2 ngày sau thảm kịch máy bay rơi: Indonesia vớt được 34 túi xác
Lực lượng cứu hộ đã gửi 34 túi đựng xác của các nạn nhân sau vụ rơi máy bay chở 189 người của hãng hàng không Lion Air tới nơi kiểm tra ADN để xác định danh tính.
2 ngày sau thảm kịch máy bay rơi: Indonesia vớt 34 túi xác
Cuộc tìm kiếm các nạn nhân trên chuyến bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air rơi ở ngoài khơi vùng biển Karawang, Tây Java, Indonesia vào sáng 29/10 đã kéo dài sang ngày thứ hai và nhiều xác đã được tìm thấy.
Các túi vật thể sẽ được chuyển tới bệnh viện Cảnh sát ở Đông Jakarta và chờ nhóm chuyên gia phân tích ADN xác định danh tính các nạn nhân.
Lực lượng cứu hộ đã trục vớt và chuyển 34 túi đựng xác của các nạn nhân, có thể bao gồm cả trẻ em, tới nơi kiểm tra ADN để xác định danh tính của các nạn nhân.
Theo Cơ quan Tìm kiếm Cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas), lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy khoảng 14 túi đựng các mảnh vỡ của máy bay, song chưa phát hiện hộp đen của máy bay nằm ở đâu.
“Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể tìm thấy phần thân chính của máy bay. Tất cả những gì nổi lên mặt nước đều được trục vớt”, người đứng đầu Basarnas, Tướng Không quân Muhammad Syaugi, nói với Straitstimes.
Một nhóm gồm 3 chuyên gia từ Cơ quan Điều tra An toàn Giao thông Singapore đã tới thủ đô Jakarta, Indonesia vào chiều 29/10, mang theo thiết bị định vị dưới nước để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm máy bay của Indonesia.
“Chúng tôi đang tìm kiếm thân máy bay. Thông thường hộp đen sẽ nằm cách không xa thân máy bay. Chúng tôi sử dụng máy dò nhưng chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của một vật thể lớn dưới đáy biển”, ông Syaugi nói với các phóng viên.
Giám đốc phụ trách chiến dịch tìm kiếm của Basarnas dự đoán “không ai còn sống sót” sau vụ máy bay rơi. Máy bay chở 189 người, gồm cả phi hành đoàn và hành khách, đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta.
Đại diện cảnh sát Indonesia cho biết các chuyên gia về pháp y đã thực hiện hàng loạt xét nghiệm trên các mảnh xác được tìm thấy, song vẫn chưa hoàn tất việc xác định danh tính các nạn nhân.
Hơn 130 người thân của các nạn nhân đã cung cấp mẫu ADN để hỗ trợ các nhà chức trách xác định danh tính những người đã thiệt mạng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới trực tiếp tới cảng Tanjung Prio ở Jakarta, nơi tập kết các xác và vật dụng từ máy bay rơi, để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ.
Nếu không còn ai sống sót, vụ rơi máy bay của Lion Air là thảm kịch hàng không khủng khiếp nhất tại Indonesia sau vụ rơi máy bay Garuda Flight GA152 khiến 235 người thiệt mạng năm 1997.
Quân đội Indonesia đã huy động hàng chục tàu, lính thủy đánh bộ, người nhái và các thiết bị dò tìm hiện đại để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm xác máy bay cũng như xác các nạn nhân.
Thành Đạt
Ảnh: Reuters
Theo Danviet
Vụ rơi máy bay Indonesia: Khó hiểu
Có chuyên gia cảnh báo bộ định vị khẩn cấp trên hộp đen có phần không đáng tin cậy và thiết bị này có thể không được tìm thấy
Nhà chức trách Indonesia hôm 30-10 đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm xác nạn nhân, hộp đen và xác chiếc máy bay của Hãng Hàng không Lion Air rơi xuống biển một ngày trước đó, giữa lúc vẫn chưa có câu trả lời nào cho nguyên nhân dẫn đến thảm kịch khiến 189 người thiệt mạng này.
Trục trặc kỹ thuật?
Việc tìm thấy thân máy bay và hộp đen có thể tiết lộ thêm về nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737 MAX 8 đột ngột giảm độ cao và gặp nạn sau 13 phút bay. Các chuyên gia hàng không cho rằng việc phi công chuyến bay JT610 yêu cầu trở về sân bay ở thủ đô Jakarta chỉ 2-3 phút sau khi cất cánh cho thấy máy bay có thể đã gặp trục trặc kỹ thuật. Dù vậy, họ vẫn thấy khó hiểu với những gì đã xảy ra.
Phát ngôn viên Yohanes Sirait thuộc AirNav Indonesia (cơ quan giám sát hàng không Indonesia) cho đài CNN biết dữ liệu radar không cho thấy chiếc máy bay đã quay đầu và các nhân viên không lưu mất liên lạc với nó không lâu sau đó.
Ông David Soucie, cựu giám sát viên an toàn thuộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), nhận định điều khiến ông thấy lo và khó hiểu là phi hành đoàn không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà chỉ nói: "Chúng tôi sẽ quay lại". Một điều bất bình thường khác là chiếc máy bay sau đó lao xuống bởi nếu muốn trở lại sân bay, phi công chỉ cần duy trì độ cao và chuyển hướng. Không tin yếu tố thời tiết đóng vai trò trong vụ việc, ông Soucie phỏng đoán có chuyện gì đó xảy ra thình lình và rất nhanh với máy bay.
Đáng chú ý là chiếc máy bay gặp nạn từng bị trục trặc kỹ thuật trong chuyến bay hôm 28-10 nhưng phía Lion Air khẳng định đã được kỹ sư kiểm tra, sửa chữa trước khi bay lại. Hai người từng đi trên chuyến bay này kể lại những vấn đề khiến không ít hành khách hoảng sợ.
Trong một bài viết chi tiết đăng trên mạng, người dẫn chương trình truyền hình Conchita Caroline cho biết chuyến bay bị muộn hơn một giờ và khi máy bay được kéo ra đường băng, một vấn đề kỹ thuật buộc nó phải quay trở lại bãi đỗ. Sau đó, các hành khách trải qua ít nhất 30 phút không có điều hòa không khí, nghe tiếng động "bất thường" phát ra từ động cơ...
Một hành khách khác, anh Alon Soetanto, nói với đài TVOne rằng máy bay đột ngột giảm độ cao vài lần trong vài phút đầu tiên sau khi cất cánh. "Khoảng 3-8 phút sau khi cất cánh, tôi cảm thấy máy bay như mất lực và không thể bay lên. Điều đó xảy ra vài lần trong suốt chuyến bay. Chúng tôi như ở trên một chiếc tàu lượn..." - anh nhớ lại.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) quan sát những mảnh vỡ máy bay được tìm thấy hôm 30-10. Ảnh: REUTERS
Chìa khóa giải mã
Lời kể trên trùng khớp với dữ liệu từ các trang theo dõi chuyến bay, theo đó cho thấy tốc độ, cao độ và phương hướng thất thường trong những phút đầu sau khi chiếc Boeing 737 MAX 8 cất cánh hôm 28-10. Điều tương tự cũng thể hiện qua dữ liệu về chuyến bay xấu số trong ngày 29-10. Tuy nhiên, theo AP, các chuyên gia thận trọng cho rằng cần đối chiếu thông tin này với dữ liệu từ hộp đen để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, vấn đề con người cũng được nói đến. Lion Air cho biết cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay lần lượt có 6.000 và 5.000 giờ bay. Tuy nhiên, chuyên gia an toàn hàng không người Úc Byron Bailey, từng làm phi công trong 45 năm, cho rằng 2 phi công này có thể chưa được huấn luyện đầy đủ và chỉ có "kinh nghiệm về lý thuyết" - một vấn đề với không ít hãng hàng không giá rẻ như Lion Air.
Ông Muhammad Syaugi, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia (BASARNAS), hôm 30-10 tin rằng sẽ sớm tìm thấy thân máy bay và hộp đen bởi vùng biển nơi máy bay gặp nạn không quá sâu - khoảng 30 m. Trong nỗ lực đẩy nhanh hiệu quả tìm kiếm, tàu chuyên dụng và thiết bị lặn điều khiển từ xa đã được triển khai. Tuy nhiên, chuyên gia Soucie cảnh báo bộ định vị khẩn cấp trên hộp đen có phần không đáng tin cậy và thiết bị này có thể không được tìm thấy, giống trường hợp chuyến bay MH370 bị mất tích hơn 4 năm qua.
Cùng ngày, BASARNAS cho biết 10 cái xác nguyên vẹn và một số mảnh xác đã được tìm thấy. Dù vậy, Jakarta thừa nhận có khả năng không tìm thấy toàn bộ xác người có mặt trên chuyến bay xấu số, giáng thêm cú sốc nữa vào người nhà các nạn nhân đang tuyệt vọng đợi tin. "Đây là thời điểm rất khó khăn với gia đình chúng tôi.
Khả năng anh họ tôi còn sống là rất ít... Điều chúng tôi hy vọng bây giờ là đội cứu hộ có thể tìm thấy xác để chúng tôi có thể an táng anh ấy đàng hoàng và nhà chức trách có thể công bố nguyên nhân máy bay rơi" - anh Leo Sihombing, người đang ở nơi tập trung gia đình nạn nhân tại sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta, nói với AP trong lúc những thành viên khác trong gia đình ôm nhau khóc.
HOÀNG PHƯƠNG
Theo nld.com.vn
Máy bay Indonesia chở 189 người rơi: Những phút cuối cùng của hành khách Các hành khách có mặt trên chuyến bay JT-610 của Lion Air không hề biết rằng đó là chuyến hành trình một chiều không bao giờ quay trở lại. Bức ảnh Deryl Fida Febrianto gửi về cho vợ trên chuyến bay JT-610. Theo Daily Mail, một hành khách tên Deryl Fida Febrianto chụp bức ảnh selfie mình ngồi trên máy bay vào lúc...