2 trẻ chết do bệnh Whitmore: Hà Nội điều tra kỹ các yếu tố dịch tễ
Hai trường hợp trẻ tử vong cùng chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong một gia đình tại Hà Nội bị bệnh cách nhau thời gian ngắn là điều đáng lưu tâm.
Phó giáo sư Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnamplus)
Một sự việc đau lòng vừa xảy ra trong một gia đình tại Hà Nội. Trong vòng nửa tháng, 2 đứa con nhỏ của vợ chồng anh T.V.C và chị T.T.N.Q, trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong.
Điều trùng hợp là hai bé tử vong cùng chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Cụ thể, ngày 27/10, con trai thứ 2 của vợ chồng anh C. là cháu T.C.V., 5 tuổi sốt ngày 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng chỉ ở nhà, không điều trị. Sáng sớm 28/10, gia đình đưa bé V. vào Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị.
Phó giáo sư Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết dù được điều trị tích cực nhưng đến 21 giờ ngày 31/10, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Video đang HOT
Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10, đến ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.
Ngày 10/11, con trai út của anh chị là bé T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Theo bác sỹ Điển, sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 – 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua.
Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay: “Hai trường hợp một cháu sinh năm 2014 và một cháu 2018 bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm. Hiện nay, điều tra dịch tễ chưa có gì bất thường đặc biệt. Chúng tôi tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân chủ động tích cực theo dõi trên địa bàn Hà Nội và tiếp tục có điều tra tiếp theo. Với gia đình nói trên không có gì bất thường, tại trường học và hàng xóm cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự.”
Theo ông Cảm, bệnh Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Người dân không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số ca mắc ít.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân. Trường hợp tử vong, ngành y tế đều tiến hành điều tra xác minh tích cực và kịp thời,” ông Cảm nhấn mạnh./.
Thuỳ Giang
Theo Vietnamplus
Khuyến cáo người dân đề phòng bệnh Whitmore
Từ đầu năm đến ngày 27/9, tại bệnh viên Đa Khoa tỉnh Yên Bái phát hiện 6 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, trong đó đã cứu chữa thành công được 2 người, 4 trường hợp trước đó đã tử vong do vào viện quá muộn.
Một bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II, biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng và tiếp xúc với bùn đất mà không có phương tiện bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết. Ảnh: TTXVN phát
Trước thông tin về bệnh Whitmore đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến cho người dân hoang mang, ngành y tế tỉnh Yên Bái có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết về căn bệnh này.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Vân, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn này. Đây là bệnh ít gặp, khó lây từ người sang người, không gây thành dịch nhưng bệnh cảnh thường phát hiện muộn nên tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc các bệnh mạn tính. Khi người bệnh không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức. Vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei không có khả năng ăn các tế bào nên không thể gọi là vi khuẩn "ăn thịt người" như nhiều người nhầm tưởng.
Đến thời điểm hiện tại, y học chưa ghi nhận được trường hợp nào lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người, côn trùng cũng chưa được tìm thấy là tác nhân truyền bệnh. Vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong nước và đất. Do đó, các con đường nhiễm bệnh là 3 trường hợp sau: Hít phải bụi bẩn có chứa vi khuẩn; ăn thức ăn hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn; tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là qua các vết trầy xước trên da. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, ở cả nam và nữ nhưng gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với đất, nước bị ô nhiễm.
Cũng theo bà Vân, để phòng tránh bệnh người dân nên thực hiện nghiêm túc theo 5 khuyến cáo của Bộ Y tế là: hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao; khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh; những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn; khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Thời gian tới, ngành y tế Yên Bái sẽ tập trung công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe về chủ đề này, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền tới người dân, đảm bảo người dân biết cách phòng bệnh mà không hoang mang lo sợ; triển khai công tác đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các tuyến để sớm nhận biết các dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ bệnh để chẩn đoán và điều trị kịp thời; tăng cường phát triển kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh.
Đặc biệt, Yên Bái sẽ tiếp tục củng cố việc hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm đúng quy định cho y tế tuyến cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ điều trị để hạn chế thấp nhất tử vong cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân Whitmore.
Đức Tưởng
Theo TTXVN
Bệnh Whitmore khó chẩn đoán, dễ tái phát Từ đầu năm đến nay, cả nước có tới 24 người mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 người tử vong. Trong tuần qua, lại phát hiện thêm 1 người đàn ông 61 tuổi ở Hà Tĩnh và 3 bệnh nhi ở Nghệ An dương tính với Withmore. Thông tin trên khiến nhiều người không khỏi lo lắng, khi mà sau thời gian...