2 bác sĩ kiệt sức đổ gục khi lấy mẫu test COVID-19 giữa trưa nóng
Hình ảnh 2 bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đổ gục kiệt sức vì mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ giữa nắng nóng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 được chia sẻ trên mạng xã hội khiến không ít người xót xa.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, kiệt sức vì làm việc nhiều giờ – Video: CDC Bắc Ninh
Chiều 22-5, trên mạng xã hội xuất hiện các đoạn clip, hình ảnh 2 bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh kiệt sức, đổ gục tại chỗ vì phải mặc liên tục bộ đồ bảo hộ trong nhiều giờ giữa nắng nóng để lấy mẫu thử COVID-19 gây xúc động mạnh trong dư luận.
Theo đó, các đoạn clip trên ghi lại hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Hải và một nữ bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ đổ gục, ngồi bệt giữa sàn nhà vì kiệt sức.
Sau đó, 2 bác sĩ trên phải nhờ tới sự sơ cứu của các y bác sĩ đồng nghiệp, tiếp nước, cởi phanh đồ bảo hộ, dùng quạt tay mới tỉnh táo trở lại.
2 bác sĩ trên kiệt sức là bởi sau khi mặc đồ bảo hộ cấp độ 4 lấy mẫu xét nghiệm liên tục trong nhiều giờ cộng với thời tiết nắng nóng khiến cơ thể suy kiệt.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải được các y bác sĩ đồng nghiệp tiếp nước hồi sức – Ảnh: CDC Bắc Ninh
Đặc biệt, trong những ngày qua, các bác sĩ trên phải làm việc liên tục để truy vết thần tốc COVID-19. Riêng trong ngày 22-5, trên địa bàn huyện Quế Võ đặt ra mục tiêu lấy 28.000 mẫu test COVID-19 cho người dân tại đây.
Sau khi được sơ cứu, sức khỏe của 2 bác sĩ trên đã tạm thời ổn định.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , ông Đàm Thận Hiển, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, cho biết những ngày qua, không chỉ riêng 2 bác sĩ trên gặp phải tình trạng suy kiệt do làm việc quá tải, mà rất nhiều y bác sĩ ở đây cũng đã gặp phải tình trạng tương tự.
Một nữ bác sĩ khác ở trung tâm y tế trên cũng bị kiệt sức trong chiều 22-5 – Ảnh: CDC Bắc Ninh
Theo ông Hiển, khi những y bác sĩ mang trên mình bộ đồ bảo hộ thì những nhu cầu sinh hoạt cần thiết như ăn, uống, đi vệ sinh đều phải dừng lại, cộng với việc thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không chịu nổi “nhiệt”.
Ngày 22-5, huyện Quế Võ lấy hơn 28.000 mẫu test COVID-19 cho người dân, khối lượng công việc nhiều khiến lực lượng y tế kiệt sức – Ảnh: CDC Bắc Ninh
“Ở đây tất cả anh em y bác sĩ đều cố gắng, khi có dịch không ai nề hà, tính toán gì, chỉ mong nhanh chóng dập được dịch. Do thời tiết mấy ngày hôm nay quá nắng, nước nôi không đảm bảo, mặc đồ bảo hộ dày trong nhiều giờ nên các bác sĩ bị kiệt sức”, ông Hiển chia sẻ.
Ông Hiển cho biết thêm những ngày vừa qua, các y bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ phải căng mình xử lý một khối lượng công việc khổng lồ, vì vậy tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và y tế là hạt nhân, là tuyến đầu.
“Mấy ngày gần đây chúng tôi tiến hành xét nghiệm thâu đêm, có hôm đến 4h sáng mới hoàn thành xong việc lấy mẫu. Chưa xong việc, các y bác sĩ chưa được nghỉ. Khối lượng công việc quá nhiều khiến nhiều y bác sĩ quá tải, quá sức, nhiều bác sĩ đổ gục tại nơi lấy mẫu xét nghiệm”, vị lãnh đạo ngành y tế huyện Quế Võ cho hay.
Các y bác sĩ ngồi bệt vì kiệt sức sau ca làm việc – Ảnh: CDC Bắc Ninh
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ chia sẻ là một người làm trong ngành y tế lâu năm, ông rất hiểu và chia sẻ với những bác sĩ đang căng mình làm công việc chống dịch tại địa phương, cũng như các y bác sĩ trên cả nước đang ngày đêm thần tốc truy vết COVID-19.
“Tôi rất xót xa khi nhìn thấy những đồng nghiệp, những người anh em, cấp dưới của mình bị kiệt sức, ngã gục như vậy. Vì công việc chung mà anh em đã không quản ngại khó khăn, tôi thực sự rất xúc động”, ông Hiển xót xa.
Tính tới chiều tối 22-5, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận tổng cộng 422 ca dương tính với SARS-CoV-2, riêng địa bàn huyện Quế Võ ghi nhận 14 ca dương tính.
Bắc Ninh phát phiếu 3 ngày đi chợ 1 lần
Mỗi hộ gia đình ở Bắc Ninh cứ 3 ngày được đi chợ 1 lần để mua hàng hóa thiết yếu, và mỗi gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong 15 ngày.
Ngày 18/5, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường các biện pháp triển khai cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, tỉnh cũng giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên địa bàn.
Cụ thể, mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày được đi chợ 1 lần để mua hàng hóa thiết yếu; mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong vòng 15 ngày. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần/lượt bất kỳ.
Chợ trung tâm huyện Thuận Thành vắng lặng do dịch COVID-19.
UBND tỉnh Bắc Ninh giao các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, UBND các phường, xã, thị trấn in "Thẻ vào chợ", gửi đến Tổ dân phố/Trưởng thôn để phát cho các hộ gia đình; học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn (có mẫu thẻ vào chợ kèm theo).
Các doanh nghiệp, Ban Quản lý/Tổ quan lý các chợ trên địa bàn bố trí lực lượng kiểm soát, thu lại Thẻ khi người dân vào chợ và lưu giữ thẻ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết. Các đơn vị chức năng bố trí lực lượng tăng cường kiểm soát tại các cổng chợ, trang bị nước rửa tay sát khuẩn; yêu cầu người mua hàng giữ khoảng cách, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ.
"Thẻ vào chợ" được phát cho người dân
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo đối với các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trường hợp sau:
Trung tâm thương mại (chỉ gồm siêu thị tổng hợp, siêu thị mini); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng hóa thiết yếu: lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, đồ khô, quầy thuốc chữa bệnh); Các cửa hàng tiện lợi (không bao gồm dịch vụ ăn uống tại chỗ), cửa hàng cung cấp thức ăn không tập trung tại chỗ;
Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa quả trái cây; Cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm; Các cửa hàng kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; Các cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh;
Ngoài ra, có 10 dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động, bao gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình; Dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử, chứng khoán; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp;
Dịch vụ bảo vệ; Cửa hàng kinh doanh nhiên liệu (xăng dầu, gas, khí đốt, than...); Dịch vụ tang lễ, mai táng, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội;
Các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư hóa chất phòng chống dịch động vật; Cơ sở lưu trú du lịch (không bao gồm dịch vụ lưu trú theo giờ và khách du lịch);
Dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa là nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất;
Dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; Dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó có các biện pháp: tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp.
13 bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Ninh tiên lượng nặng Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, hiện có 13 bệnh nhân tiên lượng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đặc biệt, trong số này có 3 trường hợp phải thở máy và được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp, đó là các bệnh nhân số 3469, 3760, 2515. Bệnh nhân 3469 là bà...