20.000 bộ đội ở tuyến đầu chống dịch
Trong 20.000 quân nhân tham gia phòng chống Covid-19 có khoảng 10.000 bộ đội biên phòng, còn lại là bác sĩ quân y, hậu cần, lái xe.
Chiều 16/4, thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng, cho biết ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc cuối tháng 1, bộ đội Biên phòng đã triển khai quân chốt chặt đường mòn, lối mở dọc biên giới Việt – Trung để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch xâm nhập vào trong nước. Đến nay, khoảng 10.000 người lính quân hàm xanh phối hợp với lực lượng đứng chân trên địa bàn bám biên chống dịch tại 25 tỉnh, thành có đường biên giới trên bộ, đặc biệt là tuyến biên giới Tây Nam.
“Bộ đội Biên phòng thường xuyên tiếp xúc với công dân từ vùng có dịch về qua biên giới. Ngoài ra, còn 10.000 bác sĩ quân y, hậu cần, lái xe, dân quân… làm việc tại các khu cách ly tập trung, cũng phục vụ những người có nguy cơ cao. Tất cả làm hết sức mình, vì dân phục vụ và đến nay chưa ai lây nhiễm”, tướng Đơn nói.
Theo tướng Đơn, ngoài chống dịch, quân đội vẫn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo vệ chủ quyền, biển đảo, biên giới… Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nên quân đội phải tổ chức khoảng 20 hội nghị về vấn đề quốc phòng, chuẩn bị tổ chức diễn tập phòng chống dịch cho quân y ASEAN…
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng, Trưởng Ban phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hoàng Thùy.
Video đang HOT
Xác định việc chống dịch đã bước sang giai đoạn 3 lây lan ra cộng đồng, tướng Đơn yêu cầu Ban chỉ đạo phải làm việc “bất cứ lúc nào kể cả ban đêm”. Để giải quyết vấn đề cấp bách, cuộc họp có thể được triệu tập bằng tin nhắn, cuộc gọi, “không ai được báo bận, dù đang ngủ cũng phải đi”.
Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh hơn 100 ngày qua bộ đội làm ngày, làm đêm không có thứ bảy, chủ nhật. Vì vậy, Bộ Quốc phòng cần điều chỉnh chế độ, thời gian, biện pháp thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu… Đơn cử như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phải báo cáo kế hoạch kiểm soát biên giới trên địa bàn từng tỉnh. “Quân số tham gia chống dịch lớn và bộ đội đã làm việc dài ngày nên cần tính toán lại để anh em được thay nhau nghỉ ngơi, về thăm gia đình”, ông nói.
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thiếu tướng Lê Văn Phúc khẳng định, việc kiểm soát, tuần tra không thể tạm dừng nên Bộ tư lệnh đã quyết định luân chuyển, đổi quân luân phiên ở các tuyến biên giới. “Chúng tôi đang nghiên cứu để 71 người có việc riêng như bố mẹ qua đời, vợ sinh, con ốm… có thể được đi phép về thăm nhà trước. Riêng học viên Học viện Biên phòng, trường Trung cấp 24 Biên phòng được tăng cường thì giữ nguyên quân số”, tướng Phúc cho hay.
Bộ đội Biên phòng dùng đèn pin chiếu sáng, quan sát lối mở ở đường biên trong ca trực đêm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Vừa qua, quân đội tiếp tục mở rộng khu cách ly tập trung trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh kế hoạch thời gian, lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị, đặc biệt trong công tác huấn luyện và chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường. Các tổ đội cơ động phòng, chống dịch tiếp tục được rà soát, kiện toàn. Quân đội cũng xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến, với 2.800 giường bệnh sẵn sàng ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, tình trạng khẩn cấp.
Sau ba tháng, quân đội đã tiếp nhận, vận chuyển và cách ly gần 54.000 người, tổ chức đưa 49.000 người hết cách ly về địa phương an toàn. Khoảng 5.000 người đang thực hiện cách ly.
Hoàng Thùy
Cách ly trong doanh trại gần 1.100 người về từ Hàn Quốc
Về Việt Nam từ vùng dịch, hơn 1.000 người Việt và 56 người Hàn Quốc được cách ly tại các đơn vị quân đội, tính đến chiều 27/2.
Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) cho biết, trên 300 người được cách ly ở quân khu 5; gần 650 người ở Bộ Tư lệnh Thủ đô; gần 50 người ở quân khu 3 và 92 người tại quân khu 7.
Người trở về từ Hàn Quốc được cách ly 14 ngày ở các khu vực tách biệt với người về từ Trung Quốc. Hiện, lực lượng quân đội đã cách ly y tế với gần 4.100 người, trong đó gần 370 trường hợp đã hết thời gian, được về nhà.
Người về từ vùng dịch được cách ly trong doanh trại quân đội. Ảnh: Giang Huy
Tại các địa điểm cách ly, lực lượng quân y của đơn vị và quân y tăng cường, y tế địa phương, nuôi quân, bảo vệ, công an địa phương và các lực lượng bảo đảm khác sẽ chia nhau phụ trách công việc. Bộ đội đảm bảo các điều kiện ăn, ngủ, sinh hoạt... Bác sĩ quân y thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh. Người bị sốt sẽ được chuyển ngay vào bệnh viện dân y gần nhất.
Quân đội hiện có khả năng tiếp cận cách ly khoảng 37.000 người. Theo thượng tướng Trần Đơn (Thứ trưởng Quốc phòng), người dân ăn ở, sinh hoạt theo tiêu chuẩn của quân đội. Tuy không thể thuận tiện như ở nhà hay ở khách sạn nhưng cũng tương đối tốt và bảo đảm điều kiện đặc biệt an toàn về dịch tễ.
Sáng 26/2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch corona yêu cầu cách ly y tế tất cả người Việt Nam từ Hàn Quốc về nước sau khi số ca nhiễm virus corona ở Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng, trở thành nước có tổng số người nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Bộ Quốc phòng tiếp tục được giao phân tuyến, cách ly y tế theo quy định với toàn bộ khách nhập cảnh từ các vùng có dịch.
Người đến từ Hàn Quốc phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó cần thực hiện khai báo điện tử. Các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam trong 14 ngày qua (cả người nước ngoài và công dân Việt Nam), chính quyền địa phương phải chỉ đạo cảnh sát khu vực, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố,... tổ chức theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế.
Theo VNE
Quân đội mở rộng các khu cách ly tập trung Quân đội tiếp tục mở rộng khu cách ly tập trung trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quân sáng 7/4, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng nói trước việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia..., sắp tới có thể xảy ra tình...