2 lý do khiến Đài Loan dồn tài lực tự phát triển vũ khí
Đài Loan đang tích cực nghiên cứu phát triển các loại tên lửa không đối không, đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm…
Hai mối lo ngại lớn
Tờ Defense News đăng tải bài viết nhận định những nỗ lực phát triển và sản xuất các loại vũ khí khác nhau của Đài Loan xuất phát từ 2 mối lo ngại, thứ nhất là Trung Quốc và thứ hai sợ rằng Washington sẽ không giữ lời hứa cung cấp vũ khí trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Ngành công nghiệp quốc phòng địa phương và các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) cho hay, Mỹ đã rút lại đơn hàng cung cấp tiêm kích F-16 mới cho Đài Loan do sức ép chính trị từ Trung Quốc. Đài Loan đưa ra đề nghị mua 66 tiêm kích F-16C/D Block 50/52 năm 2006, số máy bay này dự kiến bổ sung cho phi đội 146 tiêm kích F-16A/B Block 20 của Đài Loan. Họ đồng thời cũng chỉ ra sự do dự của Mỹ trong việc bán cho Đài Loan tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120. Đài Bắc đặt hàng năm 2000 nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối bán các tên lửa này cho tới khi Trung Quốc mua được tên lửa không đối không R-77 của Nga năm 2002.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Đài Bắc lo ngại rằng Mỹ sẽ không cung cấp các vũ khí “tiên tiến” bởi những sức ép từ Bắc Kinh và bởi các quan chức Mỹ lo ngại rằng các gián điệp Trung Quốc trên hòn đảo này sẽ đánh cắp bí mật của những vũ khí đó.
Video đang HOT
Tự phát triển vũ khí
Những nỗ lực phát triển vũ khí nội địa của Đài Loan bao gồm tên lửa không đối không, đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm (JSOW)….
Tên lửa Vạn Kiếm của Đài Loan
Theo một nguồn tin của MND, những nỗ lực sản xuất vũ khí của Đài Loan cũng kích thích nền kinh tế của hòn đảo này. Một trong những loại vũ khí mới nhất của Đài Loan là Wan Chien (Vạn Kiếm), được công khai hồi tháng 1/2014. Dựa theo thiết kế của tên lửa AGM-154 do Mỹ chế tạo và tên lửa Storm Shadow của châu Âu, tên lửa Wan Chien cho phép các chiến đấu cơ phòng vệ nội địa của Đài Loan (IDF) tấn công các tuyến đường băng của đối phương.
RT-2000 lắp 2 thùng phóng chứa 12 đạn Mk45 cỡ 227mm
Trong khi đó, theo nguồn tin từ Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Chungshan, Đài Loan, quá trình sản xuất kéo dài trong vòng 3 năm của hệ thống pháo phản lực phóng loạt di động Thunder 2000 (Ray Ting), được chuyển giao cho Lục quân Đài Loan đã hoàn tất. Giàn phóng của hệ thống RT-2000 thiết kế để có khả năng bắn 3 loại đạn rocket gồm: đạn Mk15 117mm, Mk30 180mm và Mk45 230mm. Các loại đạn này đặt trong thùng phóng rời, tùy vào cỡ đạn mà số lượng trong mỗi thùng phóng cũng khác nhau.
Hai tên lửa do CSIST phát triển trong vòng 10 năm gần đây đã có khởi sắc, đó là tên lửa hành trình chống hạm Hsiung Feng 3 (Hùng Phong 3) và tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng 2E (Hùng Phong 2E). Các nguồn tin của MND cho hay Chính phủ Mỹ đã ra áp lực buộc Đài Loan phải chấm dứt hai chương trình này với lý do chúng có thể làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ đã cảnh báo Đài Loan không được vi phạm Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), một quy định hạn chế việc xuất khẩu tên lửa có khả năng mang đầu đạn nặng 500km với tầm bắn hơn 300km. Các quan chức MND, những người gọi lập trường của Mỹ là tiêu chuẩn kép đã thường xuyên nhắc nhở Mỹ về hơn 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc đang nhắm đến Đài Loan.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh Hùng Phong III.
Tên lửa hành trình chống hạm Hsiung Feng 3 hiện được trang bị trên 8 khinh hạm lớp Perry và 12 tàu hộ tống lớp Chiang của Hải quân Đài Loan. Những tên lửa này được các phương tiện truyền thông địa phương gọi là “sát thủ diệt tàu sân bay”, một sự liên hệ nhằm vào tàu sân bay mới của Trung Quốc. Sau một thập kỷ phát triển, Hsiung Feng 3 lần đầu tiên ra mắt công chúng trong một cuộc diễu binh năm 2007, tuy nhiên sau đó không một chi tiết nào được tiết lộ thêm về khả năng tác chiến của tên lửa này, cho đến năm 2009 khi nó được trưng bày tại triển lãm quốc phòng tổ chức hai năm một lần của Đài Loan. Tầm bắn của tên lửa khi đó là 130km và tốc độ bay là 2.300km/h. MND đã công bố kế hoạch trang bị cho các tàu chiến hai thân Sea Swift trong tương lai của họ cả tên lửa Hsiung Feng 2 và 3.
Tên lửa hành trình Hsiung Feng 2E hiện vẫn là một ẩn số. CSIST không công bố số liệu chính thức nào ngoại trừ việc khẳng định rằng Hsiung Feng 2E đã được triển khai dọc bờ biển phía Tây giáp với Trung Quốc.
CSIST hiện cũng đang phát triển một số tên lửa đất đối không họ Tien Kung. Các nguồn tin của CSIST cho hay tên lửa mới có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Trung Quốc.
Theo Tri Thức