‘18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng…’
“18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học” là dòng trạng thái được một thí sinh quê ở Bắc Giang chia sẻ tối 15.9, trên diễn đàn Cộng đồng sinh viên 2K3.
Dòng trạng thái của thí sinh Dương Công Hiếu trên trang Cộng đồng sinh viên 2K3 – QUÝ HIÊN
Hụt hẫng vì điểm chuẩn tăng “sốc”
Đêm 15.9, lúc 21 giờ 31, sau khi phần lớn các trường ĐH thông báo điểm trúng tuyển vào các ngành học của trường mình, Dương Công Hiếu, cựu học sinh Trường THPT Phương Sơn (H.Lục Nam, Bắc Giang), đã chia sẻ lên diễn đàn Cộng đồng sinh viên 2K3 dòng trạng thái “18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học” kèm theo biểu tượng mặt cười ở cuối câu.
Ngay sau đó, dòng trạng thái trên đã nhận được sự tương tác rất tích cực từ các thành viên trong và ngoài diễn đàn. Sau gần một ngày đêm, đã có 18.000 lượt nick bày tỏ cảm xúc với dòng trạng thái, hơn 2.000 bình luận và 168 lượt chia sẻ.
Không chỉ thế, rất nhiều trang mạng và nhóm đã mượn ý nội dung dòng trạng thái trên để phát triển thành các bài bình luận với đủ sắc thái, chủ yếu là để bày tỏ sự chia sẻ cảm giác “ngoạm phải cú lừa ngoạn mục” về điểm thi năm 2021 của những thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Chiều tối 16.9, PV Thanh Niên đã liên hệ với Dương Công Hiếu. Em cho biết được 27 điểm khối C00, 23,15 điểm khối D10 (toán, địa lý, tiếng Anh); đã đăng ký xét tuyển 5 nguyện vọng (NV) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, nhưng dường như tất cả đều trượt (NV5 có thể đỗ nhưng Hiếu không chắc mình có đạt yêu cầu tiêu chí phụ).
Hiếu tâm sự: “Sau khi biết kết quả xét tuyển, em có một chút thất vọng, vì cứ nghĩ điểm của mình không đến nỗi nào và không ngờ điểm chuẩn ĐH năm nay lại cao đến thế. Cảm giác chung là hụt hẫng, vì mình thiếu may mắn để không được điểm cao hơn, chứ không phải do chọn NV sai. Nhưng biết đâu, trải nghiệm buồn này cũng có thể nó sẽ trở thành bước ngoặt của cuộc đời em”.
Muốn ôn thi lại để đỗ ngành luật
Thí sinh Dương Công Hiếu, 27 điểm khối C (thang điểm 30) nhưng đối mặt với nguy cơ trượt ĐH do điểm chuẩn khối C năm nay tăng chóng mặt – FBNV
Video đang HOT
2 NV đầu, Hiếu đăng ký vào Học viện Ngoại giao các ngành quan hệ quốc tế, luật quốc tế. Năm nay, lần đầu tiên, Học viện Ngoại giao xét tuyển tổ hợp C00 với 2 ngành này. Điểm chuẩn các tổ hợp khác 2 ngành này năm ngoái từ 25,6 đến 26,6 điểm nên Hiếu hy vọng mình có thể đỗ. Cuối cùng, một ngành có điểm chuẩn 27,3, một ngành có điểm chuẩn 27,6 (với tất cả các tổ hợp).
NV tiếp theo là ngành luật kinh tế Học viện Ngân hàng, năm ngoái điểm chuẩn khối C ngành này là 27 điểm, năm nay lấy 27,55 điểm. Hiều cho biết: “Em rất mê ngành luật, nên cũng tìm hiểu về ngành này ở một số trường khác, nhưng em lại thấy điểm chuẩn ngành luật các trường đó những năm trước đều rất thấp, nên sợ chất lượng đào tạo không tốt. Còn ở Học viện Ngân hàng, dù không phải là trường có thể mạnh về luật, nhưng lại đào tạo về kinh tế, nên em nghĩ có lẽ trường sẽ đào tạo tốt luật kinh tế”.
NV4, Hiếu đăng ký vào ngành quản lý phát triển đô thị và bất động sản của Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, theo tổ hợp xét tuyển D10. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành này (với tất cả tổ hợp) là 21,4, năm nay là 25 điểm. “Năm nay, em nghĩ nếu điểm chuẩn có tăng thì cũng chỉ tăng cùng lắm là 1 – 1,5 điểm, nên em nghĩ đây là NV an toàn của emm. Ai ngờ nó tăng tới gần 4 điểm!”, Hiếu buồn bã chia sẻ.
NV5 là sư phạm địa lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một ngành mà Hiếu không muốn học, nhưng vẫn điền thêm vào, để thêm mức độ yên tâm về việc sẽ đỗ ĐH. “Ngành này năm ngoái lấy 25,8 điểm. Năm nay lấy 27 điểm nhưng có tiêu chí phụ, mà em không rõ mình có thỏa mãn tiêu chí phụ không. Nhưng dẫu có đỗ thì em vẫn không muốn học vì em không hề thích ngành này. Có thể em sẽ ôn thi lại với quyết tâm đỗ ngành luật ở một trường mà em tin tưởng vào chất lượng đào tạo”, Hiếu tâm sự.
Hiếu tự tin là nếu thi lại em sẽ đạt điểm cao hơn, vì ở trường em vốn là học sinh khá giỏi. Thậm chí, em còn từng được tham gia đội tuyển của trường đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.
Bức xúc vì dòng trạng thái bị phát tán với dị bản “thêm mắm thêm muối”
Nhưng “họa vô đơn chí”, đang buồn bã vì đối mặt với nguy cơ trượt ĐH thì Hiếu hiện gánh thêm sự bức xúc vì vô tình trở thành nạn nhân của nạn phát tán thông tin “xuyên tạc”. Hiếu cho biết, hôm nay em nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè cho biết, dòng trạng thái của em đã trở thành của ai đó, nào là đăng ký 9 NV, cả 9 NV đều “đặt cược” vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân (NEU) và Trường ĐH Ngoại thương (FTU), nên cuối cùng bị trượt.
Dòng trạng thái của Hiếu đã bị sửa với ý đồ xuyên tạc – QUÝ HIÊN CHỤP MÀN HÌNH
“Em thấy lạ là họ gần như lấy lại từng câu chữ của em, diễn đạt giống em đến từng dấu phẩy, giống cả cái biểu tượng em dùng. Nhưng họ thay cụm từ “trượt hết tất cả NV” bằng “trượt cả 9 NV”. Mà lạ nữa là họ chia sẻ ảnh chụp trạng thái với nội dung đã được chỉnh sửa công phu, chứ không chỉ copy nội dung rồi thêm thắt thêm vài chữ. Kèm theo ảnh chụp trạng thái thì họ bình luận thêm, chỉ vì thích ngoại thương, kinh tế quốc dân”, Hiếu cho biết.
Dòng trạng thái bị xuyên tạc đăng trên một trang có rất nhiều lượt theo dõi – QUÝ HIÊN CHỤP MÀN HÌNH
Được biết, có trang của một giáo viên dạy toán trên mạng (có rất nhiều học sinh theo dõi) còn viết: “Buồn. Một học sinh 27 điểm vẫn trượt hết 9 NV vì thích học NEU, FTU”.
Trang của một giáo viên dạy toán trên mạng cũng tham gia “xuyên tạc thông tin” – QUÝ HIÊN CHỤP MÀN HÌNH
Theo Hiếu, sự bịa đặt trên tuy không ảnh hưởng gì tới lợi ích cá nhân Hiếu, nhưng nó khiến cho em có một cảm giác tiêu cực về đời sống trên mạng xã hội. Từ thông tin gốc, người ta biến thành cái của họ với hình thái na ná cái gốc, nhưng điều đó thật tai hại vì những người lạ không biết đó là tin giả, còn bạn bè của Hiếu thì hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả.
“Các bạn em cũng ngạc nhiên, tưởng là em trượt hết vì đăng ký 9 NV vào NEU, FTU”, Hiếu nói.
Chưa hết cơ hội khi trượt đợt xét tuyển đầu tiên
Sau khi các trường đại học đồng loạt công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh hụt hẫng khi điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào các nguyện vọng đã đăng ký và phải tìm cơ hội xét tuyển bổ sung
Ngày 16-9, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình talkshow trực tuyến với chủ đề: "Điểm chuẩn và cơ hội xét tuyển bổ sung" trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021". Buổi tư vấn diễn ra đúng thời điểm các trường đại học (ĐH) đang công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên đã nhận rất nhiều câu hỏi của thí sinh.
Trượt do đặt nguyện vọng chưa hợp lý
Trong 2 ngày 15 và 16-9, các trường ĐH, học viện công bố điểm chuẩn theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Kết quả điểm chuẩn năm 2021 cho thấy điểm chuẩn các các ngành, các trường nhìn chung đều tăng, thậm chí tăng mạnh, điều này khiến nhiều thí sinh phải ấm ức khi điểm cao vẫn rớt nguyện vọng đã đăng ký.
Thí sinh Quyên Ninh cho biết được 25 điểm tổ hợp xét tuyển C00, đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội cũng như ở một số trường khác nhưng em đã không trúng tuyển. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng 25 điểm khối C là mức điểm khá cao. Việc thí sinh không trúng nguyện vọng là có nguyên nhân vì điểm chuẩn năm nay tăng mạnh ở các ngành, trường hút thí sinh; mặt khác cũng có lý do thí sinh đặt các nguyện vọng chưa hợp lý.
Các khách mời tham dự chương trình tọa đàm - tư vấn chiều 16-9 qua hình thức trực tuyến Ảnh: VĂN HÙNG
PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết như nhiều trường ĐH khác, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng chịu ảnh hưởng chung về sự bất cân đối về tỉ lệ số nguyện vọng đăng ký/chỉ tiêu ở các ngành nghề. Cụ thể như tại trường, các ngành như quản lý đất đai, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh là những ngành nghề được đa số các em lựa chọn nên điểm chuẩn đã tăng vọt, chênh lệch 3-4 điểm so với năm 2020.
"Với các ngành như quản lý khai thác tài nguyên như: nước, khoáng sản, biển và hải đảo; ngành khí tượng thủy văn và biến đối khí hậu... có nhu cầu nhân lực rất lớn vì tất cả hoạt động phát triển kinh tế từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, từ lĩnh vực nông nghiệp đến công nghiệp đều rất cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực này" - PGS-TS Huỳnh Quyền nói.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, điểm chuẩn năm 2021 của các ngành, các trường thu hút thí sinh nhìn chung là tăng, thường trong khoản 1-2 điểm, cá biệt có ngành 4-5 điểm. Sự gia tăng điểm chuẩn này cũng đã được dự báo trước do có một số trường đã chuyển chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác.
Đặc biệt, do điểm môn tiếng Anh tăng nhiều nên ngoài việc điểm tuyển các tổ hợp có môn tiếng Anh tăng thì còn nảy sinh vấn đề là liệu có thiệt thòi cho các thí sinh xét tuyển theo các khối khác không, khi mà hiện nay, hầu hết trường đều có điểm chuẩn trúng tuyển chung cho tất cả các khối xét tuyển.
Thí sinh có còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung?
Những thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển này phải đợi đến đợt xét tuyển bổ sung là đã rơi vào thế bị động. Vì vậy, các em cần phải chờ thông tin từ các trường xem cụ thể các trường xét tuyển bổ sung những ngành nào, chỉ tiêu bao nhiêu.
PGS-TS Huỳnh Quyền cho biết tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhiều ngành có điểm chuẩn cao, khả năng tuyển đủ trong đợt này nhưng cũng có những ngành khả năng sẽ tuyển bổ sung. Sau ngày 26-9, trường sẽ thống kê kết quả tuyển sinh sau đó sẽ quyết định có tuyển bổ sung hay không, cụ thể như thế nào. Thí sinh cần theo dõi trên website của trường và trên báo chí để biết thông tin.
Cô Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường đã xác định được những thí sinh đạt yêu cầu về điểm chuẩn theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vào các ngành của khối ngành sức khỏe đặc biệt là y khoa và răng - hàm - mặt. Bên cạnh đó, 5 phương thức xét tuyển khác cũng có rất nhiều thí sinh đăng ký theo khối ngành khoa học sức khỏe. Về cơ bản, ngành y khoa và răng - hàm - mặt đều đủ chỉ tiêu đặt ra.
ThS Trần Mạnh Thái - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người học và Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng với thí sinh không trúng tuyển trong đợt này có thể tìm kiếm trường ĐH khác có tuyển bổ sung. Trường ĐH Văn Hiến đang xét bằng phương thức học bạ, đợt cuối nhận hồ sơ đến ngày 21-9 nên thí sinh cần sớm đăng ký trước khi hết hạn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết sau khi xét tuyển đợt 1, kỳ xét tuyển 2021 xem như khép lại. Sau đợt 1 xét tuyển vừa rồi, dự kiến đến cuối tháng 9, 70% chỉ tiêu trong tổng số 530.000 chỉ tiêu của các trường ĐH sẽ tuyển được. Có nghĩa là nếu tính một cách cơ học, còn khoảng 300.000 thí sinh có nguyện vọng học ĐH nhưng chưa trúng tuyển theo tất cả phương thức và khoảng 100 trường ĐH chỉ tuyển được chưa tới 50% chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Ông Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021" - khẳng định do ảnh hưởng dịch Covid-19, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2021" được tổ chức trực tuyến để giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh. Sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã định hướng giúp thí sinh chọn được lối đi đúng để tiếp bước vào tương lai.
Hỗ trợ học phí cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19
ThS Trần Mạnh Thái cho biết để chia sẻ với những khó khăn về tài chính của sinh viên, Trường ĐH Văn Hiến đã có nhiều chính sách như hỗ trợ 50% học phí học kỳ 1 cho thí sinh nhập học sớm; hỗ trợ 50% học phí toàn khóa cho thí sinh có cha, mẹ, anh, chị, em, ruột làm trong ngành y và đang cống hiến ở tuyến đầu; hỗ trợ toàn bộ học phí đối với thí sinh bị F0 hoặc có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị F0... Trường hợp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, sẽ được xem xét cho vay với lãi suất 0%; tặng công cụ học tập cho thí sinh nhập học sớm.
Cô Trần Thúy Trâm Quyên cho biết Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giãn đóng học phí học kỳ 1 thành 2 đợt: chỉ đóng trước 5 triệu đồng học phí học kỳ 1, phần học phí còn lại sẽ đóng trước ngày 30-11; cố định mức học phí trong suốt thời gian đào tạo chính khóa. Ngoài ra, nhà trường còn hợp tác với ngân hàng triển khai chương trình "Nhập học không tiền mặt" với chính sách lãi suất 0% trong 12 tháng (năm học 2021-2022).
Các ngành của ĐH Tài nguyên & Môi trường tăng điểm chóng mặt, sĩ tử đồng loạt thông báo 'quay xe' Điểm chuẩn tăng chóng mặt khiến thí sinh đăng ký thi ĐH Tài nguyên và Môi trường liên tục 'kêu than' trong các hội nhóm vì trượt nguyện vọng. Mới đây, các trường Đại học trên cả nước đã lần lượt công bố điểm trúng tuyển vào trường theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên năm nay, số điểm ở...