199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Do quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực
Thông tin người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ thất nghiệp tiếp tục tăng lên đến 199.400 người trong quý 2/2015 lại khiến nhiều người sửng sốt, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Càng học cao, càng thất nghiệp
Thông tin mà Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2015 ngày 30/10 lại tiếp tục gây sửng sốt với nhiều người bởi tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng cao là hơn 199.400 người (tăng 22.000 người so với quý đầu).
Theo số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy ngoại trừ nhóm trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý 1/2015 (từ 7,13% xuống còn 6,56%), thì tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng. Cụ thể: Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động trình độ đại học thấp nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ đại học gia tăng.
3 nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân vì sao tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng có 3 lý do:
Thứ nhất, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường;
Thứ hai, Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu, thực tế nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được.
Thứ ba, quy hoạch nhân lực đào tạo không phải chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu vùng miền, ngành nghề, trình độ, chất lượng. Có thể thấy, lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi nhiều vùng sâu vùng xa thiếu người có trình độ lại không tuyển được.
“Nếu ta đào tạo theo đúng quy hoạch thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng đào tạo thừa nguồn nhân lực, dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp nhiều đến vậy” – GS Thi nhấn mạnh.
Theo GS Đào Trọng Thi, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước trong định hướng phát triển giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng nói riêng là quy hoạch nguồn nhân lực cho đúng, quản lý các trường thực hiện đúng theo quy hoạch. Trong đó, Nhà nước phải quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên cơ sở dự báo đúng thị trường lao động. Dự báo này phải có tính dài hạn, ít nhất 5-10 năm. Quản lý hoạt động của các trường theo đúng quy hoạch cũng quan trọng không kém, nghĩa là phải quản lý làm sao để các trường không thể cứ thấy ngành nghề nào đang “hot” là lao vào mở ngành, mở lớp dẫn đến đào tạo thừa, trong khi những ngành nghề khác lại thiếu.
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT ngừng đào tạo nhiều ngành học
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 quy mô đào tạo đã giữ tương đối ổn định, cả nước có 219 trường đại học, 217 trường cao đẳng (không tính các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng, quốc tế), trong đó có 60 trường đại học và 28 trường cao đẳng ngoài công lập;
Quy mô sinh viên (SV) đại học 1.824.328, SV cao đẳng là 539.614, trong đó, SV chính quy đại học là 1.348.937, SV chính quy cao đẳng là 519.722; SV VLVH đại học là 339.301, SV VLVH cao đẳng là 19.892; quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ là 92.349 học viên cao học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, Bộ đang dự thảo thông tư thay thế Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu theo hướng giữ ổn định qui mô đào tạo đại học, tập trung nâng cao chất lượng và cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Cụ thể, kiên quyết không cấp phép mở các ngành không đủ điều kiện theo quy định, đồng thời tạm dừng mở một số ngành đã có nguy cơ dư thừa và thực hiện cảnh báo xã hội để giảm quy mô đào tạo các ngành này như Nhóm ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng trình độ đại học ở khu vực Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo mở một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực trong xã hội như ngành Hộ sinh (trình độ cao đẳng); Năng lượng nguyên tử; Thương mại điện tử; An ninh mạng, quản lý thủy sản;…
Theo thứ trưởng Ga, năm qua bộ đã thực hiện cắt giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học và chỉ tiêu hệ liên thông; dừng đào tạo theo hình thức từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên và hình thức vừa học vừa làm đối với một số ngành thuộc khối ngành Khoa học sức khỏe trình độ đại học. Đặc biệt là giảm dần tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học, tiến tới dừng đào tạo vào năm 2017 đối với trình độ trung cấp.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Tăng học phí: Không phải lời giải thần diệu để phát triển giáo dục
"Tăng học phí là một trong những giải pháp quan trọng nhưng không phải lời giải thần diệu trong các vấn đề về phát triển GD&ĐT. Đó là sự đồng bộ giữa chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới hệ thống quản trị trong nhà trường...".
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Dân trí về việc tăng học phí.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Tăng học phí phải phù hợp với dân, không thất thoát
Đã có nhiều ý kiến trái chiều trước khả năng mức học phí sẽ tăng mạnh sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách học phí mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nói đổi mới về chính sách học phí, đồng thời nhấn mạnh Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Vì vậy, việc điều chỉnh học phí phải đặt trong định hướng tổng thể và đồng bộ với các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, phải được xây dựng theo một khung gồm 4 nguyên tắc: Đúng định hướng về đường lối chủ trương, chính sách; Gắn liền với tăng chất lượng giáo dục và đào tạo; Phù hợp với điều kiện KTXH của đất nước, của từng địa phương và khả năng đóng góp của người dân; Đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật.
Ông nghĩ gì khi nhiều người lo ngại, việc tăng học phí nhưng chưa có cơ chế minh bạch hóa chi tiêu cũng là một kiểu "lạm thu hợp pháp"?
Việc tiếp tục đảm bảo nguồn lực đầu tư của Nhà nước và tăng nguồn lực của xã hội đúng với định hướng nhưng cần có giải pháp cụ thể, thiết thực. Về mặt tài chính, nguồn lực xã hội phải được quản lý, giám sát một cách chặt chẽ, minh bạch.
Theo tôi, cần rà soát lại các quy định của pháp luật về sử dụng tài chính và các nguồn lực nói chung trong các cơ sở giáo dục và đào tạo để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với việc tăng học phí; định mức kinh tế kĩ thuật phải do các cơ quan chức năng xây dựng một cách khách quan, khoa học, chính xác để có cơ sở tính toán khi điều chỉnh tăng học phí; đồng thời phải tổ chức tốt hệ thống giám sát về quản lý và sử dụng học phí trong các nhà trường, sao cho nguồn đóng góp của người học được sử dụng hiệu quả, minh bạch để tạo niềm tin cho nhân dân.
Tăng học phí, chưa phải cứu cánh để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Học phí- làm thêm- đi học- chất lượng
Lẽ ra giáo dục phải là một loại dịch vụ đặc biệt, mang sự học đến cho dân như một phúc lợi quan trọng nhưng giờ đây nó đang trở thành quan hệ tiền- hàng. Ít tiền thì không được nghĩ đến trường tốt. Ông thấy lý lẽ này đã công bằng?
Theo tôi, không thể gộp chung cả giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 29 của BCH Trung ương đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 thực hiện giáo dục phổ cập với cấp THCS, vì vậy đối với cấp học này, nguồn lực đầu tư của Nhà nước là chính. Còn ở các cấp học khác như đại học, đào tạo nghề... mức đóng góp phải rõ ràng hơn.
Tôi nghĩ, nếu đặt vấn đề như vậy, việc tăng học phí theo từng cấp, từng đối tượng là công bằng. Nói nôm na, khi việc học của mỗi người, nếu tự bỏ tiền ra để đảm bảo một phần, bản thân người học cũng thấy được giá trị và cố gắng hơn để đầu tư sao cho việc học không lãng phí. Nói thế nhưng cũng phải đảm bảo định hướng XHCN của ta trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bác Hồ đã từng nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Vì thế, phải tính đến việc những người có khả năng học cao nhưng không có điều kiện kinh tế thì bàn tay Nhà nước phải có sự can thiệp như chế độ học bổng, miễn giảm học phí...
Đối với giáo dục, không thể hoàn toàn để cơ chế thị trường chi phối, ở đây vẫn rất cần vai trò điều tiết, quản lý và hỗ trợ của Nhà nước để bên cạnh yếu tố tích cực của thị trường, trong các cơ sở giáo dục và đào tạo vẫn giữ được nét đẹp của quan hệ thầy trò truyền thống, của giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống.... Nếu giữ quan hệ tiền- hàng, người học trở thành "thượng đế", vậy "thượng đế" yêu cầu thì nhà trường sẽ đáp ứng thế nào? Vì vậy cũng cần phải xem xét thêm các khía cạnh đó để tạo sự đồng thuận trong xã hội và có hiệu ứng tích cực.
Theo lộ trình, tăng học phí sẽ đi cùng với học bổng và chế độ ưu đãi cho người nghèo để các em đủ điều kiện học tập. Tuy nhiên, tính toán mới đây của một Giáo sư, học bổng ở mức cao nhất cũng không đủ các em chi trả. Quan điểm của ông ra sao?
Tôi cũng đã xem các đối tượng được miễn giảm học phí, đúng là các đối tượng đó chưa bao phủ được hết những nhóm đối tượng có khả năng học tập nhưng khó khăn về kinh tế. Ví dụ, quy định miễn giảm đối với hộ nghèo hoặc cận nghèo nhưng là người dân tộc thiểu số. Còn những hộ nghèo ở các vùng khác, các dân tộc khác, cơ chế hỗ trợ thế nào cũng phải tính đến.
Học bổng cũng là một phần rất đáng quý nhưng chỉ là một kênh để giải quyết việc học bởi học bổng chỉ mang tính động viên, khuyến khích, không thể trông chờ hoàn toàn vào đó được.
Nhiều người cho rằng, tăng học phí là một phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, một sinh viên nghèo, đỗ trường ĐH lớn sẽ có chất lượng đầu ra thế nào nếu suốt ngày phải đi làm thêm để trang trải chi tiêu và học phí?
Điều này đúng. Vì thế, tôi nghĩ bên cạnh việc tăng học phí, cần có các giải pháp đồng bộ. Mặc dù trong thời gian qua Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh nghèo.
Tuy nhiên, với mức học phí thực hiện tăng theo lộ trình như trong Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến đối tượng học sinh nghèo theo học ở các trường đại học lớn, có mức học phí cao.
Ông nghĩ gì khi có người cho rằng, tăng tiền học phí cao, xếp hạng của ta vẫn ở mức thấp trong bản đồ giáo dục bởi không chỉ tiền, đó còn là đổi mới toàn diện về chương trình, sách giáo khoa một cách khoa học?
Tăng học phí là một trong những giải pháp quan trọng để năng cao chất lượng GD&ĐT nhưng không phải là lời giải thần diệu trong các vấn đề về phát triển lĩnh vực này. Đó là sự đồng bộ giữa chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới hệ thống quản trị trong nhà trường, thực hiện dân chủ hóa trong các cơ sở giáo dục và đào tạo,... Như vậy, đồng tiền người học bỏ ra, Nhà nước đầu tư, xã hội đóng góp mới thực sự có hiệu quả. Chỉ nhấn mạnh vào tăng học phí, chưa phải cứu cánh để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Xin trân trọng cám ơn ông !
Quốc Huy (thực hiện)
Theo Dantri
Cho con tự lập công ty tin học hay đi du học? Sau khi tốt nghiệp cao đẳng CNTT, con tôi muốn kinh doanh trực tuyến. Tôi ủng hộ với ý tưởng tự lập này. Nhưng vợ tôi muốn cháu đi du học ngành tài chính ở Úc, sau đó về nước làm việc ở chỗ người quen. Theo bạn, nên cho cháu đi du học hay khởi nghiệp ở VN? Nâng niu ý tưởng...