2 hy vọng giảm án cho Nguyễn Đức Nghĩa
Nguyễn Đức Nghĩa tại cơ quan CA
Dư luận cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của bà Phạm Thị Chuân (mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa), nhưng pháp luật thì nghiêm minh, thấu tình mà đạt lý.
Trong số những cái tên: Trần Thế Long (SN 1988; quê Nam Định), Vi Văn Nhượng (SN 1989; quê Thanh Hóa), Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, quê Hải Phòng) Lê Quang Tuấn (SN 1991; trú tại Từ Liêm, Hà Nội)… và Đào Văn Hiếu (SN 1991, quê Hưng Yên) – đều bị TAND TP Hà Nội tuyên mức án tử hình về tội “Cướp tài sản”, “Giết người” năm 2010, người ta quan tâm nhiều đến Nguyễn Đức Nghĩa.
Phần vì, bị cáo là sinh viên một trường đại học có danh tiếng, phần bởi sát thủ này phạm tội mang tính chất “man rợ”.
Một lần nữa, khi gia đình Nghĩa gặp nạn, câu chuyện xoay quanh Nguyễn Đức Nghĩa càng khiến người ta tò mò.
Ông Nguyễn Đức Hùng (bố Nghĩa) tử nạn và bà Phạm Thị Chuân (mẹ Nghĩa) bị thương do tai nạn giao thông đã xới lên dư luận nhiều chiều. Có người cảm thông trước bi kịch nối tiếp bi kịch của gia đình bị cáo, xót xa trước gánh nặng mà bà Chuân đang phải gánh. Lại có ý kiến rằng, đó là hệ lụy của tội ác. Nhưng dù nói đi, nói lại thì đây vẫn là câu chuyện đau lòng chưa có hồi kết.
Trong cơn tuyệt vọng, bà Chuân viết đơn với hy vọng, TAND TC sẽ giảm án cho con trai mình. “Tôi biết rằng cơ hội làm lại cuộc đời với cháu là cực kỳ khó. Là người mẹ sinh ra đứa con trai duy nhất trong gia đình, dòng tộc, tôi kính mong các quý cơ quan mở lượng khoan hồng cho cháu…Định mệnh đã lấy đi người chồng. Tôi cầu xin các quý cơ quan xem xét cho con trai tôi có cơ hội được sống, để tôi còn có động lực sống nốt trong thời gian cuối cuộc đời mình”.” - người mẹ này viết những lời tâm can.
Cho đến giờ, Nghĩa vẫn không hay biết về cái chết của cha mình. Theo như lời luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh – bào chữa cho Nghĩa), ông và gia đình bị cáo thống nhất rằng, sẽ nói, bố Nghĩa bị ốm nặng nên không thể có mặt tại Toà. Hiện, ngoài luật sư Thơm, luật sư Ngô Ngọc Thủy tham gia bào chữa cho Nghĩa, gia đình bị cáo còn mời thêm luật sư Nguyễn Thân (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh).
Trong khi các luật sư phía bị cáo đang nỗ lực để Nghĩa khỏi án tử hình thì luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại (luật sư Hồng Bách và cộng sự) khẳng định, quy định của pháp luật không áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo là con độc nhất. Cách duy nhất Nghĩa được giảm án là gia đình bị hại có đơn xin cho anh ta nhưng điều này là khó. Bởi, cho đến giờ, ông Nguyễn Văn Ba (bố của nạn nhân) vẫn giữ quan điểm của mình. Dù thông cảm trước gia cảnh của bị cáo nhưng đại diện bị hại vẫn sẽ đề nghị TAND TC tuyên y án sơ thẩm đối với Nghĩa.
Trước đó, khi luật sư của bị hại bày tỏ quan điểm của mình (luật sư cho rằng, bị cáo phạm tội mang tính chất “man rợ”) trước dư luận, ông Nguyễn Đức Hùng từng có bức thư phản đối và luật sư Bách không đồng tình với nội dung trong bức thư này.
Video đang HOT
Nếu phiên tòa diễn ra ngày mai (11-11-2010), kết quả không có gì thay đổi thì cách duy nhất để Nghĩa có thêm một cơ hội giảm án là hồ sơ vụ án phải được gửi lên Chánh án TAND TC, Viện trưởng VKSND TC. Trong hai tháng, Chánh án, Viện trưởng phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.Trường hợp bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND TC quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì TAND Tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình. Bảy ngày, kể từ ngày bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Chiều 9-11, PV có mặt tại khu phố nhà Nguyễn Đức Nghĩa phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Trước khi đến đây, nhiều đồng nghiệp thông báo: “Gia đình Nghĩa từ chối các cuộc gặp với các nhà báo”. Cổng khóa, PV hỏi thăm những hàng xóm đối diện nhà Nghĩa. “Bà Chuân (mẹ Nghĩa – PV) và một người bác gái của Nghĩa vẫn ở trong nhà. Anh là nhà báo hả? Thế thì bà ấy không tiếp đâu, từ sáng đến giờ nhiều đoàn đến lắm nhưng phải về hết”, một người hàng xóm cho hay. Người này cho biết thêm, mấy hôm nay mẹ Nghĩa chỉ ở trong nhà và đóng cửa suốt ngày. Bố mẹ của Nghĩa nuôi hy vọng con mình được giảm án Đứng trước cửa nhà 112, PV gọi lớn vào phía trong. Một người phụ nữ từ trong nhà ngó ra ngoài. Không phải mẹ của Nghĩa. “Anh có việc gì?”, người phụ nữ hỏi. Không vội trả lời, PV cúi chào và đợi người phụ nữ mở cổng. Sau khi thắp nén hương viếng hương hồn ông Hùng (bố Nghĩa), PV đã có cuộc trao đổi với người phụ nữ giới thiệu là chị gái của ông Hùng. “Bà ấy (mẹ Nghĩa -PV) có nhà, nhưng có việc gì các anh cứ trao đổi với tôi, tôi sẽ chuyển lời lại”, chị gái ông Hùng từ chối khéo khi PV nói mục đích được gặp bà Chuân. Người phụ nữ này đưa cho PV xem album ảnh chụp đám tang ông Hùng. “Quê gốc tôi ở Thái Thụy, Đông Hưng, Thái Bình. Ông Hùng em trai tôi đi bộ đội từ năm 18 tuổi. Ở Thái Thụy ông Hùng là một người có uy tín, ai cũng kính mến. Đám tang ông ấy bà con dưới quê lên tiễn đưa rất đông”. Về vụ tai nạn, chị gái ông Hùng cho biết không rõ nguyên nhân tại sao. “Hôm đó hai vợ chồng đi thăm con về. Nghe nói lúc xảy ra tai nạn đường cũng vắng, cũng không xảy ra va chạm với ai. Có người bảo một chiếc xe tải đi qua, gió tạt mạnh nên mất tay lái”. Ông Hùng tử vong, còn bà Chuân thì bị thương ở đầu phải khâu mấy mũi, chân của bà Chuân cũng bị thương. Bà Chuân mới cắt chỉ ngày 7-11, còn vết thương ở chân vẫn chưa khỏi, đi lại rất khó khăn. Sức khỏe bà Chuân những ngày này cũng rất yếu, gần như kiệt quệ. Người nhà nói, bà Chuân thường xuyên bị choáng và ngất. Chị gái của Nghĩa cũng vừa mới từ nhà đi Hà Nội. Phiên tòa tới bà Chuân sẽ ra Hà Nội bằng taxi, hoặc cô con gái sẽ về đón. Đang nói chuyện, PV nghe trong nhà, nơi bà Chuân đang nằm, có tiếng khóc. Người phụ nữ đau khổ với tấm thân héo hon ấy vẫn đang nghĩ tới phiên tòa sắp tới, ngày quyết định con bà có thể sống hay chết.
Theo Pháp luật xã hội
Nguyễn Đức Nghĩa đâu chỉ hại một người!
Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên sơ thẩm
Ngày mai (11/11) sẽ diễn ra phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa. Nhìn lại vụ án được dư luận quan tâm này, người ta thấy Nguyễn Phương Linh không phải là nạn nhân duy nhất của Nghĩa!
Câu chuyện kinh dị
Sau khi phát hiện xác chết lõa thể, không đầu ở chung cư G4, Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) vào 10h sáng 17/5, cơ quan công an vào cuộc điều tra, mọi chú ý đầu tiên đều tập trung vào cô gái Hoàng Thị Yến (SN 1986, quê Quảng Ninh), đang học đại học tại Hà Nội.
Ngày kề cận với án tử hình của Nguyễn Đức Nghĩa đã gần, nhìn lại vụ án, người ta thấy Nguyễn Phương Linh không phải là nạn nhân duy nhất của Nghĩa.
Những hình ảnh về tên giết người lộ diện khiến nhiều người bàng hoàng bởi cặp kính trắng, dáng vẻ thư sinh đó của Nghĩa không giống với một tên sát nhân máu lạnh. Nhưng những lời khai của Nghĩa thì quá bình thản và rợn người.
Tại cơ quan điều tra, hắn khai: Năm 2004, khi theo học Đại học Ngoại thương, Hà Nội, hắn quen và yêu cô bạn cùng trường tên Nguyễn Phương Linh (SN 1984). Tình yêu đó kéo dài đến năm 2006 thì mỗi người đi một nẻo.
Có lẽ số phận của Linh đã khác nếu cô không lạc vào con đường mà Nghĩa đang đi. Khi Nghĩa đang là người yêu của Yến, hắn với Linh vẫn liên lạc. Rồi hắn hẹn Linh đến nhà của người yêu hiện tại của mình và giết Linh tại đó, cướp đi tài sản của cô gái xấu số. Để che đậy dấu vết, Nghĩa đã có những hành vi man rợ mà chúng tôi không muốn nhắc lại.
Người cha đau khổ đau đớn tìm thi thể con
Cô con gái Nguyễn Phương Linh đã dời nhà đi nhiều ngày, nghe tin có vụ án mạng xảy ra, ông Nguyễn Văn Ba, bố Linh lật đật đến nhà xác để nhận diện người chết. Ông gần như ngất lịm đi khi nhìn thấy những viên đá đính trên móng chân của nạn nhân. Ông không thể tin rằng thi thể không đầu bị giết hại một cách dã man nhường ấy lại là đứa con gái mà ông hết lòng yêu thương.
Gia đình, bạn bè của Phương Linh đã quá đau đớn trước cái chết của cô, lại phải chịu thêm nỗi đau khi chưa tìm thấy phần thi thể mà Nghĩa đã cắt bỏ rồi đem vứt xuống sông. Sau 20 ngày lặn lội khắp nơi tìm phần thi thể còn lại của con gái, khi mà mọi hy vọng gần như không còn, ông Ba nhận được điện thoại của người vạn chài tốt bụng, người đã tìm được phần sọ của Phương Linh.
Khoảng 18 giờ ngày 7/6, bố, em trai Linh và một người bác cùng cơ quan công an đưa một phần thi thể còn lại của Linh về nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai. Hôm đó trời mưa không ngớt, chớp xé bầu trời, người cha đau khổ tiều tụy ngồi phủ phục trước nhà tang lễ, chân đeo đôi dép lê, quần xắn, dáng gầy gò, vẻ mệt mỏi, cùng đôi mắt trũng sâu chờ mang sọ của con vào bên trong làm thủ tục.
Ông ngồi lặng thinh trong ánh sáng lờ mờ hắt ra từ phía nhà tang lễ. Cái bóng đau khổ ngồi bất động khá lâu để chờ Viện kiểm sát đến, cùng cơ quan công an làm những thủ tục cần thiết.
Trong suốt quá trình điều tra và xét xử tên Nghĩa, người ta không nhìn thấy nước mắt lăn trên gương mặt khắc khổ của ông Ba. Có lẽ nỗi đau quá lớn đã khiến nước mắt ông chảy ngược vào trong. Và giờ thì ông đang chờ ngày Nghĩa phải đền tội.
Cô gái và mối tình đầu với tên sát thủ
Phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa và cô người yêu tên Yến khép lại với án tử hình dành cho Nghĩa, còn Yến nhận mức án 15 tháng tù treo. Nghĩa đang phải đối mặt với án tử hình còn người đã từng đặt trọn con tim yêu vào mối tình đầu nơi Nghĩa thì vẫn còn đó nỗi đau của một kẻ yêu dại khờ bị lừa dối.
Khi đã nhập khám, điều day dứt mà tên sát nhân luôn nhắc đến đó là đã làm liên lụy đến cô người yêu tên Yến. Trước khi bị cảnh sát đưa đi khi phiên tòa kết thúc, Nghĩa quay ra nhìn người yêu với ánh mắt van lơn mà nói: "Em giữ gìn sức khỏe nhé!". Đáp lại câu nói ân tình và ánh mắt van lơn đó là vẻ mặt lạnh lùng của Yến. Cô thậm chí còn không đưa mắt một lần nhìn về phía kẻ mà cô đã trao trái tim, Yến chỉ im lặng.
Năm 2006, sau khi chia tay với Linh, Nghĩa quay ra yêu cô gái có gương mặt bầu bĩnh, hiền lành, tên Yến. Tình cảm gắn bó vài năm khiến Yến rất tin tưởng hắn. Cô sẵn sàng trao cả chìa khóa nhà cho người yêu mà không hay rằng ở chính trong ngôi nhà của cô, Nghĩa đã có những cử chỉ yêu thương dành cho cô gái khác. Tại tòa, khi nghe Nghĩa khai: "Tôi đã 3,4 lần đưa Linh đến nhà Yến những lúc Yến nhờ tôi trông nhà", đôi môi Yến mím chặt. Lúc khác, khi nghe Nghĩa khai tội, Yến nhếch mép cười cay đắng...
Yến chưa một lần biết mặt người yêu cũ của Nghĩa, hôm cả khu nhà G4 nơi Yến ở xôn xao vì mới phát hiện xác một cô gái không đầu, Yến cũng thấy ghê sợ và không hề mảy may nghĩ rằng đó là "tác phẩm" của người yêu mình. Chỉ đến khi công an ập vào nhà Yến hỏi han nhiều điều, hỏi cả chuyện nhà cô có mất con dao nào không thì Yến mới bắt đầu gai người xâu chuỗi lại mọi chuyện.
Tại phiên sở thẩm, người ta thấy Yến liên tục chấm nước mắt khi nghe luật sư trình bày. Cô gái tỏ ra bối rối trước tòa khi có bao ánh mắt đang đổ về phía mình với sự cảm thông xen lẫn trách móc cho sự dại khờ của cô gái trẻ.
"Bản án" mà nghịch tử dành cho cha mẹ
Trong suốt diễn biến vụ án, người ta luôn thấy bóng dáng của ông Nguyễn Đức Hùng, cha của Nguyễn Đức Nghĩa. Gương mặt hiền lành, phúc hậu, dù biết con phạm tội tày đình, không thể tha thứ được nhưng ông vẫn ngược xuôi làm đủ điều cho đứa con tội lỗi.
Hình ảnh ông Hùng tuyệt vọng lao về phía đứa con trai trong phiên xử sơ thẩm, khi Nghĩa bị dẫn giải ra khỏi phòng xét xử ám ảnh nhiều người. Người ta căm giận Nghĩa bao nhiêu thì lại thương cho người cha bất hạnh bấy nhiêu.
Biết con khó thóat khỏi tội chết, nhưng ông Hùng không thôi động viên con, dốc hết lực tàn cho đứa con bất hiếu. Ông ra đi vì một tai nạn thương tâm khi mà phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa chưa bắt đầu.
Ông Hùng đã phải cúi đầu tạ lỗi với người cha của Phương Linh, phải hốt hoảng rồi cuống cuồng phản đối khi có người muốn con trai ông hiến xác..., ông lại lập cập lên tiếng phản đối... Tất cả những hành động đó của người cha chỉ để nhằm bảo vệ cho khúc ruột của mình, dù vô cùng mong manh.
Vốn là người đứng mũi chịu sào của gia đình, sự ra đi của ông Hùng đã chút hết những gánh nặng tinh thần lên vai mẹ Nguyễn Đức Nghĩa. Bà Chuân vốn là một người phụ nữ chỉ biết chăm lo cho chồng con, những việc lớn đều một tay ông Hùng lo liệu nên bà như mất phương hướng khi chồng không còn. Nỗi đau mất chồng còn đó cộng thêm nỗi đau vì lo cho sự sống của đứa con trai khiến bà như kiệt sức.
Vắt chút lực cạn bà không biết làm gì hơn là viết lá đơn để xin cho con bà được sống, cũng là mong tìm được tấm phao cứu sinh, tìm ra lý do để níu bà sống tiếp những tháng ngày còn lại của cuộc đời.
Lời kết
Đa phần mọi người quan tâm đến vụ việc này đều mong muốn hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa bị tử hình, mỗi người có những lý do riêng để mong muốn điều đó. Nhưng cũng có người vì quá thương cảm cho người mẹ khổ đau của Nghĩa cùng một lúc phải gánh chịu nhiều quả đắng mà hy vọng Nghĩa được thoát án tử hình. Bởi lẽ, Nghĩa còn sống- đó là lý dó khiến cho bà còn có đủ nghị lực để sống tiếp những ngày còn lại.
Nhưng dù vì bất cứ lý do gì mong Nghĩa không vướng án tử hình, thì rõ ràng không một ai có thể tha thứ cho tội ác, những đau khổ mà hắn đã gây ra cho biết bao người khác, là những "nạn nhân" gián tiếp trong vụ án.
Theo VNN
Nghĩa phản ứng thế nào khi biết bố mất? Nguyễn Đức Nghĩa hồi đầu bị CA bắt Chỉ còn 2 ngày nữa tới phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, điều mà dư luận đang quan tâm là liệu tử tù này sẽ có phản ứng gì khi ở phiên phúc thẩm hắn hay tin người cha đã không còn. Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa sát hại cô người yêu cũ...