18 tuổi trở thành “ông đồ” trẻ nhất Việt Nam qua vòng sát hạch
Nguyễn Tô Tâm An lọt vào top 4 cuộc thi sát hạch ông đồ, trở thành người trẻ nhất Việt Nam trong giới thư pháp.
Tại buổi công bố kết quả cuộc thi sát hạch ông đồ lần 2 sáng 5/2, nhà thư pháp Lê Quốc Việt, thành viên ban giám khảo đã công bố top 4 bài tốt nhất vượt qua gần 100 ông đồ. Trong số này có thí sinh Nguyễn Tô Tâm An (sinh năm 1997).
Chia sẻ với phóng viên, “ông đồ” Nguyễn Tô Tâm An cho biết, An đam mê chữ Hán và theo học cha từ rất nhỏ. Bản thân “ông đồ” trẻ cũng rất bất ngờ khi nhận được kết quả này.
“Ông đồ” trẻ nhất Việt Nam, Nguyễn Tô Tâm An
Hiện tại, “ông đồ” 18 tuổi này đang theo học lớp 12, tiếng Pháp, chuyên Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Tâm An cho biết, nếu lên đại học, chắc chắn An sẽ dành nhiều thời gian nghiên cứu về thư pháp và chữ Hán.
Niềm vui nhân đôi với gia đình Tâm An khi cả bố em là ông Nguyễn Học cũng vượt qua kỳ thi sát hạch ông đồ.
Ông Học cho biết, Tâm An còn trẻ nên dù có “suất” vào Văn Miếu viết chữ nhưng gia đình không để em ngồi lều riêng như những ông đồ khác. Tâm An sẽ ngồi cùng cha để học hỏi về thư pháp.
Theo ông Lê Quốc Việt, Tâm An là người trong thế hệ trẻ có sở thích tìm hiểu, học hỏi về chữ Hán. Ông và các chuyên gia khác đánh giá Nguyễn Tô Tâm An là “ông đồ” trẻ nhất trong giới thư pháp hiện nay.
Ông Việt cho rằng, dù vượt qua kỳ thi sát hạch để vào Văn Miếu viết chữ trong dịp Tết Nguyên đán nhưng Tâm An còn trẻ, không nên va vấp vào tiền.
“Thay vì va vấp vào tiền, Tâm An nên xây dựng cái danh trước sau đó học để thỏa mãn thú chơi tao nhã. Tâm An là một thế hệ mới yêu thích thư pháp do đó cần được giáo dục về văn tự, hiểu đúng về giá trị chữ Hán”, ông Lê Quốc Việt nói.
Ngoài hai cha con “ông đồ” trẻ nhất Việt Nam dự thi, sáng nay còn có hơn 80 ông đồ đến từ các câu lạc bộ thư pháp ở Hà Nội cùng nhau thi sát hạch để được viết chữ ở hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Bất chấp thời tiết mưa phùn, rét buốt, hơn 80 người viết đã có mặt ở Văn Miếu từ sáng sớm. Ông đồ đủ mọi lứa tuổi, từ cụ già râu tóc bạc phơ cho đến những “anh đồ”, “chị đồ” tuổi đôi mươi đều mang bút nghiên ứng thí.
Những hình ảnh “ông đồ” cầm bút nghiên đi thi sát hạch:
Theo ban giám khảo, mục đích tổ chức cuộc thi là nhằm xây dựng Văn Miếu
trở thành điểm đến tin tưởng nhất của những người yêu thích thư pháp, người dân xin chữ đầu năm.
Video đang HOT
Người thi sẽ phải viết chữ trên giấy xuyến chỉ trong vòng 15 phút sao cho như một bức tranh chữ, đúng từ điển, không tự chế chữ, đảm bảo giám khảo đọc được.
50 đề thi chủ yếu xoay quanh chủ đề mùa xuân, đạo đức giáo dục, danh ngôn… Đối với chữ Hán – Nôm, đề thi sẽ có 1 -2 chữ ít sử dụng để kiểm tra kiến thức của người thi.
Để đảm bảo công bằng, các bài thi đều sử dụng một loại giấy xuyến chỉ và mực của ban tổ chức, bút người viết tự mang theo
Việc thi tuyển để đảm bảo chất lượng ông đồ cho chữ ở Văn Miếu được nhiều câu lạc bộ thư pháp ủng hộ
Cuộc sát hạch này cũng giúp người viết đánh giá trình độ thực tế của mình để tiếp tục rèn luyện
Ngoài yêu cầu viết chữ đúng từ điển, cân đối, các ông đồ còn phải đề lạc khoản, đóng triện sao cho hài hòa
Cuộc sát hạch này còn thu hút khá nhiều các “anh đồ” trẻ tham gia thử sức. Anh Lê Việt Quý (21 tuổi, CLB thư pháp Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi tham dự cuộc thi với mong muốn giao lưu, đồng thời tự đánh giá năng lực của bản thân. Lần đầu đi thi nên tôi viết hơi run”.
“Bà đồ” Lê Anh Tuyết, CLB thư pháp Hương Nam cũng dự thi phần thư pháp Quốc ngữ
Theo quy chế thi, người viết không được xem từ điển, điện thoại tra từ dưới mọi hình thức và hỏi chữ người bên cạnh. Ai vi phạm sẽ bị đánh dấu xem xét huỷ bài thi. Tuy nhiên, nhiều ông đồ vẫn bất chấp quy chế, xem từ điển ngay trong phòng thi.
Những người vi phạm quy chế bị đánh dấu mực tàu ở góc bài viết
Những người chưa đến lượt thi sốt ruột ngó vào bên trong
Kết thúc giờ thi, người viết tụ nhau lại để bàn về chữ viết đúng sai
Ban giám khảo công bố kết quả, chỉ có 36/71 tác phẩm đạt yêu cầu, số còn lại bị đánh giá là viết yếu, bố cục sai, không thẩm mỹ, đặc biệt nhiều bài mắc lỗi sơ đẳng như sai chữ.
Theo Dân Việt
Tình tiết gây sốc trong cuộc sát hạch ông đồ ở Văn Miếu
Ngày 1/2, TS Phạm Văn Ánh - chuyên gia nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm (Viện Văn học), thành viên Ban giám khảo - đã công bố các thông tin hậu trường "gây sốc" ở cuộc sát hạch để chọn ra ông đồ đạt chuẩn, được phép cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Hội chữ Xuân sắp tới.
Năm nay, người dân sẽ yên tâm hơn về chất lượng chữ của các ông đồ
Nhiều ông đồ không biết... chữ
Ngày 1/2, trao đổi về hậu trường cuộc sát hạch các ông đồ vừa qua, TS Phạm Văn Ánh đã chia sẻ nhiều câu chuyện khiến người nghe... phát hoảng.
Theo TS Phạm Văn Ánh, cuộc sát hạch ngày 31/1 tại Văn Miếu gồm có hai phần: Phần thi chữ Hán và phần thi chữ Quốc ngữ.
TS Phạm Văn Ánh ở trong ban phụ trách chấm thi mảng chữ Hán. Đề thi phần chữ Hán rất dễ, các ông đồ chỉ phải viết đúng 4 chữ với những yêu cầu tối thiểu.
"Sau khi chấm sát hạch, kết quả cho thấy, 70% các ông đồ viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn, có người còn chưa biết cách cầm bút", TS Phạm Văn Ánh nói với tâm trạng khá thất vọng.
Một chuyên gia khác thuộc Viện Nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán Nôm thì thẳng thắn cho rằng, việc sát hạch là để chấm dứt tình trạng cho chữ sai, chữ xấu tràn lan ngày Tết những năm trước. Chuyên gia này bức xúc: "Nếu viết chữ xấu, vốn từ, số chữ nắm được có hạn thì các ông đồ không nên vào Hồ Văn".
Ban tổ chức cũng cho biết, kết quả chấm thi được công bố trước đông đảo các ông đồ. Ban giám khảo đã chỉ rõ từng bài thi với những thông tin đúng, sai rành mạch. Phần lớn các ông đồ đều không có phản hồi mà chỉ nhận mình viết chưa chuẩn.
Nguyên nhân khiến phần lớn các bài thi không đạt, TS Phạm Văn Ánh cho rằng: "Thứ nhất, do trình độ chữ nghĩa kém. Hai là, thư pháp kém. Tuy nhiên, sau thời gian "so bó đũa, chọn cột cờ", Ban giám khảo cũng đã chọn ra những ông đồ khả quan nhất, có kiến thức và thư pháp tương đối ổn để có thể cho chữ trong Hội chữ Xuân sắp tới".
Theo TS Phạm Văn Ánh, những người dự thi đến từ nhiều tỉnh, thành phố khu vực các tỉnh phía Bắc.
"Về bản chất, các ông đồ tham gia thi là những người bán chữ. Vì vậy, nhất thiết phải sát hạch để xem họ có biết viết và biết nhiều chữ hay không. Tránh tình trạng để người dân mua phải hàng rởm. Sau khi công bố kết quả thi, có người phản hồi là bình thường viết đẹp, hôm nay hồi hộp nên viết xấu. Cũng có người cho rằng, do chất liệu giấy, mực nên chữ xấu, thậm chí có người xin... thi lại.
Tuy nhiên, từ góc độ người chấm thi, tôi khẳng khái trả lời rằng, với người đã không biết viết thì có viết đi, viết lại cũng cho ra một kết quả trượt. Nếu bảo do giấy thì người viết phải biết điều chỉnh lượng mực. Đó cũng là một yêu cầu cơ bản trong viết chữ Hán. Giấy thấm thì phải biết cách giảm lượng mực đi.
Còn bảo là hồi hộp, ảnh hưởng thì với Ban giám khảo, chỉ cần nhìn một nét hoặc một dấu chấm là đã đủ biết "trình" của người viết đến đâu rồi", TS Phạm Văn Ánh nói.
Sẽ giám sát các ông đồ rởm
Cuộc sát hạch đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận bởi rất nhiều người yêu chữ, có thói quen xin chữ ngày đầu năm nhưng chưa đủ kiến thức để thẩm định chữ đúng, sai, xấu, đẹp.
Anh Đinh Xuân Hưởng (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) nói: "Gần như năm nào tôi cũng ra xin chữ của ông đồ ở khu vực Văn Miếu. Tuy nhiên, để thẩm định chữ đẹp, xấu thì gần như không thể, chỉ thấy ông đồ viết đúng chữ Việt mà mình cần là được, còn riêng mảng chữ Hán lại càng "tịt". Ông đồ viết cho như thế nào thì nhận thế.
Sau khi biết tin có hơn 70% ông đồ bị trượt sau đợt sát hạch vừa qua thì mới tá hỏa, có khi những chữ mình xin ở nhà cũng nằm trong diện viết sai. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục đi xin chữ và yên tâm hơn bởi chỉ có ông đồ "xịn" mới được cho chữ".
Theo quy định, chỉ những ông đồ đạt điểm qua đợt sát hạch lần này mới được có gian cho chữ ở Hội chữ Xuân. Vì vậy, vấn đề người dân quan tâm hiện nay là Ban tổ chức sẽ bố trí, sắp xếp như thế nào để ngăn chặn các ông đồ trượt sát hạch không trà trộn vào bán chữ ở hội.
Ngày 2/1, bà Nguyễn Thị Luận, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định sẽ có đội ngũ giám sát các ông đồ và chỉ những người được cấp thẻ mới được hoạt động cho chữ tại khu vực của Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015.
Hội chữ xuân Ất Mùi sẽ bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng trong khuôn viên Hồ Văn. Hàng ngày, các ông đồ sẽ cho chữ từ 8h30 đến 20h, riêng ngày 30 Tết sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau và ngày mùng 1-2 Tết, thời gian cho chữ sẽ kéo dài từ 8h30 đến 22h.
Cũng theo Ban tổ chức, từ cuộc sát hạch vừa qua, nhiều ông đồ nhận kết quả kém và biết trình độ thực của mình đã đề xuất có một lớp đào tạo để họ nâng cao tay nghề. Đây cũng là biện pháp góp phần làm giảm thiểu lượng ông đồ rởm bán chữ trong dịp lễ, Tết.
TS Phạm Văn Ánh cho biết, nhiều trung tâm, địa chỉ sẵn sàng dạy chữ Hán miễn phí để người yêu thư pháp có thể tham khảo theo học gồm: Trung tâm Nhân Mỹ học đường thường mở lớp ở các chùa khu vực Hà Nội; Câu lạc bộ Unesco thư pháp Việt Nam; Trung tâm dạy thư pháp ở chùa Tảo Sách...
Sau khi được thẩm định chữ viết, các ông đồ "trúng cách" sẽ nhận thẻ và ngồi hoạt động trong những lều khung sắt lợp mái bạt, bố trí xung quanh Hồ Văn, hướng mặt ra phía đường Quốc Tử Giám. Sở VH-TT&DL Hà Nội khẳng định, năm nay ông đồ nào nhổ lều ra ngoài thì sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa.
Theo một thành viên của Ban Tổ chức, để tránh tình trạng "nhìn mặt phán giá", năm nay Ban tổ chức sẽ niêm yết mức giá sàn. Theo đó, người xin chữ các ông đồ sẽ tự mua loại giấy mà mình cần và chọn người viết theo nội dung yêu cầu. Giá cả sẽ là: 200.000 đồng/biểu trục nhỏ; Mành nhỏ: 200.000 đồng/cái; Giấy in hoa văn hình rồng: 130.000 đồng/tờ; Giấy bìa các loại từ 100.000 đồng trở xuống.
(Theo Minh Anh - Nguyên Hạnh/ Gia đình & Xã hội)
Tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam: Tôi may mắn có bàn tay giúp đỡ! "Cuộc đời tốt đẹp biết bao khi một người gặp khó khăn, có ai đó tiến lại gần, nở một nụ cười và chìa ra một bàn tay và tôi đã có được cái may mắn đó...". Đó là tâm sự của Tân giáo sư (GS) trẻ nhất năm 2014 của Việt Nam - Phan Thanh Sơn Nam, ngành hóa học trường ĐH...