2019 rồi các cô gái nên học tập hình mẫu phụ nữ như “hai phượng” đi thôi!
Không nói đến tình mẫu tử thiêng liêng, vai nữ chính Hai Phượng trong bộ phim hành động cùng tên vừa ra rạp cách đấy ít ngày còn cho thấy hình mẫu phụ nữ với những tính cách điển hình mà các cô gái nên học tập trong năm 2019 này.
Tạm bỏ qua việc Hai Phượng hiện đang là bộ phim có doanh thu lớn nhất thị trường phim Việt vào tháng 2/2019 hay những màn đánh đấm như phim hành động Hollywood, nữ chính Hai Phượng trong phim đích thị là hình mẫu mà phái đẹp nên học tập.
Tự lập
Trong phim Hai Phượng từng là giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn nhưng chẳng may lỡ “dính bầu” phải chạy về Cần Thơ hành nghề đòi nợ mướn nuôi con gái. Từ lúc lang bạt ở đô thị hoa lệ đến khi “chôn chân” ở vùng đất Tây Đô, Hai Phượng tự kiếm tiền, tự làm tất cả mọi việc mà không cần nhờ cậy đến bất kỳ một ai khác.
Hai Phượng là hình mẫu phụ nữ tự lập. (Ảnh: TCBC)
Phụ nữ hiện đại nên học cách tự lập như Hai Phượng thì hơn dù rằng có được gọi hoa mỹ là một nửa dịu dàng của thế giới đi chăng nữa. Cánh đàn ông tỏ ra nâng niu, chiều chuộng thì cũng chẳng thể suốt ngày ở cận kề làm chân sai vặt cho phái đẹp được. Thế nên, những gì có thể tự làm được hãy tập làm mà không cần nhờ cậy đến bất kỳ sự trợ giúp nào từ ai đó khác. Không cần phải tỏ ra quá mạnh mẽ trong mọi trường hợp dễ khiến cánh mày râu e dè không dám tiếp cận nhưng hãy cứ tự làm những thứ mà bản thân có thể.
Biết nấu ăn
Hai Phượng trong phim sẵn sàng chạy ngay ra chợ tìm mua nguyên liệu nấu món ăn con gái thích. Dù là tuýp người không thạo việc nấu nướng thế nhưng vì tình yêu con vô bờ bến mà cô vẫn quyết tâm vào bếp làm cho bằng được. Có thể món ăn mà Hai Phượng tự tay chế biến không được ngon nhưng chỉ tính riêng việc bất chấp vào bếp, tự khắc phục điểm chưa hoàn hảo đã là một điều đáng khen ngợi.
Vụng về vẫn tập nấu nướng vì con gái là một khía cạnh khác của người mẹ giang hồ trong Hai Phượng. (Ảnh: TCBC)
Có thể, thời đại nam nữ bình quyền phái yếu không nhất thiết phải vào bếp cặm cụi như trước. Đồng thời phái mạnh được khuyến khích nên thử trải nghiệm bếp núc để đỡ đần người yêu/ người bạn đời. Dẫu thế thì người phụ nữ cũng nên học cách nấu nướng để vừa có thể tiết kiệm được khoản chi phí lại vừa nắm giữ được trái tim của nửa kia. Chưa kể, tự tay chế biến món ăn còn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hình ảnh người phụ nữ vào bếp thời đại nào cũng thế, đấy luôn được ngợi ca là hình ảnh đẹp nhất của phái yếu bên cạnh việc làm thiên chức thiêng liêng. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là để nói thế. Muốn xây tổ ấm trước nhất, phụ nữ phải biết nấu ăn dù rằng có vụng về, có hậu đậu đến mấy.
Video đang HOT
Biết đi xe máy
Khung cảnh rượt đuổi giữa Hai Phượng và nhóm bắt cóc con gái cô diễn ra khốc liệt đủ để khán giả nhận định người phụ nữ giang hồ này có biệt tài chạy bộ, đi xe máy, khinh công,… các thứ. Phân đoạn lái xe máy với tốc độ kinh hoàng, lạng lách siêu ngầu trong phim chứng tỏ Hai Phượng hẳn phải là một “quái xế” đích thực.
Từ Hai Phượng, ngẫm về phái đẹp hiện đại lại thấy rằng các bạn nữ nên học cách đi xe máy thuần thục. Dĩ nhiên, ngoài đời thì khó có thể “đánh võng” như Hai Phượng đã làm trong lúc cấp bách rồi. Chạy được xe máy đồng nghĩa với việc phụ nữ dễ dàng tự chủ được thời gian, nơi chốn muốn đến mà không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai hay bất kỳ phương tiện công cộng nào.
Hai Phượng có màn rượt đuổi kịch tính trên phim bằng xe máy. (Ảnh: TCBC)
Con gái nên tập đi xe máy! (Ảnh: TCBC)
Thay vì chờ người đưa kẻ đón hay phải chọn phương tiện công cộng mỏi mòn, phụ nữ biết chạy xe máy sẽ dễ thở hơn và tự chủ được trong nhiều hoàn cảnh, nhất là tiết kiệm được một khoản kha khá để dành dùng vào việc khác.
Bộ phim xoay quanh hành trình giải cứu bé Mai của Hai Phượng được gói gọn trong 14 tiếng đồng hồ nên hầu hết trong suốt thời gian công chiếu, khán giả chỉ nhìn thấy người phụ nữ giang hồ này chỉ mặc tiết kiệm mỗi một bộ đồ. Nhưng chẳng ai có thể chê bai Hai Phượng nghèo khó hay thiếu chỉn chu vì nhiều lẽ. Việc cứu con gái khỏi sào huyệt là cấp bách, hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo bà ba được nhấn mạnh. Thế nên sự tiết kiệm của Hai Phượng bỗng được tuyên dương hết mực.
Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu! (Ảnh: TCBC)
Phụ nữ ngày nay tự lập tự chủ về tài chính hoàn toàn có đủ khả năng sắm sửa quần áo, phụ kiện, đồ dùng, … ti tỉ thứ để xây dựng hình ảnh. Tất nhiên những thứ vừa liệt kê trên ngốn một khoản không nhỏ ngân sách của phái đẹp. Thậm chí, nhiều bạn gái còn có thói quen mua những thứ không mấy cần thiết. Thế nên, học tập Hai Phượng, cánh chị em chúng mình nên áp dụng quốc sách tiết kiệm, chỉ mua sắm những món vật dụng thiết thực để tránh mua về vứt xó nhé!
Biết vài chiêu thức tự vệ
Điều mà ai nấy bước ra khỏi rạp đều phải công nhận chính là khả năng đánh nhau với kẻ xấu thượng thừa của Hai Phượng. Vốn là người phụ nữ đòi nợ mướn, Hai Phượng tất nhiên võ công cao cường. Cũng chính nhờ tài nghệ này mà cô đã giải cứu được con gái bé bỏng khỏi nhóm người gian ác.
Hai Phượng võ công cao cường đánh kẻ xấu nằm la liệt. (Ảnh: TCBC)
Phụ nữ hiện đại không nhất thiết giỏi võ xuất sắc chỉ là cần học vài chiêu thức phòng thân. Những kỹ năng tự vệ là điều cánh chị em gái nhất thiết phải nắm để tránh được “yêu râu xanh” xuất hiện ngày càng nhiều. Những lớp học võ hay kỹ năng mềm chính là thứ mà chị em nên tham khảo. Chẳng cần phải bảo vệ người thân như Hai Phượng trong phim, phụ nữ chỉ cần biết võ phòng thân đã là rất giỏi rồi.
Bộ phim hành động Hai Phượng ra rạp không lâu đã gây sốt vì quá nhiều câu chuyện xoay quanh, nhất là về hình ảnh người phụ nữ Việt thời hiện đại. Không còn là những người yếu đuối, chỉ biết khóc lóc van xin mà người phụ nữ Việt trên màn ảnh lẫn ngoài đời thực đều có những điểm tương đồng đáng tôn vinh, ca ngợi và cần được phát huy hơn nữa. Tính tự lập, biết cách tự vệ hay biết nấu nướng, … chính là những yếu tố cần có nơi người phụ nữ thời hiện đại mà Hai Phượng đã khơi gợi cho phái đẹp sau khi thưởng thức trọn vẹn “bom tấn” hành động này.
Theo bestie.vn
Cô giáo gần 20 năm mang trong mình căn bệnh HIV
Đã 13 năm kể từ ngày những người thân yêu nhất cuộc đời cô giáo Hoàn ra đi vì căn bệnh HIV, chưa một thời khắc nào cô nguôi thương nhớ họ.
Những ngày này cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (giáo viên dạy văn trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn cần mẫn trên giảng đường. Bài giảng chính là nguồn cảm hứng để cô khỏa lấp nỗi buồn của một người mang căn bệnh HIV.
Năm 2001, với cô giáo Hoàn, là năm có rất nhiều dốc mốc vui có, buồn có... mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí cô. Đầu năm, cô Hoàn xây dựng gia đình, cuối năm thiên thần nhỏ của hai người chào đời. Đây cũng là thời khắc cô bị nghi nhiễm HIV. Dù vẫn giữ cho mình niềm tin nhưng cũng có lúc, cô hoài nghi vào số phận. Hạnh phúc không trọn vẹn, vài tháng sau, cô đưa con vào bệnh viện khám bệnh, như có tiếng sét đánh ngang tai khi cô cầm "bản án tử hình" trên tay. Khi đó, cô mới bước sang tuổi 25, tuổi đời còn quá trẻ. Đau lòng hơn, cô bị phơi nhiễm HIV từ chính người chồng đầu ấp tay kề.
Gần 20 năm lặng lẽ trôi qua, căn bệnh HIV đã cướp đi của cô chồng con và cả người em trai chỉ trong thời gian ngắn. Cô Hoàn nhẩm tính, cũng đã 13 năm kể từ ngày những người thân yêu nhất cuộc đời cô ra đi. 13 năm ấy, chưa một thời khắc nào cô nguôi thương nhớ họ.
Mang trong mình án tử của căn bệnh HIV nhưng cô giáo Hoàn vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
"Tôi có một chút giận, một chút trách số phận nhưng chưa bao giờ tôi oán trách hay hận thù, nhiều khi còn là sự cảm thông, xót xa. Họ, những người thân của tôi khi tâm sinh lí chưa ổn định, nhân cách chưa hình thành rõ rệt đã không chống lại ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, trở thành nạn nhân của ma túy, HIV", cô giáo Hoàn tâm sự.
Nói rồi cô nhớ lại khoảng thời gian đầu khi đón nhận thông tin mình bị căn bệnh thế kỷ. Không chỉ là sự đau đớn từ tâm can, cô Hoàn còn phải đối diện với sự kỳ thị của xã hội. Nhưng với cô, đó là lẽ tất nhiên của cuộc sống. Gần 20 năm trước, thời điểm dân trí chưa cao, thông tin về HIV còn hạn chế, việc phải đối mặt với kỳ thị là không tránh khỏi.
"Tôi thấy mình là người may mắn hơn rất nhiều người khác bị HIV vì tôi làm việc trong môi trường có tính nhân văn cao. Dần dần tôi nhận ra, giá trị sống của mình ở đâu, mình sống vì cái gì. Tôi tập thói quen bỏ ngoài tai những búa rìu dư luận, không để mình bị tác động bởi những ánh mắt kì thị, tìm những việc tích cực để làm. Những rào cản trong tôi cũng đã không còn. Nếu cứ mãi ôm trong mình suy nghĩ tiêu cực, có lẽ chính tôi sẽ giết tôi trước. Cũng có lúc bất chợt cô nghĩ, nếu mình không bị căn bệnh này, biết đâu mình cũng mang tâm lý kỳ thị người nhiễm. Chính vì thế, tôi biết mình cần có sự cảm thông", cô trải lòng.
Dù quãng thời gian được làm mẹ không dài nhưng cũng đủ để cô giáo Hoàn cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Giờ đây, mỗi khi gặp những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh HIV, cô lại như gặp hình ảnh con mình ở đó.
Giờ đây, mỗi khi gặp những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh HIV, cô lại như gặp hình ảnh con mình ở đó.
"Các con, có những con vẫn còn hồn nhiên, suy nghĩ non nớt, trong trẻo, chưa hiểu HIV là gì, nguy cơ ra sao, thậm chí tương lai mình tới đâu các con cũng không hình dung được. Có những con lớn hơn đi học nhưng cũng vấp phải sự phân biệt đối xử. Bấy nhiêu số phận cũng đủ làm tôi khóc rất nhiều. Để những đứa trẻ bị HIV học ở trường công lập, thầy cô không khéo, không sẵn sàng cảm thông, các con dễ trầm cảm, dễ bị đẩy ra thế giới riêng, bị ảnh hưởng tâm sinh lý vì các con đang ở tuổi nhạy cảm. Thương các con nhưng nhiều khi tôi cũng thấy mình bất lực, chỉ biết động viên các con", người phụ nữ đang trò chuyện bất chợt mím chặt môi, cô im lặng rồi cúi đầu.
Sau phút im lặng ấy, cô nhớ lại những ngày đầu khi xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cô đón nhận rất nhiều sự ngạc nhiên của mọi người. Lúc ấy, cô chỉ mỉm cười. Với người phụ nữ này, HIV là bệnh nguy hiểm tính mạng, lấy đi của người ta nhiều cơ hội nhưng cô lúc nào cũng gạt bỏ tâm lý e ngại, sẵn sàng chia sẻ.
Khi nhận lời tham gia các chương trình truyền thông, truyền hình, cô luôn nghĩ việc mình nói để mọi người lắng nghe cũng là cách giúp mình gần hơn với mọi người. Đó không chỉ giúp cho mình mà còn là giúp cho những người bị HIV có cơ hội được xã hội cảm thông và nhìn nhận đúng đắn.
Qua những lần xuất hiện đó, cô giáo này cũng muốn tạo ra hiệu ứng xã hội tốt để những người nhiễm HIV không bị phân biệt đối xử, họ có đủ dũng khí, dám bước ra ánh sáng, để họ mạnh dạn lên tiếng và thừa nhận "tôi nhiễm HIV". Bởi lẽ, giấu bệnh cũng tiềm ẩn nguy cơ làm HIV gia tăng. Việc công khai ấy cũng giúp thuận lợi hơn cho việc chăm sóc điều trị những ca nhiễm trong cộng đồng.
Khi được hỏi về ước mơ một mái ấm riêng, cô Hoàn mỉm cười: "Tôi cũng là phụ nữ, cũng từng nghĩ tới điều đó nhưng tất cả là duyên phận".
Cô vẫn lên lớp, vẫn miệt mài trên giảng đường. Câu chuyện về cuộc đời mình vẫn được cô kể cho học trò nghe. Với cô giáo Hoàn, đó cũng là cách xây dựng kỹ năng sống cho các em học sinh, đặc biệt các em học sinh THPT.
Theo docbao.vn