2 bất thường trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
Trong phần tranh tụng sáng 23-12, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của MobiFone đã chỉ ra hai điều bất thường của thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
MobiFone tham gia tố tụng với tư cách là bị hại trong vụ án. Cuối giờ sáng nay (23-12), luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của MobiFone, trong phần trình bày của mình, đã chỉ ra hai điều bất thường trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
“Mật hoá cả một giao dịch là lần đầu tiên xảy ra, chưa từng có tiền lệ”- vị luật sư chỉ ra điều bất thường đầu tiên. Theo luật sư, yếu tố không bình thường này đã tác động tới toàn bộ quy trình phê duyệt, chưa nói đến “vô hiệu hoá” quy chế.
“Các anh chị ở MobiFone thậm chí không dám đưa tài liệu cho luật sư nếu không có ý kiến của Hội đồng thành viên (HĐTV), vì tài liệu mật”- luật sư nói.
Bị cáo Lê Nam Trà ( Cựu chủ tịch HĐTV MobiFone). Ảnh: TP
Bất thường thứ hai được luật sư chỉ ra, đây là dự án quy mô lớn về tài chính và công nghệ. Tổng công ty MobiFone tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông vào tháng 12-2014. Sau đó, vào đầu năm 2015, MobiFone có chiến lược mở rộng kinh doanh về truyền hình.
“Đó là chiến lược thực hiện trong vòng 5 năm. Vậy mà dự án này, từ khi có chủ trương tới khi ra quyết định 236 (của Bộ TT&TT phê duyệt và chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án, đồng thời xác định mức giá MobiFone mua AVG là gần 8.900 tỉ- PV) tất cả chỉ được thực hiện trong một năm”- luật sư nói.
Luật sư nêu băn khoăn trình bày của các bị cáo tại phiên toà đều thể hiện đây là mới ngay cả với Bộ TT&TT cũng như MobiFone. “Mới thì vì sao phải thúc ép thực hiện trong năm? Đó là tính chất bất thường. Còn những bất thường khác tôi không dám trình bày. Hai bất thường trên ảnh hưởng tới cả sau này”- luật sư nói.
Liên quan đến việc xác định tư cách bị hại của vụ án, luật sư cho rằng cáo trạng và diễn biến phiên toà chỉ đề cập tới vấn đề thiệt hại vật chất, thiệt hại này cơ bản đã khắc phục xong.
“Nhưng thực chất, thiệt hại của Mobifone nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài là thiệt hại về nhân sự”- luật sư nhấn mạnh. Luật sư phân tích ngoài 8 vị lãnh đạo HĐTV và Ban Tổng giám đốc đang phải hầu toà, còn có 27 cán bộ chủ chốt các phòng, ban chức năng bị yêu cầu xử lý kỷ luật hành chính.
“Việc này để lại hậu quả trực tiếp cho MobiFone trong hiệu quả điều hành doanh nghiệp hai năm qua cũng như hậu quả lâu dài. Bởi hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào con người”- luật sư phân tích.
Video đang HOT
Ngoài ra, MobiFone còn thiệt hại nặng nề về uy tín. Năm 2014, MobiFone đang triển khai tiến trình cổ phần hoá, ước định giá Mobifone khoảng 4 tỉ USD, thương hiệu chiếm khoảng 30%. “Qua vụ án này, có thể nói đã ảnh hưởng đến uy tín là ảnh hưởng đến tiền bạc, mà ở đây là tiền bạc nhà nước”- vẫn lời luật sư.
Cạnh đó, luật sư còn chỉ ra nhiều thiệt hại khác, như ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khoảng 4.000 người đang làm việc cho MobiFone và khoảng 10.000 người khác là các đối tác thương mại, dịch vụ của Mobifone. “Đó là hậu quả hiện hữu đau lòng”- luật sư bình luận.
Nhận xét về cáo trạng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho MobiFone cho rằng “có những điều chưa được làm rõ”. “Nhận định trong cáo trạng là dự án có sai phạm thì mọi người tham gia ở tất cả các khâu đều liên quan. Tôi rất băn khoăn nêu vấn đề này để VKS xem xét lại vì dường như đó là nguyên tắc truy tố mới mà như vậy, vụ án có điều tra mở rộng nữa không?
Những người tham gia hậu cần, đánh máy thì thế nào, không bị xử lý hình sự thì có bị xử lý hành chính không? Khi thực hiện kiến nghị xử lý hành chính, hợp đồng lao động của CQĐT, VKS với các cán bộ sai phạm, MobiFone gặp rất nhiều khó khăn bởi mâu thuẫn giữa các quy định”- luật sư nói.
Cuối phần trình bày, luật sư đề nghị HĐXX xem xét miễn, giảm hình phạt, thậm chí miễn TNHS cho các bị cáo đáp ứng được yêu cầu có đủ tình tiết giảm nhẹ.
“Trước hết, tất cả các bị cáo đều là cán bộ nhà nước, được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ công chức. Nghĩa vụ của cán bộ quản lý DN phải thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao, phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, có ý thức kỷ luật…
Những bị cáo đang ngồi đây và những bị cáo không bị xử lý hình sự, nếu họ không chấp hành mệnh lệnh cấp trên thì hậu quả pháp lý xảy ra với họ là như thế nào?”- luật sư phân tích.
Cũng theo vị luật sư, vụ án này rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận, tác động đến đội ngũ quản lý của các DNNN ở nước ta.
“Nếu các cán bộ MobiFone bị truy tố và chịu án nặng có để lại hậu quả nặng nề về tâm lý cho các cán bộ quản lý trong các DNNN không? Vì họ chỉ làm theo mệnh lệnh của cơ quan quản lý nhà nước”- luật sư nêu vấn đề.
Luật sư của MobiFone cho rằng các bị cáo Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Phạm Thị Phương Anh đã tích cực tham gia quá trình khắc phục hậu quả. Việc trả lại cổ phần cho các cổ đông không đơn thuần trả lại tiền mà là cả quá trình giải quyết pháp lý, vì lúc đó cổ phần đã thuộc sở hữu nhà nước.
Riêng đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ, luật sư của MobiFone đồng ý với đề nghị của các luật sư, đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ ở mức cao nhất cho ông Vũ.
Trình bày trước toà, đại diện MobiFone cho biết theo quy định Điều 28 Luật Quản lý vốn đầu tư doanh nghiệp năm 2014 (luật 69), dự án không thuộc thẩm quyền quyết định của HĐTV MobiFone. Do đó, cả chủ trương cũng như việc thực hiện dự án, MobiFone đều trình xin ý kiến Bộ TT&TT, với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định.
Cụ thể, ngày 6-202015, Bộ TT&TT đã có công văn 408 đồng ý chủ trương để MobiFone thực hiện đầu tư vào dịch vụ truyền hình.
Ngày 19-8-2015, Bộ TT&TT có công văn 166 yêu cầu MobiFone lập dự án vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để Bộ xem xét và phê duyệt.
Ngày 21-12-2015, Bộ TT&TT ban hành quyết định 236 (phê duyệt đầu tư dự án)
Cũng theo vị đại diện, MobiFone là pháp nhân DNNN có trách nhiệm triển khai quyết định 236 của cơ quan chủ quản là Bộ TT&TT. Theo đó, ngày 25-12-2015, MobiFone đã ký thoả thuận với 8 cổ đông AVG và nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị hợp đồng gần 8.900 tỉ đồng.
Từ ngày 28-12-2015 đến ngày 15-1-2016, MobiFone đã thanh toán 95% tổng giá trị hợp đồng tương ứng số tiền 8.445 tỉ đồng cho các cổ đông AVG.
Ngày 22-1-2016, MobiFone đã nhận giấy chứng nhận sở hữu 34.466 cổ phần. AVG thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 5-1-2016. Theo đó MobiFone đã trở thành cổ đông của AVG với tỷ lệ nắm giữ cổ phần là 95%.
ĐỨC MINH
Theo plo.vn
Xử vụ AVG: Ông Phạm Nhật Vũ không thể tự bào chữa trước toà
Sáng nay (23/12), trong phần tranh luận của phiên sơ thẩm xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, bị cáo Phạm Nhật Vũ không thể tự bào chữa trước toà.
Cụ thể, theo thông báo từ Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Phạm Nhật Vũ hiện đang nằm viện, bị cáo này cũng có đơn gửi tới Hội đồng xét xử trình bày giữ nguyên tất cả các lời khai tại cơ quan điều tra, phiên toà.
Bị cáo Vũ cũng xin vắng mặt tại phiên toà trong phần tranh luận vì tình hình sức khoẻ, việc này cũng đã được bệnh viện chứng nhận, vì vậy Phạm Nhật Vũ không thể tự bào chữa được.
Theo diễn biến này, các luật sư bào chữa của Phạm Nhật Vũ tại phiên toà sẽ thực hiện phần bào chữa cho thân chủ của mình theo quy định.
Trước đó trong phần trả lời thẩm vấn ngày 16/12 tại toà, bị cáo Phạm Nhật Vũ cho biết hiện không còn làm trong Hội đồng quản trị của AVG. Thời gian AVG làm việc với Mobifone để thực hiện dự án mua bán cổ phần, bị cáo đang là Chủ tịch HĐQT của AVG. Sau thương vụ mua bán cổ phần, AVG nhận về hơn 8.400 tỷ đồng. Sau này khi hợp đồng thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG bị hủy, bị cáo Vũ đã thanh toán lại toàn bộ số tiền đã nhận và chi phí phát sinh thêm 450 tỷ đồng.
Trong cáo trạng thể hiện bị cáo Phạm Nhật Vũ trả thêm số tiền lãi cho Mobifone là hơn 329 tỷ đồng nên chủ tọa phiên tòa hỏi lại số tiền trả thêm là 450 tỷ đồng hay hơn 329 tỷ đồng, bị cáo Vũ khẳng định đã trả thêm 450 tỷ đồng. Bị cáo lý giải vì ngoài số tiền lãi còn trả thêm những khoản chi phí phát sinh như thuê tư vấn...
Phạm Nhật Vũ (áo đen, đeo kính) không thể tự bào chữa tại toà vào ngày hôm nay do đang phải nhập viện điều trị.
"Vì sao lại trả chi phí như vậy?", HĐXX hỏi. "Báo cáo HĐXX, bắt đầu từ việc trả tiền gốc, việc này thực ra dư luận có dị nghị. Bị cáo thề có trời đất không có ý định chiếm đoạt gì của Nhà nước và nhân dân. Bị cáo mới bàn với gia đình, đi vay mượn, sắp xếp tiền gần 1 năm trước đó, chứ không phải thời gian sau này mới chuẩn bị. Trả có lợi cho đối tác như vậy để không bị mang tiếng và chứng minh mình không chiếm đoạt lấy tiền của Nhà nước và nhân dân", bị cáo Phạm Nhật Vũ nói.
Bị cáo Vũ nói tiếp: Lý do thứ hai, nhiều lúc bị cáo nghĩ đến nhiều em nhỏ, người nghèo nên không để mình mang tiếng khuất tất. Lý do thứ ba là để cho những người liên quan đến vụ việc nhẹ trách nhiệm.
Đối với việc đưa tiền, bị cáo Phạm Nhật Vũ khai đã đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải.
Cụ thể, với ông Son là 3 triệu USD, ông Lê Nam Trà là 2,5 triệu USD, ông Trương Minh Tuấn là 200.000 USD, ông Cao Duy Hải là 500.000 USD.
"Lý do đưa tiền để cảm ơn người đã quyết định việc mua bán này. Theo bị cáo 4 người này có quyết định đến việc mua bán", bị cáo Phạm Nhật Vũ nói
Trả lời HĐXX, bị cáo Vũ khẳng định việc đưa tiền trên không thỏa thuận gì. Thời điểm đó bên MobiFone đã ký hợp đồng, bị cáo đã nhận đủ tiền.
HĐXX đặt câu hỏi, sau thương vụ bán cổ phần của AVG cho MobiFone, bị cáo có lãi nhiều không? Bị cáo Vũ trả lời: "Bị cáo nhẩm tiền mà mình chi ra thì thực ra hòa chứ không lãi".
Thẩm phán Trương Việt Toàn đặt câu hỏi về việc số tiền chi ra và nhận về ngang nhau, vậy vì sao phải đưa số tiền lớn của cá nhân như vậy cho các bị cáo ở Bộ TTTT và MobiFone?
"Đó là do bị cáo nhẩm tính, ngày xưa chi nhiều, giờ bán đi cũng sẽ thu về như thế, cũng đạt mục đích. Lúc đó, bị cáo không muốn làm lĩnh vực này nữa mà muốn làm việc khác", bị cáo Vũ đáp.
Theo danviet.vn
Đề nghị phạt 14 - 16 năm tù bị cáo Cao Duy Hải Tổng hình phạt bị cáo Cao Duy Hải bị viện kiểm sát đề nghị là 14-16 năm tù. Trong phiên toà sáng nay (20/12), viện kiểm sát đọc bản luận tội đối với các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG. Theo đó, bị cáo Cao Duy Hải bị đề nghị phạt 4 - 5 năm tù về tội "Vi phạm quy...