2 cột mốc phát triển quan trọng của em bé sơ sinh 2 tháng tuổi
Bé 2 tháng tuổi bắt đầu biết phản ứng lại với các kích thích của môi trường xung quanh như biết mỉm cười khi thấy bố mẹ cười với mình, biết đáp lời khi nghe mẹ nói chuyện, biết khóc lên khi cảm thấy buồn chán.
Khi đến tháng thứ hai của cuộc đời, mọi cử động tay chân của bé bắt đầu được điều phối tốt hơn nhờ hệ thần kinh đã phát triển. Do đó, các mốc phát triển trong tháng thứ 2 tập trung vào cách bé phản ứng với các kích thích của môi trường. Và bởi vì cha mẹ là một phần rất lớn trong các kích thích của môi trường đó, nên những phản ứng của bé sẽ liên quan nhiều đến cha mẹ. Điều này có nghĩa là các ông bố bà mẹ phải tương tác với con càng nhiều càng tốt.
Trong tháng thứ 2, có 2 cột mốc phát triển quan trọng của bé mà cha mẹ cần lưu ý:
1. Bé biết ngóc đầu mỗi khi nằm sấp
Trẻ sơ sinh thường dành phần lớn thời gian để ngủ và nằm ngửa là tư thế ngủ an toàn cho bé nhất. Thế nên, khi bé thức dậy chơi, cha mẹ nên tranh thủ cho bé tập nằm sấp. Bởi nằm sấp giúp bé học cách đẩy cánh tay lên, xoay đầu và cổ, nó còn giúp các cơ cổ và cánh tay của bé phát triển.
Thông thường, em bé 2 tháng tuổi đã có thể ngóc đầu lên trong thời gian nằm sấp để nhìn ngó xung quanh. Điều này không có nghĩa là bé tận hưởng và thư giãn trong khoảng thời gian này, mà thực ra, bé phải dùng sức để nâng cổ và đầu của mình lên cao. Và nếu bé có thể ngóc cao đầu thì cha mẹ nên vui mừng vì bé có một hệ thần kinh khỏe mạnh đủ sức điều khiển được cơ bắp.
Dấu hiệu nguy hiểm: Khi bé không thể ngẩng đầu hoặc giữ đầu ổn định thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề. Tuy nhiên, cha mẹ nên ngoại trừ những lúc bé cáu kỉnh, khó chịu, mệt mỏi vì đói, vì buồn ngủ, hay vì nằm sấp quá lâu, bé bị tức bụng. Do vậy, cha mẹ chỉ nên cho bé nằm sấp từ 2 – 3 phút/lần, 3 – 4 lần/ngày.
Bên cạnh đó, nếu cha mẹ thấy bé có vẻ lờ đờ, các chi rời rạc, mềm oặt hay tay chân quá cứng và run rẩy thì cha mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa.
2. Bé bắt đầu biết hóng chuyện, nhìn theo chuyển động của đồ chơi
Hầu như tất cả các cha mẹ đều ghi nhận sự lớn lên của bé thông qua các hành động như mỉm cười, hóng chuyện, biết quay đầu về phía có âm thanh và biết quấy khóc khi cần giúp đỡ. Nhưng nếu quan sát chậm và kỹ hơn một chút, cha mẹ sẽ cảm nhận được rằng dường như bé đang phát triển tính cách, có vẻ như bé trở nên giống một người lớn. Đó là bé biết tương tác với cha mẹ, biết mỉm cười khi thấy cha cười với mình, biết đáp lời khi nghe mẹ nói chuyện, biết khóc lên khi cảm thấy buồn chán.
Ngoài ra, các bé còn bộc lộ một phần tính cách của mình. Chẳng hạn có một số bé rất dễ chịu, ăn rồi ngủ rồi chơi, chẳng khóc lóc cáu kỉnh. Nhưng lại có bé rất khó tính, làm không vừa ý là bé sẽ khóc ngằn ngặt không thôi.
Dấu hiệu nguy hiểm: Nếu cha mẹ nhận thấy con mình không nhìn theo sự chuyển động của đồ chơi đang treo trước mặt, hoặc không nhìn vào khuôn mặt của cha mẹ thì cần cho bé khi đi khám bác sĩ. Tương tự như vậy, nếu bé không phản ứng với giọng nói của cha mẹ hoặc với tiếng ồn lớn thì đây là dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề về hệ thần kinh.
Video đang HOT
Cha mẹ hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau, nên đừng quá lo lắng khi thấy con người ta biết làm cái này, biết làm cái kia mà con mình vẫn mãi dậm chân tại chỗ. Một em bé sinh non sẽ học cười chậm hơn so với bé sinh đủ tháng, hoặc những em bé hay bị đau bụng sẽ không cười thường xuyên. Do đó, việc giữ thái độ bình tĩnh là điều mà cha mẹ cần làm, bởi trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, bé có thể đọc vị được cảm xúc của cha mẹ.
Một ông bố căng thẳng, một bà mẹ cáu gắt không thể nào có được một đứa con hay cười. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn nhẹ nhàng, dịu dàng, thường xuyên mỉm cười và trò chuyện với bé, rồi sẽ đến một ngày cha mẹ được con cười đáp lại.
Theo Helino
Tham khảo các cột mốc phát triển quan trọng của em bé sơ sinh trong năm đầu tiên theo từng tháng
Quá trình từ một em bé sơ sinh cho đến khi biết đi là một đoạn đường dài. Và mỗi tháng là một bài học khác nhau mà bé phải hoàn thành để đạt được những cột mốc quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển về sau.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh là điều được các mẹ quan tâm nhất, bởi bạn luôn lo lắng không biết con mình phát triển có tốt không, có phát triển đúng hướng không, có gặp vấn đề gì không.
Mời các mẹ hãy tham khảo những cột mốc cơ bản mà em bé sơ sinh cần đạt được qua từng tháng trong một năm đầu tiên của cuộc đời bé nhé.
1 tháng tuổi
Cha mẹ đừng nghĩ em bé 1 tháng tuổi thì không biết gì nhé. Bé đang lớn rất nhanh theo từng ngày. Bé cũng đang học giao tiếp bằng mắt, học nói u, ơ và biết phản ứng khi nghe giọng nói hay tiếng cười của cha mẹ.
2 tháng tuổi
Bé trông tròn trịa, mũm mĩm hơn lúc mới sinh. Bây giờ bé biết chăm chú nhìn vào khuôn mặt của ai đó, nhất là cha mẹ, và duy trì giao tiếp bằng mắt ổn định. Biết quay đầu về phía có âm thanh, biết mỉm cười. Bé hóng chuyện và đáp lại cha mẹ bằng tiếng lầm bầm, líu ríu. Ngoài ra, bé còn thể hiện sự tức giận.
3 tháng tuổi
Lúc này, bé đã có thể biết lật. Bé cũng biết mỉm cười đáp lại khi thấy người khác cười với mình. Bé hay khua chân múa tay, bàn tay bé không còn nắm chặt nữa. Bên cạnh đó, bé còn biết bắt chước theo nét mặt của cha mẹ.
4 tháng tuổi
Bây giờ, bé đã biết chống thẳng tay khi nằm sấp, biết với lấy đồ vật ở trước mặt. Bé cười thành tiếng, rất thích chơi và sẽ khóc nếu cha mẹ không cho chơi nữa.
5 tháng tuổi
Bé 5 tháng tuổi đã lật khá tốt rồi nên sẽ chuyển qua học xoay tròn khi nằm sấp. Bé rất hay thổi bong bóng, và khóc to khi không thấy cha mẹ đâu. Bé còn biết chuyền đồ vật từ tay này sang tay kia. Và đôi khi bé không ngại bộc lộ sự không hài lòng của mình bằng tiếng khóc.
6 tháng tuổi
Vậy là bé đã đi được một nửa chặng đường trong năm đầu tiên của cuộc đời. Bây giờ, bé rất hay bập bẹ ê a, bé tạo ra những âm thanh như tiếng rít hoặc thì thầm. Bé biết lật người nằm sấp thành nằm ngửa và ngược lại. Biết với tay để lấy đồ vật ở trước mặt. Ngoài ra, bé còn để tâm chú ý xem cha mẹ nói chuyện hay đang làm gì.
7 tháng tuổi
Tầm tháng này thì bé bắt đầu học bò, học cách sử dụng các ngón tay, thích được bế đi chơi, biết bắt chước theo âm thanh của người lớn, và đặc biệt là thể hiện sự tức giận của mình một cách mạnh mẽ.
8 tháng tuổi
Bé đã có thể ngồi một cách vững vàng mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Bé học thêm được cách vỗ tay, trả lời khi nghe ai đó gọi tên mình. Bé có thể lo lắng và sợ người lạ.
9 tháng tuổi
Thời điểm này, bé thích bò và leo cầu thang, thích chơi với cha mẹ, nhất là những lúc mẹ nấu ăn để được nghịch rau củ. Bé còn thích bắt chước cử chỉ của người khác. Bên cạnh đó, bé còn thường xuyên từ chối bằng cách lắc đầu.
10 tháng tuổi
Bây giờ, bé đang học đứng. Bé hay bám vào bàn, ghế, giường... để đứng lên. Bé đã biết vỗ tay, biết giận dỗi và không hề ngần ngại thể hiện mọi cảm xúc vui buồn giận dữ ra cho cha mẹ thấy. Với đồ chơi, bé thích đổ ra rồi lại nhặt vào.
11 tháng tuổi
Khi thấy cha mẹ hay ai đó đọc sách là bé sẽ giằng lấy và xé. Bé rất thích tắm. Bé đang học nói "baba" hay "mama" và đôi khi bé tỏ ra bướng bỉnh, không hợp tác.
12 tháng tuổi
Bây giờ, bé đã có thể tự đứng dậy mà không cần sự trợ giúp, thậm chí là bước được vài bước. Bé cũng nói được vài từ. Bé biết giơ tay, nhấc chân khi cha mẹ mặc hoặc cởi quần áo cho bé. Bé bộc lộ cơn giận dữ ngày càng mạnh mẽ. Và đôi khi bé còn làm trò hề cho mọi người cười.
Theo aFamily
Hưởng ứng ngày trẻ sinh non thế giới 17/11: 9 - 10% trẻ sơ sinh ra đời bị non tháng, nhẹ cân Chiều 31/10, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức chương trình "Ngày hội trẻ sinh non Bệnh viện Phụ sản Hà Nội" nhằm hưởng ứng ngày trẻ sinh non thế giới 17/11, nhân 40 năm ngày thành lập Bệnh viện. PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh:...