2 cách làm bánh Trung Thu nhân đậu xanh bằng nồi chiên không dầu thơm ngon
Bánh Trung Thu đậu xanh là món bánh được nhiều người yêu thích bởi mùi vị bùi ngọt, thơm ngon. Giờ đây, không cần dùng đến lò nướng nhưng bạn cũng có thể thực hiện thành công món bánh này. Hãy vào bếp học cách làm bánh Trung Thu bằng nồi chiên không dầu nhé!
1. Bánh Trung Thu nhân đậu xanh 3 lớp
Nguyên liệu làm Bánh Trung Thu nhân đậu xanh 3 lớp
Bột mì đa dụng 247 gr
Bột cacao 5 gr
Bột trà xanh 5 gr
Bơ đậu phộng 20 gr
Đậu xanh 150 gr
Nước đường 160 gr
Lòng đỏ trứng gà 2 cái
Sữa tươi không đường 4 muỗng cà phê
Đường 100 gr
Dầu ăn 30 ml
Dầu dừa 2 muỗng canh
Nước 530 ml
Hình nguyên liệu
Dụng cụ thực hiện
Nồi chiên không dầu, chảo chống dính, nồi, máy xay sinh tố, khuôn bánh 125gr,…
Cách chế biến Bánh Trung Thu nhân đậu xanh 3 lớp
1
Ngâm và nấu đậu xanh
Đầu tiên, vo sạch 150gr đậu xanh với 2 – 3 lần nước. Sau đó, ngâm đậu xanh khoảng 2 tiếng cho mềm.
Tiếp theo, chắt bỏ nước ngâm, cho đậu xanh vào nồi cùng 500ml nước rồi nấu lửa lớn đến khi nước sôi.
Kế đến, hạ xuống lửa nhỏ và nấu đậu trong 20 phút cho mềm nhừ.
Mách nhỏ: Bạn nhớ vớt bỏ bọt bẩn trong quá trình nấu nhé!
2
Sên nhân đậu xanh
Cho phần đậu xanh đã nấu vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn mịn.
Bắc chảo lên bếp, cho vào đậu xanh xay nhuyễn, 100gr đường, 1/2 muỗng cà phê muối. Khuấy đều hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi sôi.
Kế đến, bạn cho vào thêm 2 muỗng canh dầu dừa, tiếp tục đảo đều cho nhân kết dính lại.
Hòa tan 1/2 muỗng canh bột mì với 2 muỗng canh nước. Sau đó, bạn đổ hỗn hợp bột vào chảo nhân rồi sên đến khi nhân không dính chảo, tạo thành khối dẻo mịn, không dính tay là đạt.
3
Tạo màu và bọc nhân
Chia phần nhân đậu xanh làm 3 phần với 3 kích thước từ lớn tới nhỏ.
Tạo 1 lỗ hổng ở giữa 2 phần nhân lớn. Đối với viên nhân lớn nhất, bạn cho vào 5gr bột trà xanh, viên nhân thứ 2 thì cho vào 5gr bột cacao. Dùng tay nhào đến khi nhân hòa quyện với phần bột khô.
Dùng dao chia mỗi viên nhân thành 6 phần bằng nhau rồi vo tròn.
Kế tiếp, miết dẹt phần nhân cacao, cho viên nhân đậu xanh vào rồi túm kín lại và vo tròn.
Tiếp theo, miết dẹt nhân trà xanh, cho viên nhân cacao đậu xanh ban nảy vào giữa rồi túm kín lại, vo tròn là hoàn tất. Làm tương tự như trên đến khi hết số nhân còn lại.
Mách nhỏ: Để nhân không bị khô, bạn nhớ bọc kín lại bằng màng bọc thực phẩm sau khi tạo hình xong nhé!
4
Trộn bột bánh
Rây mịn 240gr bột mì vào tô, sau đó cho vào thêm 160gr nước đường, 30ml dầu ăn, 20gr bơ đậu phộng, 1 lòng đỏ trứng gà.
Dùng máy đánh trứng để trộn hỗn hợp cho hòa quyện với nhau, sau đó dùng phới dẹt nén gọn lại để tạo thành khối đồng nhất.
Mách nhỏ:
Bạn có thể trộn bột bằng tay nếu không có máy trộn bột nhé!Để vỏ bánh sau khi nướng không bị chai và đóng bánh hoa văn được sắc nét, thì bạn không nên nhào bột quá lâu nhé!
Video đang HOT
5
Đóng bánh
Chia bột vỏ bánh thành nhiều phần bằng nhau, nặng 42gr rồi vo tròn.
Dùng cây cán mỏng bột vỏ bánh thành hình tròn, sau đó đặt viên nhân vào giữa rồi túm kín các mép bột lại.
Lưu ý: Phần vỏ bánh và nhân phải miết chặt với nhau để tránh cho không khí lọt vào. Vì nếu còn không khí, khi nướng sẽ khiến vỏ bánh bị phồng.
Áo đều khuôn đóng bánh bằng 1 lớp bột mì khô, kế tiếp cho bánh vào trong khuôn và ấn chặt để tạo hình.
6
Nướng bánh
Làm nóng nồi chiên không dầu trước ở nhiệt độ 150 độ C trong 10 phút.
Tiếp theo, xếp bánh vào nồi, xịt phun sương nước lên mặt và nướng bánh ở 150 độ C trong 5 phút. Sau 5 phút, bạn để cho bánh nguội hoàn toàn.
Cho vào chén 1 lòng đỏ trứng gà, 4 muỗng cà phê sữa rồi khuấy đều. Kế đến, phết 1 lớp mỏng hỗn hợp này lên khắp bánh. Tiếp tục nướng bánh lần 2 ở 150 độ C trong 5 phút.
Sau 5 phút, để bánh nguội hoàn toàn, sau đó bạn trở mặt bánh và nướng lần 3 trong 5 phút.
7
Thành phẩm
Bánh trung thu nhân đậu xanh 3 lớp sẽ mềm và ngon hơn khi để qua 1 đêm.
Bánh khi cắt ra vô cùng đẹp mắt với 3 lớp màu xanh, nâu, vàng của phần nhân. Lớp vỏ ăn vào thì mềm thơm hòa quyện cùng nhân đậu xanh bùi bùi, ngọt ngọt, đắng nhẹ vị đặc trưng từ cacao và trà xanh, ăn hoài cũng không ngán.
2. Bánh Trung Thu nhân đậu xanh trứng muối
Nguyên liệu làm Bánh Trung Thu nhân đậu xanh trứng muối
Bột mì đa dụng 255 gr
Đậu xanh 240 gr
Nước đường bánh nướng 160 gr
Nước tro tàu 8 ml
Đường cát 240 gr
Trứng muối 7 quả Lòng đỏ trứng gà 1 cái
Sữa tươi không đường 1 muỗng canh
Dầu ăn 116 ml
Dầu mè 1 ít
Rượu trắng 1 ít (để rửa trứng muối)
Nước 845 ml
Hình nguyên liệu
Dụng cụ thực hiện
Nồi chiên không dầu, chảo chống dính, nồi, máy xay sinh tố, khuôn bánh 200gr,…
Cách chế biến Bánh Trung Thu nhân đậu xanh trứng muối
1
Ngâm và nấu đậu xay
Vo sạch 240gr đậu xanh, sau đó ngâm từ 4 – 6 tiếng cho mềm.
Chắt bỏ phần nước ngâm, cho đậu xanh vào nồi cùng 1/2 muỗng cà phê muối, 800ml nước. Nấu đậu trên lửa vừa trong vòng 15 phút.
Sau đó, bạn cho vào thêm 240gr đường, khuấy đều rồi đậy nắp nấu đậu thêm 5 phút nữa cho gần cạn nước.
2
Sên nhân đậu xanh
Cho phần đậu xanh đã nấu chín vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn mịn.
Bắc chảo lên bếp, cho vào đậu xanh đã xay rồi khuấy đều trên lửa nhỏ. Tiếp theo, cho từ từ 4 muỗng canh dầu ăn vào chảo (mỗi lần cho 2 muỗng), rồi khuấy đều để hỗn hợp hòa quyện.
Hòa tan 1.5 muỗng canh bột mì cùng 3 muỗng canh nước. Cho từ từ hỗn hợp bột vào chảo rồi tiếp tục sên đến khi nhân tạo thành khối dẻo mịn, không dính chảo và không bị chảy xệ là được.
Cuối cùng, cho nhân ra tô và để nguội.
3
Trộn bột bánh
Cho vào tô mới 160gr nước đường bánh nướng, 56ml dầu ăn, 8ml nước tro tàu rồi khuấy đều.
Tiếp theo, rây mịn 240gr bột mì vào hỗn hợp nước đường và tiếp tục trộn cho nguyên liệu kết dính với nhau.
Kế đến, dùng tay nhào bột đến khi tạo thành khối đồng nhất, dẻo mịn, không dính tay là đạt. Cuối cùng, bọc kín tô bột và để nghỉ 1 tiếng.
4
Sơ chế và nướng trứng muối
Cho vào tô 7 quả trứng muối, 1 ít rượu trắng rồi đảo đều.
Tiếp theo, xếp trứng lên khay có lót sẵn 1 tấm giấy nến, phết 1 lớp dầu mè lên trứng rồi nướng 5 phút ở 170 độ C.
Sau khi nướng chín, bạn để yên trứng trong nồi chiên không dầu thêm 5 phút nữa rồi mới lấy ra.
Mách nhỏ: Để trứng không bị khô, dễ vụn khi cắt bánh, bạn không nên hấp hoặc nướng trứng quá lâu nhé!
5
Đóng bánh
Chia vỏ bánh và nhân theo tỉ lệ 66gr vỏ bánh : 135gr nhân bánh (đã bao gồm trứng muối) và vo tròn.
Dùng ngón cái ấn vào giữa viên đậu xanh, sau đó bạn cho 1 quả trứng muối vào rồi túm kín nhân lại.
Tiếp theo, dùng cây cán mỏng bột vỏ bánh, cho nhân vào giữa rồi túm kín lại, vo tròn.
Áo khuôn với 1 lớp dầu ăn, cho bánh vào trong rồi dùng tay ấn mạnh để bánh dàn đều khuôn. Sau đó, ấn mạnh phần lò xo, giữ yên trong 10 giây để tạo hình cho bánh.
6
Nướng bánh
Làm nóng nồi chiên không dầu trước ở 200 độ C trong 15 phút.
Xếp bánh lên khay có lót sẵn giấy nến, sau đó xịt phun sương nước lên mặt bánh. Nướng lần 1 ở 145 độ C trong 5 phút. Sau 5 phút, lấy bánh ra để nguội hẳn.
Khuấy tan 1 lòng đỏ trứng gà cùng 1 muỗng canh sữa tươi không đường. Phết lớp mỏng hỗn hợp trứng lên mặt bánh đã để nguội và nướng lần 2 ở 145 độ C từ 5 – 7 phút.
Sau lần nướng thứ 2, bạn trở mặt bánh lại và nướng lần 3 thêm 5 phút nữa ở 145 độ C là hoàn tất.
7
Thành phẩm
Bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối có lớp vỏ thơm, mềm tan trong miệng đan xen cùng nhân bánh ngọt vừa, bùi bùi, trứng muối thì mằn mặn, uống kèm với trà nóng sẽ càng thơm ngon hơn.
Cách làm bánh Trung Thu thập cẩm bằng nồi chiên không dầu đơn giản dễ làm
Mỗi dịp trăng rằm tháng 8 là nhà nhà lại nô nức với những mâm cỗ Tết Trung Thu đầm ấm. Để ngày lễ thêm ý nghĩa hãy cùng vào bếp học ngay cách làm bánh trung thu thập cẩm bằng nồi chiên không dầu. Đảm bảo thơm ngon, thành công ngay lần đầu tiên với món bánh này.
Nguyên liệu làm Bánh trung thu nhân thập cẩm bằng nồi chiên không dầu
Bột mì 150 gr
Nước đường bánh nướng 100 gr
Lòng đỏ trứng gà 1 cái
Dầu ăn 20 gr
Bơ đậu phộng 5 gr
Hạt điều rang chín 30 gr
Hạt vừng trắng rang chín 30 gr (hạt mè)
Hạt dưa bóc nõn rang chín 30 gr
Lạp xưởng hấp chín 30 gr
Mứt bí 30 gr
Mứt sen 30 gr
Mỡ đường 5 gr
Lá chanh cắt nhỏ 1 ít
Rượu mai quế lộ 5 ml
Bột bánh dẻo 1 ít (khoảng 3 - 4 muỗng canh bột)
Cách chọn mua nguyên liệu ngon
Cách chọn mua hạt điều ngon
Để chọn được hạt điều ngon, khi mua hạt điều có độ tròn căng và độ lớn đều nhau.Hạt điều ngon là hạt điều có màu vàng sáng đẹp mắt, không nên chọn hạt điều bị sậm màu hoặc ngả xanh.Bạn có thể thử bằng cách cắn nhẹ hạt điều, hạt điều ngon sẽ có mùi thơm ngậy và độ mềm dịu nhất định chứ không quá khô cứng.Tuy nhiên bạn có thể tìm mua hạt điều rang sẵn ở các cửa hàng nguyên liệu làm bánh để tiết kiệm thời gian hơn nhé.
Cách chọn mua các loại mứt ngon
Khi chọn mua bánh mứt bạn nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và nơi sản xuất rõ ràng. Tốt nhất hãy mua ở các siêu thị, đại lý... vì có sự đảm bảo chất lượng vệ sinh sản phẩm.Nên chọn mứt có màu tự nhiên. Các loại bánh mứt có màu lòe loẹt là do sử dụng màu công nghiệp có nhiều kim loại nặng, nguy hiểm cho sức khỏe.Bạn có thể sử dụng các giác quan như: Nhìn, ngửi, sờ, nếm... để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước hay mùi chua hay không.
Cách chọn mua lạp xưởng tươi ngon, an toàn
Nên chọn những cây lạp xưởng có màu đỏ hồng tươi, khi ngửi có mùi rượu thơm nồng nàn.Những cây lạp xưởng ngon là những cây có lớp vỏ ngoài có độ đàn hồi tốt, bề mặt khô, không bị mốc hoặc dính vết bẩn lạ.Đồng thời, để đảm bảo chất lượng lạp xưởng, bạn nên chọn mua những loại lạp xưởng có thương hiệu, xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng từ những thương hiệu uy tín.
Cách làm mỡ đường làm bánh trung thu thập cẩm để được lâu, trắng trongCách nấu nước đường bánh Trung thu nướng chuẩn, màu đẹp, bất bại
Dụng cụ thực hiện
Nồi chiên không dầu, giấy nến, khuôn đóng bánh trung thu, muỗng, tô,...
Cách chế biến Bánh trung thu nhân thập cẩm bằng nồi chiên không dầu
1
Trộn bột bánh
Đầu tiên bạn cho vào tô 100gr nước đường bánh nướng, 1 lòng đỏ trứng, 20gr dầu ăn, 5gr bơ đậu phộng. Đánh đều cho nguyên liệu sánh, đồng nhất lại với nhau.
Tiếp đến bạn rây vào tô 150gr bột mì. Sau đó bạn trộn đều cho bột hút phần hỗn hợp chất lỏng trên. Dùng tay trộn đều rồi lấy màng bọc bọc kín tô bột. Để bột nghỉ khoảng 30 phút cho bột mềm hơn.
Mẹo nhỏ : Nếu nhào xong khối bột khô, dùng tay bẻ bột vụn dễ dàng thì bạn nên thêm dầu hoặc nước đường để giúp bột ẩm hơn nhé.
2
Làm nhân bánh
Cho tất cả các nguyên liệu gồm 30gr hạt điều rang chín, 30gr hạt vừng trắng rang chín (hạt mè), 30gr hạt dưa bóc nõn rang chín, 30gr lạp xưởng hấp chín, 30gr mứt bí, 30gr mứt sen, 5g mỡ đường, 1 ít lá chanh cắt nhỏ, 5ml rượu mai quế lộ.
Trộn đều phần nhân rồi cho khoảng 2 muỗng canh bột bánh dẻo vào trộn cho bột kết dính lại với nhau.
Mẹo nhỏ:
Để các nguyên liệu dễ kết dính hơn, bạn có thể cho vào máy xay sinh tố rồi xay các nguyên liệu trong 30 giây để phần nhân hơi nát nhưng không quá nhuyễn.Nếu phần nhân khi nắm vẫn khó dính lại với nhau thì bạn có thể thêm từng muỗng nước đường hoặc 1 ít bột nếp đến khi nhân có thể nắm không bị rã ra là được.
3
Tạo hình bánh
Cắt và chia bột bánh và nhân bánh theo tỉ lệ 2 phần vỏ : 3 phần nhân. Vo tròn nhân và bột bánh.
Tiếp theo, bạn dùng cán, cán bột thành hình tròn vừa phải. Cho nhân bánh vào giữa rồi dùng tay túm phần bột bánh lại. Se tròn bột cho bánh được tròn đều.
Tiếp đến bạn dùng cọ phết một lớp dầu mỏng vào khuôn bánh, phủ một lớp bột mì bên trong khuôn và khay đựng bánh. Sau đó bạn cho cục bột vào khuôn.
Tay trái giữ chặt khuôn, tay phải ép mạnh lò xo xuống rồi nhấc lên nhẹ nhàng nhấc bánh ra khỏi khuôn. Làm tương tự như vậy với các cục bột bánh khác.
Cách chia tỉ lệ bánh:
Khuôn 50g: Chia với tỉ lệ 20g vỏ bánh : 30g nhân.Khuôn 75g: Chia với tỉ lệ 30g vỏ bánh : 45g nhân.Khuôn 125g: Chia với tỉ lệ 50g vỏ bánh : 75g nhân.Khuôn 150g: Chia với tỉ lệ 60g vỏ bánh : 90g nhân
4
Nướng bánh lần 1
Tiếp đến bạn làm nóng nồi chiên ở mức nhiệt cao nhất trong 15 phút. Tiếp đến bạn lấy nồi chiên ra, lót dưới đáy nồi 1 lớp giấy nến và nhẹ nhàng đặt bánh vào.
Nướng bánh lần 1 ở 150 độ trong vòng 5 - 7 phút.
Mẹo nhỏ:
Trong quá trình nướng bánh, lúc này bạn cần chuẩn bị 1 bình phun nước và 1 chén lòng đỏ trứng để phết mặt bánh. Đối với bánh có kích thước lớn từ 125gr trở lên bạn nên nướng ở 8 - 10 phút.Bạn có thể sử dụng hỗn hợp 1 lòng đỏ trứng, 1 ít sữa tươi và 1 ít dầu ăn để quét mặt bánh. Hỗn hợp này sẽ giúp mặt bánh bóng đẹp và thơm hơn.
5
Nướng bánh lần 2 và 3
Sau khi nướng bánh lần 1 xong, bạn mở lò và dùng bình phun phun nhẹ lên mặt bánh. Điều này giúp bánh hạ nhiệt và tránh làm bánh bị nứt mặt.
Để bánh nguội khoảng 5 - 7 phút rồi dùng cọ phết hỗn hợp lòng đỏ trứng lên toàn bộ bánh. Hãy nhớ phết 1 lớp mỏng và tránh để hỗn hợp trứng đọng nhiều trên mặt bánh sẽ làm bánh bị mất nét đấy.
Cho bánh vào lò và tiếp tục nướng ở 150 độ trong 5 phút. Sau thời gian nướng, bạn cho lấy bánh ra khỏi lò và lặp lại thao tác phun nước và quét mặt bánh.
Cuối cùng bạn cho bánh vào nướng lần 3 ở 150 độ C trong 5 phút. Lần nướng thứ 3 chủ yếu giúp bánh khô và trở màu vàng đẹp hơn. Nếu bánh chưa được khô và vàng như ý bạn có thể tăng thời gian nướng lần 3 nhé.
Sau khi bánh nướng xong, bạn lấy ra và để nguội tự nhiên. Để bánh ở ngoài trong 18 - 20 tiếng cho bánh mềm tươm dầu hẳn rồi mới bao gói và bảo quản bánh ở tủ lạnh.
6
Thành phẩm
Bánh sau khi nướng sẽ có màu vàng, bánh hơi cứng. Bánh nguội bạn cho bánh vào túi gói kín. Bánh ở nhiệt độ phòng khoảng 1 - 2 ngày mặt bánh sẽ tươm dầu, vỏ bánh mềm mịn, nhân dẻo ngon.
Bánh có thể giữ ở ngoài khoảng 5 ngày ở nơi thoáng mát và giữ ở tủ lạnh khoảng 2 tuần nhé. Tưởng khó nhưng không khó lắm đúng không, chúc bạn thành công với công thức này nhé.
9X Hà Nội làm bánh Trung thu handmade đẹp ngất ngây, đến nỗi được cả khách nước ngoài đặt hàng Những chiếc bánh trung thu handmade do cô gái trẻ 9x tự thiết kế kiểu dáng đẹp mắt. Lê Hằng (sinh năm 1991) hiện kinh doanh bánh Trung thu nghệ thuật ở Hà Nội. Cô vừa chia sẻ mẫu bánh Trung thu truyền thống được trang trí bằng tạo hình hoa lá do mình thực hiện lên hội nhóm Yêu Bếp và nhận...