bệnh nghi ngờ; khu người bệnh đã được chẩn đoán xác định và khu người bệnh trước khi xuất viện. Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu thành lập Đội cơ động thường trực phòng chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV mới tại các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối để sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới theo lệnh điều động của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng phương án mở rộng khả năng thu dung người bệnh, huy động nguồn lực bệnh viện để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.
Các bệnh viện phải lập khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV
Chiều 29-1, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV đã lây lan ra tới 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 6.061 người mắc. Trong đó tại Trung Quốc ghi nhận 5.974 người mắc và 132 ca tử vong. 17 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại ghi nhận 87 người mắc và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Đối với Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định hiện cả nước mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp dương tính với nCoV (là người Trung Quốc nhập cảnh) được điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), trong đó 1 người đã khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe.
NGUYỄN QUỐC
Theo sggp
Nữ bệnh nhân Thái Bình trở về từ Vũ Hán âm tính với virus corona Gần 1 tuần điều trị cách ly sau khi trở về từ vùng dịch Vũ Hán với biểu hiện sốt, nữ bệnh nhân ở Thái Bình nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới (nCoV). Thông tin trên được ông Phạm Văn Dịu - Giám đốc Sở Y tế Thái Bình xác nhận với phóng viên VTC News tối...