2021 rồi, tại sao chúng ta vẫn cãi nhau về xăm hình?
Khi chúng ta mải mê cãi nhau về xăm hình nhiều hơn câu chuyện sân trường vắng lặng với một người giáo viên lặng lẽ đứng trên bục phát biểu trong ngày khai giảng, không ít người thấy chạnh lòng khi biết điều người trẻ thực sự quan tâm.
Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường năm nay, các bậc phụ huynh lẳng lặng đưa con từ giường ngủ, phòng bếp vào bàn học, ngồi ngay ngắn trước máy tính và chuẩn bị cho buổi khai giảng online. Sân trường Lương Thế Vinh sáng mùng 5/9/2021 cũng như mọi sân trường học khác tại Hà Nội, vắng lặng. Hình ảnh cô Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương đứng trên bục phát biểu trước một… khoảng trống gợi cho nhiều người cảm xúc khó tả, một hình ảnh vô tiền khoáng hậu. Nhưng trái với hình ảnh quạnh vắng, âm trầm ấy là một “đợt sóng” trên mạng xã hội với một cuộc tranh luận không ai ngờ tới.
Nếu bạn nhìn kỹ sau gáy cô Văn Thùy Dương sẽ thấy một hình xăm. Đó chính là khởi nguồn cho sự bùng nổ trên nhiều cộng đồng Facebook.
Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương và hình xăm gây tranh cãi trong bức ảnh tựu trường lịch sử
2021 rồi, tại sao chúng ta vẫn cãi nhau về xăm hình?
Tại sao phụ nữ xăm hình lại xấu?
Và tại sao giáo viên xăm hình lại khiến nhiều người khó chịu?
Lịch sử của các nước châu Á, châu Phi và trong đó có Việt Nam vốn đầy những câu chuyện liên quan tới văn hóa xăm hình. Đó là nghệ thuật, là biểu tượng, là cách thức người xưa giao tiếp hoặc truyền tải thông điệp tới thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trước làn sóng văn hóa phương Tây theo chân những người khai phá thuộc địa tới các nước châu Á, châu Phi, thực hành xăm hình – vốn không phổ biến ở các nước châu Âu, bị khoác lên mình những lớp nghĩa u tối, không phù hợp với cuộc sống hiện đại, tàn dư của sự lạc hậu. Từ đó, xăm hình dần dần không được đón nhận tích cực, gắn liền với những tiêu cực trong xã hội. Ngắn gọn, đó là cách xăm hình bị “tẩy trắng” theo chuẩn mực mới.
Video đang HOT
Phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ châu Á, luôn bị gắn với những tính cách như thụ động, rụt rè, phục tùng. Khi xăm hình trong thế giới mới gắn với sự nổi loạn, người ta coi việc một người phụ nữ xăm hình đi cùng với tinh thần phản kháng, đi ngược lại các giá trị truyền thông vốn được áp đặt lên nữ giới nhiều hơn nam giới. Nam giới xăm hình có thể được coi là mạnh mẽ nhưng nữ giới xăm hình sẽ là “loại phụ nữ đua đòi, hư hỏng.” Chắc chắn bạn sẽ không quên câu chuyện chiếc meme huyền thoại của cô gái trẻ xăm hình đi trên phố lồng đèn và nhận được cái bĩu môi của một người phụ nữ lớn tuổi cách đây vài năm. Để giải quyết vấn đề xăm hình, đặc biệt với phụ nữ, không chỉ cần sự chấp nhận của xã hội với hình xăm như một loại hình nghệ thuật hay biểu tượng, nó còn cần một cái nhìn mờ hơn, đúng đắn hơn về phụ nữ.
Vậy còn với những người nữ giáo viên? Họ phải chịu ba tầng định kiến với việc có một hình xăm: Là người xăm hình, là một phụ nữ xăm hình và là một giáo viên xăm hình.
Xã hội luôn có cái nhìn khắt khe với những nghề nghiệp mà họ cho rằng cần có đạo đức cao hơn các nghề khác, trong đó sẽ có nghề giáo viên hay bác sĩ. Dễ thấy khi giáo viên có bất cứ điều gì “lệch chuẩn” sẽ được đưa lên trên truyền thông. Tuy nhiên, liệu có vấn đề “đạo đức” nào ở đây với việc xăm hình và giáo viên xăm hình có vi phạm quy định đạo đức gì với nghề nghiệp.
Xăm hình thường khiến nhiều người, đặc biệt là thế hệ trước, liên tưởng đến những điều tiêu cực khi người ta thường thấy hình ảnh các băng nhóm tội phạm, những người nghiện ngập xuất hiện trong phim ảnh, sách báo với hình xăm. Giá trị của hình xăm nằm ở tính biểu tượng, có người sẽ lựa chọn những biểu tượng để truyền đi thông điệp tiêu cực nhưng ngược lại, có những biểu tượng mang các thông điệp tích cực. Một con dao trong tay đầu bếp sẽ khác với một con dao trong tay kẻ phạm tội và xăm hình cũng vậy, không ai có thể đánh giá một người xăm hình nếu không biết được câu chuyện đằng sau cuộc đời họ.
Việc đánh tráo khái niệm cũng được nhiều người sử dụng khi cho rằng, nếu giáo viên không làm gương thì không thể cấm học sinh không được xăm hình. Nhiều nhà trường có quy định về việc xăm hình của học sinh không phải vì cho rằng xăm hình là xấu mà đó là hành động cần có sự trưởng thành nhất định để đưa ra quyết định vì không dễ để xóa một hình xăm cũng như hình xăm thường mang tính biểu tượng cho cảm xúc hay suy nghĩ. Việc chọn một hình xăm sai đôi khi có thể ảnh hưởng tới quan điểm hay thông điệp được nội tâm hóa trong mỗi học sinh. Với những người giáo viên, họ đủ lớn và có khả năng chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân.
Tất nhiên, chấp nhận việc giáo viên xăm hình là điều bình thường không đồng nghĩa với việc đem nó ra thách thức với quan điểm của xã hội, đặc biệt là khi nhiều bậc phụ huynh của các thế hệ 7x, 8x vẫn chưa thực sự cởi mở với suy nghĩ trên. Một hình xăm sau gáy không dễ nhận ra, có thể che đi khi xõa tóc là một sự nhã nhặn hợp lý trong môi trường giáo dục, không phải vì họ nghĩ rằng xăm hình là không phù hợp hay sai trái mà bởi vì họ có sự tôn trọng dành cho phụ huynh, học sinh và những người đồng nghiệp.
Đổi lại, họ cũng mong sự tôn trọng, vì xăm hình không sai về mặt đạo đức, nhân cách hay văn hóa.
Nhìn về câu chuyện trên sẽ thấy hàng loạt những tiêu chuẩn kép đang áp đặt lên một người giáo viên xăm hình. Người trẻ mong đợi người lớn chấp nhận những hình xăm như một nghệ thuật, một biểu tượng, một nét cá tính nhưng chính những người trẻ lại đang chỉ trích giáo viên khi họ xăm hình. Họ mong muốn giáo viên phải “truyền thống, khuôn thước” nhưng vẫn thường xuyên yêu cầu giáo viên phải đổi mới, sáng tạo, cập nhật, hiểu người trẻ. Và nếu nói đến “truyền thống”, xăm hình là một nét truyền thống của người Việt cổ. Chúng ta nói với nhau không nên đánh giá người khác một cách dễ dàng qua vẻ bề ngoài nhưng sẵn sàng buông nhiều câu chỉ trích nặng nề chỉ vì một hình xăm nhỏ sau gáy.
Hình xăm hay rất nhiều đặc điểm khác trên cơ thể vẫn sẽ luôn là điều để người ta đánh giá khi mới nhìn một người khác, đặc biệt với những người đã có sẵn bộ tiêu chuẩn áp đặt lên họ. Tuy nhiên, nhìn một người với hình xăm sẽ cho bạn cơ hội loại bỏ “thiên kiến xác nhận” khi đánh giá nhanh chóng đối phương, thực hành khoan dung nhiều hơn. Đối diện với một hình xăm, có người sẽ chọn sự thấu hiểu, bắt đầu bằng câu hỏi tại sao họ có hình xăm đó hay hình xăm ấy có ý nghĩa gì. Nhưng với nhiều người, họ chọn kỳ thị và mạt sát, nhìn hình xăm như một biểu tượng của sự tiêu cực và tệ nạn. Việc bạn đánh giá một người xăm hình phần nào nói lên nhân cách của bạn, nhiều hơn nhân cách của người mang hình xăm.
Trong ngày lễ khai giảng, câu chuyện một hình xăm sau gáy cô Văn Thùy Dương trở thành tâm điểm để cộng đồng mạng bàn tán xôn xao dường như cũng khiến nhiều người phiền lòng. Chúng ta đang đi qua những ngày tháng lịch sử của giáo dục với rất nhiều thay đổi, dù chỉ là tạm thời nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai: Học sinh Hà Nội khai giảng online, học sinh lớp 1 nhiều nơi đang phải học trực tuyến, việc xét tuyển đại học, trung học cũng có nhiều thay đổi phù hợp… Giữa tất cả những điều quan trọng ấy, hình xăm nổi lên như một tâm điểm.
2021 rồi, đừng cãi nhau về một hình xăm. Thay vào đó, bạn có thể chọn nhìn sâu vào lịch sử văn hóa “đánh lừa Thuồng Luồng xăm mình xăm mặt” (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm), nhìn sâu vào lịch sử triết học đạo đức, mở rộng ra những chuẩn mực và định kiến về xăm hình hay về phụ nữ hay đơn giản học cách tôn trọng mọi người nhiều hơn. Điều đó, chắc sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn rất nhiều.
Design: Kim Trang
Bức ảnh ngày khai giảng lịch sử của cô Phó hiệu trưởng Văn Thùy Dương bất ngờ gây tranh cãi khi để lộ hình xăm phía sau cổ
Một bức ảnh có thể phản ánh đầy đủ một mùa khai giảng năm học mới đặc biệt trong sự bủa vây của dịch bệnh nhưng cái được cộng đồng mạng chú ý là hình xăm của cô giáo.
Mới đây, cộng đồng mạng truyền tay nhau bức ảnh lễ khai giảng năm học mới đặc biệt trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng. Bức ảnh của cô phó hiệu trưởng Văn Thùy Dương - Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã phản ánh đầy đủ, sống động nhất buổi lễ khai giảng đặc biệt này.
Ảnh: Cô Văn Thùy Dương.
Tuy nhiên ở một diễn biến khác, ngay bên dưới phần bình luận của bức ảnh này trên một trang group Facebook bất ngờ xuất hiện hàng trăm ý kiến trái chiều về "hình xăm đằng sau cổ của cô hiệu trưởng".
Về nguyên do vì sao lại xảy ra cuộc tranh cãi có lẽ đa số chúng ta ai cũng có thể tự ngầm hiểu... Bởi trong quan niệm của nhiều người, việc xăm hình hay ai đó sở hữu hình xăm là phản ánh của những điều không tốt. Đặc biệt hơn "đây còn là cô hiệu trưởng" nên chủ đề này lại càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả khi bức hình được tung ra với hai "thái cực" - "xăm hình chả nói lên con người ai cả" và "cô giáo xăm thế này làm sao cấm được học sinh?".
Tuy nhiên đại đa số người cho rằng hình xăm của cô Văn Thùy Dương là quá bé, nó cũng đã được xăm ở một nơi mà bình thường sẽ khó ai nhìn thấy, không làm ảnh hưởng gì đến việc công tác. "Lần này chỉ là hy hữu ngay lúc có người chụp lại lúc cô cúi đầu xuống nên mới để lộ hình xăm này".
Nhiều cư dân mạng cho rằng việc xăm hình là bình thường, hình xăm không nói lên đạo đức một con người.
Hiện vụ việc vẫn còn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Còn bạn thì sao?
Học sinh và phụ huynh nói gì về "hình xăm gây tranh cãi" của cô Phó Hiệu trưởng trong bức hình khai giảng lịch sử? Khoảnh khắc cô Phó Hiệu trưởng phát biểu một mình giữa sân trường vắng đã gây xúc động mạnh trên MXH. Trong ngày khai giảng hôm nay 5/9, hình ảnh cô Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (cô Văn Thùy Dương) đứng phát biểu giữa sân trường không một bóng người đã gây xúc động mạnh. Hình ảnh nữ giáo viên nghiêm...