18 ngày rong ruổi Pakistan của người mẹ và con gái 3 tuổi
Hơn 2 tuần ở quốc gia ‘từng không yên bình’, Mai Hương cùng con gái có nhiều trải nghiệm tràn đầy sự trìu mến và tiếng cười trên hành trình 2.500 km họ đi qua.
Mai Hương (sống tại TP.HCM), người sáng lập kiêm điều hành dự án du lịch bụi trải nghiệm Mertrip Adventure, có niềm đam mê với những vùng đất hoang sơ cùng nền văn hóa khác biệt.
Cô luôn tò mò về các quốc gia bị gán cho nhiều định kiến như Pakistan, Iran, Ai Cập, Israel,… với niềm tin nơi đâu cũng đẹp và không chốn nào chỉ toàn điều đáng sợ.
Ấn tượng với cảnh sắc Pakistan qua những bức ảnh, Mai Hương đặt mục tiêu năm nay đến đây.
Giữa tháng 10, cô tổ chức chuyến đi tới quốc gia Nam Á này cho 8 người, trong đó, thành viên nhỏ nhất là bé Mỡ (3 tuổi) – con gái cô. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của bé.
Mai Hương thừa nhận việc đưa theo con nhỏ ghé thăm vùng đất khắc nghiệt và tách biệt có không ít thử thách, nhưng không hẳn là liều lĩnh.
Với quan điểm “sống hết mình như thể hôm nay là ngày cuối cùng”, cô không để bản thân suy nghĩ quá nhiều vì nếu thế, không biết khi nào mới có thể gạt bỏ hết lo lắng để hiện thực hóa điều ấp ủ.
“Tôi muốn cho con ra thế giới từ sớm để cảm nhận, nhìn ngắm và trải nghiệm môi trường mới lạ. Bên cạnh đó, tôi cũng xem thử khả năng của con thế nào. Suốt hành trình khó khăn, bé vẫn khỏe mạnh, vui tươi và tràn đầy năng lượng. Đó là điều thực tế trải nghiệm mới có thể nhận ra”, người mẹ trẻ nói với Zing.
Mai Hương từng là phóng viên tự do và travel blogger. Cô thường đặt chân đến những vùng đất xa xôi có các bộ lạc lâu đời để xin chụp ảnh và làm phim về họ.
2.500 km trong 18 ngày
Từ tháng 6, Mai Hương đặt vé máy bay và tìm hiểu thông tin, thủ tục, nơi ăn ở, di chuyển, điểm đến, văn hóa Pakistan. Cô chuẩn bị đồ đủ ấm và cho con bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày để tăng đề kháng.
Về công việc, Mai Hương giao cho nhân viên và theo dõi từ xa, yên tâm gác lại bộn bề thường nhật.
Trong 18 ngày ở Pakistan, cô cùng nhóm thực hiện chuyến road trip (du lịch theo đường bộ) bằng xe van với tổng quãng đường 2.500 km. Chi phí là 45 triệu đồng bao gồm vé bay, thị thực, tour trọn gói.
“Đi Pakistan, hướng dẫn viên bản địa rất quan trọng. Họ vừa giúp hành khách khám phá sâu hơn, vừa giúp lo các thủ tục. Có khi đi hơn 200 km mà phải khai báo, trình giấy tờ tận 10 chốt kiểm soát. Hướng dẫn viên cũng sẽ biết cách xử lý sự cố và điều phối hành trình tốt hơn”, cô nói.
Khaplu, Skardu, Passu, Karimabad, Yasin, Ishkoman, Fairy Meadow, Besham, Islamabad là những nơi Mai Hương lưu lại. Mỗi địa điểm đều để lại trong cô ấn tượng riêng.
Ngoài thời tiết lạnh (khoảng âm 5 độ C đến 8 độ C), địa hình hiểm trở là thử thách lớn nhất. Đó là những cung đường đèo uốn lượn quanh co, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hoặc thung lũng.
Video đang HOT
Với Mai Hương, địa hình hiểm trở và thời tiết có phần khắc nghiệt là những thử thách lớn nhất trong hành trình du lịch Pakistan.
Trong chuyến đi tới Fairy Meadow (vùng đồng cỏ thần tiên) ở độ cao hơn 3.400 m, cả nhóm di chuyển hết 4 tiếng bằng xe jeep và ngựa cho một chiều. Trên con đường đất đá lởm chởm, được đánh giá là “nguy hiểm thứ 2 trên thế giới”, xe đi xóc tới khó thở, chuyển sang ngựa lại thấy chông chênh, ai sợ độ cao sẽ không dám nhìn xuống dưới.
Khi đó, Mai Hương đặt toàn bộ niềm tin vào tay lái của những tài xế được cấp phép điều khiển xe trên con đường như sợi chỉ uốn lượn theo triền núi. Và chỉ có 80 người như vậy.
Trước đó, Mai Hương từng cưỡi ngựa ở Mông Cổ vài lần, có khi liên tục 2 ngày đường. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô đi với con nhỏ. Gặp nhiều khúc dốc dựng đứng, việc ôm và giữ thăng bằng cho em bé khiến người mẹ căng thẳng. Kết thúc hành trình, cô bị căng cứng cơ tay và hông.
Vào ngày thứ 7 của chuyến đi, nhóm ghé thăm làng Khyber. Hôm đó, trời bất ngờ có tuyết rơi. Người hướng dẫn đoàn nói đó là cảnh tượng hiếm thấy giữa mùa thu.
Mai Hương cùng con gái trên đường tới Fairy Meadow và ghé thăm làng Khyber.
Hôm khác, nhóm của Mai Hương ghé thăm Passu, khu làng giàu nhất ở Hunza theo lời người bản địa. Bé Mỡ được vào thăm vườn của cư dân để cho bò ăn cỏ.
Tiếp đó, để tới được sông băng Passu, Mai Hương phải địu con suốt quãng đường dài. Bù lại, vẻ đẹp khắc nghiệt, khô cằn đầy ấn tượng, đối lập với vẻ thơ mộng ở các khu làng khiến cô cảm thấy xứng đáng.
Việc mang theo con nhỏ khiến người mẹ đôi khi phải từ bỏ vài khúc hiking và trekking đường dài để không ảnh hưởng tới cả đoàn.
Mai Hương cũng có cơ hội thăm ngôi nhà 300 tuổi của gia đình cô dâu Việt ở Pakistan. Tại đó, cô được nghe kể nhiều câu chuyện hay về việc làm dâu xứ người. Bé Mỡ cũng làm quen và được tặng món quà đầu tiên từ người bạn Pakistan.
Du khách đặc biệt
Dù đi dài ngày, bé Mỡ không hề mệt mỏi hay đau ốm. Thử thách lớn nhất là cô bé không ăn được đồ bản địa nên chỉ ăn đồ vặt, trái cây, mỳ tôm, thịt hộp, bánh kẹo, phô mai,… đôi khi khiến Mai Hương lo lắng.
Bên cạnh đó, thời tiết ban ngày nắng khá gắt, rồi chuyển lạnh tê tái khi Mặt Trời lặn cũng là khó khăn không nhỏ.
“Cơ sở vật chất ở Pakistan không tốt như các nước phát triển. Nhiều khách sạn không có thiết bị sưởi, ban đêm rất lạnh, đặc biệt là ở Fairy Meadow với độ cao 3.400 m, có băng và tuyết. Tôi thường dán miếng giữ nhiệt lên nệm cho bé nằm, cộng thêm lên 2 bàn chân và ngực bé để giữ ấm cả đêm”, người mẹ kể.
Do đường sá khó khăn, nhiều khúc đi bộ lên dốc liên tục, Mai Hương thường phải địu con, dễ đuối sức gấp đôi. Còn lại, bé Mỡ không ngại ngần trải nghiệm nào.
Những ngày đầu, bé Mỡ rất sợ người lạ, không chịu đùa giỡn, không chịu lại gần. Sau khi đồng hành ít hôm, cô bé dần quen, mở lòng và vui vẻ hơn. Em và bác tài Mujahi còn trở thành đôi bạn thân thiết.
Trên đường đi, nhiều người dân Pakistan xin phép chụp hình bé Mỡ. Họ đều ngạc nhiên khi gặp một cô bé ngoại quốc ở đây. Tất cả hướng dẫn viên, tài xế, hay nài ngựa ở Fairy Meadow cũng nói rằng: “Đây là lần đầu chúng tôi gặp một du khách nhỏ tuổi như vậy”.
Bé Mỡ có nhiều trải nghiệm mới lạ trong chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Sự dạn dĩ của bé Mỡ phần nào có được nhờ những trải nghiệm trước đây.
Theo Mai Hương, từ khi con gái 4 tháng tuổi, vợ chồng cô đã cho bé đi chuyến road trip TP.HCM – Vũng Tàu – Đà Lạt. Khi 6 tháng tuổi, bé tiếp tục được đi xuyên dọc các tỉnh miền Tây, đến tận mũi Cà Mau.
8 tháng tuổi, Mỡ đi hết miền Nam và ra miền Trung tới Đà Nẵng. Tròn 1,5 tuổi, bé đặt chân đến các tỉnh Tây Bắc và đi gần hết Việt Nam.
Mai Hương cho biết gia đình 2 bên đều từng phản đối việc vợ chồng cô mang con nhỏ đi du lịch xa. Tuy nhiên, hai người không quá bận tâm vì cho rằng ngoài trường lớp, các bé cũng cần khám phá thế giới và cuộc sống xung quanh.
Năm sau, Mai Hương lên kế hoạch cho bé Mỡ tiếp tục khám phá Bắc Ấn, Ai Cập, Mông Cổ, xa hơn sẽ là châu Phi và Iceland.
Với riêng Mai Hương, hành trình ở Pakistan mang nhiều trầm tư hơn các chuyến đi khác, có lẽ bởi sự tương phản của đất nước từng trải qua nhiều khổ đau và “rất không yên bình”.
Điều cô suy tư nhất là sự đối lập của vùng đất này: những khu vườn trĩu quả, ngon lành vươn lên giữa sự khô cằn, khắc nghiệt; những làng mạc thơ mộng với sắc vàng đỏ của cỏ cây, hoa lá trái ngược với cái hiểm trở, bụi mù đất đá; những con người trải qua chiến tranh, bị thế giới gắn mác là “nguy hiểm, Hồi giáo cực đoan”,… lại có ánh mắt đẹp và nụ cười hiền từ, trìu mến, hiếu khách.
Mai Hương cũng thương cho cuộc sống vất vả, giá trị lao động của người dân nơi đây khi từ sản phẩm thủ công đến công sức bỏ ra phục vụ khách du lịch đều có giá rất rẻ. Cô luôn tips thêm cho họ như một lời biết ơn.
Với Mai Hương, mọi trải nghiệm trong chuyến đi có chút bụi bặm, khắc nghiệt này đều trở nên quý giá mà cô không thể có được ở TP.HCM chật hẹp.
Theo Mai Hương, suốt một thời gian dài, Pakistan bị thế giới tẩy chay. Ngành du lịch chỉ phục hồi vài năm gần đây nên dịch vụ chưa thật sự chuyên nghiệp so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, đó là điều ai hiểu cũng có thể thông cảm được.
Người mẹ mất 1 chân và những chuyến du lịch cùng con gái
Đó là câu chuyện của Thanh Nga (30 tuổi, Gia Lai), người mẹ trẻ tìm thấy sự lạc quan sau mỗi chuyến du lịch, kể từ khi bị mất một chân do bệnh ung thư xương.
Bi kịch bất ngờ ở tuổi 28
Hồi tháng 3 năm 2020, chị Thanh Nga bỗng phát hiện chân bị sưng to, đi lại khó khăn. Sau khi đến khám ở bệnh viện Gia Lai, chị được bác sĩ chẩn đoán bị u xương ác tính.
Lên TPCHM chạy chữa, chị Thanh Nga được bác sĩ khuyên cưa bỏ một bên chân để tránh tế bào ung thư di căn. Ở tuổi 28, thế giới với chị như sụp đổ.
Chị Thanh Nga và nỗi đau bất ngờ mất một chân ở tuổi 28.
Trước ngày phẫu thuật, chị đã khóc rất nhiều. Nghĩ đến cảnh trở thành người mẹ khuyết tật, nhiều công việc, sinh hoạt cá nhân phải nhờ vả vào người khác, chị lại không cầm được nước mắt.
Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến. Phẫu thuật xong, chị Thanh Nga chỉ còn lại một chân, đối mặt với cuộc sống mới đầy lạ lẫm, khó khăn phía trước.
Tìm lại sự lạc quan và niềm vui sống sau mỗi chuyến đi
Sau cuộc phẫu thuật, chị Nga phải bắt đầu làm quen với cuộc sống một chân và thích nghi với cây nạng. Khi vết thương lành hẳn, chị tập lái xe máy 3 bánh và hòa nhập với cuộc sống bình thường, từ công việc đến sinh hoạt hàng ngày.
Chị bắt đầu hành trình du lịch chỉ với 1 chân.
"Lúc trước, mình đã rất thích du lịch nên khi mang bệnh, mình vẫn luôn có suy nghĩ khi hồi phục sẽ dùng nạng đi đến mọi nơi mà mình muốn. Đó cũng chính là một phần động lực cho mình mạnh mẽ như hôm nay" - Chị Nga tâm sự.
Nghĩ là làm, chị Nga bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên. Vốn là người độc lập từ nhỏ, dù chỉ còn một chân nhưng chị được gia đình tin tưởng, ủng hộ trong mọi quyết định. Chị chia sẻ: "Ban đầu, một vài người bạn cũng sợ, nói sao mình đi được, có người còn bảo mình khùng. Nhưng khi thấy mình đi nhiều nơi, họ cũng ủng hộ và muốn mình khám phá nhiều hành trình hơn nữa".
Sau khi mất chân, chị Nga thường xuyên ra Sài Gòn tái khám và hay đi một mình. Mỗi lần như thế, chị lại coi đó là một chuyến du lịch. Chị ở lại và dạo chơi khắp phố phường, vài ngày mới về. Sau đó, chị bắt đầu có những chuyến đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Giang...,và mới đây nhất là đảo Phú Quý (Phan Thiết).
Không thể tự đi xe gắn máy, chị Nga thường chọn xe công nghệ hoặc taxi để di chuyển. Nhiều nơi, chị thuê lái xe địa phương, cũng là người hướng dẫn viên trên cả hành trình.
Mỗi chuyến đi đều ngập tràn niềm vui và kỉ niệm.
Chị hào hứng cho biết: "Ở mỗi nơi đi qua, mình đều cảm nhận mọi người xung quanh xem mình như một người bạn, người em. Họ nhiệt tình, vui vẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần".
Với Thanh Nga, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên, khó quên nhất hẳn là lần ở Hà Giang, khi chị được các anh chị trong khu du lịch bất ngờ tổ chức sinh nhật, dù chỉ mới quen biết đúng một ngày.
Hãy sống cuộc đời thật trọn vẹn, vì cuộc sống chỉ có một!
Đồng hành cùng chị Nga trên chặng đường khó khăn nhất đời người và cả những chuyến đi lấy lại sự lạc quan trong cuộc sống là cô con gái nhỏ. Hai mẹ con đã chia sẻ cùng nhau bao khoảnh khắc vui buồn, để lại những bức hình, kỷ niệm đẹp ở mỗi nơi mà họ đi qua.
Đồng hành cùng chị Nga là cô con gái nhỏ.
Chị Nga chia sẻ: "Động lực lớn nhất để mình thực hiện những chuyến đi là cảm giác được đặt chân tới một vùng đất mới, được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, làm quen với nhiều người bạn mới. Hơn hết, mình muốn tạo động lực đến những bạn không may mắn về cơ thể như mình có thể tự tin đi mọi nơi để ngắm nhìn cảnh vật trên đất nước Việt Nam".
Hiện tại, sức khỏe của Thanh Nga đã ổn định. Sau mỗi chuyến đi, chị thấy mình dẻo dai hơn. Di chuyển đường dài, chị phải chống nạng liên tục nhưng chỉ nghỉ ngơi một chút là hồi phục bình thường. Tinh thần lạc quan và sự hào hứng khi đến những miền đất mới đã xua tan mọi khó khăn, mệt mỏi trên mỗi chặng hành trình.
Vượt qua biến cố lớn trong đời với câu chuyện truyền cảm hứng, chị Nga chia sẻ: "Mình hy vọng những bạn trẻ như mình có thể tự tin, yêu đời hơn, có động lực để vượt qua mọi khó khăn. Vì mình biết ngoài kia, có nhiều bạn trẻ khi gặp biến cố không dám bước ra nhìn thế giới bên ngoài.
Cuộc sống chỉ tươi đẹp và trọn vẹn khi ta biết yêu thương chính bản thân mình.
Mình luôn nghĩ sẽ sống một đời còn lại thật trọn vẹn, làm những gì mình muốn vì cuộc sống chỉ có một. Một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến từ tình yêu bản thân và tự tin vào chính mình".
Chàng trai Việt "phượt" xe máy trên cung đường đẹp hơn những giấc mơ Quá mê mẩn cảnh vật của những vùng đất dưới dãy núi Himalaya và muốn có thời gian rong ruổi nhiều hơn, trong chuyến đi Ladakh cùng với bạn của mình, Tuân quyết định chọn xe máy làm phương tiện di chuyển. Phạm Quang Tuân (1989, quê Quảng Trị hiện sinh sống tại Sài Gòn) đã có gần 10 năm làm blogger du...