2 tuần, 23 bệnh nhân phải vào Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc rượu!
Tại Hà Nội, tích lũy từ ngày 26.2 đến 11.3, có 23 bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Các bệnh nhân đều uống rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, giá rẻ. Đa số bệnh nhân là sinh viên, lao động tự do ngoại tỉnh đến ở trọ tại Hà Nội.
15.000 đồng/lít rượu
Ngày 10.3, một nhóm nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu, khiến 9 em phải cấp cứu (5 nam, 4 nữ). 3 người khác cùng tham gia nhậu nhưng không có dấu hiệu bất thường nên được theo dõi tại nhà. Cả 9 người nhập viện điều trị là nhóm bạn cùng quê ở Gia Lai, đang ở trọ tại ngõ 259, phố Yên Hòa, Cầu Giấy.
Các sinh viên ngộ độc methanol được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: D.L
Ngộ độc methanol có thể gây tử vong, hôn mê… Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống rượu liên tục với liều methanol tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy dần gây các tổn thương cho người bệnh. Đa số bệnh nhân nhập viện muộn bị mờ mắt (thậm chí bị mù), hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não.
Theo bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, có 6 bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê, thở máy và phải lọc máu (trong đó có 2 trường hợp tình trạng nguy kịch), và 3 bệnh nhân tỉnh táo. Qua lời kể của các sinh viên bị ngộ độc thì các em đã mua rượu tại ngõ 259, phố Yên Hòa.
Video đang HOT
Tại ngõ 259, đoàn kiểm tra của quận Cầu Giấy thấy có 2 nhà bán tạp hoá, trong đó có bán rượu là nhà số 5B và 17. Tại nhà số 5B, cơ quan chức năng thu 2 lít rượu không rõ nguồn gốc. Theo số điện thoại chủ nhà cung cấp về nơi họ đã mua rượu, cơ quan chức năng đã xác định là rượu Bắc Hùng (sản xuất ở làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội). Còn tại cửa hàng tạp hoá số 17, đoàn kiểm tra cũng phát hiện còn 2 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cửa hàng mua rượu của bà Nguyễn Thị Hảo (làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”. Giá rượu được bán với giá chỉ 14.000-15.000 đồng/lít.
Theo điều tra của cơ quan công an, bà Hảo cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng ở chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và nhiều cửa hàng tạp hoá nhỏ có bán rượu trên địa bàn.
Khởi tố vụ án hình sựCác cơ quan chức năng cũng đã thu hồi mẫu rượu tại phòng trọ của các sinh viên bị ngộ độc, cửa hàng 5B và 17 ngõ 259 phố Yên Hòa để đưa đi xét nghiệm. UBND quận Cầu Giấy cũng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở bán rượu, nhà hàng quán ăn trên địa bàn. Tại phường Yên Hoà, đến sáng 11.3 đã thu giữ 70 lít rượu không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, tích lũy từ ngày 26.2 đến 11.3, Hà Nội có 23 bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Các bệnh nhân gồm 19 nam, 4 nữ, tuổi từ 21-60 tuổi, cư trú tại 6 quận huyện: Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Đến nay đã có 5 bệnh nhân ổn định ra viện; 16 bệnh nhân đang điều trị và 2 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà. Theo ông Hiền, loại rượu mà các nạn nhân uống được mua tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quầy tạp hóa, không rõ xuất xứ nguồn gốc, không có nhãn mác, nghĩ nhiều đến rượu nấu thủ công hoặc rượu pha chế thủ công.
Ngày 11.3, liên quan đến vụ nhiều người nguy kịch do sử dụng rượu, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xảy ra trên địa bàn thành phố. Chiều 9.3, kiểm tra cơ sở mua bán rượu tại số 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 6 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hơn 1.000 lít rượu các loại gồm rượu ngâm ba kích, rượu ngâm chuối hột, rượu ngâm táo mèo không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ của lượng rượu nói trên. Anh Nguyễn Văn Khương (SN 1980, trú xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, Hưng Yên) – chủ cơ sở cho biết số rượu trên được thu mua từ tỉnh Hưng Yên rồi chuyển ra Hà Nội bán lại cho khách và các quán cơm bình dân với giá 30.000 đồng/lít.
Theo Danviet
"Dân nhậu" Hà Nội vẫn vô tư uống rượu dù nghe tin ngộ độc methanol
Ngày 10.3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận thêm 7 sinh viên bị ngộ độc methanol sau khi lai rai từ trưa đến nửa đêm. Như vậy, nửa tháng qua, ở Hà Nội đã có 14 ca ngộ độc rượu có methanol, tuy nhiên các "bợm nhậu" vẫn vô tư uống...
Uống vô tội vạ
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố mức độ nhiễm methanol ở một số loại rượu, thậm chí được kiểm nghiệm vượt mức cho phép tới 2.000 lần. Tuy nhiên, điều này hầu như không làm cho nhiều người có thói quen sử dụng rượu phải suy nghĩ và biết... sợ.
Anh Trần Đình Chiến (42 tuổi, quê Nam Định, công nhân xây dựng) cho biết: Do đi làm xa nhà, tối đến không có phương tiện giải trí, nên anh thường xuyên uống vài chén rượu lúc ăn để đi ngủ cho dễ với giá khoảng 1.000 đồng/chén. Thỉnh thoảng uống xong bị đau đầu nhưng anh Chiến vẫn cho rằng vì mệt và do thời tiết, chứ không phải do rượu và vì uống ít nên chẳng ảnh hưởng gì.
Anh Nguyễn Văn Công (21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội) cho biết: Việc sinh viên uống rượu là chuyện bình thường, tiện đâu thì mua đó, từ đại lý bánh kẹo đến quán cơm bình dân, có nhiều tiền thì mua rượu nhà máy đóng chai, ít tiền thì mua rượu 20.000 đồng/lít. Anh Công cũng không quan tâm đến đến methanol là gì, chỉ biết nếu rượu chuẩn uống say ít đau đầu và khát nước, rượu đểu thì uống đau đầu.
Tại quán nhậu số 22 Phạm Hùng (Hà Nội) chuyên bán đồ bình dân cho dân lao động, anh Nguyễn Trọng Phương (21 tuổi, hiện làm nghề tự do) vô tư cạch chén với bạn nhậu của mình, với đĩa mồi chỉ là mấy miếng đậu rán. Anh Phương thật thà kể đã có gần 3 năm thường xuyên uống rượu cuốc lủi vì thu nhập bấp bênh có hạn. Không ít lần anh Phương say bét nhè, phải nằm nghỉ mất cả ngày hôm sau, mỗi lần say sợ rượu mất vài bữa. Có lần anh phải đi nằm viện truyền nước vì say quá, nhưng khi gặp bạn bè vẫn phải cưa hết đôi ba chai rượu để tăng phần thân thiết, cũng là cách kiểm tra sức khỏe của nhau tới khi nào say bét nhè hay phun ra tại bàn nhậu mới thôi(!).
Khi được hỏi về rượu có methanol, anh Phương nói: "Tuy mới đọc trên mạng bằng điện thoại, nhưng không biết chất đó như thế nào? Còn khi uống rượu thấy say, mệt, đau đầu mới biết là rượu đểu thôi. Nhưng vì tuổi trẻ, hay khích tướng nhau nên nhiều khi có quá chén mệt mỏi cũng chấp nhận, còn người ngộ độc vì rượu chắc là đen đủi hay uống rượu trên vùng miền núi mới bị(?!)".
Anh Phương (bên trái) cùng bạn nhậu đang uống rượu tại quán nhậu trên đường Phạm Hùng (Hà Nội). Ảnh: Gia Tưởng
Giá nào cũng bán
Trong vai một "bợm nhậu" đi tìm rượu, chúng tôi dễ dàng khảo giá rượu ở những quán ăn từ sáng đến khuya quanh Hà Nội và phát hiện ra rằng, 100% các quán lớn - nhỏ đều có bán rượu với nhiều loại giá khác nhau.
Chị Hoàng Thị Bến, một chủ quán chuyên bán đồ ăn sáng, buổi trưa và tối chuyên bán cơm ở ngõ số 2 Khuất Duy Tiến (Hà Nội) cho biết: Quán của chị hầu hết khách hàng là người lao động, công nhân xây dựng những khu chung cư tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và nhiều sinh viên đang theo học các trường đại học quanh khu vực này. Việc khách ăn cơm và uống rượu rất thường xuyên.
Quán của chị có nhiều loại rượu với giá khác nhau, đắt nhất là rượu nếp với giá bán 80.000 đồng/lít. Loại rượu này chị lấy ở Vân Đình (Hà Nội), chủ yếu là bán cho những cô cậu sinh viên tổ chức liên hoan sinh nhật, họ mua về phòng trọ uống chứ cũng ít ngồi ở quán. Loại rượu gạo nấu bán 40.000 đồng/lít được nhập ở Phúc Thọ (Hà Nội).
Còn một loại rượu nữa bán 20.000 đồng/lít, loại rượu này nhập ở đâu chị Bến không rõ, chỉ biết cứ mỗi tuần có người đến giao cho quán 40 lít. Loại rượu này chủ yếu bán cho các công nhân xây dựng, cứ tối đến họ đi làm về ăn cơm, mỗi người uống đôi ba chén rồi đi ngủ. Thỉnh thoảng có người vui uống quá chén, cũng kêu hơi bị đau đầu, nhưng với giá khoảng 1.000 đồng/chén, đa số người lao động vẫn dùng loại rượu rẻ nhất của quán này.
Chị Bến chia sẻ thêm: "Tôi bán rượu, người ta đổ loại nào tôi bán loại đó. Thực tình cũng tin vào lời người đưa rượu chứ cũng không biết người ta chế rượu kiểu gì, giá rẻ hay đắt? Khách ăn cơm có người uống 3 chén rượu cộng suất cơm chỉ phải trả 25.000 đồng, mình chỉ biết phục vụ thôi".
Trong thời gian đi khảo sát giá rượu, chúng tôi còn đến quán lòng heo lớn nhất tại phố Lê Duẩn (Hà Nội). Để chiều lòng khách hàng ăn nhậu, ở đây có đủ các loại từ rượu của nhà máy rượu Hà Nội đến Vodka Cá sấu của Nga. Khi gọi rượu quê nút lá chuối, chủ quán cũng sẵn lòng phục vụ với giá 50.000 đồng/chai. Được hỏi về nguồn gốc loại rượu này, chủ quán cũng chỉ biết đây là loại rượu quê, đảm bảo uống được, chứ uống xong hậu quả như thế nào, đau đầu, ngộ độc thì chủ quán không chịu trách nhiệm, vì loại rượu này được chủ cửa hàng lấy bán cả chục năm nay rồi. Người ta đưa cho can rượu nào là bán hết can đó, chất lượng rượu thế nào khách hàng tự cảm nhận, chủ quán chỉ biết khẳng định chất lượng bằng niềm tin chứ không dựa trên cơ sở khoa học nào...
Theo Danviet
Truy được nguồn gốc rượu khiến 9 sinh viên bị ngộ độc methanol Con số sinh viên bị ngộ độc sau buổi lễ ăn mừng ngày 8.3 đã nâng lên 9 người, trong đó có 6 người hôn mê, phải lọc máu. Sở Y tế Hà Nội cũng đã truy rõ nguồn gốc rượu khiến các sinh viên này ngộ độc. Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, vụ ngộ độc methanol của nhóm...