2 người ở tù xong mới biết bị oan phải được bồi thường?
Theo chuyên gia, lập luận để từ chối bồi thường oan cho hai công dân của TAND tỉnh Nam Định là chưa thuyết phục.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ông Vũ Văn Điện (51 tuổi) và ông Đinh Trọng Khang(55 tuổi) đang yêu cầu TAND tỉnh Nam Định xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại vì cho rằng đã kết án oan đối với mình. Tuy nhiên, TAND tỉnh này từ chối vì cho rằng hai ông không oan, hai ông khởi kiện thì cũng bị tòa trả đơn. Nhiều ý kiến cho rằng các căn cứ mà TAND tỉnh cho rằng không làm oan hai ông là chưa thuyết phục, trong khi án giám đốc thẩm tuyên bố rõ hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Được hưởng lợi chứ không phải oan (!?)
Ngày 28-6, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Nguyên Ngọc, cho biết cơ quan này đã có văn bản giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Điện và ông Khang theo hướng hai ông không bị làm oan. Sau đó, ông Ngọc chỉ cung cấp quyết định giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh cho PV và từ chối trả lời thêm vì phải xin ý kiến của lãnh đạo.
Trong khi đó, tại Công văn số 08 ngày 5-7-2018 trả lời ông Điện và ông Khang, TAND tỉnh cho rằng không làm oan hai ông. Tòa tỉnh dẫn quy định tại Nghị định 59/2006 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 43/2009) thì các loại pháo thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nhưng quy định tại Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) thì kinh doanh các loại pháo thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, theo tòa, Nghị định 59/2006 và Luật Đầu tư 2014 có sự không thống nhất. Do đó, ngày 22-11-2016, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), trong đó quy định kinh doanh pháo nổ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Cũng theo Công văn số 08, ngày 28-4-2017, TAND Tối cao có Công văn số 91 (về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa) quy định từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2017, không xác định pháo nổ là hàng cấm, không xử lý hình sự đối với hành vi này. Hành vi buôn bán pháo nổ của ông Điện và ông Khang xảy ra vào ngày 19-11-2015 (nằm trong giai đoạn trên) nên Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh, tuyên bố hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Từ đó, TAND tỉnh cho rằng do có sự thay đổi về chính sách pháp luật, ông Điện và ông Khang được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội nên không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Không đồng ý với việc trả lời này, hai ông tiếp tục khiếu nại. Tại quyết định giải quyết khiếu nại ngày 20-11-2018, TAND tỉnh tiếp tục khẳng định ông Điện và ông Khang không thuộc trường hợp được bồi thường nên đã bác đơn.
Cùng ngày 26-8, PV cũng đã liên hệ trực tiếp với TAND TP Nam Định, nơi đã từ chối đơn khởi kiện đòi TAND tỉnh này bồi thường oan của hai ông. Tại đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh án, cho biết sẽ báo cáo chánh án để sắp xếp lịch làm việc, trả lời sau.
Trước đó, ngày 21-5, TAND TP Nam Định này có quyết định bác đơn khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của ông Điện và ông Khang. Lý do là người khởi kiện không cung cấp được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo khoản 5 Điều 3 và Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Quyết định giám đốc thẩm tuyên hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án là do chính sách pháp luật thay đổi, không phải hành vi không cấu thành tội phạm mà tòa án cấp sơ thẩm xử sai.
Ông Điện và ông Khang trước trụ sở TAND tỉnh Nam Định. Ảnh: TP
Lập luận không thuyết phục
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia về hình sự cho rằng các lập luận của TAND tỉnh Nam Định là chưa thuyết phục. Bởi theo điểm 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Như vậy, khi Nghị định 59/2006 và Luật Đầu tư 2014 có sự không thống nhất về quản lý các loại pháo nổ thì việc áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư là đương nhiên, vì đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Nam Định căn cứ vào Nghị định 185/2013 về việc xử phạt hàng cấm kinh doanh và Thông tư liên tịch số 06/2008 giữa Bộ Công an – VKSND Tối cao – TAND Tối cao và các quy định của BLHS để kết luận hành vi của hai ông Điện và Khang cấu thành tội buôn bán hàng cấm. TAND tỉnh đã không áp dụng Luật Đầu tư 2014 có nội dung kinh doanh pháo không phải là ngành nghề cấm đầu tư.
Chưa hết, TAND tỉnh cho rằng hai ông được hưởng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội do chính sách pháp luật thay đổi. Thế nhưng tại thời điểm hành vi mua bán pháo bị phát hiện cho đến khi xét xử, tuyên án, Luật Đầu tư 2014 đã và đang còn hiệu lực nên không thể nói là “được hưởng lợi”.
TAND tỉnh còn dẫn Công văn số 91 của TAND Tối cao để cho rằng hai ông không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng công văn này hướng dẫn ba trường hợp. Thứ nhất, đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2015, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa và miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Khi miễn trách nhiệm hình sự, tòa án phải ghi rõ trong bản án lý do là vì có sự thay đổi chính sách pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm đến mức phải xử lý hình sự. Người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, đối với hành vi xảy ra từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2015 đến 0 giờ 00 ngày 1-1-2017, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án. Trường hợp người bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm rà soát, báo cáo ngay người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án theo quy định. Thứ ba, đối với hành vi xảy ra sau 0 giờ 00 ngày 1-1-2017, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/2017 của TAND Tối cao.
Như vậy, theo hướng dẫn tại Công văn số 91 thì vụ án của ông Điện và ông Khang thuộc trường hợp thứ hai. Việc TAND tỉnh Nam Định cho rằng hai ông không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (như trường hợp thứ nhất – PV) là không đúng.
Có cơ sở yêu cầu bồi thường oan
Theo diễn biến vụ án thì tại Quyết định giám đốc thẩm số 59/2018 ngày 12-3-2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án số 07 của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông không phạm tội buôn bán hàng cấm và đình chỉ vụ án.
Quyết định này sau đó có hiệu lực pháp luật, không bị xem xét lại, do đó bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào cũng phải chấp hành. Từ đó có cơ sở thể hiện hai ông Điện và Khang bị xét xử oan sai. Hai ông này có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng đã làm oan mình bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Về phía TAND TP Nam Định, cần thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan sai của hai ông theo luật định, không được từ chối yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Nếu không đồng ý với quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội thì cơ quan tố tụng tỉnh Nam Định có thể làm đơn kiến nghị với TAND Tối cao để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, chứ không được quyền từ chối bồi thường hay từ chối đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường oan sai đối với hai công dân bị oan sai.
Ông VÕ VĂN THÊM, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM
TUYẾN PHAN
Theo PLO
Buôn bán pháo nổ: Trên đình chỉ, dưới bảo không oan
Theo quyết định giám đốc thẩm, thời điểm hai ông buôn bán pháo nổ (ngày 19-11-2015) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ bị xử phạt hành chính.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Điện (51 tuổi, trú huyện Giao Thủy, Nam Định) và Đinh Trọng Khang (55 tuổi, trú huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết đang trong quá trình yêu cầu TAND tỉnh Nam Định xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại vì đã kết án oan đối với mình.
Lên mạng tìm hiểu, biết mình bị oan
Vụ việc bắt đầu từ ngày 19-11-2015, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang ông Khang điều khiển xe máy chở theo 25,289 kg pháo nổ. Tại cơ quan điều tra, ông Khang khai nhận số pháo này mua của ông Điện. Sau đó cả hai bị khởi tố, truy tố về tội buôn bán hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS 1999.
Ngày 27-1-2016, tại bản án sơ thẩm số 07/2016 (gọi tắt là bản án số 07), TAND tỉnh Nam Định tuyên phạt hai ông Điện và Khang cùng mức án 12 tháng tù và phạt bổ sung 3 triệu đồng. Đến tháng 11-2016 thì cả hai ông chấp hành xong hình phạt trên.
Sau khi ra tù, ông Điện thường xuyên lên mạng Internet đọc tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thời điểm này, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014, trong đó có quy định kinh doanh pháo nổ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Kiểm tra lại Luật Đầu tư 2014, ông Điện bất ngờ phát hiện thời điểm ông bị bắt thì hành vi kinh doanh pháo nổ được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là hành vi cấm đầu tư như luật sửa đổi. Tức là thời điểm ông bị bắt thì người buôn bán pháo nổ sẽ không bị xử lý hình sự và chỉ bị xử phạt hành chính.
Sau khi bàn bạc và thống nhất với ông Khang, hai ông quyết định đến TAND tỉnh Nam Định để kêu oan. Nhưng sau một số lần trực tiếp tới trụ sở TAND tỉnh để yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan bằng miệng, hai ông đều bị từ chối. Không bỏ cuộc, hai ông tiếp tục đi dò hỏi, tham khảo ý kiến các luật sư để tiếp tục việc kêu oan.
Ông Vũ Văn Điện (trái) và ông Đinh Trọng Khang trình bày về vụ án oan hy hữu của mình. Ảnh: TUYẾN PHAN
Hủy án, tuyên 2 ông không phạm tội
Một diễn biến khác mà hai ông cũng không ngờ tới, đó là vào tháng 11-2017, chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định kháng nghị bản án số 07 của TAND tỉnh Nam Định. Chánh án đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm vụ án theo hướng tuyên hai ông không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Ngày 12-3-2018, tại quyết định giám đốc thẩm số 59/2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy bản án số 07 của TAND tỉnh Nam Định, tuyên bố hai ông Điện, Khang không phạm tội buôn bán hàng cấm và đình chỉ vụ án.
Theo quyết định giám đốc thẩm, tại Phụ lục 4 kèm theo Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) quy định kinh doanh các loại pháo nổ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) quy định kinh doanh pháo nổ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Vì thế kể từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2017, không xác định pháo nổ là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ trong nội địa quy định tại Điều 155 BLHS 1999.
Do chính sách pháp luật thay đổi, vì vậy hành vi buôn bán 25,289 kg pháo nổ của ông Điện và ông Khang vào ngày 19-11-2015 không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải được xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Từ đó quyết định giám đốc thẩm cũng chuyển vụ việc cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính để xử phạt theo thẩm quyền với hai ông.
Nhận được quyết định giám đốc thẩm, hai ông mừng khôn xiết và chính thức mời luật sư soạn thảo các văn bản yêu cầu TAND tỉnh Nam Định bồi thường oan. Tuy nhiên, thêm một lần nữa TAND tỉnh này từ chối vì cho rằng trường hợp của hai ông không phải oan, sai.
Không chấp nhận, ông Điện và ông Khang quyết định khởi kiện TAND tỉnh Nam Định ra TAND TP Nam Định. Thế nhưng TAND TP Nam Định đã trả lại đơn khởi kiện vì cho rằng hai ông không bị oan, cũng không cung cấp được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, hai ông cho biết kể từ khi có quyết định của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội tới nay, cơ quan chức năng tỉnh cũng chưa tiến hành xử phạt hành chính như bản án đã yêu cầu.
TAND tỉnh Nam Định nói gì về việc từ chối bồi thường oan cho ông Điện, ông Khang và lãnh đạo TAND Tối cao nói gì về vụ án này, Pháp Luật TP.HCM sẽ phản ánh trong số báo tới.
Tố cáo thẩm phán chủ tọa phiên xử sơ thẩm
Cùng với yêu cầu bồi thường, ông Điện và ông Khang còn làm đơn tố cáo đối với thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vào ngày 27-1-2016. Hai ông cho rằng quyết định của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã khẳng định rõ là hai ông không phạm tội. Việc TAND tỉnh kết án 12 tháng tù khiến các ông phải ngồi tù oan ức.
"Khi được phân công xét xử thì thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết. Vậy thời điểm xét xử vụ án, thẩm phán với vai trò chủ tọa phiên tòa có nắm được quy định của Luật Đầu tư năm 2014 rằng kinh doanh pháo nổ không thuộc các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay không?" - đơn viết.
Hai ông cũng cho biết vì phải chịu bản án oan mà cuộc sống gia đình đảo lộn. Thời điểm ông Điện bị bắt, vợ đang mổ tim, mọi hoạt động kinh doanh đều bị chững lại, con cái phải tự xoay sở sinh hoạt. Còn ông Khang, cũng vì vụ án mà vợ bị trầm cảm, cha ông thì mất đúng vào thời điểm ông đang phải thụ án. "Không gì có thể đánh đổi với những ngày tháng chúng tôi phải ngồi tù, chúng tôi yêu cầu xin lỗi và bồi thường để lấy lại danh dự, còn chuyện tiền bạc có lẽ bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại được" - ông Điện nói.
TUYẾN PHAN
Theo PLO
Sau 16 năm sống trong sợ hãi mới biết mình bị án oan Cuối tuần qua, TAND huyện Yên Thế, Bắc Giang chính thức tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường, phục hồi danh dự của ông Nguyễn Hồng Kha, SN 1969, trú tại thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông Kha là nạn nhân bị oan trong vụ án cách đây 16 năm. 16 năm nay ông Kha luôn...