20% người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng mà chưa biết bệnh
Theo ngành y tế, hiện mới chỉ có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, đồng nghĩa với việc còn 20% người đang nhiễm HIV sống trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, chưa điều trị. Đây là nguồn lây truyền HIV rất nguy hiểm…
Khám, tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa
Báo động nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới nam
Tính đến hết tháng 5-2019, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Hà Nội là 27.680 người, trong đó có 21.636 người nhiễm HIV còn sống, 6.044 trường hợp tử vong.
Số người nhiễm HIV phát hiện mới và cập nhật trong 5-2019 là 625 người. Trên phạm vi cả nước, tính đến hết năm 2018, có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong.
Đáng chú ý, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, hiện 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-49.
Số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh (cả nước hiện có khoảng 170.000 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới).
Bên cạnh đó, sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng đã và đang cảnh báo nguy cơ dịch HIVAIDS có thể trở lại trong nhóm trẻ tuổi.
Nguy hiểm hơn, hiện mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, đồng nghĩa với 20% người nhiễm còn lại chưa được phát hiện. Trong số được chẩn đoán nhiễm HIV cũng mới có khoảng 70% được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 94% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (không có khả năng lây bệnh).
TS. Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, lý do khiến việc chẩn đoán, điều trị HIV vẫn còn hạn chế là do nhiều người bệnh giấu giếm bệnh, không đi xét nghiệm để được chẩn đoán.
Thậm chí không ít trường hợp biết bản thân nhiễm HIV nhưng do tâm lý e ngại, tự kỳ thị mà từ chối điều trị hoặc cố che giấu.
Video đang HOT
Xác định đây chính là nguồn lây truyền cực kỳ nguy hiểm, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đang tập trung rất nhiều giải pháp để phát hiện, đưa những đối tượng nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng đi điều trị. Ngay đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã thông báo, bất kỳ người dân nào đưa được người nhiễm HIV đến các trung tâm y tế điều trị ARV sẽ được “thưởng nóng” với các mức thưởng khác nhau từ 200 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/người.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh tầm quan trọng của thông điệp K=K
Không phát hiện = không lây truyền
Nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS điều trị bệnh, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã duy trì 22 phòng khám ngoại trú, chương trình điều trị Methadone cũng đang được duy trì tại 18 cơ sở, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được đẩy mạnh tại 73 phòng xét nghiệm sàng lọc và 6 phòng đã xét nghiệm khẳng định. Đến nay, đã xét nghiệm HIV cho 172.406 trường hợp, phát hiện 1.048 trường hợp dương tính.
TS. Lã Thị Lan cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động tìm các trường hợp nhiễm HIV tại xã, phường và bệnh viện.
Đồng thời, sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone…
Đặc biệt, tính đến thời điểm này, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước khởi động chiến dịch K=K – “Không phát hiện = Không lây truyền” từ tháng 5 đến tháng 9-2019.
Thông điệp K=K được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu ở 4 châu lục, trong đó có Việt Nam, đã khẳng định, những người sống chung với HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus ở mức không phát hiện được trong máu (
Ngày 6-8 vừa qua, tại hội thảo “Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: Việt Nam ủng hộ phong trào K=K dựa trên những chỉ số điều trị tương đối tốt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào K=K giúp đẩy mạnh cam kết của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
“Tuy nhiên, phong trào K=K là quá trình liên tục, lâu dài cần có sự cố gắng, nỗ lực của cả bệnh nhân, thầy thuốc và các bên liên quan. Ngoài HIV, vẫn cần phải dự phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và máu” – PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Theo anninhthudo
Những lưu ý khi chăm trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
"Với trẻ bình thường có thể bú mẹ tới 24 tháng, nhưng với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV chỉ cho bú 4-6 tháng".
TS.BS Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi cùng VOV về việc chăm sóc trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
PV: Thưa bác sĩ, một đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì sau bao lâu có thể làm xét nghiệm để biết có bị lây nhiễm HIV từ mẹ hay không?
TS.BS Lã Thị Lan: Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ nhiễm HIV đã có nhiều tiến bộ. Trước kia để phát hiện đứa trẻ có nhiễm HIV từ mẹ hay không thì phải đợi trên 18 tháng để xét nghiệm kháng thể. Nhưng bây giờ, nhờ tiến bộ của kỹ thuật y sinh học, đã có thể xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi bằng kỹ thuật xét nghiệm PCR (phát hiện trực tiếp vi-rút trong máu). Thực hiện xét nghiệm khi trẻ 4 - 6 tuần tuổi hoặc ngay sau đó càng sớm càng tốt.
Nếu PCR lần 1 âm tính: Trẻ có khả năng không nhiễm HIV, thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng. Nếu xét nghiệm kháng thể kháng HIV âm tính: Trẻ không nhiễm HIV. Nếu xét nghiệm có phản ứng với kháng thể kháng HIV: Thực hiện xét nghiệm lại kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi để khẳng định chính xác tình trạng nhiễm HIV.
Với các trẻ từ 9 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi: Xét nghiệm kháng thể kháng HIV trước; nếu có phản ứng với kháng thể kháng HIV, thì sẽ lấy mẫu máu làm xét nghiệm PCR.
PV: Trong trường hợp mẹ đã đạt tải lượng vi-rút HIV dưới 200 bản sao/ml máu (tức là K=K) thì còn khả năng lây cho con nữa hay không?
TS.BS Lã Thị Lan: Người mẹ được điều trị bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt để tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml), vẫn có khả năng lây cho bé, nhưng nguy cơ sẽ thấp hơn rất nhiều so với những bà mẹ có tải lượng cao hơn và chưa điều trị ARV.
Cụ thể, đối với những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ này thì vẫn có nguy cơ và vẫn phải điều trị ARV dự phòng. Tuy nhiên, trẻ chỉ cần uống 1 loại ARV và chỉ uống trong 6 tuần. Người mẹ có thể cho con bú hoặc không cho con bú. Nếu người mẹ không có điều kiện nuôi bộ thì vẫn có thể cho con bú mẹ bình thường. Còn với trẻ khác thì phải uống dự phòng bằng 2 loại thuốc ARV, thời gian uống từ 6 đến 12 tuần tủy theo trẻ không bú mẹ hay có bú mẹ.
PV: Trường hợp trẻ không bị lây HIV từ mẹ, sau đó người mẹ nên làm gì để con không bị HIV?
TS.BS Lã Thị Lan: Nếu trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì quá tốt rồi. Bởi việc lây nhiễm HIV qua chăm sóc chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào. Vì thế tôi chỉ có 1 lưu ý, nếu sau 4-6 tuần, trẻ có kết quả âm tính HIV mà bà mẹ cho con bú sữa mẹ thì: Thứ nhất, bà mẹ vẫn phải tuân thủ điều trị ARV tốt để đạt tải lượng dưới ngưỡng phát hiện; Thứ hai, bà mẹ ngừng cho con bú khi bà mẹ viêm tuyến vú hoặc đứa trẻ bị viêm miệng, tưa lưỡi; Thứ ba, khi trẻ bắt đầu ăn dặm (lúc 4-6 tháng tuổi) thì cai sữa mẹ hoàn toàn. Còn trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ vẫn thực hiện bình thường, không cần một hành động phòng tránh quá đặc biệt gì vì như thế sẽ tạo ra sự kỳ thị.
PV: Để phòng lây nhiễm HIV cho trẻ, nhiều người đã tách con ra khỏi mẹ ngay sau khi sinh. Việc làm này có nên không, thưa bác sĩ?
TS.BS Lã Thị Lan: Việc làm này rất sai lầm, bởi trẻ có khi không chết vì HIV mà lại chết vì khát sữa. Quan trọng là người mẹ cần được cán bộ y tế tư vấn cách cho con bú từ những giọt sữa non như thế nào cho an toàn.
PV: Vậy trong chăm sóc trẻ hằng ngày, cha mẹ cần lưu ý gì?
TS.BS Lã Thị Lan: Trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV là trẻ bị phơi nhiễm, do vậy ngay sau khi sinh ra trẻ phải được tắm sạch sẽ, để loại trừ tất cả các yếu tố nguy cơ bám ở trên da, niêm mạc của trẻ, hút dịch từ miệng em bé ngay sau sinh; Thứ 2 là việc bú mẹ. Với trẻ bình thường có thể bú mẹ tới 24 tháng nhưng với trẻ sinh ra từ mẹ có HIV chỉ cho bú 4- 6 tháng. Khi bắt đầu ăn dặm thì cai sữa mẹ hoàn toàn. Không bao giờ vừa cho trẻ bú vừa ăn dặm. Bởi trong sữa mẹ có khi có vi-rút HIV mà khi ăn dặm thì đường ruột có thể bị tổn thương - đó là cửa ngõ để cho vi-rút HIV từ sữa chui vào cơ thể; Thứ 3, dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ; Thứ 4 là tiêm phòng. Trẻ sinh ra từ mẹ có HIV và trẻ có nhiễm HIV vẫn được tiêm phòng. Tuy nhiên nếu trẻ được chẩn đoán HIV thì sẽ không tiêm hoặc trì hoãn tiêm các loại vắc-xin sống giảm độc lực như vắc-xin phòng lao, thương hàn, sởi, quai bị, rubella. Vì trẻ bị nhiễm HIV sẽ bị suy giảm miễn dịch. Nếu cho vắc-xin sống vào vô hình chung sẽ đưa mầm bệnh vào cơ thể trẻ. Còn với trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV (tức là kết quả xét nghiệm âm tính) thì vẫn tiêm chủng bình thường.
Với trẻ sinh ra từ bà mẹ có nguy cơ cao, tức là chưa điều trị ARV hoặc có điều trị nhưng chưa được 4 tuần hoặc có điều trị nhưng tải lượng vi-rút vẫn trên 1.000 bản sao thì trẻ vẫn có thể bú mẹ nhưng phải được điều trị ARV dự phòng lây nhiễm phù hợp.
PV: Nếu trẻ nhiễm HIV từ mẹ thì việc uống ARV có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe sau này?
TS.BS Lã Thị Lan: Trẻ nhiễm HIV cũng như người lớn, sau khi có kết quả dương tính với HIV thì phải uống ARV ngay. Đấy là chỉ định mới mà chúng ta áp dụng từ năm 2017 đến nay. Việc điều trị ARV giúp ngăn chặn tối đa sự nhân lên của vi-rút HIV, giúp hệ thống miễn dịch không bị phá hủy, và không bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng như phòng các bệnh liên quan đến HIV, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường.
Liều lượng ARV tùy thuộc cân nặng của mỗi trẻ. Thuốc ARV cho trẻ có dạng siro hoặc dạng viên, nhũ dịch (thả vào nước cho tan ra để uống). Do vậy, khi phát hiện trẻ có HIV, trẻ cần được đưa đến cơ sở điều trị ARV để được uống thuốc càng sớm càng tốt.
Mặc dù thuốc ARV thế hệ mới hiện nay ít tác dụng phụ, ít độc tính hơn trước nhiều, tuy nhiên khi điều trị cho trẻ có nguy cơ giảm hấp thu can xi, loãng xương, sẽ ảnh hưởng tới phát triển của trẻ. Vì vậy, trong quá trình điều trị, trẻ cần phải được theo dõi để bác sĩ kịp thay đổi phác đồ, tránh ảnh hưởng tới phát triển thể chất của trẻ và việc kháng thuốc và thất bại trong quá trình điều trị.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!/.
Theo VOV
Hà Nội: Phấn đấu mục tiêu 90-90-95 trong phòng chống HIV/AIDS Hà Nội đang tích cực triển khai hoàn thành kế hoạch phòng chống HIV, hướng tới mục tiêu mang tên 90 - 90 - 95 vào năm 2020. Tập huấn truyền thông về chiến dịch K=K. Cụ thể mục tiêu 90 - 90 - 95 là: 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người...