20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học’
Cho rằng giáo dục Việt Nam đang có cấu trúc chắp vá, TS Lê Trường Tùng đề xuất, học sinh nên có bằng phổ thông ở tuổi 15. Bậc THPT hiện nay được thay bằng 2 năm “dự bị đại học”.
Tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường công nghệ thông tin” mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ sự không hài lòng với nền giáo dục hiện tại và kiến nghị nhiều phương pháp đổi mới căn bản, toàn diện. Bài phát biểu của Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng đã thu hút sự chú ý của nhiều người tham dự.
Theo TS Tùng, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới quản lý. Tuy nhiên, để đổi mới một cách đúng đắn phải bắt đầu từ công việc mang tính cơ bản là xem xét và thay đổi Kiến trúc của hệ thống giáo dục đào tạo Việt nam. Nếu thiếu một kiến trúc hợp lý, việc đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá.
Theo ông Tùng, mỗi quốc gia có một cấu trúc, một kiến trúc giáo dục đào tạo mà phần lớn nhìn gần giống nhau, từ nhà trẻ mẫu giáo – tiểu học – trung học – dạy nghề/cao đẳng/đại học. Giáo dục đào tạo Việt Nam sau nhiều thay đổi đang có cấu trúc/kiến trúc chắp vá 1 tiểu – 4 trung – 2 cao – 1 đại.
“1 tiểu” là một hệ tiểu học, “4 trung” là bốn hệ trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, “2 cao” là hai hệ cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp, “1 đại” là một hệ đại học (bao gồm cả đại học và sau đại học). Với cấu trúc này, tuổi để có bằng ở các cấp tương ứng từ phổ thông đến đại học là 18, 21, 22-23 tuổi.
Hiệu trưởng ĐH FPT kiến nghị, cần cấu trúc lại nền giáo dục theo kiến trúc với “1 tiểu – 1 trung – 1 cao – 1 đại”. Ảnh: Anh Tuấn.
Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, kiểu kiến trúc mang tính chắp vá này cần phải thay đổi cơ bản để phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia, đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập quốc tế và trao đổi giáo dục quốc tế. Ngoài ra, thay đổi còn nhằm định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm, giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô chen chúc vào cửa đại học, giúp liên thông các cấp học trong nước mềm dẻo, dễ dàng, giảm thời gian vào đời, hướng tới việc học suốt đời và quản lý về mặt nhà nước thuận lợi, không chồng chéo.
Phương án kiến trúc đáp ứng được cả 5 mục tiêu trên được ông Tùng kiến nghị là kiến trúc “1111″ thay cho kiểu kiến trúc “1421″ với “1 tiểu – 1 trung – 1 cao – 1 đại”. “1 tiểu” là một cấp tiểu học, thời gian là 5 năm, “1 trung” là một cấp trung học, thời gian 4 năm. “1 cao” là cao đẳng, thời gian học 3 năm, không phân biệt 2 hệ cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề”, “1 đại” là đại học, thời gian học 3-4 năm thay cho 4-5 năm hiện nay.
“Mô hình 9 năm trong hệ thống giáo dục của Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước khối thịnh vượng chung. Học xong 9 năm học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hoá phổ thông”, ông Tùng nói.
Video đang HOT
Hiệu trưởng ĐH FPT nhận xét, việc gộp cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề” đã được nhắc đến trong dự thảo đề án đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, việc không còn trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là một thay đổi quan trọng trong cấu trúc được đề xuất này.
Trung học phổ thông được thay bằng 2 năm “dự bị đại học” (Pre-University) dành cho những ai mong muốn học đại học, 2 năm dự bị này học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường đại học, và cũng để giảm bớt thời lượng học đại học sau này.
Trung học chuyên nghiệp (trung học nghề) được gộp chung và đưa thành giai đoạn đầu (1.5 năm) của Cao đẳng. Học sinh học xong lớp 9 (xong phổ thông) có thể phân luồng học Cao đẳng luôn thay cho hướng học Dự bị đại học. Học xong giai đoạn đầu 1.5 năm của Cao đẳng (trung cấp trước đây) được nhận bằng Cao đẳng (Diploma) và có thể đi làm sớm, học thêm giai đoạn 2 của Cao đẳng (1.5 năm) nhận bằng Cao đẳng Nâng cao (Higher Diploma). Có bằng Cao đẳng Nâng cao có thể học tiếp liên thông đại học (2 năm) nếu muốn hoàn thiện học vấn.
“Đây là mô hình áp dụng ở nhiều nước. Hiện nay Singapore hàng năm đều sang Việt Nam tuyển học sinh học hết lớp 9 sang Singapore học Polytechnic (Cao đẳng) là theo mô hình này. Nếu hiện nay xong lớp 12 mới vào đại học, trượt đại học mới vào cao đẳng thì theo mô hình mới “1111″, sau 9 năm có nhánh rẽ cao đẳng”, ông Tùng cho hay.
Ông lý giải, việc giảm một năm học đại học nhờ đã có kiến thức trong 2 năm học dự bị đại học. Với sinh viên có bằng cao đẳng bậc cao, thời gian học liên thông đại học là 2 năm bổ sung. Việc đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ không có gì thay đổi.
Liên thông các cấp độ học và các chương trình học được thực hiện theo hình thức “chuyển đổi tín chỉ”,tức là chuyển đổi một số nội dung đã học để bớt đi một vài môn và thời gian học khi chuyển sang chương trình học cao hơn hoặc chương trình khác. Với quan niệm liên thông này, việc liên thông được tiến hành tự do, mềm dẻo giữa các ngành và các cấp học.
Hệ thống trường học sẽ quy hoạch lại để chỉ còn trường Tiểu học, trường Trung học, trường cao đẳng và trường đại học (không tính các trung tâm dạy nghể ngắn hạn). Chương trình học phổ thông được thiết kế lại thành hệ 9 năm. Việc học dự bị đại học được thực hiện tại trường trung học. Với kiến trúc giáo dục hiện tại, sẽ gộp trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thành trường Trung học, gộp trường Trung cấp vào trường Cao đẳng.
“Kiến trúc mới “1 tiểu – 1 trung – 1 cao – 1 đại” đáp ứng được cả 5 mục tiêu nêu trên. Bộ Giáo dục sẽ quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trở xuống. Bộ Đại học quản lý đào tạo sau phổ thông (cao đẳng – đại học)”, ông Tùng nhấn mạnh.
Như vậy, với cấu trúc giáo dục mới, tuổi để có bằng phổ thông là 15 (trước đây là 18), tuổi có bằng Cao đẳng/Cao đẳng Nâng cao là 17-18 (trước đây là 21), tuổi có bằng đại học là 20-21 (trước đây là 22-23). Thanh niên sẽ vào đời sớm hơn, phù hợp với tiêu chí sinh học giới trẻ hiện nay. Việc giảm thời gian học ngoài cái lợi là giảm chi phí xã hội còn tăng được thời gian cống hiến của cá nhân, và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. Ngoài kiến nghị đổi mới cấu trúc, kiến trúc giáo dục, hiệu trưởng ĐH FPT cũng cho rằng đã đến lúc nước ta xóa vùng trũng tiếng Anh và thực hiện bình dân học vụ 2.0. Hiệu ứng “Vùng trũng tiếng Anh” chính là rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất, nhập khẩu giáo dục của Việt nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt. Chính vì vậy cần thực hiện bình dân học vụ, xem đây là nhiệm vụ giáo dục phổ thông.
“Để đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa công nghệ thông tin vào hệ thống giáo dục, đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí”, ông Tùng nói và bày tỏ, ông hi vọng những đổi mới lớn lao sẽ diễn trong giáo dục đào tạo thời gian tới, chứ không chỉ đơn thuần là các thay đổi mang tính xử lý tình huống.
Hiệu trưởng ĐH FPT cũng mượn lời một thi sĩ đời Tống để nêu quan điểm: “Trên đời có 3 điều đáng tiếc nhất: những bức danh họa bị mất giá trị vì bị những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều bởi những bàn tay bất tài dày vò, và những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một hệ thống giáo dục sai lầm”.
Theo VNE
Nỗi buồn của bạn trẻ về giáo dục Việt Nam
Ăn, ngủ" với các môn thi khối A, nhưng Tuấn thất vọng khi kiến thức chuyên sâu Lý, Hóa ít được sử dụng khi vào đại học. Còn với những bạn chọn cánh cửa trung cấp, thời gian 3 năm học THPT là quá dài.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Thương mại, nộp hồ sơ khắp nơi nhưng Nguyễn Văn Hoài vẫn không xin được việc. Để tồn tại ở thành phố, cậu tạm xin vào làm nhân viên kỹ thuật tại một công ty ở khu công nghiệp Nam Thăng Long. Sau hai tháng làm việc, nhờ tiếp thu nhanh và hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoài được cất nhắc lên làm nhóm trưởng. Cậu dần cảm thấy, công việc kỹ thuật mới phù hợp với mình và quyết định gắn bó với khu công nghiệp.
"Nếu so sánh thu nhập thì lương của tôi hiện tại cao hơn nhiều so với vị trí công chức nhà nước mà tôi đã từng vất vả xin vào trước đó. Thế nhưng kiến thức 4 năm đại học ít được áp dụng, tấm bằng cử nhân kinh tế không thực sự hữu ích trong môi trường lao động hiện nay", Hoài nói.
Cậu tâm sự, sau khi tốt nghiệp THPT, năm đầu tiên Hoài thi rớt đại học. Ôn thi lại một năm, cậu đỗ vào ĐH Thương mại. Khi Hoài đang ngồi học trên ghế giảng đường thì Hùng - người bạn thân cấp 3 đã tốt nghiệp trung cấp Công nghiệp và đi làm.
Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục của ta đang chệch hướng ở cả ba câu hỏi: Học để làm gì học cái gì và học như thế nào? Ảnh: Hoàng Hà.
Trong bối cảnh "thừa thầy, thiếu thợ," Hùng dễ dàng xin được việc làm ở khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội). Ngày Hoài tốt nghiệp đại học, Hùng mang hoa đến tặng bạn và báo tin mình được thăng chức trưởng nhóm kỹ thuật sản xuất. "Công việc thiên về kỹ thuật nên chỉ hai năm là tay nghề của Hùng đã rất khá. Sau khi lên làm trưởng nhóm, cậu ấy đi học liên thông đại học và hiện đã là phó phòng", Hoài nói.
Còn theo Hùng, ngành giáo dục nên chia 3 năm giáo dục THPT làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2 năm) và giai đoạn 2 (1 năm). Những bạn có lực học vừa phải có thể chỉ cần học xong giai đoạn 1 sau đó học trung cấp nghề, cao đẳng. Giai đoạn 2 với kiến thức sâu hơn chỉ dành cho những ai thi đại học.
Từng học ngày học đêm để thi vào ĐH Ngoại thương, Trịnh Anh Tuấn (Hà Nội) cũng cho rằng, kiến thức Lý Hóa chuyên sâu phổ thông hầu như không được sử dụng trong ngành Quản trị Kinh doanh. Theo Tuấn, chương trình phổ thông hiện nay có khối lượng kiến thức khổng lồ, ôm đồm nhưng thiếu thực tế, thiếu định hướng. Sau khi tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh có con đường riêng, có người chọn ngành không cần dùng đến kiến thức phổ thông chuyên sâu.
"Nhìn em trai đang ngày đêm cày những bài Lý, Hóa để thi Ngoại thương giống mình ngày xưa tôi thấy thật lãng phí thời gian, công sức. Nếu chương trình hợp lý hơn, tính thực tế cao hơn thì...", Tuấn nói.
Sinh ra ở Tiền Giang, Châu Sương cùng gia đình sang định cư ở Canada khi cô bắt đầu học lớp 8. Mặc dù phải ở trường cả ngày từ 9h tới 15h nhưng Sương cho biết chương trình học nhẹ hơn ở Việt Nam. Mỗi kỳ cô chỉ học 4 môn, một năm 8 môn. Không có trả bài mỗi ngày, thầy cô và học sinh không có khoảng cách.
Trung học ở Canada tính từ lớp 9 tới lớp 12, khi đạt được điểm trung bình cho tất cả các môn bắt buộc thì sẽ được tốt nghiệp trung học. Sau đó, học sinh sẽ chọn trường đại học hoặc cao đẳng để học tiếp mà không cần thi. Tất nhiên, mỗi trường có một khung điểm khác nhau để nhận sinh viên mới, học sinh có điểm tốt nghiệp cao được vào các trường danh giá, và điểm thấp hơn thì vào trường tốp dưới hay cao đẳng. Đa số trường đại học sẽ cấp học bổng nếu học sinh có điểm tốt nghiệp trung học trên 80 điểm.
Vừa tốt nghiệp ĐH RMIT (Australia) trong 2,5 năm, Nguyễn Phước Bảo Trí được miễn 8 môn vì trước đó đã học chương trình cao đẳng của trường tại Việt Nam. Nếu tiếp tục học thạc sĩ, cậu sẽ mất thêm 1-1,5 năm và số năm tăng lên tương ứng với các bậc học cao hơn.
"Cùng một tấm bằng đại học, thạc sĩ nhưng ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn trong khi chất lượng thì không thể so sánh với các nước châu Âu. Nguyên nhân thời gian học ở nước ngoài ngắn hơn Việt Nam vì không tốn một năm đại cương và cấu trúc giáo dục linh hoạt hơn", Trí cho hay.
Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục của Việt Nam cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc để cấu trúc hệ thống chương trình phổ thông. "Học sinh chỉ có con đường học xong lớp 9 thì lên THPT (3 năm), có bằng THPT thì thi đại học, trượt thì thi tiếp. Hệ thống đó không cung cấp được nguồn nhân lực thực sự cho xã hội khi "thợ" chúng ta đang rất thiếu", thầy Cương nói.
PGS Cương cho rằng, nên phân làm hai hướng để học sinh tốt nghiệp lớp 9 lựa chọn. Đó là học tiếp để lên những đại học tinh hoa và chương trình phổ thông có dạy nghề để học trung cấp, nghề. Hiện nay học sinh phải học 12 năm để có bằng phổ thông (trong khi trước đây chỉ có 9 năm), ở một số nước chỉ mất 10, 11 năm. Chương trình THPT quá ôm đồm nhiều kiến thức, có những kiến thức chuyên sâu mà các em học tiếp trung cấp, cao đẳng, thậm chí đại học không cần dùng tới.
"Giáo dục phải đi liền với câu hỏi "học để làm gì" thì mới thực chất. Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần cải cách chương trình, cách thức tổ chức bậc học THPT", thầy Cương đề xuất.
Theo VNE
Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1 Sau một đêm dầm mưa xếp hàng, sáng 12/5 hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1. Trường Thực nghiệm là nơi nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. 21h đêm 11/5, rất đông...