2 cú sốc khủng khiếp trong cuộc đời Việt Hương
Sự ra đi liên tiếp của 2 người phụ nữ quan trọng khiến danh hài Việt Hương bị hoảng loạn…
Hai mẹ con sống với nhau vừa như hai người bạn tri kỷ, vừa như vợ chồng son nên khi mẹ mất,Việt Hương đã bị sốc tâm lý rất nặng.
Cú sốc kéo dài suốt 1 năm nhưng đó là quãng thời gian dài thật dài! Gia đình chị vừa phải gánh 2 cái tang (của mẹ, của ngoại) vừa gánh luôn nỗi đau chôn kín trong lòng Việt Hương không thể nào bật ra được, dù chỉ là bằng nước mắt…
Tuổi thơ giông bão
Theo lời kể của Việt Hương, chị được sinh ra ở nhà thương Vĩnh Viễn, quận 10, TP.HCM vào một ngày đầu tháng 10 năm 1979. Lúc mẹ sinh Việt Hương, cô bé chỉ nặng có hai ký mấy nhưng dễ nuôi, dễ ăn nên mẹ đặt tên thân mật cho con gái nhỏ là bé Heo.
Cất tiếng khóc chào đời được vài tháng, ba mẹ chia tay. Mẹ bồng bé Heo về ở nhà ngoại. Thế nên sau này, khi kể về tuổi thơ của mình, Việt Hương bảo “Hương không có tình thương của ba. Mẹ nuôi Hương từ lúc mấy tháng tuổi cho tới lớn”.
Trong ký ức của danh hài nổi tiếng ngày hôm nay, chưa bao giờ chị quên về quãng tuổi thơ đầy giông bão ấy. Tuổi thơ của chị chưa từng biết đến bánh trung thu, chưa từng được uống sữa, chưa từng có lồng đèn chơi.
Danh hài Việt Hương – ảnh nhân vật cung cấp.
Có giai đoạn, lương thực cả một ngày của hai mẹ con chỉ là 1 cái hột vịt dằm với nước mắm, chấm bắp cải cùng 1kg gạo.
Video đang HOT
Việt Hương nói: “Đó là chuyện thường tình của hai mẹ con Hương những ngày đó. Tội nghiệp mẹ Hương lắm. Mẹ bán tất cả những gì có thể bán được để nuôi Hương, trừ bán thân thôi”.
Bà ngoại của Việt Hương vốn làm về nha khoa thế nên có thời gian, mẹ chị cũng đem đồ về nha đi bán dọc các tỉnh miền Trung. Những ngày mẹ không ở Sài Gòn, Việt Hương được gửi vào chùa cho chùa nuôi chỉ vì không có người chăm.
Đó là ngôi chùa Hoàng Pháp ở Hóc Môn. Sư trụ trì ngôi chùa đó là người đỡ đầu mẹ của Việt Hương. Hồi đó mẹ chị đã từng có ý định đi tu vì buồn và quá bế tắc.
Được chùa nuôi từ nhỏ, chính Việt Hương cũng được quy y từ năm 4 tuổi. Việt Hương kể:
“Ngày xưa chùa còn nghèo lắm, ăn mít luộc không à. Suốt ngày ăn mít luộc tụng kinh. Trái mít non luộc chấm nước tương với mè. Rồi mít non làm gỏi. Thời đó ăn chay chỉ có thế thôi”.
Ở chùa từ nhỏ nên mỗi lần chùa làm từ thiện, Việt Hương cũng được cho đi cùng. Nhưng chị bảo, chùa cho đi chơi vậy thôi chứ không phải mình có tiền để đi.
Có lẽ vì thế mà sau này mỗi lần làm từ thiện ở đâu, Việt Hương đều tìm đến ngôi chùa gần nhất để tụng kinh. Bao giờ cũng thế, tụng kinh xong chị mới trao quà, trao tiền hay đồ ăn.
Rồi mỗi lần được nghỉ hè, mẹ lại dắt Việt Hương bắt xe đò ra miền Trung buôn bán. “Ngày xưa không như bây giờ.
Ai làm về nha thì phải mua đồ làm răng mà mua thủ công lắm thế nên mẹ mang đồ tới đó bán cho người ta. Ngày hai mẹ con đi xe đò, bán đồ cho người ta xong thì xin ngủ nhờ lại, hôm sau đi tiếp”.
Ít ai có thể nghĩ rằng, danh hài nổi tiếng và xinh đẹp này lại có một tuổi thơ cực khổ như vậy.
Cú sốc lớn khi mẹ mất
Chứng kiến cảnh mẹ một thân nuôi mình từ nhỏ, Việt Hương rất thấm thía mẹ đơn thân thì khổ như thế nào. Càng hiểu, Việt Hương càng thương mẹ hơn. Mẹ tâm sự với con. Con tâm sự với mẹ. Hai người cái gì cũng tâm sự với nhau.
Thế nên hai mẹ con Việt Hương không chỉ như hai người bạn tri kỷ mà còn giống như cặp vợ chồng son suốt ba mấy năm trời cho tới ngày mẹ mất.
Năm nay (2016 – pv) là năm thứ 3 Việt Hương chịu tang mẹ. Đã 3 năm trôi qua nhưng chưa bao giờ Việt Hương thôi nhớ mẹ, thôi day dứt, thôi ân hận vì đã không có mặt khi mẹ trút hơi thở cuối cùng.
Lúc mẹ mất, Việt Hương vừa diễn xong show bên Úc, chị cùng chồng con đi Bali du lịch nghỉ ngơi. Việt Hương có thói quen, trước khi đi du lịch chị sẽ báo cho gia đình, họ hàng biết rồi tắt điện thoại và không bao giờ liên lạc với ai.
Vậy mà như có ai xui khiến, bữa đó chồng Việt Hương lại mua 3G và chị cũng không phản đối. Nhờ cái 3G ấy, Việt Hương mới nhận được bức thư điện tử của người em họ gởi, báo tin mẹ mất. Việt Hương bay từ Bali về thì mẹ… đã đi rồi!
Mẹ mất được 89 ngày, bà ngoại cũng mất. Trong đám tang và cả 1 năm sau đó, Việt Hương không khóc dù chị là người cực nhanh nước mắt.
Chị vẫn đi làm bình thường. Ai hỏi chuyện về mẹ về bà ngoại, chị vẫn kể về hai sự mất mát ấy nhưng không khóc.
Nhưng sự thật Việt Hương bị hoảng loạn. Cả 1 năm ấy, chị phải uống thuốc ngủ liên tục. Tuy không bi lụy nhưng Việt Hương rất gầy vì suy nhược tinh thần. Việt Hương chỉ khóc trong lúc ngủ. Chỉ khi ngủ chị mới khóc!
Khi kể về mẹ, giọng Việt Hương thản nhiên nhưng tôi hiểu chị vẫn chưa nguôi nỗi đau mất mẹ.
Việt Hương đi khám bác sĩ tâm lý. Bác sĩ kêu chị khóc, chị cũng không khóc được. Việt Hương kể: “Bác sĩ nói Hương về tâm sự với chồng, người Hương hay nói chuyện nhất nhưng Hương cũng không khóc được.
Bác sĩ nói Hương phải tâm sự được với ai đó để buồn thì phải khóc mà vui thì phải cười nhưng Hương không làm được điều đó. 1 năm ấy, đêm đêm Hương cứ đi vòng vòng trong nhà như phim ma vậy đó. 3, 4h sáng đi dọn cơm ăn cơm”.
Cho tới ngày, vô tình Việt Hương gặp lại một người bạn là dược sĩ trên đất Mỹ. Trên đường chở chị về, người bạn ấy nói một câu về mẹ khiến Việt Hương khóc hù hụ suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Khóc rồi kể lể…
Đêm đó, Việt Hương mệt quá về nhà ngủ luôn, khỏi cần uống thuốc ngủ nữa.
“Hương không nhớ chị bạn ấy nói câu gì nhưng giống như là hộ niệm cho Hương về mẹ. Cuối cùng thì gia đình Hương mừng quá vì phát hiện ra Hương khóc được, những bức xúc đã hóa được thành nước mắt”, Việt Hương kể.
Việt Hương bảo, gia đình chị đã đặt 10.000 cuốn kinh báo hiếu để mùa lễ Vu Lan năm nay sẽ gánh kinh lên chùa tạ tội bất hiếu với mẹ vì phút lâm chung chị đã không ở bên mẹ.
Việt Hương chia sẻ: “Gánh 10.000 cuốn sao Hương gánh nổi. Hương sẽ đội kinh lên đầu tượng trưng thôi, cứ đi 3 bước lạy 1 cái. Theo sau Hương là 10.000 cuốn kinh.
Nhưng Hương chưa biết sẽ đưa lên chùa cách nào để báo chí và người dân không biết. Hương sợ mọi người nói mình PR, mất công nữa”.
Theo Ngoisao.vn