20 năm sau “siêu bão” Linda: Nuôi hy vọng, giữ niềm tin gặp chồng
20 năm trôi qua, bây giờ ở ấp 7, xóm biển Khánh Hội ( huyện U Minh, Cà Mau) vẫn còn đó những người vợ nặng nghĩa phu thê, vẫn một mình nuôi con và nuôi hy vọng vượt biển, ra khơi tìm chồng. Những người đàn ông của họ đã biệt tăm sau cái ngày định mệnh 2.11.1997, ngày bão Linda quét qua các tỉnh ĐBSCL.
Tự lái tàu đi tìm chồng
20 năm đã qua đi, nhiều thứ có thể mờ, nhưng trong ký ức của chị Trần Thị Đào (ấp 3, xã Khánh Hội) vẫn còn nhớ như in cái ngày đau thương khi cơn bão ập đến.
Những ngày này, người dân xã Khánh Hội chuẩn bị lá chuối gói bánh, cúng giỗ người thân. Ảnh: Chúc Ly
Mãi cho đến bây giờ, lâu lâu người ta lại bắt gặp hình ảnh của những người vợ, người mẹ ở ở ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh, lần mò ra cửa biển Khánh Hội đứng đợi chồng, đợi con đến chiều tối, rồi họ lại thơ thẩn trở về trong niềm đau tuyệt vọng.
Buổi chiều định mệnh năm ấy, trời mưa tầm tã, chị Đào cùng 3 đứa con thơ hướng về cửa biển, nơi chồng chị cùng các ngư phủ đang đánh bắt. Chồng chị gọi về qua bộ đàm và báo rằng anh đang cho tàu chạy vào bờ, nhưng do sóng lớn quá phải neo lại.
Đến tối cùng ngày, linh tính của người vợ cho chị một cảm giác bất an, chị mở bộ đàm liên hệ lại với chồng thì không nhận được tín hiệu phản hồi. Đêm ấy, chị Đào cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác của xóm biển Khánh Hội thức trắng.
“Hôm sau, trời vẫn mưa và sóng biển vẫn dữ dội. Tôi gửi 3 đứa con nhỏ về nhà ngoại, lấy tàu vươn khơi tìm chồng. Khi ấy, nhiều người đã ngăn tôi, họ nói rằng không có hy vọng vì sóng to như thế, chạy ra chỉ có nước chết theo chồng. Nhưng tôi vẫn đi với một niềm tin mãnh liệt” – chị Đào nhớ lại. Đến trạm kiểm soát tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho tàu chị ra khơi, vì biết rằng cơn bão vẫn còn đang kéo dài và có chiều hướng mạnh hơn. Với quyết tâm tìm chồng, chị Đào không ngần ngại ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Chị Trần Thị Đào, người tự lái tàu ra khơi tìm chồng. Ảnh: C.L
4 ngày lênh đênh trên biển cả, trong chị cảm xúc rất hỗn độn, chị đi tìm nhưng lại không mong gặp. Cứ mỗi lần thấy có xác người trên biển, chị Đào lại hy vọng rằng đó không phải chồng mình. Chuyến đi ấy, tàu của chị Đào cứu sống 18 ngư phủ khác. Trở về nhà, chị Đào gần như chết đứng khi nhìn thấy ngôi nhà của 2 vợ chồng đã bị đổ sập, tan hoang. Một tháng, hai tháng và nhiều ngày sau đó chị Đào vẫn mỏi mắt đợi chồng…
Hy vọng mong manh
Video đang HOT
Đau thương là thế nhưng chị Đào cố nuốt nước mắt vào trong, gượng dậy mà nuôi con. Với sự hỗ trợ của xóm giềng, chị dựng lại căn nhà lá trên nền đất cũ. Hàng ngày, chị chài lưới kiếm tôm cá đổi gạo nuôi con. Dần dà tích góp, chị mua ghe, lại đi biển và hy vọng sẽ được gặp lại… chồng. Nhiều người đã từng khuyên chị tái giá để bớt vất vả… Chị Đào nói: “Tuy giờ đã là bà ngoại của 3 đứa cháu, nhưng một ngày chưa tìm thấy chồng thì tôi vẫn nghĩ anh còn sống. Tôi đã đợi và sẽ tiếp tục đợi cho đến ngày gặp chồng, dù là ở nơi chín suối…”.
Không riêng gì chị Đào mà rất nhiều người phụ nữ có chồng mất tích trong cơn bão số 5 (bão Linda) đến bây giờ vẫn nhất quyết không tái giá. Vì có những người chồng đã trở về với vợ con, nên niềm hy vọng trong họ vẫn còn, mãnh liệt.
Như chị Trần Thị Thắm (39 tuổi), khi chồng chết chị mới 19 tuổi đầu và đang mang thai 3 tháng. Chị sinh con và vẫn hy vọng chồng sẽ quay về vì không nhận được xác chồng.
Chị Lê Thị Mỹ Dung, 43 tuổi, có chồng mất tích, kể: “Trước khi đi chuyến biển lần đó, anh dặn tôi giữ gìn sức khỏe, dưỡng thai. Chuyến biển này về, có tiền sẽ mua cái mùng mới để khi sinh con không sợ muỗi cắn. Rồi anh đi mãi. Giờ, tôi vẫn nuôi hy vọng vì chưa thấy xác chồng”.
Vì có những người phụ nữ như chị Đào, chị Thắm, chị Dung mà làng biển Khánh Hội này đã hình thành nên một xóm đặc biệt “xóm không chồng”. Tại xóm này, những người phụ nữ trở thành trụ cột của gia đình, họ thay chồng nuôi con và mưu sinh. Và cũng ở đây, có những đứa trẻ không biết mặt cha mình.
Cháu Võ Minh Hoàng (18 tuổi), mất cha từ ngày còn trong bụng mẹ, tâm sự: “Con rất thương mẹ, một đời vất vả, không tái giá mà ở vậy nuôi con khôn lớn. Sau mỗi chuyến đi biển trở về, mẹ lại ôm con vào lòng, xoa đầu rồi bảo con giống cha. Nhưng con không hình dung ra được cha con như thế nào, mặc dù mẹ kể cho con nghe rất nhiều về cha. Chỉ tiếc là nhà nghèo quá, đến nổi không có một tấm ảnh nào của cha để con có cơ hội biết mặt”.
“Không ai tin Cà Mau có bão”Ngày 25.10 vừa qua, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm”. Tham dự hội thảo này có ông Lê Huy Ngọ – nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các cán bộ nguyên là thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. Tại hội thảo, tiến sĩ Đặng Quang Tính – nguyên Cục trưởng Đê điều lũ bão (Bộ NNPTNT) chia sẻ bài viết về ông Lê Huy Ngọ: Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên chưa hề có khái niệm về “bão”. Sau này được nghe kể rằng “Bão đổ bộ vào Cà Mau”, như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.
Một số quan chức ở vùng đó lúc bấy giờ cũng nghĩ như vậy. Trong một cuộc điện thoại từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội gọi vào còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè: “Vùng biển Tây-vùng biển Kiên Giang đó là “Vùng thánh địa”, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này, làm gì có bão”.
Sự chủ quan của câu nói đấy, đồng nghĩa với việc họ không cần hành động, không cần phòng bị hoặc chỉ đạo nhân dân phòng, tránh trước khi bão đến và đã để lại hậu quả vô cùng thảm khốc. P.V
Theo Danviet
20 năm chưa nguôi nỗi đau "siêu bão" Linda
Cách đây tròn 20 năm, ngày 2.11.1997, cơn bão số 5 (tên gọi quốc tế là bão Linda) quét qua vùng biển các tỉnh Nam Bộ khiến hơn 3.000 ngư dân thiệt mạng và mất tích. Trong đó vùng biển Cà Mau là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Đầu tháng 11 này, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn vì bão Linda.
Dịp này, phóng viên Dân Việt đã về Cà Mau, gặp lại những "nhân chứng" sống để nghe họ chia sẻ về "siêu bão thế kỷ" và hành trình 20 năm can trường, vượt qua mất mát, đau thương.
Cơn bão quá bất ngờ
Kênh Xáng Mới - nơi có hơn 140 người tử nạn vì bão Linda. Ảnh: H.Đ
778 người chết, 2.123 người mất tích Theo tài liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đêm 31.10.1997, một vùng áp thấp ở khu vực Nam biển Đông (cách quần đảo Trường Sa khoảng 350km về phía Đông - Đông Nam) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6, cấp 7, di chuyển theo hướng Tây. Trưa 1.11.1997, khi ở 8 độ vĩ Bắc - 111,9 độ kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 600km về phía Đông - Đông Nam, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 (Linda) với sức gió cấp 8, giật trên cấp 8.
Bão di chuyển nhanh (20km/giờ) chủ yếu theo hướng Tây và mạnh lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Đến 12 giờ ngày 2.11.1997 tâm bão đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Đến tối 2.11.1997, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3.11.1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.
Bão Linda gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ làm: 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; 2.897 tàu bị chìm, 1.856 tàu thuyền bị hư hỏng, 316 tàu thuyền mất tích; 107.892 nhà đổ sập, 204.564 nhà bị hư hại, 1.424 phòng học bị hư hỏng, 5.727 phòng học đổ, sập; 136.334ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ, ngập, 323.050ha diện tích lúa bị ngập hư hại. Thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng.
Xã Khánh Hội, huyện U Minh là nơi chịu thiệt hại nặng nhất khi bão Linda quét qua. Tại cửa biển này, theo thống kê đã có trên 500 ngư dân tử nạn. Có những xóm ấp, có hàng chục người chết vì bão, nhiều nhất là kênh Xáng Mới, thuộc ấp 4.
Cửa biển Khánh Hội có vị trí trọng yếu, quy mô và tiềm năng đứng trong tốp đầu của tỉnh Cà Mau. Đồng thời, ngư trường Khánh Hội từng là niềm tự hào và nguồn sống của biết bao gia đình. Cũng chính vì vậy, người dân ở đây đa phần sồng nhờ biển, họ xem biển là nhà.
Nhiều người lớn tuổi tại đây kể rằng, cuộc sống nơi đây tuy vất vả nhưng khá êm đềm, và ít khi gặp phải những cơn bão lớn. Chính vì vậy, khi cơn bão Linda quét qua người dân trở tay không kịp, hầu như không có một sự chuẩn bị ứng phó nào.
Thậm chí, nhiều người đã thốt lên rằng, họ chưa từng thấy cơn bão nào kinh hoàng và kỳ lạ như Linda. Vài giờ trước khi bão áp sát đất liền, trời khá quang mây. Tuy nhiên, sau đó cơn bão với sức gió lên đến 100km/giờ và liên tục chuyển hướng đã gây thiệt hại nặng nề.
Chị Trần Thị Diệu (48 tuổi, ngụ kênh Xáng Mới, ấp 4, xã Khánh Hội), nghẹn ngào kể: "Mọi chuyện đến quá nhanh và bất ngờ, năm đó, gia đình tôi đau đớn đến cùng cực vì mất mát. Má tôi cùng lúc mất đi 3 người con trai, 2 người con rể và 2 đứa cháu ngoại, trong đó có chồng tôi".
Chồng chị Diệu mất khi đứa con lớn mới 5 tuổi, đứa kế 3 tuổi, đứa nhỏ vừa tròn 3 tháng. Mọi người trong nhà chị ai cũng gần như điên loạn, rồi gượng dậy, tất tả theo dòng người đi khắp các cửa biển tìm xác người thân.
Đau thương chồng chất
Nhiều cư dân cửa biển Khánh Hội kể lại rằng, ngày đó, đến đây chỉ thấy đau thương bao trùm, đi từ đầu xóm đến cuối xóm chỉ nghe tiếng khóc. Mất mát quá lớn và bất ngờ khiến người ta khó chấp nhận sự thật.
Bà Trần Thị Lăng (57 tuổi, ngụ ấp 7, xã Khánh Hội), người có chồng chết trong cơn bão, kể lại: "Chồng chết, hai chiếc ghe biển cũng là công cụ mưu sinh của gia đình cũng không còn. Lúc này, một mình tôi phải lo cho 5 đứa con nhỏ dại, đứa lớn nhất mới 16 tuổi. Đau thương, mất mát tưởng đã đánh gục tôi, nhưng vì con tôi gượng đứng dậy, đi làm thuê đủ nghề kiếm sống".
Bà Lăng bảo, đến giờ bà vẫn nhớ như in cái ngày đau thương của 20 năm về trước. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, vừa mới nhận tin chồng mất tích, thì lại nhận tin con. Nhưng có lẽ trời còn chút thương bà nên 1 tuần sau, con bà trở về vì... người ta thông báo nhầm. "Niềm vui chưa nguôi thì thằng Húng con tôi lâm vào tình cảnh hoảng loạn, gia đình phải đưa đi điều trị tâm thần một thời gian. Có đến 5-6 năm sau đó nó không dám đi biển..." - bà Lăng nghẹn ngào kể.
Bà Lăng còn cảm thấy may mắn là các con của bà lớn lên đều ngoan, hiện đều đã lập gia đình, tuy không giàu có nhưng có cuộc sống ổn định. Và dù sau tai họa với gia đình, 4 người con trai của bà vẫn chọn biển làm ngôi nhà thứ 2.
Đối với chị Nguyễn Thị Phương (ngụ cùng ấp 7) lại là một câu chuyện đau thương khác. Khi cơn bão đến, chị chuyển dạ sinh con. Sáng hôm sau, niềm vui đón con chào đời chưa dứt thì chị hay tin chồng đã chết ngoài biển vì bão vùi dập... Đau đớn tột cùng, để khắc ghi thời điểm cay đắng ấy, chị đặt tên con là Nguyễn Bão Biển. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị gửi lại con cho mẹ nuôi, rồi lên Bình Dương làm công nhân và tái giá. Bão Biển chỉ học hết lớp 7 thì nghỉ, lại ham chơi nên vô công rồi nghề, tương lai mờ mịt.
Riêng tỉnh Cà Mau, bão Linda đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương. Làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác. Tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là trên 2.700 tỷ đồng.
Bão tan, xác ngư dân tới tấp dạt về cửa biển Khánh Hội. Cũng ở ấp 7, có một câu chuyện tương tự trường hợp chị Nguyễn Thị Phương: Một thai phụ khác nhiều ngày trôi qua vẫn đau xót ngóng chờ nhưng không thấy tin tức gì của chồng. Rồi chị chuyển dạ. Một bé trai kháu khỉnh ra đời, chị đặt tên cho con là Trần Hận Biển. Giờ đây, tuy "Hận Biển" nhưng chàng trai ấy vẫn ở lại quê nhà, vẫn nối nghiệp bám biển như cha mình.
Ông Châu Minh Đảm - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội nói rằng: "Trước cơn bão Linda, ngư dân ít ai tin rằng vùng biển này lại có thể xảy ra bão lớn. Cũng vì vậy mà ý thức phòng tránh bão của ngư dân rất thấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tang thương, đau lòng mà chưa biết đến bao giờ quên được...".
Thủ tướng gửi thư thăm hỏi, chia sẻHôm qua (30.10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, chiến sĩ và các lực lượng phòng chống thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia sẻ về những mất mát do cơn bão số 5 (Linda) gây ra cách đây 20 năm.
Nội dung thư của Thủ tướng Chính phủ viết: Ngày 2.11.1997, cơn bão số 5 (Linda) rất mạnh, bất ngờ và dị thường đã đổ bộ vào ĐBSCL - vùng đất rất hiếm khi có bão. Bão đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt đối với tỉnh Cà Mau. Rất nhiều ngư dân và tàu thuyền của đồng bào ta đã nằm lại nơi biển khơi. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, chiến sỹ và các lực lượng phòng, chống thiên tai đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động và nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chiến sĩ và lực lượng phòng, chống thiên tai.
... Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh ĐBSCL cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. L.S
Theo Danviet
Thủ tướng gửi thư chia buồn với các gia đình bị thiệt hại bởi bão Linda Hôm nay (30.10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, chiến sĩ và các lực lượng phòng chống thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia sẻ về những mất mát do cơn bão số 5 (Linda) gây ra cách đây 20 năm. Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân bị...