2016 – Năm thích “tố nhau” nhất của điện ảnh Việt
Cùng điểm lại những vụ ồn ào của phim Việt đã “đánh chiếm” mặt báo suốt thời gian qua, từ chuyện phim này tố phim kia, diễn viên “kể xấu” nhà sản xuất, đến cả “đại chiến” giữa các hệ thống rạp.
Bệnh Viện Ma gây chú ý với chuyện Trấn Thành – Hari Won
Dự án Bệnh Viện Ma dự định ra rạp vào đầu tháng 3, nhưng cuối cùng nhà sản xuất chỉnh sửa lại và phát hành vào đầu tháng 4. Phim gây ồn ào dư luận với chuyện “phim giả tình thật” của Trấn Thành – Hari Won, trong đó nam diễn viên/MC được cho là người thứ ba chia rẽ mối tình chín năm của Hari và Tiến Đạt. Có người cho rằng đây chỉ là chiêu trò để PR cho phim.
Mặc dù vậy, diễn xuất của cặp đôi chính trong Bệnh Viện Ma còn nhiều gượng gạo, chưa thể hiện rõ tình cảm của hai nhân vật. Chuyện tình của hai diễn viên ngoài đời có hậu hơn vai diễn của họ. Sau một năm yêu nhau, tối ngày 25/12, Trấn Thành và Hari Won đã có một đám cưới lãng mạn trong không khí cổ tích.
Mặt Nạ Máu
Mặt Nạ Máu lẽ ra gây chú ý nhất nhờ Hoài Linh, nhưng ngay sau khi phim công chiếu, Tinna Tình khiến khán giả “hết hồn” khi nhảy ra chiếm hết ánh đèn sân khấu. Cô là tác giả tiểu thuyết gốc và đóng một vai trong phim, nhưng thẳng thừng chê bai phim của mình là “thảm họa”. Theo Tinna Tình, cô bị một bạn diễn chơi xấu, gây áp lực với nhà sản xuất để cắt bớt vai của cô đến 70% thời lượng. Người được nhắc đến là Dương Cẩm Lynh – người đẹp bị đồn đoán có tình cảm với nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa. Chưa dừng lại, Tinna Tình còn lên báo tố cô bị đe dọa… móc mắt.
Trước hàng loạt phát ngôn “vạch áo cho người xem lưng” của Tinna Tình, nhà sản xuất đã chính thức gởi thông cáo báo chí khẳng định cô nói sai sự thật. Chính đạo diễn Đỗ Thành An cũng lên tiếng, khẳng định Tinna Tình chỉ bị cắt 10% phân cảnh.
Cuộc chiến của CGV và các nhà phát hành
Hồi tháng 5, đại diện của tám nhà sản xuất, phát hành Việt cùng gửi thư đến Hội Điện ảnh Việt Nam khiếu nại hệ thống rạp CGV chèn ép tỉ lệ ăn chia phòng vé và hình thức chiếu phim rạp. Hiện tại, doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm đến 40% thị phần rạp chiếu Việt Nam. Mâu thuẫn giữa họ và các nhà phát hành nội địa đã tồn tại trong nhiều năm qua, nhưng bùng phát trong năm nay.
Theo đó, phim Việt do CGV phát hành tại rạp khác có tỉ lệ ăn chia 55/45 (CGV hưởng 55%), trong khi phim của các nơi khác chỉ hưởng 45% khi chiếu tại CGV. Ngoài ra, đơn khiếu nại cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài nhiều hơn, khiến phim Việt rơi vào nguy cơ chiếu ở các rạp ít khán giả. Theo tám đơn vị, đây là bất bình đẳng và có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
Tấm Cám trở thành tâm điểm cuộc chiến giữa CGV và BHD
Với đề tài thu hút, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể được dư luận cực kỳ quan tâm từ khi bắt đầu sản xuất. Tác phẩm được BHD phát hành vào ngày 19/8, nhưng lại vắng bóng tại hệ thống CGV do không đạt được thỏa thuận. Hàng loạt các thông tin chính thức và đồn đoán xuất hiện tràn ngập trên báo chí và các mạng xã hội.
Đỉnh điểm là vào ngày 17/8, Ngô Thanh Vân đã bật khóc tại buổi ra mắt và nói đây là tin buồn cho nỗ lực của những người làm phim nội địa. Tuy nhiên, phía CGV ngay lập tức đáp trả, bác bỏ tin đồn chèn ép phim Việt. Đơn vị Hàn Quốc đưa ra dẫn chứng là đến thời điểm đó của năm 2016, chính họ đã phát hành đến tám phim Việt.
Video đang HOT
Dư luận chia làm hai phe, phía ủng hộ Ngô Thanh Vân cho rằng CGV chèn ép phim Việt, nhưng cũng có người bảo đây chỉ là chiêu trò của đoàn Tấm Cám để quảng bá phim. Khi ra mắt, Tấm Cám tiếp tục gây tranh cãi về chất lượng. Phim lôi cuốn nhờ kỹ xảo đẹp mắt và diễn xuất của Isaac, song câu chuyện còn lủng củng, thiếu sót. Dù sao, doanh thu gần 70 tỷ (dù không chiếu ở CGV – đơn vị chiếm 40% thị trường) vẫn là thành công của ê-kíp Ngô Thanh Vân.
Găng Tay Đỏ
Găng Tay Đỏ có sự tham gia của Ninh Dương Lan Ngọc nhưng không gây ấn tượng, trừ vài pha hành động đơn lẻ. Ra mắt dịp Quốc khánh, tác phẩm bị phim Nắng áp đảo hoàn toàn về doanh thu. Hệ thống CGV tiếp tục dính “tiếng xấu” khi bị nhà sản xuất Găng Tay Đỏ trách xếp lịch chiếu không thuận lợi khiến phim thất thu. Cuối cùng, đơn vị sản xuất bán phim cho bên thứ ba và yêu cầu CGV ngừng chiếu phim của họ. Mặc dù vậy, sự việc không thu hút truyền thông như Tấm Cám do Găng Tay Đỏ chỉ là tác phẩm ở mức trung bình.
Nhà sản xuất Tik Tak Anh Yêu Em tố diễn viên thiếu chuyên nghiệp
Tik Tak Anh Yêu Em là tác phẩm hài – tình cảm Việt Nam ra mắt vào cuối tháng 7. Giữ vai trò sản xuất là Dung Bình Dương, nữ doanh nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đồng thời phát triển công ty phim ảnh Midicom JSC. Phim không thành công ở phòng vé như mong đợi. Trong tiệc tổng kết phim, bà Dung Bình Dương chỉ đích danh hai diễn viên chính Lương Thế Thành và Tú Vi bỏ mặc phim. Theo nữ doanh nhân, cả hai không tham gia các sự kiện quảng bá và cũng không giới thiệu phim trên mạng xã hội. Lương Thế Thành và Tú Vi chỉ phản ứng nhẹ nhàng với sự việc.
Nghi án “đạo nhái” của hai phim về vệ sĩ
Vào cuối năm, làng phim Việt lại dậy sóng với nghi án “trùng ý tưởng” của hai phim Vệ Sĩ, Tiểu Thư Và Thằng Khờ (có Angela Phương Trinh, Mạc Hồng Quân, Bằng Kiều) và Vệ Sĩ Sài Gòn (có Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu).
Theo nhà sản xuất Vệ Sĩ, Tiểu Thư Và Thằng Khờ, họ từng gửi kịch bản cho Thái Hòa, Kim Lý và Chi Pu nhưng ba diễn viên đều từ chối. Sau đó, cả ba lại tham gia Vệ Sĩ Sài Gòn, phát hành sau phim kia chỉ hai tuần và hai trailer cũng có điểm tương đồng. Phía Vệ Sĩ, Tiểu Thư Và Thằng Khờ thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng khởi kiện nếu phát hiện dấu hiệu đạo nhái.
Mặc dù vậy, khi ra mắt khán giả đều thấy rõ hai phim khác hẳn nhau, ngoài điểm chung là đề tài vệ sĩ. Vụ rùm beng có phần thổi phồng này gây liên tưởng đến trường hợp của phim Mất Xác và Scandal 2 hồi năm 2014.
Theo Trithuctre
"Tấm Cám" thu về hàng chục tỷ - tưởng vô lý nhưng có lý vô cùng!
Doanh thu khủng của "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" là thành quả của chiến lược quảng bá và chất lượng thật sự của phim.
Bỏ lại sau lưng những tranh cãi, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể thu về gần 22 tỷ sau ba ngày đầu tiên. Dù con số này do nhà sản xuất công bố và bị nhiều người hoài nghi, nó hoàn toàn có thể là sự thật. Còn nhớ trong mùa Tết năm nay, Deadpool đã thu về đến 40 tỷ chỉ sau ba ngày công chiếu. Như vậy, Tấm Cám có doanh thu bằng 55% của Deadpool, phù hợp với tỉ lệ số rạp bị mất là 40% (do không có CGV).
Ngô Thanh Vân cũng khóc nhưng cô tự giải quyết được vấn đề mà không cần chờ Bụt cứu
Bom tấn của Hollywood có ưu thế ra mắt vào dịp Tết, nhưng phải cạnh tranh với Mỹ Nhân Ngư, Tây Du Ký và vài phim Việt khác. Trong khi đó, Tấm Cám gần như chỉ phải so kè với bộ phim Hàn Quốc Train to Busan. Ngoài ra, sức phổ biến của Tấm Cám có thể còn vượt hơn Deadpool hay Fast & Furious khi nhiều khán giả lớn tuổi cũng biết đến phim. Các yếu tố này bù trừ cho nhau nên việc Tấm Cám có doanh thu bằng 55% Deadpool cũng khá hợp lý.
Nếu thành tích mở màn phụ thuộc nhiều vào khả năng PR và độ mạnh thương hiệu, thì từ đó trở đi, hiệu ứng truyền miệng sẽ quyết định doanh thu. Một điểm nữa phải nhắc đến là review trên báo chí thời nay thật ra... chẳng mấy khi tác động được đến tâm lý người xem. Những bộ phim bị nhiều báo "dập" tơi tả như Tèo Em, Tía Tui Là Cao Thủ vẫn ung dung hốt bạc ngoài rạp. Với sự phát triển của mạng xã hội, khán giả tin nhận định của người quen, của các hot facebooker nhiều hơn là báo chí.
Isaac và Hạ Vi trong một cảnh quay
Sau ba ngày ra mắt với 22 tỷ, Tấm Cám tiếp tục thu 11 tỷ trong ba ngày đầu tuần, nâng doanh thu lên 33 tỷ. Con số này tạm thời có thể chứng tỏ sức trụ rạp của tác phẩm do Ngô Thanh Vân đạo diễn. Cuối tuần này, Tấm Cám được dự đoán sẽ cán mốc 50 tỷ và sau đó sẽ nhanh chóng trở thành phim Việt ăn khách nhất năm 2016. Tất nhiên, tác phẩm khó có thể chinh phục được kỷ lục 102 tỷ của Em Là Bà Nội Của Anh, nhưng chắc chắn doanh thu cuối cùng sẽ rất đáng nể.
Trước hết phải khẳng định, dù chất lượng còn bàn cãi nhưng Tấm Cám là một phim "có tâm" của điện ảnh Việt với quá trình đầu tư chỉn chu. Tác phẩm có thời gian quay và hậu kì lên đến 18 tháng so với nhiều phim Việt khác chỉ khoảng nửa năm. Ngoài ra, đề tài cổ trang/giả tưởng cũng thể hiện tham vọng lớn của ê-kíp BHD. Nếu muốn hốt bạc nhanh, với 20 tỷ họ có thể thực hiện vài phim hài chứ không việc gì phải "đâm đầu" vào lĩnh vực mà trước đó Lửa Phật hay Thiên Mệnh Anh Hùng đã "ngắc ngoải".
Bên cạnh đó, Tấm Cám là phim có chiến dịch quảng bá bài bản nhất trong vài năm gần đây và có lẽ chỉ đứng sau Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh về độ lan truyền chính thống. Các bộ ảnh poster và trailer được thực hiện công phu, cộng thêm hoạt động tích cực trên mạng xã hội đã khiến nhiều người biết đến phim từ rất lâu trước ngày công chiếu. Ngoài ra, vụ lùm xùm với cụm rạp CGV cũng khiến phim "nổi tiếng" hơn, dù đây có lẽ là sự cố không ai mong muốn. "Ngô Thanh Vân khóc" có lẽ là từ khóa hot nhất trong vài ngày trước khi phim công chiếu.
Tấm Cám gây sốt từ trailer
Mặc dù vậy, yếu tố quyết định sự thành bại của phim vẫn nằm ở chất lượng thật sự. Về điểm này, phải nhấn mạnh một điều rằng đánh giá điện ảnh là một việc rất... chủ quan. Có nhiều phim giới phê bình chê bai hết lời như Transformers, Twilight nhưng khán giả vẫn yêu thích và ngược lại. Ngay cả giới phê bình cũng chẳng thống nhất với nhau, ngay cả tuyệt phẩm như The Dark Knight cũng chỉ có số điểm 94% trên trang Rotten Tomatoes, nghĩa là vẫn có 6% chê phim dở.
Đối với người viết, Tấm Cám chưa phải một phim xuất sắc. Nó vẫn còn nhiều sạn nếu đi sâu vào phân tích, nội dung hơi bị tham lam, lỗ hổng còn nhiều. Song, Tấm Cám có ba điểm tích cực giúp khán giả hài lòng.
Thứ nhất, như đã nói, Tấm Cám xứng đáng nhận phần thưởng vì sự tiên phong. Thật ra trước Tấm Cám có một phim cổ tích khác là Cuộc Chiến Với Chằn Tinh (Thạch Sanh), nhưng đây là dự án nhỏ và kĩ xảo còn thô nên ít được quan tâm. Bỏ qua tác phẩm này thì Tấm Cám là phim lớn đầu tiên trong thể loại cổ tích/giả tưởng. Một nền điện ảnh muốn phát triển phải có những "kẻ liều mạng" như Ngô Thanh Vân, như Đỗ Quang Hải Âu (cố đạo diễn Thạch Sanh), như Hàm Trần làm Siêu Trộm hay Dustin Nguyễn làm Lửa Phật. Bởi nếu chỉ quẩn quanh toàn phim hài với kinh dị thì... chán lắm.
Một cảnh chiến đấu ấn tượng trong phim
Vì là người đi đầu nên Tấm Cám được khán giả bỏ qua nhiều lỗi sai. Ngoài ra, đây cũng là phim đầu tiên do Ngô Thanh Vân làm đạo diễn nên dân tình còn "lượng thứ". Nếu tới lần hai, lần ba mà đả nữ họ Ngô vẫn chưa thể hiện sự tiến bộ, chắc chắn khán giả sẽ "xuống tay" với sản phẩm của cô. Điều này cũng từng xảy ra với Charlie Nguyễn. Sau thành công của Để Mai Tính và Long Ruồi, anh có dấu hiệu lặp lại chính mình với Cưới Ngay Kẻo Lỡ. Kết quả là phim này doanh thu còn kém hơn Long Ruồi, nhận phản hồi tiêu cực và buộc Charlie Nguyễn phải làm mới bản thân trong Tèo Em và Để Mai Tính 2.
Điểm thứ hai, Tấm Cám thỏa mãn được thị hiếu của đại đa số khán giả. So với mặt bằng chung, tác phẩm có nhiều điểm sáng và có chất lượng tốt hơn hẳn nhiều phim Việt gần đây. Đại cảnh trong phim gây được hiệu ứng thị giác tốt với cánh đồng xanh, lâu đài, núi non. Cảnh dàn trận đánh nhau tạo được cảm giác hùng tráng, dù đến cận cảnh vẫn lộ rõ kiểu đánh "phe phẩy" của binh lính. Tấm Cám cũng là một trong số ít phim cổ trang được chuẩn bị chu đáo về phục trang, toát lên tính cách riêng của nhân vật.
Trang phục của Ninh Dương Lan Ngọc trong vai Cám
Tác phẩm bị chê vì cảnh đánh nhau giả tạo của hai con quái vật, nhưng bù lại một số đoạn kỹ xảo khá ấn tượng như khi hũ cốt hóa ngựa, cảnh tương tác giữa hoàng tử và chim. Các chuyên gia có thể phân tích cả ngày về phông xanh, kỹ thuật quay phim, nhưng với đại chúng, có khi chỉ đơn giản là họ thích cái duyên của Jun, nét tỉnh queo của "Bụt" Thành Lộc. Nói chung, phim là món ăn lạ và có nhiều vị cho khán giả lựa chọn.
Ngoài ra cũng phải đề cập đến việc nhiều lỗ hổng kịch bản được nhìn nhận dưới con mắt hài hước của cư dân mạng, vô tình làm tăng sức hút cho phim. Trên thực tế, đây cũng không phải điều xa lạ với ngay cả các bom tấn Hollywood (hãy theo dõi loạt phim How It Should Have Ended trên YouTube). Năm ngoái, Jurassic World có vô số tình tiết phi lý như chiếc xe 22 năm vẫn chạy được hay nữ chính hiên ngang chạy đua với khủng long T-Rex trên chiếc giày cao gót. Song, khán giả lại không đặt nặng tính logic trong một tác phẩm giải trí và bất ngờ tỏ ra... thích thú với các tình tiết đó.
Nhân vật của Jun khá duyên dáng dù ít đất diễn
Điểm thứ ba thiên về cảm xúc nhiều hơn kỹ thuật. Đó là Tấm Cám là bộ phim kích thích được "tinh thần thuần Việt" của khán giả. Phim được xây dựng từ câu chuyện cổ tích ai cũng biết, bồi đắp thêm về hình ảnh làng quê, thiên nhiên Việt Nam. Chi tiết chống ngoại xâm trong phim cũng là một yếu tố ăn khách và xuất hiện đúng thời điểm, đánh mạnh vào tâm lý khán giả. Bên cạnh đó, chiến dịch quảng bá và cuộc đụng độ với cụm rạp Hàn cũng "ngẫu nhiên" làm tôn thêm thông điệp "đi xem để ủng hộ điện ảnh Việt".
Nội dung và bối cảnh của phim cũng gần gũi hơn so với một phim cổ trang giả tưởng gần đây là Lửa Phật. Bản thân người viết đánh giá Lửa Phật là tác phẩm chỉn chu, biên đạo hành động đỉnh cao so với phim Việt. Tuy nhiên phong cách phim lại hơi quá "Tây", xa lạ với người Việt nên khán giả không cảm được.
Nhìn chung, doanh thu của Tấm Cám là điều đáng khích lệ sau nửa năm đáng quên của điện ảnh Việt. Khán giả có khen có chê nhưng nhìn chung cũng ủng hộ chứ không nỡ "dập cho nó chết". Nhiều mặt của phim đáng được đánh giá cao như phục trang, kỹ xảo, nhạc phim. Tất nhiên, nếu còn có dự án tiếp theo thì ai cũng mong Ngô Thanh Vân và ê-kíp tiến bộ hơn, làm ra một bộ phim chỉn chu hơn.
Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ
"Thái Tử" Isaac đầy bi thương trên poster "Tấm Cám" "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" vừa tiết lộ hình tượng đẹp nhưng đầy bi thương của nam chính: Thái Tử do Isaac 365 đảm nhận. Sau khi nhà sản xuất tung trailer của dàn mỹ nam trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, người hâm mộ háo hức chờ đón poster của nhân vật nam chính Thái Tử do Isaac đảm nhiệm. Đáp lại...