2 lần thoát khỏi cái chết ly kỳ của danh hài Thuý Nga
Hai lần Thuý Nga thoát chết đều có những yếu tố kỳ bí khó có thể giải thích bằng lối nghĩ thông thường.
Thuý Nga nói: “Mỗi khi gặp nạn, vào giây phút quyết định… bề trên đều cho người đến đưa tôi ra“.
Chết hụt năm 1 tuổi
Hồi Thuý Nga được 1 tuổi, quê chị xảy ra dịch tả. Dịch tả lộng hành tới mức 10 đứa trẻ nhập viện thì có tới 7 đứa chết. Thuý Nga cũng nằm trong số những đứa trẻ bị dịch tả gọi tên.
Mặc dù được gia đình và bác sĩ hết lòng chữa trị nhưng sau cả tháng trời, Thuý Nga vẫn không hết bệnh. Người Thuý Nga chỉ còn da bọc xương. Cả nhà gần như chỉ còn biết ngồi chờ tới lúc con tắt thở, chuẩn bị tinh thần đưa về nhà lo hậu sự.
Đúng thời khắc không ai nghĩ Thuý Nga có thể sống sót ấy thì một phép màu xuất hiện.
Thuý Nga hồi nhỏ.
“ Mẹ tôi kể, cái ngày tôi chỉ còn thở thoi thóp chờ chết trong viện thì đột nhiên có một bà già tóc bạc trắng mặc bộ đồ bà ba tới đứng ngay cửa phòng, nhìn tôi và nói…
Con bé này bị vậy, phải về lấy quả măng cụt khô, rang gạo nấu nước cho nó uống thì mới cứu được. Ở viện là không cứu được đâu.
Ba mẹ tôi về làm y chang, qua ngày hôm sau tôi hồi phục, sắc mặt tươi tỉnh lại. Ba mẹ tôi đi khắp viện tìm bà già tóc trắng đó để cảm ơn nhưng tìm thế nào cũng không thấy, như chưa từng xuất hiện.
Đến giờ cả nhà tôi vẫn thấy câu chuyện này thần bí, như có sự sắp xếp của bề trên. Bà già đó giống như bà tiên được sai xuống cứu tôi vậy. Ba mẹ tôi bảo, trông bà kỳ lạ lắm, không giống người thường“, danh hài Thuý Nga kể.
Chuyến đi chơi định mệnh
Thuý Nga khẳng định, mỗi một giai đoạn trong cuộc đời chị đều có sự nhiệm màu riêng. Người cứu chị thoát chết lần thứ hai, không ai khác chính là mẹ ruột. Theo lời Thuý Nga thì mẹ của chị là người có giác quan thứ 6 cực mạnh…
Thuý Nga và em trai hồi nhỏ.
Chị kể: “ Năm 6, 7 tuổi, tôi thoát chết nhờ giác quan thứ 6 của mẹ mình. Ngày Quốc tế thiếu nhi năm đó, cơ quan ba tôi tổ chức đưa con của các nhân viên đi chơi.
Sáng sớm, tôi đánh răng rửa mặt xong vô nhà, đang cầm gương lược chải tóc thì chiếc gương rớt xuống. Gương không vỡ nhưng mẹ tôi bảo ‘đêm qua mẹ có giấc mơ không tốt nên mẹ không muốn hai chị em con đi chơi ngày hôm nay’.
Video đang HOT
Tâm lý thông thường của con nít, khi đã nói cho đi chơi mà không được đi, nó sẽ khóc lóc, giãy giụa nhưng hai chị em tôi thì không. Nghe mẹ nói thế, chị em tôi cũng bình thường. Không đi chơi thì thôi.
Trưa hôm đó, người ta báo về là xe chở đoàn đi chơi bị lật xuống đèo. Tất cả trẻ con, người lớn trong đoàn đều bị thương. Nặng thì chết, nhẹ thì gẫy tay, gẫy chân. Ba tôi cũng bị gẫy 7 chiếc xương sườn.
Tôi nhớ hoài cảnh vô viện thăm ba lúc đó, trẻ con nằm la liệt kêu khóc, hoảng sợ. Người chết, người bị thương. Cảnh đó quá khủng khiếp mà mỗi lần nhớ lại là tôi sợ”.
Dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Thuý Nga rất chịu khó tham gia làm công quả tại chùa và siêng đi lễ Phật.
Từ lúc con gái Nguyệt Cát còn nhỏ, chị đã hướng con theo đạo Phật
Thuý Nga nói, nhà chị ai cũng có giác quan thứ 6. Bản thân chị cũng là người có giác quan thứ 6 rất mạnh. Hồi xưa chị gần như không “dùng” tới khả năng đặc biệt này vì không mấy để tâm.
Sau này, khi bị nhiều sự cố trong đời, chị nghiệm ra rằng, mình cần phải kiểm tra những giấc mơ hay điềm báo bất thường để được an yên. Âu đó cũng là số phận của chị mà ông trời đã sắp đặt.
Theo Trí Thức Trẻ
Thuý Nga kể về Tết ở trời Tây: "Ra đường kẹt xe, đi chợ xếp hàng trào máu mua thịt"
"Tết truyền thống của người Việt ở hải ngoại cũng rần rần lắm. Cũng có hội chợ xuân với hoa mai, hoa đào. Đi vô chợ cũng phải xếp hàng trào máu mới mua được thịt", nghệ sĩ Thuý Nga kể.
Phải rất khó khăn, tôi mới thực hiện được cuộc phỏng vấn này. Bởi người hỏi và người trả lời cách nhau tới nửa vòng trái đất. Chẳng những trái múi giờ mà cả hai còn không rành về công nghệ.
Sau năm lần bảy lượt, chúng tôi mới kết nối được với nhau qua viber. Trong khi nghệ sĩ Thuý Nga nói, tôi cấp tốc gõ lại trên máy tính những lời chị chia sẻ về cái Tết ở trời Tây...
Ở hải ngoại, Tết mọi người hay tụ tập chơi lô tô giải trí
Không khí Tết ở hải ngoại lúc này như thế nào thưa chị?
Tiểu bang Cali là 1 trong 50 tiểu bang có người Việt ở đông nhất nên không khí rất nhộn nhịp. Ở đây cũng có hội chợ xuân với hoa đào hoa mai rừng và bà con đi mua bán tấp nập không thua gì ở Việt Nam. Ra đường cũng đông đúc, kẹt xe... cảm giác như mình đang ở Việt Nam vậy.
Đi vô chợ cũng phải xếp hàng trào máu vì đông quá. Ai cũng tranh thủ mua đồ ăn chất đầy nhà như thể ngày mai không được ăn vậy.
Mứt Tết, bánh Chưng bánh Tét thường là tự gói bởi vì hàng nhập từ Việt Nam qua không nhiều. Mỗi lần gần Tết, có dịp về Việt Nam là tôi thường mua và xách tay qua.
Nghệ sĩ hài Thuý Nga. Ảnh nhân vật cung cấp
Nước ngoài nghỉ Tết theo dương lịch, còn Tết truyền thống của người Việt thì khác. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới không khí Tết của kiều bào ở nước ngoài, thưa chị?
Thật ra, Tết bên này gần như người già được hưởng nhiều nhất vì họ nghỉ hưu rồi. Mùng 1 mùng 2 họ cũng đi chơi còn những người trẻ thì vẫn đi làm bình thường vì bên Mỹ họ ăn Tết Tây vào dịp noel. Trẻ con vẫn đi học, nghệ sĩ vẫn bay show.
Nếu Tết đúng dịp cuối tuần thì show nhiều hơn, mọi người được nghỉ sẽ tụ tập vui chơi đông hơn. Bà con đến nhà nhau chúc Tết, tụ tập chơi lô tô, cờ bạc giải trí mang tính vui là chính.
Đêm Giao thừa, bà con người Việt cũng đi lễ chùa, cúng bái cầu một năm an lành. Ngày xưa các chùa ở hải ngoại theo kiểu lấy nhà làm chùa. Sau này khi người Việt sinh sống ở Cali ngày càng nhiều thì mới có những ngôi chùa khang trang, to đẹp. Bà con vẫn giữ tập tục lì xì đầu năm, tới nhà nhau chơi như ở Việt Nam.
Giao thừa hay ngồi khóc vì nhớ quê
Cảm xúc của chị khi đón cái Tết xa xứ như thế nào?
Từ khi còn học trong trường sân khấu, Tết năm nào tôi cũng phải đi diễn xa nhà. Tết là dịp chạy show, mình là nghệ sĩ hài nữa... Tết nhất ai cũng muốn vui vẻ, muốn được cười nên mình có nhiệm vụ mang tiếng cười tới cho khán giả.
Tết xa xứ buồn nhưng bù lại, Thuý Nga có cô con gái nhỏ luôn cận kề nên nỗi buồn được nhẹ vơi đi phần nào.
Nhiều lúc cũng buồn và chạnh lòng lắm nhưng có lẽ nó là định mệnh rồi. Thời con gái, chưa có gia đình, mỗi lần giao thừa tôi hay ngồi khóc vì nhớ quê.
Nhưng mấy năm gần đây, có con nên phải dành thời gian và cảm xúc cho con, mình bớt buồn lại. Nếu Tết đúng dịp cuối tuần thì sắp xếp nhận show gần để đưa con đi chơi, đi chúc Tết mọi người. Nếu trong ngày thường thì sắp xếp đưa con đi học...
Nói chung nghệ sĩ thường ăn Tết muộn hơn mọi người!
Có vẻ như Tết trong lòng chị đã có nhiều biến đổi?
Ngày nhỏ, tôi thích nhất đêm Giao thừa vì mình được mặc đồ mới, xem cha mẹ cúng kiếng ông bà tổ tiên, coi đốt pháo và nhận lì xì. Thích nhất là được nhận lì xì. Tết xong sẽ ngồi đếm xem mình được bao nhiêu tiền.
Còn bây giờ thì ngược lại. Mình phải lì xì cho người khác. Cứ nghĩ vậy là hết vui rồi. (Cười) Tâm lý con người mà, ai cũng thích NHẬN hơn là CHO. Đó là tâm lý sợ hao tổn, mất mát.
Tết, con gái tôi cũng được nhiều người lì xì lắm. Tôi dạy con, chỉ nên dùng một phần số lì xì đó để mua đồ chơi còn nên dành để làm từ thiện, giúp những người nghèo khó.
May mắn là bé hiểu chuyện, tiếp thu và cũng thảo tính. Bạn bè thích cái gì là lấy cho ngay không tiếc... nhưng lớn lên mà cứ như vậy thì cũng lo lắm!
Hai mẹ con rất tình cảm.
Đêm giao thừa, diễn xong, anh em nghệ sĩ tụ tập ở sân khấu ăn bánh Chưng bánh Tét
Như chị có chia sẻ ở trên, Tết xa xứ thường khiến chị chạnh lòng. Vậy có điều gì giúp chị khuây khoả nỗi buồn ấy không?
Ngày xưa tôi hay nhận diễn xa nhưng từ khi qua Mỹ, tôi không nhận show xa nhà nữa. Tôi muốn đêm Giao thừa được ở nhà với con, chuẩn bị cúng kiếng ông bà tổ tiên để mình có cảm giác như ngày ở Việt Nam với gia đình.
Nhà tuy có hai mẹ con nhưng tôi hiếu khách nên bạn bè đến chơi cũng đông, cho nên Tết nhất cũng tập nập chứ không vắng vẻ. Nhờ vậy mà mình được khuây khoả hơn.
Nhắc đến Tết thì kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
Từ khi trưởng thành thì Tết đối với tôi là những đêm Giao thừa, anh em diễn xong lại tụ tập nhau ở sân khấu ăn bánh Chưng bánh Tét. Cứ tới chỗ nào đông khán giả là thấy Tết, thấy xuân.
Tết nhất, nghệ sĩ thường không có thời gian trang hoàng nhà cửa. Mọi thứ đều làm cấp tốc hết. Khi mình càng lớn tuổi thì mỗi ngày phải tự tạo niềm vui, tự tạo mùa xuân cho mình. Bởi vì ngay cả khi mùa xuân tới mà lòng mình không vui thì cũng như mùa đông giá rét thôi.
Chị dạy con như thế nào về Tết cổ truyền Việt Nam khi mà từ nhỏ bé đã quen với môi trường sống ở nước ngoài?
Tôi dắt con đi chợ Tết, đi hội hoa xuân, lễ chùa và nói cho con nghe về tập tục truyền thống của người Việt. Nếu Tết đúng dịp cuối tuần, tôi sẽ đưa con đi thăm nhà bạn bè, dạy con cách chúc Tết.
Con gái Thuý Nga tự học và nói tiếng Việt khá tốt. Cô bé thông minh và cũng rất thảo tính giống mẹ!
Rất may là bé nói tiếng Việt khá tốt dù mẹ không dạy nhiều. Trước khi đi ngủ, tôi thường đọc ca dao tục ngữ cho con nghe. Chữ nào khó thì mình chỉ mặt chữ cho con.
Từ bé, tôi chỉ dạy con các chữ cái mà bỏ qua khâu đánh vần, chỉ chữ khó mới dạy phát âm... nhưng bé hiểu câu văn tiếng Việt. Mỗi lần nhìn mẹ viết, bé biết đó là chữ gì và sau đó mẹ định viết chữ nào.
Hàng năm, tôi cố gắng cho bé về Việt Nam từ 1 đến 2 lần để học văn hoá. Có lần bé về Việt Nam một tháng nhưng đã biết dùng tiếng lóng một cách tếu táo. Và điều đó khiến tôi rất vui.
Cảm ơn chị đã chia sẻ! Xin chúc hai mẹ con chị đón một cái Tết ấm áp, bình an và hạnh phúc!
Theo Trí Thức Trẻ
Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: 'Cuộc sống của Thúy Nga đầy mâu thuẫn' Lê Hoàng đã dành những lời khen ngợi về diễn xuất của danh hài Thúy Nga. Đồng thời nam đạo diễn cũng tiết lộ về cuộc sống của diễn viên hài này. Thúy Nga là nữ diễn viên hài nổi tiếng của làng giải trí Việt. Mặc dù đã sang Mỹ định cư, thỉnh thoảng về nước nhưng lối diễn xuất hài hước,...