2 ngày rong chơi khắp Pù Luông hết chưa đến một triệu đồng
Chi khoảng một triệu đồng, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm những điều thú vị nhất, ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ của Pù Luông, Thanh Hóa.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 130km, Pù Luông thuộc địa phận hai xã Thành Lâm và Thành Sơn (huyện Bá Thước) là vùng đất còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của rừng núi, xen lẫn bản làng và những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn lúa.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đang trở thành điểm du lịch được giới trẻ yêu thích bởi không khí trong lành, yên bình cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Anh Phạm Văn Phong, người con của Thanh Hóa, đã có những trải nghiệm ấn tượng trong chuyến du lịch Pù Luông trong 2 ngày 1 đêm với mức chi phí khá rẻ.
Mùa lúa chín ở Pù Luông đến vào khoảng cuối tháng 5. Ảnh: Phạm Văn Phong
Lịch trình 2 ngày 1 đêm
Ngày 1:
Khởi hành từ 4h sáng, anh Phong xuất phát từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến Pù Luông bằng xe máy mất khoảng gần 3 tiếng. Đường đi rất thoáng, đẹp và vắng xe.
Điểm du lịch đầu tiên cả nhóm ghé thăm là guồng nước suối Chàm hay còn gọi là cọn nước. Dọc hai bên suối, những chiếc guồng nước đều đặn quay là công trình thủy lợi độc đáo của bà con nơi đây. Ngoài chiêm ngưỡng guồng nước, du khách có thể chèo bè hoặc tắm suối Chàm, tuy nhiên chú ý những ngày nước dâng cao.
Guồng nước quay đều bên bờ suối Chàm. Ảnh: Phạm Văn Phong
Video đang HOT
Sau khi rời suối Chàm, anh Phong tiếp tục đến chụp ảnh tại con đường chữ “S” và ngắm ruộng bậc thang ở bản Đôn. Đây cũng là phong cảnh thiên nhiên đặc sắc, ấn tượng nhất với anh. Mùa lúa ở bản Đôn đang xanh rì, xen lẫn chút sắc vàng tươi của những cây lúa cận kề mùa chín.
Con đường chữ “S” độc đáo ở Pù Luông. Ảnh: Phạm Văn Phong
Khám phá xong các địa điểm trên cũng đến trưa, nhóm bạn nghỉ ngơi tại quán cơm ven đường.
Khoảng 13h, anh tiếp tục khám phá hang dơi Kho Mường. Hang dơi với những khối đá tạo nên rất nhiều hình thù lạ mắt như con người, hình các loài thú, hình cỏ cây…
Đến tầm chiều, trời mát, anh Phong cùng bạn trải nghiệm tắm ở thác Hiêu. Với chiều dài khoảng 800m, thác Hiêu có làn nước trong lành, mát rượi ẩn giữa rừng cây.
Nắng rọi hang dơi đẹp kì vĩ. Ảnh: Phạm Văn Phong
Khoảng 17h, anh Phong di chuyển về homestay ở Pù Luông để ăn tối và nghỉ ngơi cho ngày trải nghiệm tiếp theo. Giá homestay anh Phong ở qua đêm là 225.000 đồng/người, bao gồm một bữa ăn sáng.
Ngày 2:
Pù Luông là vùng đất của nhiều con thác đẹp. Ở ngày cuối của chuyến hành trình khám phá Pù Luông, anh Phong chọn du lịch tại thác Đán – một con thác hoang sơ và rất ít khách du lịch biết tới.
Sau khi ăn bữa sáng tại homestay, khoảng 8h, anh Phong đến thác Đán nằm ở xã Dần Long, huyện Bá Thước. Đây là con thác có nước quanh năm, thu hút khách du lịch bởi dòng nước trắng xóa từ trên cao đổ thẳng xuống dưới, tạo nên phong cảnh thơ mộng, hùng vĩ. Xung quanh thác là rừng rậm và những tảng đá phủ rêu xanh rì, quanh năm reo vang tiếng thác nước đổ.
Các địa điểm du lịch tại Pù Luông khá gần nhau. Ảnh: Phạm Văn Phong
Thác Đán không đông đúc, ồn ào rất thích hợp cho các hoạt động cắm trại, chụp ảnh.
Đến khoảng 13h, sau khi vẫy vùng thỏa thích ở thác Đán, anh Phong kết thúc hành trình du lịch, di chuyển về trung tâm thành phố Thanh Hóa.
Chi phí
Tổng chi phí cho chuyến khám phá Pù Luông của anh Phong hết khoảng 750.000 đồng/người cho 2 ngày 1 đêm. Chi phí trên bao gồm tiền lưu trú và ăn một bữa tối ở homestay, tiền ăn các bữa trong ngày ở bên ngoài, tiền gửi xe tại các địa điểm tham quan. Ngoài ra, còn các chi phí cá nhân như xăng xe…
Lưu ý:
Hiện tại Pù Luông vẫn có những thời điểm nắng nóng. Khi phải di chuyển giữa các địa điểm du lịch nên mọi người cần mang theo áo và kem chống nắng, ô…
Du khách nên ăn cơm tại homestay vì Pù Luông khá ít các quán cơm dọc đường. Ở homestay đa dạng các món đặc sản với giá cả phải chăng: vịt quay Cổ Lũng bản Hiêu, cá suối nướng, cơm lam bản Nủa,…
Nếu đi vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần, du khách nên đến chợ phiên Phố Đoàn để mua sắm và tìm hiểu nét văn hóa người dân nơi đây.
Đường đến Bá Thước hôm nay
Giờ thì khách phương xa muốn vào chơi vùng Pù Luông, Bá Thước (Thanh Hóa) không còn phải vòng xuống mãi mạn Cẩm Thủy, Cành Nàng hay Mai Châu (Hòa Bình).
Những con đường núi mới mở đang đưa thung lũng vốn lọt thỏm giữa bạt ngàn những ngọn núi cao đến gần hơn với những náo nhiệt, sôi động của cuộc sống hằng ngày.
Những năm trước đây, người dân hay khách phương xa muốn vào các xã Lũng Cao, Cổ Lũng hay Ban Công của vùng núi Pù Luông (Bá Thước) thường phải chọn đường qua thị trấn Cẩm Thủy, Cành Nàng trước khi đi bắt phà La Hán ngang qua sông Mã. Tuyến đường ấy rất xa và mất nhiều thời gian di chuyển do còn phụ thuộc vào phà, vào con nước sông Mã và những đoạn suối sâu bất chợt cắt ngang mặt đường.
Một con đường khác là xuôi theo quốc lộ 6, đi tiếp nữa qua quốc lộ 15C trước khi tìm đến Phố Đoàn để vào. Đường ấy ngắn hơn nhưng gian nan vất vả, đường đa phần là đất đá lổn nhổn, lầy lội bùn đất và cheo leo giữa một bên núi cao, một bên thung lũng sâu thăm thẳm phía dưới...
Con đường từ trên cao đổ xuống thung lũng giờ đã được thảm nhựa bêtông chắc chắn.
Giờ thì những con đường ấy trải nhựa đều tăm tắp, xe máy ô tô chả mất mấy công sức nhưng vẫn là quá xa với người dân các bản Son, Bá, Mười cheo leo tít phía trên những ngọn núi đá sừng sừng của Lũng Cao. Son, Bá, Mười hay Cao Sơn vốn là tên gọi của 3 bản làng người Thái nằm ở nơi cao nhất của xã Lũng Cao, cuộc sống hầu như tách biệt với bên ngoài.
Các bản này nằm vắt vẻo trên đỉnh của các dãy Pha Chiến, Pòng Mứu, Pòng Pa Có,... chạy song song với dãy núi lớn Pù Luông và thường tọa lạc ở độ cao tới gần 1.200m so với mực nước biển. Vừa ở vị trí cao và hiểm trở, đến Son, Bá, Mười những năm trước luôn là nỗi ám ảnh với khách phương xa mỗi khi có dịp ghé thăm, và thậm chí với cả những người dân nơi đây...
Bá Thước vào mùa lúa, thung lũng bản Nủa với con suối cùng tên vàng rực dưới nắng.
Rồi một con đường mới xẻ núi bạt rừng, cắt ngang qua những vạt núi lổn nhổn đá lớn dần dần thành hình. Người dân hay khách phương xa giờ có thể dễ dàng men theo con đường tỉnh lộ 440 ngay ngã 3 với quốc lộ 6 ở Phong Phú, Tân Lạc (Hòa Bình) vào trung tâm Lũng Vân. Từ đây đi tiếp, đi qua nữa những con đường thảm nhựa bê tông phẳng lì qua Quyết Chiến, Nam Sơn cũng của Tân Lạc, trước mắt người đi giờ là chót vót non cao những Son, Bá, Mười.
Con đường mới mở nằm cheo leo trên cao độ 1.000m.
Con đường mới ấy uốn lượn, vắt vẻo liên hồi trên chót vót cao độ 1.000m, ngang qua các bản cao nhất của Lũng Cao trước khi đổ xuống cánh đồng lúa phẳng lì sâu hun hút phía dưới thung lũng bản Nủa. Ở trên cao nhìn xuống, Pù Luông đẹp như một bức tranh phong cảnh với những bản làng người Thái nằm bình yên và lọt thỏm giữa xanh thẫm núi rừng, giữa vàng rộm mỗi mùa lúa chín và đâu đó vọng lại những náo nhiệt, âm thanh sôi động của cuộc sống hằng ngày.
2N1Đ về Pù Luông, Thanh Hóa ngắm lúa chín đẹp nao lòng, thăm thú bản làng và những cảnh vật hoang sơ nhất Pù Luông là địa điểm du lịch hot nhất nhì ở Thanh Hóa hiện nay, nơi có không gian thư giãn cực chill và đủ góc đẹp để lên hình sống ảo khiến giới trẻ mê mẩn Về Thanh Hóa, nhiều người sẽ chỉ nghĩ đến biển Sầm Sơn hay Thành nhà Hồ mà quên mất nơi đây còn có một điểm đến...