2 giám đốc vụ chìm tàu ở Cần Giờ được xử án treo
VKS đề nghị phạt hai bị cáo từ hai đến bốn năm tù nhưng tòa chỉ phạt mỗi bị cáo ba năm tù treo.
Ngày 26-11, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM khiến chín người thiệt mạng. Hai bị cáo Vũ Văn Đảo (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina) bị truy tố tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo khoản 3 Điều 214 BLHS 1999 (có mức hình phạt 7-15 năm tù).
Bị cáo kêu oan, VKS nói không
Theo cáo trạng, ngày 2-8-2013, tại Công ty Việt Séc, ông Đảo biết tàu BP 12-04-02 được thiết kế để tuần tra, đi ở vùng sông-vịnh và chở được 12 người. Nhưng bị cáo vẫn điều động tàu đi vào vùng biển không được phép hoạt động và chở 28 người (gấp 2,5 lần). Cục Đăng kiểm Việt Nam (VN), Cục Hàng hải VN thuộc Bộ GTVT và Bộ GTVT giám định kết luận đây là nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Ngoài ra, nguyên nhân khác là do bị cáo vận chuyển hành khách rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách. Bị cáo không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông vận tải đường thủy nội địa…
Bị cáo Quyết biết rõ tàu là của biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu và biết về tình trạng an toàn của tàu. Nhưng khi được ông Đảo chỉ đạo sử dụng ba tàu đi đón khách ở Tiền Giang, Quyết đã chỉ đạo việc dùng ba tàu để đi chở 71 khách, hậu quả tàu BP 12-04-02 bị tai nạn…
Phạm Duy Phúc là người trực tiếp điều khiển tàu gây tai nạn đã cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 BLHS 1999. Nhưng sau tai nạn, Phúc đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Tại tòa, bị cáo Đảo cho cáo trạng truy buộc hành vi của mình là suy diễn, quy chụp. Theo bị cáo, tàu BP12-04-02 là tài sản của biên phòng nên người có quyền và có thể điều động tàu lực lượng vũ trang chỉ có thể là người của biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bị cáo và bị cáo Quyết không có quyền và cũng không thể điều động được nên không có hành vi phạm tội. Bị cáo cũng không chỉ đạo giám đốc kinh doanh Công ty Việt Séc hỏi mượn tàu mà tự ông này điện thoại hỏi mượn…
Bị cáo Quyết thì cho rằng vụ án xảy ra cách đây năm năm nên không nhớ rõ nhưng Quyết thừa nhận đã phân công chỉ đạo ông Phúc cùng các nhân viên khác sử dụng ba tàu để đi chở 71 khách…
Theo VKS, mặc dù bị cáo Đảo không nhận tội nhưng căn cứ vào lời khai của Quyết và một số người khác, phù hợp với biên bản khám nghiệm phương tiện và các chứng cứ khác có trong hồ sơ, đủ căn cứ truy tố như cáo trạng.
Video đang HOT
Hai bị cáo Đảo (phải) và Quyết tại tòa. Ảnh: YC
Tòa xử án treo
VKS cho rằng hành vi của bị cáo Đảo và Quyết gây thiệt hại rất nghiêm trọng nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể, bị cáo Quyết khai báo rõ ràng, bị cáo Đảo đã liên hệ các cơ quan chức năng và những người quen biết để ra sức cứu giúp người bị nạn. Hai bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, đã bồi thường khắc phục hậu quả. Từ đó VKS đề nghị xử phạt Đảo từ ba đến bốn năm tù, bị cáo Quyết từ hai đến ba năm tù.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đảo và Quyết nêu quan điểm tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu BP12-04-02 đang là tài sản và thuộc quyền quản lý của biên phòng tỉnh nên chỉ có người ở đây mới có quyền điều động. Cạnh đó, các nguyên nhân CQĐT và VKS viện dẫn thì không có nguyên nhân nào nói về tình trạng kỹ thuật của phương tiện là “rõ ràng không bảo đảm an toàn”.Trong khi đây làyếu tố bắt buộc để xác định có tội phạm theo quy định tại Điều 214 BLHS hay không…
HĐXX nhận định hai bị cáo không nhận tội nhưng bị cáo Quyết đã khai về diễn biến dẫn đến việc tàu, điều động lái tàu Phúc đưa đón hành khách về cơ bản phù hợp với cáo trạng. Đối chiếu lời khai ban đầu, bản ảnh hiện trường, các kết luận giám định tư pháp, giải thích giám định, lời khai của bị hại, người làm chứng và các chứng cứ khác đã đủ cơ sở kết luận hai bị cáo phạm tội như cáo trạng quy kết, không oan.
“Các bị cáo vì vô ý do tự tin, thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy gây ra vụ tai nạn, gây đau thương, mất mát cho gia đình nạn nhân. Hai bị cáo phạm tội độc lập nhưng xét về tính chất, mức độ, bị cáo Quyết có phần hạn chế hơn” – bản án nêu.
Tuy nhiên, theo HĐXX, khi tai nạn xảy ra hai bị cáo đã tích cực cứu giúp người bị nạn, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, đã bồi thường khắc phục hậu quả, đa số gia đình bị hại xin giảm nhẹ. Bị cáo Quyết là lao động chính có con nhỏ, bị cáo Đảo là người có thành tích trong sản xuất. Từ đó, HĐXX tuyên phạt hai bị cáo cùng mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Việc vợ của lái tàu Phúc đề nghị bị cáo Đảo xin lỗi công khai, HĐXX cho rằng bản thân ông Phúc bị điều động nhưng có quyền từ chối, ông Phúc cũng có lỗi và có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng do đã chết nên không xem xét. Vì vậy, theo HĐXX yêu cầu này là không phù hợp.
Bị mời rời phòng xử vì… vỗ tay
Đáng chú ý là tại phiên tòa có rất nhiều người tham dự. Sau khi bị cáo Đảo cũng như các luật sư bào chữa phát biểu quan điểm thì có nhiều người dự khán vỗ tay rất to. HĐXX nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng vẫn lặp lại. Đến lần thứ ba thì HĐXX đã nhờ cảnh sát tư pháp mời một người đàn ông ra khỏi phòng xử.
Không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Phần tranh luận, luật sư bảo vệ cho hai bị cáo cho rằng vụ án có những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: Ra quyết định khởi tố vụ án sau 49 ngày VKS mới phê chuẩn (theo luật là ba ngày); việc gia hạn điều tra lần thứ hai phải kết thúc vào ngày 4-9-2014 nhưng đến ngày 12-9-2014 mới ban hành kết luận điều tra; con tàu không được xem là vật chứng của vụ án…
Đối đáp lại, VKS cho rằng việc phê chuẩn chậm là để bổ sung chứng cứ, có vi phạm nhưng không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Phần tuyên án, HĐXX nhận định việc này vi phạm tố tụng nhưng là để đảm bảo tính khách quan và xác định sự thật của vụ án, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can. Đối với việc CQĐT ban hành cáo trạng sau khi đã hết thời hạn điều tra ngày 4-9-2014 là có vi phạm. Nhưng các hoạt động tố tụng đã được thực hiện đúng trình tự thủ tục và kết thúc trước ngày 4-9-2014. Tuy nhiên, về chi tiết này CQĐT cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
YẾN CHÂU
Theo PLO
Chìm tàu khiến 9 người chết ở Cần Giờ: 2 giám đốc bị tuyên 3 năm tù treo
Sau phiên xét xử sơ thẩm, ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty CP Công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Marina) bị tòa tuyên 3 năm tù treo về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn".
Ngày 26/11, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ba năm tù treo đối với hai bị cáo Vũ Văn Đảo (sinh năm 1968), giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina và Đinh Văn Quyết (sinh năm 1980), giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina.
Hai ông này bị kết án về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".
Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Vũ Văn Đảo cho biết: "Thật lòng tôi chưa tâm phục khẩu phục, nhưng việc có kháng cáo hay không tôi đang cân nhắc. Vì với một người quản lý doanh nghiệp thì chúng tôi còn phải lo cho hoạt động của công ty cũng như người lao động, nhất là dịp Tết sắp đến, nếu cứ theo vụ án sẽ rất mất thời gian".
Theo ông Đảo, trong phiên tòa, luật sư đã trình bày rất rõ ràng là không có các yếu tố để cấu thành tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".
Phiên tòa xét xử 3 năm tù treo cho hai bị cáo về vụ án chìm tàu trên biển Cần Giờ khiến 9 người chết.
Về nguyên nhân tai nạn, tất cả các bản giám định tai nạn đều kết luận là do chở quá người quy định và gặp thời tiết bất lợi.
Đây là các nguyên nhân gây ra tai nạn đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải xác định tại các kết luận giám định và các báo cáo điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn.
Còn các lý do khác bản cáo trạng nêu như: 2 bị cáo tổ chức vận chuyển hành khách rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu ra vào; rời cầu bến không được thông báo cho việc đón, trả khách; không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông vận tải đường thủy nội địa chỉ là những vi phạm hành chính về kinh doanh, không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Hai bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Chia sẻ với báo chí, ông Đảo vẫn tự bào chữa rằng, lẽ ra vụ án phải bị đình chỉ điều tra từ khi hết hạn điều tra vụ án và các kết quả giám định cũng không hề chứng minh được có dấu hiệu vi phạm về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn.
"Phiên tòa này để lại vấn đề nghiêm trọng nữa là lấy một văn bản về quản lý nhà nước để hình sự hóa những tội như đưa công nghệ mới vào sản xuất tàu thuyền thì thật là đáng tiếc. Như vậy những người ủng hộ cái mới, người muốn dấn thân về việc áp dụng công nghệ mới sẽ rất lo lắng và không dám thực hiện", ông Đảo nói.
TÂN NGUYÊN
Theo VTC
Đề nghị truy tố 2 giám đốc vụ chìm tàu Cần Giờ 9 người chết CQĐT đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) khiến 9 người chết và đề nghị truy tố hai giám đốc... Mới đây, CQĐT đã có kết luận điều tra vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa(huyện Cần Giờ, TPHCM) khiến...