2 người đàn bà góa nổi tiếng vì… nghèo
Sự nghèo đói, khổ sở của hai người đàn bà đã khiến cho họ trở nên nổi tiếng. Dù họ chẳng muốn vậy.
Chồng chết, chẳng để lại gì ngoài đứa con thơ. Ngày giỗ, chị Hiền ở xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chỉ biết đưa con sang nhà bà nội để thắp hương, vì chị chẳng thể lập được chiếc bàn thờ cho chồng mình.
Còn bà Bình, dù đã ở vào cái tuổi thập cổ lai hy nhưng vẫn chưa từng được sống trong ánh đèn điện. Ngôi nhà của bà chỉ có duy nhất một thứ có giá trị. Đó là bức hình của đứa cháu trai cưỡi trên chiếc xe máy được đóng khung treo trên cột nhà không còn trụ.
Những cái đó đã khiến họ trở nên “nổi tiếng” ở vùng quê nghèo Đức Giang. Nơi mà mỗi năm có ít nhất 5 cơn lũ “ghé thăm”.
Đến bàn thờ chồng cũng không có
Chúng tôi trở lại Vũ Quang (Hà Tĩnh) – nơi người dân chịu thiệt hại nặng nề do hai cơn lũ lịch sử vừa qua, những nỗi kinh hoàng về lũ lụt vẫn còn ám ảnh trong mắt mỗi người dân nơi đây.
Chúng tôi được “giới thiệu” về hộ nghèo Nguyễn Thị Hiền ở xã Đức Giang. Chị cán bộ huyện ủy thông tin rằng, có đến mới chứng kiến được nhiều người dân nơi đây khổ như thế nào.
Cơm hết, trong nồi chỉ còn một ít lạc trộn với nước mắm dành cho bữa tối,
thằng bé con chị Hiền lại khóc. Chắc nó đói, vì từ ngày lũ đến giờ,
nó chưa được bữa nào no.
Con đường dẫn vào nhà chị Hiền ở xóm Cẩm Trang vẫn hằn in những dấu chân trên lớp bùn non nhầy nhụa do trận lũ vừa qua mang lại.
Nhà chị, gọi là thế vì nó vẫn là nơi trú ngụ của hai mẹ con chị, được dựng trên những cái cột kèo chỉ lớn hơn cổ tay người lớn một chút, chẳng biết làm sao vẫn đứng được trong 2 trận lũ vừa qua.
Trên nền nhà, cháu Trần Văn Chung (5 tuổi) con chị Hiền vẫn đang ngồi cạnh chiếc nồi đã không còn cơm, chỉ còn 1/3 bát nước mắm với lạc rang để dành cho bữa tối. Dường như đứa trẻ vẫn còn đói nên cứ khóc ngằn ngặt.
Nhìn con khóc vì đói, chị Hiền cũng khóc. Nhưng nước mắt không chảy, chỉ thấy đôi mắt đỏ hoe, sưng mọng vì mất ngủ. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu chị khóc thương cho hoàn cảnh góa bụa nuôi con khi chồng đã về với thế giới bên kia.
Sau cơn bạo bệnh, chồng chị, anh Trần Văn Đoàn đã bỏ hai mẹ con ra đi khi cháu Chung vẫn chưa đến tuổi mẫu giáo. Chồng chết, để lại những khoản nợ trong thời gian chữa trị lên đôi vai chị Hiền.
Chẳng có việc làm, ngày ngày chị đành phải gửi con cho bà nội trông, đi làm thuê bất cứ việc gì để kiếm được mấy nghìn đồng mua gạo nuôi con cho qua ngày đoạn tháng.
Chị ôm mặt khóc khi nói về chồng: “Chẳng có bàn thờ, ngày giỗ tết, tôi đưa con qua nhà bà nội để thắp hương cho bố nó”.
Hai mẹ con chị Hiền sống dựa vào nhau trong túp lều tranh sắp sập vì ngấm nước lũ. Ngày giỗ tết, chị Hiền chỉ biết đưa con qua nhà bà nội để thắp hương. Trong nhà chị không có bàn thờ thờ chồng.
Trong ánh điện tù mù của bóng đèn bé như trái cau, tôi quan sát được những tài sản mà chị có. Ngoài đứa con ra, tài sản của chị chỉ là 3 chiếc nồi nấu ăn, mấy cái bát đũa đã sứt mẻ và chiếc giường đã cũ nát.
Nhắc đến trận lũ vừa qua khi hai mẹ con phải ôm nhau chạy cả đêm, chị lại thấy tiếc vì bị trôi mất chiếc tủ gỗ đặt giữa nhà. Chị kể, đó là tài sản lớn nhất của hai mẹ con dùng để đựng thực phẩm, cơn lũ ập đến trong đêm đã cuốn đi mất.
Video đang HOT
“Những ngày lũ vừa qua, hai mẹ con phải chạy qua nhà bà nội tạm trú. Khi con nước dữ rút dần, trở về dọn dẹp thì chẳng còn gì. Được mấy kg gạo dự trữ thì cũng bị ngâm trong nước. Tôi phải đi xin hàng xóm từng lon gạo để nấu cho con ăn. Riêng tôi thì vẫn nấu gạo ngâm nước lũ để ăn. Rất may là nhà vẫn chưa bị trôi, nhưng rồi cũng chẳng biết sập lúc nào. Nhà tranh, vách đất ngâm trong nước lũ giờ cũng đã mềm như bùn non”, chị thảng thốt.
Món quà ít ỏi của những người đến thăm hai mẹ con chắc chỉ đủ cho họ sống tốt trong thời gian tới. Nhưng rồi chẳng biết họ sẽ sống như thế nào khi đứa trẻ vẫn đang phải khóc sau mỗi bữa ăn vì đói, trong ngôi nhà đang đe dọa tính mạng của họ hàng ngày?
Người dân Hà Tĩnh đang rất cần những tấm lòng thơm thảo của đồng bào cả nước chia sẻ hoạn nạn sau 2 trận lũ lịch sử
“Nổi tiếng” nhờ… nghèo!
Ở Đức Giang còn có một gia đình khác cũng nghèo đến mức “nổi tiếng”. Nhắc đến bà Bình ở thôn Văn Giang thì người dân ở đây liền nói: Họ là tận cùng của cái khổ!
Phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm được ngôi nhà của người đàn bà nổi tiếng vì nghèo này. Nhà bà Đặng Thị Bình tọa lạc trên vạt đất chừng 100m vắt vẻo trên triền núi cạnh con sông Ngàn Sâu.
Nhà bà Bình không còn thuộc diện “tranh tre nứa lá” cách đây đã 7 năm theo chương trình xóa nhà tranh tre nứa lá được triển khai tại Hà Tĩnh. Túp lều tranh xiêu vẹo được thay thế bằng ngôi nhà lợp ngói. Nhà chỉ rộng chừng 30m, chẳng có tường, xung quanh nhà được che lại bằng những tấm phên đã cũ nát. Cũng chẳng biết đâu là cửa ra vào, chỉ có một khoảng trống phía trước để có thể phân biệt ngoài trời và trong nhà.
Người đàn bà nổi tiếng ở xã Đức Giang – bà Đặng Thị Bình. Trong nhà chỉ có 3 thứ mà bà cho là quý giá: Bàn thờ chồng, nồi niêu và… bức ảnh của đứa cháu.
Cuộc đời của người đàn bà Đặng Thị Bình là chuỗi ngày dài sống trong nghèo túng. Dường như đối với bà, cái nghèo đã trở thành một thứ tài sản gắn liền với cuộc đời đầy bất hạnh.
Chồng chết sớm, một tay bà nuôi con lớn lên bằng nghề làm thuê bất cứ thứ gì. Rồi một ngày định mệnh, người con gái về thông báo với bà rằng, chị đang mang thai. Hỏi có thai với ai, con bà chẳng nói, bà biết cái gì đã xẩy ra với gia đình mình.
Ngày ngày, tấm thân héo mòn của bà lại leo lên những quả đồi, tìm kiếm những thứ gì có thể bán được để về nuôi con, chờ ngày đứa cháu ra đời. Ruộng chẳng có, mức hỗ trợ thường xuyên của nhà nước thời điểm đó chỉ được 15.000/ tháng, bà chẳng thế lý giải nổi tại sao bà, con bà, cháu bà lại có thể vượt qua và sống đến bây giờ.
Trong 60 năm sống trên đời, bà Bình chưa từng được biết đến ánh sáng của đèn điện.
Cố gắng quan sát kỹ tôi mới có thể nhìn được một số vật dụng trong nhà bà. Bà Bình chưa bao giờ được sống trong ánh đèn điện, chỉ nhìn thấy ánh sáng bừng lên trong những căn nhà của hàng xóm.
Trong nhà chẳng có vật dụng gì liên quan đến điện. Chắc những thứ quý giá nhất là bức ảnh của đứa cháu, chiếc bàn thờ chồng được làm bằng mấy thanh tre và chiếc thúng đen sì đựng nồi niêu được treo ngay giữa nhà.
Hai trận lũ vừa qua, nước không ngập vào trong nhà bà. Nhưng nó lại chia cắt 3 mẹ con, bà cháu với thế giới bên ngoài. Bà nhớ lại những ngày phải chạy từng bữa xin cơm cho cháu vì nước lũ lên, bà chẳng thể làm được gì và trong nhà cũng chẳng có gì tích trữ để ăn. Hàng tháng bà nhận được sự hỗ trợ của nhà nước 120.000 đồng, nhà có 3 miệng ăn, số tiền đó chẳng đủ để làm gì.
Bà Bình và con, cháu sẽ có được bữa cơm ấm lòng khi nhận được tiền và gạo cứu trợ của độc giả.
60 năm trong cuộc đời cũng là chừng ấy thời gian bà chứng kiến mọi khổ đau đến với gia đình mình. Đứa cháu trai ra đời, lớn lên khỏe mạnh chính là niềm an ủi lớn nhất của bà. Nhắc đến cháu, bà liền khoe với chúng tôi bức hình chụp cháu đang ngồi trên chiếc xe máy được đóng khung treo trên cột nhà. Bà Bình cười tươi khi nhắc đến cháu, nhìn bà cười tôi lại liên tưởng đến câu ngạn ngữ “tận cùng của hạnh phúc là nước mắt, tận cùng của đau khổ là nụ cười”.
Rời nhà bà Bình khi chập choạng tối, những ngôi nhà xung quanh đã phủ kín khói từ những bếp lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối. Tôi nán lại trước sân một lúc, nhìn vào, thấy bà đang thắp đèn, lấy gạo nấu cơm chờ đứa cháu đi học về.
Chắc buổi tối, ba bà cháu, mẹ con bà Bình sẽ có được bữa cơm ấm lòng khi nhận được tiền và gạo cứu trợ của độc giả. Nhưng không ai có thể chắc chắn cuộc sống của những con người đau khổ này như thế nào vào những ngày sắp tới.
Theo Vietnamnet
Người phụ nữ bị lũ cuốn vì quá thương chồng
5h sáng ngày 17/10, chị Huyền quyết chèo thuyền để ra trạm xá mua thuốc cho chồng đang bị bệnh nặng, thế nhưng chưa đến nơi thì chị đã bị lũ cuốn trôi để lại 5 bố con côi cút, bệnh tật.
Dòng nước tàn nhẫn
Trưa ngày 22/10, sau khi trao tiền mặt cho từng người dân ở Ủy ban nhân nhân dân xã Quang Lộc, chúng tôi đứng trước căn nhà vừa mới sơn xanh của anh Đào Duy Thắng (thôn Ban Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ngoại trừ sắc màu xanh tươi sáng, toàn bộ những vật dụng lẫn những người dần dần xuất hiện ở trước cửa đều đượm một sự buồn thương.
Trong dáng vẻ gầy gò, yếu ớt và không nói được gì nhiều, anh Đào Duy Thắng, chồng của chị Phạm Thị Huyền (sinh năm 1979) người vừa bị tử vong trong đợt lũ thứ 2, đưa chúng tôi vào nhà để thắp hương cho nạn nhân xấu số trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Chỉ vào bức hình bé được dán trên một tấm bìa giấy cứng phía sau bát hương, bác Đào Duy Hòa, bố của anh Thắng cho biết. "Nhà chưa làm được tấm ảnh lớn nào nên lấy tạm ảnh nhỏ trong một lần đi chơi của Huyền để thờ".
Bàn thờ với di ảnh của chị Phạm Thị Huyền
Trong nỗi xót xa, anh Thắng kể lại: "Hôm đó là ngày 17/10, nước lên cao lắm rồi, nhưng tôi lại bị đau nên 5h sáng, lúc vừa ngủ dậy vợ tôi bảo phải chèo thuyền ra mua thuốc. Thấy nước lên ghê quá, tôi bảo đừng có đi, nhưng lo tôi bị nặng hơn, rồi lại vào nhập viện hàng tháng trời như trước nên cô ấy vẫn đi. Để yên tâm hơn, em trai tôi (sinh năm 1993) lấy thuyền chở cô ấy. Nhưng ai ngờ chỉ đi ngang đến ngoài kia là bị nước cuốn rồi".
Nơi tìm thấy thi thể chị Huyền
Suốt cuộc trò chuyện, người đàn ông này không nói được liên tục, thỉnh thoảng anh phải dừng lại để lấy hơi vì không có sức. Rồi anh cho biết, nơi vợ anh bị nước cuốn ở ngay con đường làng cách nhà chỉ khoảng mấy trăm mét, phía dưới có một chiếc cống nên nước chảy rất mạnh, khi thuyền đi qua thì bị cuốn.
Lúc đó, cả chị Huyền lẫn em chồng đều rơi xuống nước, nhưng chàng trai may mắn được người dân cứu sống. 30 phút sau, người nhà nạn nhân bàng hoàng khi tìm thấy thi thể chị Huyền ở bên đám bèo cách đó chỉ vài chục mét.
3 ngày sau, nước vẫn còn ngập mênh mông xã Quang Lộc, đoàn thuyền đưa chị Huyền về nơi an nghỉ ở nghĩa trang xã. Anh Nguyễn Văn Sơn, giám đốc công an huyện Can Lộc cho biết, lúc này, lực lượng chức năng đã hỗ trợ thuyền, áo phao và cử người đi cùng để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho gia quyến.
Đại diện Quỹ VNIF và cộng đồng Zing trao 1 triệu đồng cho gia đình anh Thắng.
Không biết sống như thế nào đây!
Chị Huyền mất đi, nỗi đau trở nên tột cùng hơn khi dư âm để lại là một người chồng bệnh tật và 4 đứa con nhỏ, trong đó cháu út cũng bị bệnh.
Bình thường, cuộc sống của vợ chồng chị Huyền chủ yếu dựa vào làm ruộng, chắt chiu mãi họ mới dựng được một căn nhà nhỏ. Đến lúc này, ngoài 2 chiếc giường trong phòng ngủ, một chiếc bàn gỗ đơn sơ, đây cũng là một ngôi nhà trống rỗng (không bếp ga, không nồi cơm điện, không ti vi, không cassette, không xe máy...) như một số ngôi nhà nghèo khó khác tại miền Trung.
Trong những ngày tang thương này, bố ruột của anh Thắng và em vợ của anh là chị Phạm Thị Quang thường xuyên lui tới để giúp đỡ 5 bố con. Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng là rồi đây, 5 bố con sẽ phải tự lo cho nhau.
Trong khi đó, ngoài bệnh viêm não, anh Thắng đã hoàn toàn bị hỏng con mắt bên phải, khả năng lao động kiếm sống ở mức rất thấp. 2 năm nay, anh Thắng đau ốm liên tục, đặc biệt là cách đây 4 tháng nằm viện kiến gia đình lại càng kiệt quệ hơn.
Trong số 4 cháu nhỏ của anh Thắng và chị Huyền, cháu đầu hiện học lớp 5, cháu thứ 2 học lớp 3, cháu tiếp theo 4 tuổi học mẫu giáo, và cậu bé út 18 tháng tuổi.
Tại thời điểm này, cậu bé học lớp 5 cũng đang bị ốm, nằm bê bết ở giường. Dù có khá đông người lạ đến nhà, nhưng cậu bé vẫn lặng lẽ nằm trên giường, trong bóng tối phòng ngủ chung của cả gia đình.
Cậu bé đầu đang bị ốm và nằm trong căn phòng tối
Chỉ vào cậu bé út 18 tháng đang nằm trên võng, bố anh Thắng kể: "Hồi mang bầu thằng bé mẹ nó bị điện giật suýt chết, sau khi sinh ra, thằng bé thỉnh thoảng lại lên cơn co giật".
Gia đình anh Thắng, ông Hòa lý giải tình trạng sức khỏe của cháu bé là do nằm trong bụng mẹ lúc bị điện giật. Cháu nằm với đôi mắt to tròn ngơ ngác. Dưới thân thể cháu là đôi chân teo tóp tưởng chừng như không chịu đựng được cân nặng của cơ thể.
Cháu út tên là Đào Duy Quý
Gương mặt rất sáng sủa nhưng đôi chân cháu quá bé nhỏ
Nhận 1.000.000 đồng hỗ trợ từ Quỹ VNIF và cộng đồng Zing, anh Thắng nói: " Trước mắt thì lo được chừng nào hay chừng đấy thôi các chị, lo lắm nhưng biết làm sao đây!"
Chia tay anh Thắng, chúng tôi rời khỏi căn nhà sơn xanh đã từng là mái ấm của một gia đình. Phía sau chúng tôi, là gương mặt buồn thương đến trống rỗng của cậu bé 4 tuổi đứng bên chiếc cột nhà hàng xóm. Cháu dõi mắt nhìn theo những người lạ với một nỗi buồn thăm thẳm trên gương mặt nhem nhuốc khiến bất kỳ người lớn cứng cỏi nào cũng xót xa.
Những đứa trẻ đang chịu nỗi đau mất mẹ và sẽ còn chuỗi ngày khó khăn với người bộ bệnh tật, một mắt mù
Độc giả có lòng hảo tâm hỗ trợ gia đình anh Thắng và 4 cháu nhỏ, có thể liên hệ: Anh Đào Duy Thắng, thôn Ban Long, xã Quang Long, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Liên hệ qua điện thoại của bố ruột anh Thắng: 01669226911.
Thủy Nguyên
Theo BĐVN
5 thi thể vẫn mất tích trong ngày tìm kiếm cuối cùng Vụ xe khách bị lũ cuốn: Tại khách sạn Lam Kiều, gia đình của 5 nạn nhân còn lại vẫn đang ngày đêm túc trực nóng ruột chờ ngóng thông tin tìm thi thể người nhà trong vụ xe khách bị lũ cuốn trôi. Đến nay đã bước sang ngày thứ 8 rồi mà thi thể người nhà vẫn chưa được tìm thấy,...