2015, Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào biển Đông?
Nhân dịp cuối năm, các nhà phân tích thuộc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ) đã nhận xét về diễn biến an ninh hàng hải châu Á trong năm 2014 và dự báo cho năm tới.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. (Ảnh: Hiếu-Vũ/TTXVN)
Trên trang Lawfare của Mỹ ngày 27-12 (giờ địa phương), nhà phân tích Nicholas Khoo ghi nhận đã có tín hiệu lạc quan khi các nhà lãnh đạo châu Á kêu gọi hợp tác giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông tại hội nghị cấp cao APEC và hội nghị ASEAN hồi tháng 11-2014.
Chuyên gia Rory Medcalf nhận xét dù lời kêu gọi hợp tác có thể không biến thành hành động nhưng Trung Quốc dường như muốn nhắm đến giảm rủi ro xung đột.
Ông cho rằng câu hỏi lớn trong năm 2015 là: Liệu Trung Quốc có thực sự “nói và làm” trong thực hiện các biện pháp xây dựng niềm tin như đã nhất trí với Mỹ? Liệu Trung Quốc có lập đường dây nóng tránh khủng hoảng như cam kết với Nhật?
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được Quốc hội bầu lại ngày 24-12. Năm 2015, ông sẽ xem xét lại hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật. Ảnh: AP
Nhà phân tích Tetsuo Kotani cho rằng cơ chế giải quyết khủng hoảng Nhật-Trung vô cùng cần thiết để giảm căng thẳng trên biển Hoa Đông, tuy nhiên cơ chế này có thể bị chệch hướng do các yếu tố:
- Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chắc chắn ở Nhật và Trung Quốc sẽ có nhiều lời lẽ theo chủ nghĩa dân tộc.
- Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ phải tiếp tục diễn giải khái niệm phòng vệ tập thể và xem xét lại hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật vào đầu năm 2015.
Đối với vấn đề biển Đông, chuyên gia Bonnie Glaser ghi nhận bãi Cỏ Mây có thể là điểm nóng trong năm 2015 nếu quân đội Philippines rút khỏi con tàu cũ BRP Sierra Madre và các tàu chiến Trung Quốc tiến vào nắm quyền kiểm soát.
Chuyên gia Chu Phong nhận định năm 2015, Trung Quốc có thể sẽ lại đưa giàn khoan vào vùng biển gần Việt Nam và khơi dậy căng thẳng như năm 2014.
Trong khi đó, chuyên gia Ernest Bower ghi nhận các nước ASEAN có thể ủng hộ Philippines mạnh mẽ hơn. Chuyên gia Matthew Waxman dự báo năm 2015, Tòa án Trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về quyền tài phán đối với vụ kiện của Philippines.
Theo chuyên gia Michael Green, Mỹ sẽ đào sâu quan hệ với các đồng minh và đối tác châu Á nếu năm 2015 Mỹ tập trung vào vấn đề hàng hải ở châu Á, bất chấp các khủng hoảng ở nơi khác.
Ông dự báo Mỹ sẽ tăng cường liên minh với Nhật, dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí với Việt Nam và tiếp tục thực hiện Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao với Philippines.
Tuy nhiên, chuyên gia Renato Cruz de Castro ghi nhận phải chờ đầu năm 2015, Tòa án Tối cao Philippines sẽ quyết định liệu Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao có hợp hiến và được thực thi hay không.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương, chuyên gia Richard Rossow suy luận Ấn Độ sẽ tiếp tục thoát khỏi vị trí không liên kết truyền thống bởi Ấn Độ ngày càng lo khả năng thực thi sức mạnh của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
Chuyên gia Chang-Hoon Shin dự đoán Trung Quốc và Hàn Quốc có thể hoàn tất đàm phán biên giới hàng hải, giảm căng thẳng liên quan đến đánh cá và mở đường cho hợp tác tương lai.
Các yếu tố quan trọng cần xác định trong năm 2015:
- Liệu các vấn đề như Mỹ và vấn đề cô lập ngân sách, Nhật và quyền phòng vệ tập thể, Philippines và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao sẽ trở thành các yếu tố chủ yếu hình thành ổn định và an ninh hàng hải ở châu Á?
- Liệu các mục tiêu theo đuổi liên quan đến tránh khủng hoảng hay xây dựng niềm tin có được thực thi hay không? Nếu không thì diễn biến về pháp lý quốc tế cũng như trong nước thế nào?
Nếu Nhật và Trung Quốc tiếp tục hợp tác đối phó khủng hoảng, Tokyo nên thông báo cho Bắc Kinh vấn đề xem xét lại hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật.
Nhà phân tích TETSUO KOTANI
Năm 2015 sẽ là năm của tàu ngầm. Úc đang tiến tới thay thế tàu ngầm lớp Collins. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tăng cường răn đe dưới biển.
Đô đốc Mỹ GARY ROUGHEAD
Theo Pháp Luật Online
Biển Đông năm con ngựa bất kham bị ghìm cương?
Năm 2014 trôi qua với nhiều thách thức trên biển đối với VN. Đó là cuộc đấu tranh trên thực địa và ngoại giao chống lại sự xâm hại của Hải Dương 981; là cân nhắc trong vụ kiện của Philippins với TQ...
2014 là một năm không hề yên tĩnh trên Biển Đông, trong đó sự kiện nổi cộm là giàn khoan Hải Dương 981. Đây là thách thức đối ngoại hàng đầu của VN kể từ năm 1988. Cách xử lý quan hệ với láng giềng trong sự kiện này đã cho VN những bài học quý giá.
Đoàn kết, nhất trí, bình tĩnh, trí tuệ, kiên định xử lý vấn đề
Ngay trong những ngày nóng bỏng đó, tại hội nghị TƯ 9, Ban chấp hành TƯ đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực cả nước một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
VN đã chủ động, khôn khéo vạch sách lược đấu tranh tổng thể, nhiều hình thức, buộc đối phương phải xuống thang mà không làm tổn hại đến hòa bình cũng như chủ quyền của đất nước.
Trước hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực của đối phương, phản ứng của VN dù ở mức độ kiềm chế không sử dụng biện pháp quân sự nhưng cũng thể hiện nhanh nhất, đồng bộ nhất, kiên quyết nhất.
Chiến thuật chuột vờn chặn mèo, chỉ sử dụng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân kiềm chế đối phương là biểu hiện sinh động truyền thống Việt Nam "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đoản binh thắng trường trận". Bên có quyết tâm cao hơn vẫn có thể giành thắng lợi dù yếu hơn.
Lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư khi thực thi pháp luật đã thể hiện rõ bản lĩnh của người bộ đội Cụ Hồ. Đó là kiên trì, kiên quyết, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không nổ súng trước. Biện pháp quân sự là không mong muốn với một dân tộc yêu chuộng hòa bình như VN và chỉ có thể sử dụng khi không còn đường nào khác.
VN cũng đã bình tĩnh xử lý các vụ bạo động tại một số khu công nghiệp, làm yên lòng các nhà đầu tư và giữ hình ảnh tốt đẹp của một đất nước thân thiện. Đoàn kết, thống nhất nội bộ, đặt niềm tin vào lãnh đạo là sức mạnh chiến thắng.
Đấu tranh tổng hợp nhiều mũi giáp công
Hải Dương 981 đã làm sống lại nghệ thuật 3 mũi giáp công. Bên cạnh đấu tranh thực địa, VN đã rất coi trọng đấu tranh ngoại giao, đấu tranh công luận, tuyên truyền.
Họp báo quốc tế về Biển Đông với sự có mặt của các đại diện Bộ Ngoại giao, Cảnh sát biển, Kiểm ngư
Chưa lần nào VN huy động một lực lượng hùng hậu đối ngoại (kể cả đối ngoại Đảng, nhân dân, quốc phòng) trong một thời gian ngắn như vậy. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tận dụng mọi cơ hội đăng đàn trong nước và quốc tế lên án hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các hội, đoàn thể như Hội nghề cá, Hội Cựu chiến binh... đều lên tiếng.
Bộ Ngoại giao đã có hơn 40 cuộc tiếp xúc đấu tranh. Các đại sứ, cơ quan đại diện VN tại các nước trên thế giới đều được huy động vào cuộc viết bài, tuyên truyền, vận động bạn bè quốc tế ủng hộ.
Lần đầu tiên, kể từ năm 1992, các Ngoại trưởng ASEAN đã có một Tuyên bố riêng về Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc điện đàm với ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì và đăng đàn tại LHQ ngày 27/9/2014 khẳng định lập trường không khoan nhượng của VN.
Hơn 4 triệu đồng bào ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đều đồng lòng hướng về Tổ quốc, biểu tình phản đối giàn khoan trái phép. Một hình ảnh hiếm có kể từ các cuộc xuống đường trong chiến tranh VN, Hiệp định Paris 1973 và ngày toàn thắng 30/4/1975.
Hải Dương 981 đã làm cho lòng người Việt gần nhau hơn, hòa giải hơn. Các cơ quan báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những mạch máu li ti gắn liền từng người dân Việt ở bất kỳ đâu với biển đảo quê hương.
Ngay sau khi Hải Dương 981 rút khỏi vùng biển của mình, VN đã chủ động cử Đặc phái viên của Tổng bí thư sang TQ. Kết quả chuyến công du ngày 26-27/8 là một bước tốt tạo cơ sở cho VN đấu tranh tiếp tục với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông. Lãnh đạo hai bên khẳng định Kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp. Đây chính là điều 5 của DOC và giống với đề nghị đóng băng các hành vi khiêu khích từng được đề nghị tại hội nghị ASEAN ở Myanmar, và đã bị một bên bác bỏ.
Chuyến đi này cũng mở đường cho chuyến đi tiếp theo sang VN của ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì ngày 26-27/10 và ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TƯ đảng Cộng sản TQ Du Chính Thanh ngày 26/12.
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ngày 10/11.
Phía TQ đã nêu quan điểm hết sức coi trọng phát triển quan hệ với VN, luôn kiên trì phương châm hợp tác hữu nghị với VN và sẽ cùng với VN cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; cũng như nỗ lực duy trì quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định... VN đã xử lý khéo léo mối quan hệ vừa bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ vừa giữ được quan hệ, ổn định, hòa bình cho phát triển.
Vận động, tranh thủ sự ủng hộ sâu rộng của quốc tế
Lập trường chính nghĩa của VN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ chủ quyền và các quyền chính đáng trên Biển Đông trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển năm 1982, tôn trọng các thỏa thuận khu vực như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông, đã được cộng đồng thế giới thừa nhận và ủng hộ.
Dư luận quốc tế phản ứng với hành động của TQ mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất. Các tiếng nói phê phán vang lên từ Washington, EU, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. ASEAN thể hiện là một khối thống nhất trước áp lực chia rẽ của TQ, coi Biển Đông là chủ đề không thể bỏ qua trong nghị trình của Hiệp hội.
Trong khó khăn, VN đã phát triển các quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước. Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN, ra nghị quyết lên án sự phi pháp của đường lưỡi bò trên Biển Đông, Ấn Độ tiếp tục các chương trình hợp tác dầu khí và hải quân, Nhật Bản giúp đỡ lực lượng kiểm soát biển VN làm tốt hơn vai trò bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Nâng cao nhận thức chung trong cộng đồng về chủ quyền biển đảo
Qua sự kiện Hải Dương 981, nhận thức về luật biển, về chủ quyền và các quyền tài phán trên biển trong người dân đã được nâng lên đáng kể.
Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trao 600 triệu đồng hỗ trợ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển
Hàng loạt triển lãm tài liệu pháp lý lịch sử chứng minh chủ quyền VN trên hai quần đảo đã được đã được tổ chức từ địa đầu Hà Giang đến Mũi Cà Mau.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, nhiều hoạt động quyên góp cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân.
Xây dựng lực lượng, chú trọng cải thiện đời sống, hỗ trợ ngư dân
Trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn thiếu thốn, với tầm nhìn xa, lãnh đạo cấp cao đã có những quyết sách tập trung xây dựng lực lượng kiểm soát biển từ sớm. Lực lượng Cảnh sát biển VN được thành lập từ năm 1998, một trong những lực lượng đầu tiên trong khu vực, đã trưởng thành vượt bậc, đảm đương vai trò chủ đạo trong chấp pháp biển.
Lực lượng kiểm ngư thành lập 2014 ngay trước sự kiện Hải Dương 981 đã hỗ trợ xứng đáng, sát cánh cùng các chiến sỹ cảnh sát biển.
Trong năm 2014, một binh chủng mới của QĐND VN đã hình thành với 3 tàu ngầm Kilo đầu tiên được tiếp nhận và đi vào huấn luyện. Quân đội VN là một quân đội tự vệ, mang tính phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi trên biển của đất nước.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Một số chính sách phát triển ngành thủy sản đã đi vào cuộc sống. Nhiều chính sách tương đối đồng bộ đã được áp dụng để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Nhà nước hỗ trợ vay vốn và khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển VN.
Cách xử lý quan hệ láng giềng của VN là rõ ràng, minh bạch, có sức thuyết phục: Vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Cách xử lý sự kiện Hải Dương 981 mang đậm tính nhân văn của người Việt: Cảnh giác trong hợp tác, kiên quyết trong đấu tranh trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền và lợi ích của nhau, phù hợp với luật quốc tế.
Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đòi hỏi một giải pháp tổng thể về chính trị, ngoại giao, pháp lý, quân sự. Sử dụng các vũ khí có trong tay, bao gồm cả pháp lý, khi nào, mức độ thế nào, ở đâu để bảo vệ lợi ích quốc gia một cách tốt nhất là cả một nghệ thuật.
VN luôn nhất quán giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982. Công ước vừa kỷ niệm có hiệu lực 20 năm kể từ ngày 16/11/1994.
Những người gác cửa pháp lý không để cho Tổ quốc bị lỡ trớn hay hụt chân trên những diễn đàn quốc tế quan trọng. Các yêu cầu chính đáng của VN được bảo đảm. Cuộc đấu tranh trên Biển Đông còn lâu dài, phức tạp. Cách xử lý của Chính phủ trong vụ này là một điểm son bước đầu được công luận cả trong và ngoài nước ủng hộ. VN ngày càng vững vàng với vai trò một bên kiến tạo cuộc chơi trong bàn cờ chính trị khu vực, không để đất nước trở thành con cờ trong tay các nước lớn.
Theo Vietnamnet