19 năm sống với chồng, thi thoảng tôi lại chạy đi lánh nạn
Tôi không chờ đợi anh thay đổi hay thương tôi, chỉ xác định thỉnh thoảng tôi sẽ phải chạy đi lánh nạn, sau đó vài ngày lại trở về.
ảnh minh họa
Giờ tôi đã đủ khôn để hiểu câu châm ngôn: “Người đàn ông đáng sợ không phải là người vũ phu mà chính là người luôn gợi ở bạn một tình thương. Một tình yêu bỏng cháy là tình yêu nhiều nước mắt”. Vì thiếu may mắn thay, cuộc hôn nhân của tôi lại hội đủ cả hai yếu tố đó. Tôi vẫn cho rằng nỗi đau khổ của mình ngay từ tấm bé cho đến giờ bắt nguồn từ cá tính của tôi quá lành và yếu đuối. Lấy chồng, tôi không tìm được tiếng nói chung với gia đình chồng và khi có sự hiểu nhầm hay mâu thuẫn tôi không biết tự lý giải hoặc làm điều gì đó để bảo vệ mình, chỉ âm thầm chịu đựng và nói lại với chồng.
Rồi trong nhà có ai đó sai thì anh vẫn tìm ra được lý lẽ để kết tội tôi, trong khi tôi nói với anh rằng mình chỉ là “nạn nhân”. Sự yếu đuối, thiếu từng trải khi bước vào hôn nhân sớm, không đủ kỹ năng giải quyết muôn vàn khó khăn của hôn nhân khiến tôi đã phải tìm đến bệnh viện tâm thần để chữa bệnh. Ngày ấy tôi một mình lén lút đi chữa bệnh, giấu cơ quan vì rất sợ nếu để lộ ra sẽ bị đuổi việc. Bác sĩ kết luận tôi bị chứng trầm cảm lo âu. Chỉ những người như tôi mới có thể cảm thông với nỗi đau khổ của bệnh nhân tâm thần và họ rất cần sự cảm thông, tạo điều kiện và nâng đỡ về mặt tinh thần để không bị tái phát. Còn tôi lại không tìm được điều này ở bất kỳ ai.
Tôi không dám nói với gia đình mình vì sợ mọi người lo lắng đau khổ, còn chồng tôi thì vẫn rất tài giỏi, lý lẽ cứng cỏi khi kết tội vợ. Tôi rất trách bản thân rằng có những đêm vợ chồng cãi nhau căng thẳng, cố chờ đến sáng để vào bệnh viện tìm chỗ nương thân mà không biết mình có trụ nổi không hay hóa điên lên mất. Vậy mà ngay tối hôm sau, khi anh gọi điện năn nỉ tôi về nhà là tôi lại quên luôn oán giận một cách rất tự nhiên, chứ không phải vì quá yêu anh mà cũng không phải vì sợ mất chồng, chỉ vì cá tính của tôi như thế. Tôi trách mình cư xử với chồng dễ dãi như vậy nhưng không sửa được.
Gần đây, vợ chồng lại xảy ra xung đột lớn, tôi phải ra khách sạn tá túc qua đêm. Tôi làm vậy chỉ nhất thời giải thoát cho mình khỏi cơn kích động thần kinh chứ không có ý gây áp lực với anh. Nhờ con trai định vị điện thoại, anh đã đến tìm tôi về. Lần thứ nhất tôi không về và thật sự không thể về vì đầu óc còn căng thẳng, nếu về đến nhà sợ lại tiếp tục bùng nổ cãi nhau thì khổ các con. Trong đêm đó, đến lần thứ hai anh quay lại tôi đã định không về song thương anh đêm hôm lặn lội đến đấy nên quyết định về.
Anh làm lành với vợ cực kỳ dễ dàng, thậm chí không cần làm lành mà bầu không khí gia đình vẫn nhanh chóng trở lại bình thường. Trước đây tôi tự hỏi sao anh nặng lời như vậy mà vẫn có thể chung chăn chung gối được với vợ thì bây giờ tình trạng còn thậm tệ hơn, tôi đã tự hỏi: Sao vẫn có thể quan hệ vợ chồng với anh trong khi anh toàn quyền muốn để vợ tổn thương? (Thực ra phải dùng từ chấn thương về tinh thần, tình cảm mới đúng) Sao tôi lại cư xử với bản thân một cách rẻ rúng đến như vậy? Đây là điều làm tôi cảm thấy có lỗi với mình nhiều nhất. Hình như sự quan hệ vợ chồng kia không có liên quan gì đến việc tình cảm vợ chồng tôi như thế nào và anh tôn trọng tôi ra sao, đấy là một biểu hiện rằng cuộc hôn nhân của tôi chỉ còn tồn tại đời sống thực vật.
Video đang HOT
Tôi đáp ứng “bổn phận” làm vợ với anh mà chẳng cần yêu thương, chẳng cần một điều kiện gì, miễn là cuộc hôn nhân ấy vẫn tồn tại như bệnh nhân đã chết lâm sàng đang được cắm ống thở. Không phải tôi hèn hạ hay nhục nhã gì mà cuộc đời đã thấm đẫm đau khổ, cảm giác như đau khổ khiến tôi tê liệt không còn nghĩ gì được cho mình mà chỉ nghĩ sao cho các con có cả bố và mẹ. Có hai thứ mà đàn bà rất kinh hoàng đó là bị chồng phản bội và mâu thuẫn với gia đình nhà chồng thì tôi có cả hai. Thật là quá bất tài! Trước đây tôi cứ tưởng không bao giờ hết hận anh đã phản bội mình ngay sau khi sinh đứa con thứ hai được một tháng. Nhưng thời gian cũng xóa mờ những ký ức đau khổ đó và đến giờ tôi không còn oán giận anh về điều này.
Có những lúc tôi xem bộ phim tình cảm chân thật và trong lòng bỗng nghẹn ngào thốt lên ý nghĩ: Được yêu cũng hạnh phúc nhỉ! Bởi vì đã lâu rồi tôi không được sống trong thế giới của những con người hạnh phúc ấy. Nói vậy có thể ai đó nghĩ chồng tôi tầm cỡ tổng giám đốc hay sao mà tôi phải chạy theo anh ấy. Nhưng tôi và anh yêu nhau từ khi anh còn là sinh viên năm cuối đại học. Tôi rất trân trọng anh vì anh con nhà nghèo, học giỏi. Khi chia sẻ tình cảm của anh dành cho mẹ và em gái khiến tôi rất xúc động mà yêu anh, một tình yêu được nhiều người cho rằng rất cổ điển.
Khi mới yêu, vì một lý do nhỏ tôi đã nói lời chia tay anh và anh khóc. Sau này gia đình anh phản đối, nhiều lần tôi cũng muốn dứt ra song ngày ấy anh rất yếu đuối, tôi chỉ sợ vì bỏ nhau mà anh sẽ tự tử. Cuối cùng vẫn cứ là do tình yêu khiến chúng tôi không thể xa nhau. Câu này tôi đã viết ra nhiều rồi – sự thật đúng là như vậy- song giờ đọc lên nghe chua chát làm sao. Vợ chồng tôi đã sống với nhau 19 năm rồi, tôi không chờ đợi anh thay đổi hay thương tôi; không hiểu sao cứ xác định cuộc hôn nhân của tôi sẽ mãi như thế này và thỉnh thoảng tôi sẽ phải chạy đi lánh nạn, sau đó lâu nhất là vài ngày lại trở về ngay và các con vẫn luôn có cả bố lẫn mẹ. Vì con tôi sẽ chịu đựng được tất cả.
Theo blogtamsu
Chồng ơi, đừng nhục khi em hi sinh
Chồng à, anh không cần phải nhục vì sự hi sinh của em đâu nhỉ, vì em không cần một người đàn ông thấy nhục khi vợ hi sinh đúng không?
Chồng à, em đã hi sinh đủ cho anh chưa nhỉ. (ảnh minh họa)
Chồng ạ, mấy hôm rồi em thấy chị em cứ xôn xao xung quanh một nhà đạo diễn có nghề chính là viết báo nói về sự hi sinh của chị em, đại thể ông ấy bảo rằng, ông thấy nhục khi để phụ nữ phải hi sinh.
Câu nói của người đàn ông được mệnh danh là đanh đá cỡ Trang Hạ khiến cho mấy chị em ở văn phòng tâm tư lắm. Có bà thảng thốt giật mình: Ờ nhỉ, sao mình cứ phải hi sinh cho cái lão chồng hút thuốc nhiều, nhậu nhẹt lắm nhưng lại ít tắm nhỉ? Bà khác lại trở trăn: Có khi nào chồng mình cũng thấy nhục nhưng chưa tiện nói ra không?
Em thề, cái chuyện hi sinh của phụ nữ chúng em ở xứ ta đâu phải là điều gì ghê gớm lạ lẫm lắm phải không anh, nó đã từ miệng một em Hoa hậu mà bung ra, nó cũng đã từng được nhiều người đẹp khác nhắc đến mỗi khi nói về đức tính của người phụ nữ nước Nam ta.
Vì sao lại thế? Em chẳng biết nữa, nhưng như một sự cài đặt mặc định từ khi em sinh ra, em lớn lên rồi chui vào nhà anh, làm vợ của anh đã tự khắc bắt mình phải hi sinh, hi sinh vì anh là một sự hi sinh vẻ vang. Em nghĩ vậy.
Mấy chị hay chơi đồ hiệu hàng fake thỉnh thoảng xem phim Tây vẫn chao chát: Trời ơi, cái gã chồng Tây sao mà đàn ông thế, gã nấu ăn cho vợ, gã đi chợ cho vợ, gã bế con cho vợ, còn ông chồng mình chỉ có mỗi bê vợ lên giường mỗi lần say thôi?
Cái xứ ta nó thế, cứ phải so với Tây cho nó sang. Nhưng thằng chồng Tây nó sống ở xứ Tây, xã hội nó khác xứ mình anh nhỉ?
Từ khi được sinh ra, chúng em đã lớn lên trong một nết nhà mà sự hi sinh của mẹ đã hằn in như một sự giáo dục vô thức. Mẹ quần quật ruộng nương, mẹ tất tả cơm nước...còn bố em vẫn chăm chút cho những cơn say xỉn của riêng mình, bố mắng... mẹ lặng câm coi như đó là chức phận của mình, bố đánh... mẹ bất lực chịu đòn coi như đó là trách nhiệm của bản thân...Em đã thấy mẹ nhường cho con cái miếng thịt kho mặn chát cuối cùng rồi bảo: Con ăn đi, mẹ không thích ăn thịt hoặc mẹ no rồi.
Người phụ nữ, người mẹ khổ lắm phải không anh. Họ hi sinh với chức năng của người vợ, họ lại hi sinh với nghĩa vụ làm mẹ và cao hơn nữa họ còn hi sinh bản thân mình rất nhiều vì họ còn là dâu con trong nhà.
Người phụ nữ ở nông thôn không dám khoắc lên mình một manh áo đẹp, mẹ em cũng thế. Mẹ chưa bao giờ mua cho mình một bộ đồ đẹp, nhưng mẹ sẵn sàng cần mẫn làm lụng tối ngày để cho con cái xúng xính quần áo mới.
Phụ nữ Việt Nam phải hi sinh, hi sinh là một đặc tính được mặc định truyền đời. Nhưng bất hạnh quá. Em biết nhiều những số phận người phụ nữ như thế, họ khi sống phải hi sinh từ nhu cầu bản thân, nhu cầu hưởng thụ chỉ để vun vén cho gia đình, nhưng khi họ đột ngột sang thế giới bên kia, người chồng ân nhớ vợ bằng việc đi bước nữa với một người đàn bà khác. Ở vế ngược lại, liệu đã mấy người phụ nữ dám đi bước nữa để chịu tiếng gièm pha.
Trong nhiều nết nhà hình ảnh quen thuộc vẫn được tả đi tả lại đó là cảnh người vợ tất bận nấu nướng, còn người chồng thì thong thả gác chân cầm điều khiển từ xa và ung dung chuyển kênh. Người vợ đảm đang hơn còn khéo nấu sẵn cho chồng một đĩa mồi để anh nhậu trước, còn mình thì tiếp tục chuẩn bị cho bữa cơm chính.
Em không cần anh nhục, em cần anh hãy là một người đàn ông thử hi sinh cho vợ anh xem. Lúc đó, em cũng sẽ không thấy nhục vì anh đâu. Thề đấy. (ảnh minh họa)
Hình ảnh quen thuộc ấy có sức ảnh hưởng đến nỗi, trong một chương trình truyền hình thực tế hẹn hò gái trai, cô gái vẫn thường hỏi chàng trai mình sẽ hẹn hò: Anh có biết nấu ăn không, anh có nấu ăn cho vợ không? Và dĩ nhiên, với một khả năng thiên bẩm có sẵn ở bất cứ đàn ông nào, các anh sẽ khẳng định: Có chứ, đã làm chồng thì phải biết chia sẻ việc nhà với vợ. Câu đó trở thành một câu cửa miệng, trở thành bảo bối đổi lấy nụ cười trên môi nàng.
Chồng à, em đã hi sinh đủ cho anh chưa nhỉ. Bao nhiêu năm qua, em đã sống tất cả bởi vì anh, còn anh, anh vẫn là mẫu hình chung của những người đàn ông xứ này, anh coi việc vợ anh vất vả việc nhà, toan lo việc xã hội như một việc đương nhiên phải thế.
Chồng à, anh không cần phải nhục vì sự hi sinh của em đâu nhỉ, vì em không cần một người đàn ông thấy nhục khi vợ hi sinh đúng không? Em đã quen những cảm xúc nhất thời như một lời xin lỗi sau mỗi lần anh say vung tay tát em. Em không cần anh nhục, em cần anh hãy là một người đàn ông thử hi sinh cho vợ anh xem. Lúc đó, em cũng sẽ không thấy nhục vì anh đâu. Thề đấy.
Theo Eva
Nuối tiếc khi biết người yêu "Nhà mặt phố, bố làm to" Sau 1 năm gặp lại, Lan nhìn theo tiếc nuối vô cùng khi thấy người yêu cũ bước xuống từ con xe camry sang chảnh bóng loáng và đi bên cạnh anh là 1 cô gái trẻ trung, xinh đẹp ăn mặc sang trọng...Lúc này cô chỉ biết nói: "Giá như" Nhớ lại hồi đó, Lan cũng là một cô gái xinh đẹp,...