2 lần chết hụt trên đèo Hải Vân và 13 chuyến đi “lần cuối” của một người Mỹ mê mẩn thuyền cá Việt Nam
Giải thích như thế nào về một cuốn sách chuyên về những con thuyền của Việt Nam, được viết bởi một người nước ngoài đã trải qua 13 chuyến đi bằng xe máy, mỗi chuyến kéo dài 6 tuần, trong 13 năm?
Câu chuyện hơi phức tạp một chút, nhưng là thế này:
Năm 1972, tôi là một chàng trai người Mỹ 26 tuổi, đã có gần một năm phục vụ trong quân đội Mỹ ở Việt Nam. Vì vậy, không giống như nhiều thanh niên Mỹ khác thời đó, tôi đã được chứng kiến rất nhiều thứ ở Việt Nam. Căn cứ của tôi ở trung tâm của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam ở Biên Hòa. Công việc của tôi lại phải chạy khắp các tỉnh xung quanh Sài Gòn. So với những thanh niên cùng lứa trên chiến trường khi đó, tôi có một “cuộc chiến suôn sẻ” – theo nghĩa là không ai giết tôi, và tôi cũng không phải giết hại ai (hai điều này quan trọng như nhau).
Khi làm nhiệm vụ, tôi có một nam phiên dịch lớn tuổi lịch thiệp cùng đi khắp các làng quê và con đường thời đó. Gần như ngày nào tôi cũng ăn đồ Việt, ở trong các khách sạn địa phương. Khi tôi rời Việt Nam năm 1972, trong thâm tâm tôi đã biết, cuộc chiến tranh sẽ kết thúc thế nào và tôi không hề nghĩ rằng có lúc mình được quay trở lại.
Nhưng tôi đã gặp may.
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã mê mẩn những con thuyền, nhất là thuyền đánh cá. Cha tôi thường đưa tôi đi câu khi tôi còn là một cậu bé. Sau này, tôi sở hữu một số chiếc thuyền nhỏ, hầu hết là thuyền có mái chèo và thuyền buồm. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ ở Việt Nam, dù chỉ làm việc trên đất liền, tôi vẫn ngắm nhìn những chiến thuyền đánh cá và thuyền thúng nhỏ ở Vũng Tàu, cũng như những con thuyền dài màu nâu khi tôi đến Bến Tre và Cần Thơ. Tôi đã chú ý và rất hào hứng với những chiếc thuyền của Việt Nam.
Hình ảnh thuyền Việt Nam trong cuốn sách ảnh của ông Ken Preston.
Khi về từ chiến trường và quay lại cuộc sống của một thường dân (tôi đã mệt mỏi với cuộc sống trong quân ngũ và cả việc sống trên bờ), tôi gia nhập một đoàn đánh cá trên một chiếc thuyền dài 35m, chủ yếu ở duyên hải Oreagon và Washington. Đây là một giai đoạn khó khăn với những ngư dân Mỹ, khi công việc đánh bắt chẳng được bao nhiêu và thủy hải sản cũng rẻ mạt. Vì thế, tôi chuyển sang việc xây dựng các bến tàu và bến cảng, từ California đến Alaska. Cứ thế, cuộc đời tôi gắn với sông nước và những con tàu. Công việc này nuôi sống tôi và gia đình trong 40 năm.
Trong thời gian đó, tôi mua hoặc đóng một số con thuyền nhỏ và có vài chuyến “solo” đến vùng biển Mexico và Canada cũng như ở địa phương (nhà tôi ở gần Seattle).
Năm 2004, tôi nhìn thấy một bức ảnh quảng bá du lịch Việt Nam, những cây cọ, biển xanh, cát trắng, khách du lịch đang đùa sóng, tắm nắng và. . .hai chiếc thuyền đánh cá màu xanh tuyệt đẹp đang neo đậu ngoài khơi.
Đó có lẽ là một cảnh bãi biển ở Nha Trang. Nó khiến tôi cảm động. Tôi quyết định tự mình phải đến đó chiêm ngưỡng, chụp ảnh và ghi chép. Tôi nghĩ biết đâu tôi có thể ra một cuốn sách.
Ban đầu, tôi lên kế hoạch một chuyến đi 6 tuần vào tháng 1 và tháng 2 năm 2005. Kế hoạch đơn giản là bắt đầu từ miền Bắc và xuôi xuống phía Nam, càng gần biển càng tốt.
Tôi đã dự tính trước, ngay cả khi có xe buýt và tàu hỏa, tôi vẫn muốn tự do hơn để đi đến các bến cảng và cửa sông, tìm những bãi biển nơi các con thuyền cập bến. Tôi đã nghĩ đến một chiếc xe đạp, nhưng ở tuổi 59, tôi không còn đủ sức khỏe để đạp xe hàng nghìn km với lịch trình dày đặc. Về tài chính thì xe hơi cá nhân hơi quá sức với tôi, và dù sao thì tôi cũng thích đi du lịch bằng xe máy, trong khi ở Việt Nam có rất nhiều xe máy.
Video đang HOT
Nhưng có 2 điều tôi đã tính toán sai trong kế hoạch vốn ban đầu chỉ định kéo dài 1 mùa, mà thực tế là giờ đây đã kéo dài đến 13 mùa của tôi.
Đầu tiên là, tôi quá thích thú với chuyến đi. Năm đầu tiên, tôi đi hàng ngàn km, từ Hà Nội lên Lào Cai (tôi đã đi Bắc Hà, Cán Cấu, Lào Cai và Sa Pa), chỉ có một tuần nghỉ ngơi để chắc rằng chiếc xe Minks cũ mà tôi mới mua vẫn chạy tốt, sau đó là từ Hà Nội vào Cam Ranh, trên trục đường Quốc lộ 1, nơi tôi rẽ về phía Tây, hướng về các ngọn núi đến Đà Lạt (tôi chưa từng đến Đà Lạt trong thời gian chiến tranh Việt Nam và đơn giản là tôi luôn muốn đến đó). Và từ Đà Lạt, tôi đi qua thành phố Hồ Chí Minh, đến Bến Tre, Cần Thơ, Rạch Giá và Hà Tiên.
Tuy vậy, quãng đường đầu tiên của chuyến đi đó thực sự khốn khổ, mưa gió liên miên, trời lạnh, các cung đường thì đang được tu sửa. Tôi đã không dừng lại, và gần như đi qua con song Ròn (sông Loan, còn gọi sông Ròn ở Quảng Bình) đầy các con thuyền đánh cá rực rỡ. Lúc đó, điều duy nhất tôi nghĩ đến là tránh mưa và đi về nơi thời tiết ấm hơn ở phía Nam. Nhưng đi qua cây cầu khoảng một cây số, tôi nhận ra mình vừa đi qua chính điều mà tôi muốn tìm kiếm. Vì vậy, tôi quay xe lại, chụp một vài bức ảnh và sau đó tiếp tục đi về phía Nam, dưới những cơn mưa phùn.
Trước đó, khi đến Thác Bạc ở Sa Pa, tôi gặp một vài người. Họ hứa nhất định sẽ dẫn tôi đi thăm thú khi tôi đến Huế. Vì vậy, tôi dành thêm 2 ngày ở Huế, nghe nhã nhạc cung đình trên một chiếc thuyền rồng xuôi dòng sông Hương vào buổi tối, đi ra bãi biển Thuận An, nơi tôi lần đầu nhìn thấy chiếc thuyền thúng đang lướt sóng.
Quan trọng hơn, ở đây, tôi đã gặp người chủ khách sạn và người thợ sửa xe mà sau này tôi còn gặp lại nhiều lần trong nhiều năm sau. Huế trở nên vô cùng quan trọng với tôi!
Khi tôi vượt qua đèo Hải Vân, thời tiết thay đổi. Lạnh ẩm được thay thế bằng nắng ấm và cuối cùng, tôi giảm tốc độ, bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm các con thuyền và bến cảng. Tôi bị lạc đường khi từ Đà Nẵng sang Hội An nhưng cuối cùng cũng đến được và bắt đầu “đi săn” các con thuyền.
Hội An dĩ nhiên đã thay đổi rất nhiều, nhưng vào năm 2005, bạn có thể đi bộ dọc theo bờ sông, lên một chiếc thuyền xuôi dòng Thu Bồn. Người phụ nữ lái thuyền thậm chí sẽ đồng ý để bạn chèo giúp. Bạn có thể ghé vào một xưởng đóng thuyền lớn nhộn nhịp: một chiếc thuyền nước sâu đẹp long lanh mới được hạ thủy và các công nhân đang đóng một chiếc thuyền khác.
Các ngư dân Việt Nam đóng thuyền ở Cửa Lò, gần Vinh.
Bạn có thể đi dọc theo con sông, ra khỏi thị trấn và khám phá tất cả các loại thuyền ở nơi đây. Hoặc bạn có thể đi phà đến Kim Bồng và còn thấy nhiều thuyền hơn nữa.
Từ Hội An, tôi chạy qua Cam Ranh, ngược lên Đà Lạt rồi xuôi theo Quốc lộ 14 đến TP. Hồ Chí Minh và qua đó, đi trên tuyến đường zig-zag qua đồng bằng sông Cửu Long, đến Bến Tre, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên và quay ngược trở lại.
Phan Thiết-Mũi Né, Nha Trang, Quy Nhơn, ăn Tết ở Hội An, về Huế qua đường Hồ Chí Minh (nơi tôi may mắn thoát chết sau khi suýt rơi khỏi vách núi) và cuối cùng là dọc Quốc lộ 1 về Hà Nội.
Nhưng còn quá sớm để bay về Mỹ, nên sau một thời gian ngắn ở Hà Nội, tôi lại đi lên Tây Bắc trong vài ngày.
Tôi đã đi một chặng đường dài, đôi khi trong những tình huống nguy hiểm. Tôi đã suýt chết vì tai nạn giao thông 2 lần trong một ngày khi ở trên đèo Hải Vân và ít nhất một lần nữa trong những ngày sau đó. Tôi cũng đã ốm nặng ở Bến Tre và được chăm sóc nhiều ngày bởi những con người tuyệt vời trong một khách sạn nhỏ miền quê. Nơi nào tôi đến cũng được đối đãi tử tế. Ở nơi nào tôi cũng rất vui vẻ và gặp gỡ nhiều người thú vị trên khắp đất nước. Đến giờ, không biết có bao nhiêu thợ máy đã sửa chiếc Minsk tội nghiệp của tôi để tôi có thể tiếp tục chuyến đi.
Tôi đã chiêm ngưỡng đủ để biết rằng tôi vẫn yêu Việt Nam, thậm chí còn yêu hơn trước. Tôi đã tìm thấy hàng nghìn chiếc thuyền ở các bến cảng, cửa sông và bãi biển, nhưng tôi biết mình đã bỏ lỡ nhiều hơn những gì tôi đã được thấy, vì vậy tôi phải quay lại, chỉ để hoàn thành công việc, và được chiêm ngưỡng thêm Việt Nam!
Và sau đó là những bức ảnh. Chiếc máy ảnh cũ của tôi bị lọt sáng ở đâu đó trên đường đi và khoảng một phần ba số ảnh đã bị hỏng với những vệt màu đỏ và vàng trên những ảnh được in ra.
Vì vậy, tôi phải quay lại đất nước này một chuyến nữa (với chiếc máy ảnh đã được sửa) và cũng để ngắm nhìn thêm rất nhiều bờ biển mà trong chuyến đi đầu tôi đã bỏ lỡ. Và cứ như thế, tôi đã đi 13 chuyến ngang dọc Việt Nam, lần nào cũng tưởng là lần cuối, nhưng càng đi, tôi lại càng thấy có thêm nhiều thứ để chiêm ngưỡng, một tuyến đường khác để thử, một con thuyền thú vị khác để săn đuổi, những con người tôi phải ghé thăm, luôn luôn là như vậy. Luôn luôn là “chỉ một chuyến nữa thôi”!
Vậy là cuối cùng, sau 13 chuyến đi, cuốn sách cũng ra đời, nhưng giờ tôi đã là một ông già và những ngày rong ruổi trên xe máy đã kết thúc. Cảm ơn Việt Nam!
82 chuyến đi khắp Việt Nam của chàng trai 9X
Sau những chuyến đi, Nguyễn Khải Trung trưởng thành, sống lạc quan và tích cực hơn. Với anh, tiền bạc có thể kiếm được nhưng tuổi trẻ thì không nên anh dành thời gian cho những trải nghiệm.
Chàng trai Hà Nội trong lần đến thăm Huế
Nguyễn Khải Trung (24 tuổi, Hà Nội) đã dành 4 năm thanh xuân để thực hiện những chuyến đi khắp mọi miền Tổ quốc. Hiện tại, anh kinh doanh trực tuyến và là một travel blogger (người viết nhật ký du lịch).
21 tuổi, Khải Trung bắt đầu hành trình "phượt" bằng chuyến đi đến thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đến nay, anh đã chinh phục 61 tỉnh thành của Việt Nam, với hơn 82 chuyến đi lớn nhỏ bao gồm 2 chuyến đi xuyên Việt, hành trình xuyên Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ...
Một mình trên chiếc xe máy rong ruổi từ đồng bằng đến đồi núi hay biên giới xa xôi, Trung gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với chặng đường dài, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Tuy nhiên, điều đó giúp anh trưởng thành và "cứng cáp" hơn chứ không còn là "chàng công tử" của gia đình.
Trung tự thấy mình dạn dĩ hơn sau những chuyến đi
Niềm đam mê khám phá lớn dần, bố mẹ trở thành hậu phương vững chắc, động viên anh trong những chuyến đi. Trung chia sẻ: "Tôi muốn tận mắt ngắm nhìn những điều bình dị và hùng vĩ của đất nước mình. Chinh phục những cung đường là tôi đang chinh phục chính mình".
Trong những chuyến đi, Trung cho phép mình tạm quên những lo toan trong cuộc sống thường ngày. Công việc kinh doanh online khá ổn định giúp Trung có được một khoản tiền dành dụm để thực hiện các chuyến đi.
Chuyến đi đến đảo Phú Quý (Bình Thuận) của Khải Trung
"Chi phí cho những chuyến đi bụi là khoảng 3 - 5 triệu, tùy dài ngày hay ngắn ngày. Điều kiện bản thân cho phép thì tôi sẽ bắt đầu đi. Còn trẻ thì đi để trải nghiệm, chinh phục và vượt qua giới hạn của bản thân. Để khi về già, tôi có cái để nhớ về", Trung tâm sự.
Lựa chọn hình thức di chuyển, ăn nghỉ phù hợp, săn khuyến mãi, đi du lịch trái mùa là những cách để tiết kiệm tối đa chi phí. "Một chiếc ví đủ tiền, bản kế hoạch chi tiết, ba lô đựng đủ hành trang và tâm thế sẵn sàng là thứ mà tôi chuẩn bị trước mỗi chuyến đi", Trung cho biết.
24 tuổi, Khải Trung thu về một "gia tài" là những kỷ niệm và trải nghiệm dọc ba miền Bắc - Trung - Nam. Với anh, còn trẻ và còn sức khỏe, bản thân phải đi để khám phá những vùng đất mới và con người.
Được người dân bản địa mời cơm, chơi với trẻ con miền núi, nhìn người mẹ địu con lên rẫy giữa cái nắng chói chang... từ đó hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người. Điều làm anh hài lòng nhất trong mỗi chuyến đi là trải nghiệm mới lạ và những thứ mà anh học được từ chính người dân nơi đó.
"Họ dạy tôi về sự cần cù, chịu khó. Những đứa trẻ cho tôi thấy lối sống lạc quan. Họ là những người tốt bụng, đáng mến và tôi đã luôn hạnh phúc trong các chuyến đi của mình", anh nói.
Chuyến đi đến Tây Bắc năm 2018 khiến Trung nhớ mãi. "Đợt đó có mưa bão, rét run cả người khi ngồi trên xe máy. Nhưng nhờ đi nhiều, tôi biết thêm về cách dự báo thời tiết, xem bản đồ...", Trung kể lại.
Khải Trung trong chuyến đi vùng cao
Trong giai đoạn hiện nay do dịch Covid-19, Trung cho rằng cần tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo lịch trình di chuyển là những thứ nên làm khi đến bất kỳ vùng đất nào."Tốt nhất là hạn chế di chuyển, thay vào đó có thể du lịch online trên mạng, đọc nhiều để hiểu hơn về nơi sắp đến và lên kế hoạch để hết dịch rồi đi" là chia sẻ từ Khải Trung.
Trò chuyện, học hỏi văn hóa của người bản địa
Bản thân dạn dĩ hơn, có nhiều kinh nghiệm trong cách lên kế hoạch, chi tiêu hợp lý, biết cách cân bằng công việc và thực hiện đam mê du lịch là những thứ mà Trung có được sau những chuyến đi.
"Đi đến đâu không quan trọng nhưng hãy đi con đường của mình. Tuổi trẻ nên có những chuyến đi khi có thể chứ đừng trì hoãn!" là những gì mà anh muốn gửi gắm đến những người có tình yêu trải nghiệm như mình.
Báo nước ngoài gợi ý 7 cung đường check-in đẹp nhất Việt Nam Tạp chí du lịch Lonely Planet (Australia) đã chọn ra những tuyến đường bộ đẹp nhất Việt Nam mà tín đồ xê dịch nên một lần đặt chân trong đời. Trải dài từ Bắc chí Nam, Việt Nam sở hữu những cung đường tuyệt đẹp mê hoặc giới xê dịch. Miền Bắc nổi tiếng với cảnh sắc hoang sơ của núi rừng rẻo...