2013 thiệp xuân tặng Trường Sa
Trưng bày hình ảnh về biển đảo, viết lời chúc lên 2013 tấm thiệp xuân tặng các chiến sĩ Trường Sa, gói quà Tết… là các hoạt động tại Ngày hội Mùa xuân biển đảo do Thành đoàn TP HCM tổ chức ngày 3/1.
Cây bàng vuông ở Trường Sa được các chiến sĩ vùng 4 gửi tặng chương trình Góp đá xây Trường Sa. Cây bàng sẽ được trồng tại Nhà văn hóa thanh niên TP HCM để nhắc các bạn trẻ nhớ đến các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc.
Đá chủ quyền Song Tử Tây do Hải quân vùng 4 trao tặng được trưng bày tại ngày hội.
Đá chủ quyền Nam Yết.
Mô hình thuyền buồm của dân binh Hải đội Hoàng Sa đi trấn giữ Hoàng Sa thế kỷ 17.
Mô hình cột chỉ hướng và khoảng cách tượng trưng từ đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa đi các tỉnh lân cận và các nơi trên thế giới.
Video đang HOT
Chữ ký của hơn 200 văn nghệ sỹ tại TP HCM trên bức tranh một cây mai vàng gửi đến các chiến sĩ Trường Sa. Ngày hội Mùa xuân biển đảo do Thành đoàn TP HCM phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức để nối đất liền với đảo xa, chuyển tải những tình cảm của văn nghệ sỹ và người dân TP HCM sẻ chia hương xuân, gửi hơi ấm từ đất liền đến các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Trường Sa và nhà giàn DK1.
Hoa hậu Thu Thảo có mặt tham gia chương trình.
Các nghệ sỹ thiết kế và viết lời chúc lên 2013 tấm thiệp xuân gửi đến các chiến sĩ ngoài đảo xa.
Diễn viên Cẩm Lynh bên một tấm thiệp xuân do mình thiết kế và ghi lời chúc gửi đến các chiến sĩ Trường Sa.
Các văn nghệ sỹ cùng chiến sĩ hải quân gói những món quà tặng các chiến sĩ nơi đảo xa dịp xuân về.
Theo Ban tổ chức, Chương trình Ngày hội Mùa xuân biển đảo với sự tham dự của hơn 200 văn nghệ sĩ, 100 chiến sĩ hải quân, 700 học sinh THPT và 1.500 đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang là dịp để bạn trẻ và người dân cả nước hướng về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của tổ quốc ngoài đảo xa.
Theo ANTD
Hậu phương' của những người lính Trường Sa
Sinh ra khi bố vắng nhà, chập chững biết đi mới được gặp bố, nằm viện cũng không có bố ở bên nhưng những đứa con của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vẫn tự hào vì được là con của người lính Hải quân.
Nguyễn Đức Tâm, con trai đại tá Nguyễn Đức Thắng (Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Trường Sa) chín chắn hơn so với tuổi 18. Tâm cho biết, khi em ra đời, bố vẫn còn công tác ngoài đảo, hơn một năm sau mới được về thăm con. Nhà chỉ có hai mẹ con và bà nội già yếu nên ngay từ bé, em đã được mẹ dạy cách sống tự lập đúng với phong cách nhà binh. Là con một, nhưng Tâm không được chiều chuộng mà phải tự giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc bản thân.
Mỗi năm bố chỉ về nhà được 1-2 lần nên Tâm thay bố làm chỗ dựa cho mẹ. Mỗi khi điện, nước... có vấn đề, Tâm đều tìm cách sửa chữa. Em nhớ nhất hồi lớp 8, em bị tai nạn phải nằm viện gần nửa tháng, nhưng bố không thể về vì đang công tác ngoài đảo. Tâm buồn lắm vì không có bố ở bên, mẹ lại phải vất vả đi về lo cho em và bà nội.
"Giờ em vào TP HCM học đại học, một mình mẹ ở nhà chắc sẽ buồn lắm. Rồi những lúc trái gió, trở trời hay đồ đạc trong nhà hư hỏng, không biết mẹ sẽ xoay xở ra sao", Tâm lo lắng.
Con gái của người lính Hải quân luôn tỏ ra cứng rắn, tự tin. Ảnh: Anh Tuấn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống là bộ đội, ông nội từng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, bố là Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa, anh trai là bộ đội, Nguyễn Thị Mai Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng vì thế mà cứng rắn.
Từ nhỏ, Mai Anh đã phải sống xa bố và biết về công việc của bố qua lời mẹ kể. Ngày ấy, Mai Anh hay ăn chậm, mẹ thường bảo nếu ăn thế này bố sẽ buồn, không về, phải ăn nhanh thì bố mới yêu, và bố sẽ về sớm. Em đã lớn lên từng ngày như thế, cùng với nỗi mong ngóng và câu hỏi thường trực: "Bao giờ bố về?". Nhiều lúc Mai Anh còn giận mẹ vì nói bố sắp về nhưng mãi vẫn chưa thấy.
"Gia đình em làm nghề nông, một mình mẹ phải làm đồng và chăm sóc hai con. Thậm chí, lúc mẹ sinh chúng em bố cũng không thể ở nhà chăm sóc, nhưng mẹ chấp nhận tất cả và còn động viên bố qua những lá thư", Mai Anh kể.
Còn Vũ Thị Hà Anh con thiếu tá Vũ Duy Thông, Trung đoàn Công binh 131 Hải quân thì nhớ, không biết bao nhiêu lần mưa to gió lớn, ba mẹ con em phải lục đục chống đỡ. Nhiều lần đang đêm, sấm chớp ầm ầm, nhà em bị dột, nước chảy xuống mỗi lúc một nhiều khiến mẹ và em phải lọ mọ đi tìm xoong nồi, chậu để hứng nước mưa. "Những lúc đó em thầm nghĩ, giá có bố ở nhà thì đỡ sợ biết bao, còn ngôi nhà bị dột đã có bố xử lý", Hà Anh tâm sự.
Cũng là con gái của lính công binh, xây dựng công trình trên các đảo ở Trường Sa, Vũ Khánh Huyền sinh ra khi bố đang đi công tác trên biển. Ngày đó cuộc sống ngoài Trường Sa còn khó khăn, sóng điện thoại không có nên khi bố nhận được thư nhà báo tin vui thì lúc đó Huyền đã được gần 5 tháng tuổi. Lúc bố về, Huyền đang chập chững tập đi và khóc toáng khi được giơ tay bế.
Chị Nguyễn Thị Thủy, mẹ của em Đỗ Khánh Hà, có chồng đang làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây. Ảnh:Anh Tuấn.
Đỗ Khánh Hà, con của người lính Đỗ Thanh Nhuận, đang công tác ở đảo Song Tử Tây cho biết, hồi nhỏ em được nghe mẹ kể bố luôn đi xa nhà, một năm mới về phép một lần. Khi Hà chào đời 3 ngày thì bố phải khoác ba lô về đơn vị. Khi tròn 1 tuổi, bố em mới về.
Ký ức của Hà bên cạnh niềm hạnh phúc khi bố về phép còn là những lần em từ quê vào đơn vị thăm bố. Hè năm 2001, em được cậu cho vào chỗ bố chơi. Đó là lần đầu tiên em được thấy phòng ở và nơi làm việc của bố: đầy nắng, gió và cát trắng. Hà chỉ được ở với bố hai ngày đêm thì bố em phải đi công tác xa.
Ba năm sau Hà cùng mẹ lại vào thăm bố. Nhưng thời gian cho cả gia đình bên nhau rất ngắn ngủi vì bố em luôn bận việc. Đến năm 2011, cậu con trai vì quá nhớ bố, đã lặn lội một mình từ Nam Định vào Khánh Hòa để thăm cha. "Mặc dù vậy, em hiểu rằng công việc của bố rất vất vả. Em thông cảm và luôn động viên bố công tác tốt, cố gắng nỗ lực để bố yên lòng", Khánh Hà cho hay.
Mai Anh cho biết, bố em thường nói, bố làm việc tại lữ đoàn Trường Sa không chỉ vì nghĩa vụ và trách nhiệm, mà đó là vinh dự lớn lao. Vì vậy, đối với em, công việc của bố là nhiệt huyết, cả tấm lòng mà bố đã gửi gắm, là nỗi khắc khoải khôn nguôi về vùng đất của tổ quốc mang tên Trường Sa.
Khi được kể cho người khác về nghề nghiệp của bố, Mai Anh thấy rất hãnh diện. Tất cả mọi người đều cảm thấy công việc của bộ đội lữ đoàn Trường Sa là thiêng liêng, đáng khâm phục. Mỗi lần kể những khó khăn gian khổ mà bố đã phải đối mặt và vượt qua, Mai Anh càng quyết tâm học tập vì em nghĩ bố có muôn vàn vất vả nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ thì không có lý gì em lại lùi bước trước những khó khăn nho nhỏ trong cuộc sống và học tập.
Còn Đức Tâm từ khi sinh ra lần em cảm thấy hạnh phúc nhất là được bố xin nghỉ phép để về đưa em đi thi đại học. Tâm cảm thấy hạnh phúc, và yên tâm khi có bố ở bên, hỏi han sau mỗi buổi thi. "Em còn cảm thấy hãnh diện khi kỷ niệm 50 năm thành lập trường cấp 3 của em, cũng là trường cũ của bố, ông đã về tặng cho trường bức tranh người lính đảo khiến thầy cô và các bạn rất xúc động", Tâm nói.
Phạm Hồng Bảo Trân (ĐH Bách khoa TP HCM) thì cảm thấy may mắn khi được là con của người lính công binh Hải quân Phạm Hồng Hà. "Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã ví, người lính công binh 131 là 'những người kê cao Tổ Quốc'. Em rất thích bài thơ của ông, vì đã giúp em hình dung ra công việc của bố dù chưa một lần được nhìn trực tiếp. Em thấy trong thơ, hình ảnh người lính công binh dầm mình dưới sóng biển, vác gạch, đá, xi măng, sắt thép xây công trình, nâng độ cao của đảo...", Trân ngậm ngùi.
Theo VNE
Bộ trưởng Trần Đại Quang chung vui với cư dân Nam Thăng Long 1 Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2012) Bộ trưởng Bộ Công an dự ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc. Tối 18-11, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chia vui với bà con...