17 hộ dân bị cô lập hoàn toàn trong nước lũ
Mặc dù lượng mưa đã có dấu hiệu giảm dần trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn song nhiều khu vực còn tái diễn tình trạng ngập úng, đặc biệt có 17 hộ gia đình ở xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng bị nước lũ chia cắt hoàn toàn.
Nhiều ngày nay, xóm Lũng Soóc, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, nơi có 17 hộ gia đình sinh sống vẫn đang chìm trong biển nước. Mưa to kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua đã khiến cho lượng nước đổ dồn, tập trung về khu dân cư nằm trong vũng trũng, thấp này.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nông Văn B. người dân xóm Lũng Soóc cho biết, mấy ngày nay người dân chúng tôi khổ cực lắm rồi, đâu đâu cũng mênh mông toàn là nước. Có nhà bị ngập gần tới nóc, mọi thứ đều chìm nghỉm trong nước. Gia đình có mấy sào ruộng mới cấy và hơn 2 sào ngô chưa kịp thu hoạch cũng bị ngập và hư hỏng nốt, không biết nước rút có còn vớt vát được gì không nữa.
Nước lũ kéo dâng cao khiến cho 17 hộ dân tại Chi Lăng bị chia cắt, phương tiện di chuyển là phao và bè tự chế.
Theo ông B. thì khi nước dâng, gia đình đã kịp di chuyển 6 con bò được coi là tài sản đáng giá nhất đến nơi an toàn. Do là vùng trũng nên tình trạng ngập úng như vậy chắc phải đến nửa tháng nước mới rút hết.
Hàng chục hộ dân trong thôn Lũng Soóc đang phải vật lộn, sống chung với nước lũ. Có nơi nước ngập lên đến vài mét, người dân phải dùng thuyền bè, tự chế để đi lại. Trên 20ha diện tích hoa màu của người dân bị hư hỏng, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn do thiếu điện và nước sạch đảm bảo để sinh hoạt.
Nhiều tuyến đường tại Lạng Sơn bị sạt lở do mưa lũ.
Trước tình hình ngập lụt tại khu vực này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn đã huy động lực lượng tại chỗ thường xuyên ứng trực, huy động phương tiện giúp đỡ việc di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo cần nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân về thuốc men, lương thực cho người dân, đặt vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu, không để người dân vùng rốn lũ phải chịu đói, khát.
Tính đến ngày 4/8, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 2 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ. Ngoài ra còn có 154 nhà bị ngập, 35 nhà bị sập, hư hỏng nhà cửa do sạt lở đất, đá; khoảng 1.500 ha lúa, trên 340 ha rau màu bị ngập cục bộ. Một số gia súc, gia cầm, thủy sản bị nước cuốn trôi, công trình dân sinh bị hư hỏng.
Video đang HOT
Các lực lượng ứng trực và huy động phương tiện để giúp đỡ bà con vùng rốn lũ.
Tại Cao Bằng: liên quan đến công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở núi khiến 8 người bị thương tại huyện Thông Nông, Cao Bằng, trưa nay (4/8) trao đổi với PV Dân trí, ông Nông Ngọc Tuyển – Bí thư Đảng ủy xã Cần Nông, Thông Nông cho biết: “Đang khẩn trương tiến hành tiếp việc tìm kiếm các nạn nhân, do địa hình khu vực xảy ra sạt lở rất nguy hiểm, lực lượng cứu hộ đã dùng máy xúc bánh xích để thay cho bánh lốp trong việc cứu hộ”.
Như Dân trí đã thông tin, khoảng hơn 21h đêm 2/8, hơn một nửa quả đồi với hàng nghìn khối đất đá đã bất ngờ sạt xuống và vùi lấp toàn bộ ngôi nhà của gia đình ông Triệu Sành Khuôn tại xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông, Cao Bằng, làm 3 người bị mất tích, 5 người bị thương; 2 người chạy thoát.
Đến nay vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích còn lại trong vụ sạt lở tại Thông Nông, Cao Bằng.
Sau một ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy tung tích của hai nạn nhân là vợ và con trai của chủ nhà, hiện 5 người bị thương (đều là người thân, họ hàng thân thích) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ sạt lở nghiêm trọng này.
Q. Đô – X. Thái
Theo Dantri
Thanh Hóa: Hàng nghìn người dân vẫn bị cô lập trong lũ
Đã nhiều ngày qua, gần 1.700 người dân ở huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa vẫn đang bị cô lập trong trận lũ vừa qua. Theo dự báo thì những ngày tới, nhiều bản vẫn tiếp tục bị cô lập chưa thể tiếp cận được
Những ngày qua, trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa tuy không mưa lớn, nhưng nước từ thượng nguồn sông Mã đổ về đã gây ra cảnh ngập lụt, chia cắt nhiều địa bàn trong huyện này.
Giao thông từ thị trấn Hồi Xuân lên các xã vùng cao vẫn còn rất khó khăn. Trong đó quốc lộ 15A vẫn bị chia cắt nhiều đoạn. Sau hơn 1h đồng hồ vật lộn với con đường sình lầy, chúng tôi cũng đã có mặt tại xã Thanh Xuân, mặc dù địa phương này chỉ cách thị trấn hơn 12km. Tại xã Thanh Xuân, có đoạn nước vẫn ngập sâu hơn 1m, khiến phương tiện giao thông không thể qua được.
Giao thông từ thị trấn Hồi Xuân lên các xã vùng cao gặp rất nhiều khó khăn
Để hỗ trợ bà con lưu thông bằng phương tiện thô sơ qua đoạn bản Éo, xã Thanh Xuân, nằm trên quốc lộ 15A, người dân trong xã đã cùng nhau đóng bè mảng và thay phiên nhau túc trực để vận chuyển người và phương tiện qua đây.
Theo ông Phạm Hồng Tia - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: "Thanh Xuân là xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng 135, trong tuần vừa qua, đợt lũ bất ngờ đổ về dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 2007 khoảng 2m. Hiện tại, còn 3 bản là bản Sa Lắng, bả Giá và bản Vui với 336 hộ dân và 1.699 khẩu vẫn đang bị cô lập. Trong đó chỉ có bản Sa Lắng là liên lạc được bằng điện thoại, còn lại các bản đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo gì về tình hình cuộc sống cũng như thiệt hại trong đợt lũ này".
Cây cầu hàng chục tỷ đồng bắc qua bản Giá đã bị nước lũ cuốn trôi
Ông Tia cho biết thêm, đến thời điểm này, bà con nhân dân ở các bản nêu trên đã trải qua 3 ngày bị mất liên lạc, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nước sông Mã vẫn đang chảy xiết nên chính quyền địa phương và UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo ngăn cấm người dân đi lại bằng bè mảng và kể cả xuồng không được qua sông để đảm bảo an toan tính mạng.
Trong trường hợp mưa không tiếp diễn và lũ thượng nguồn không tiếp tục đổ về, cũng phải mất khoảng 3 - 4 ngày nữa mới có thể tiếp cận được các bản bị cô lập. Phương châm của chính quyền địa phương là không bỏ dân.
Bản Sa Lắng chỉ cách trung tâm xã con sông Mã, nhưng không thể tiếp cận được
Nếu tiếp cận bằng đường sông trước mắt là rất khó, nhưng để vào các bản này, chỉ có con đường đi bộ và xuyên rừng mất khoảng hơn 50km.
Theo chính quyền địa phương, hiện tại, vấn đề lương thực, thực phẩm và thuốc men đối với bà con ở các khu vực trên vẫn đang phải tự cung, tự cấp. Chính quyền địa phương cũng đang rất lo lắng về đời sống của bà con ở đây nhưng chưa có giải pháp nào để tiếp cận, tất cả cũng chỉ trông chờ vào thời tiết.
Bản Giá cũng bị cô lập do lũ
Trong đợt lụt vừa qua, trên địa bàn xã Thanh Xuân có 7 căn nhà bị ngập lụt, trong đó có 2 nhà bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều tài sản của người dân cũng như các công trình khác cũng bị thiệt hại, chưa thống kê đầy đủ.
Anh Phạm Hồng Sơn - Trưởng bản Sa Lắng cho biết: "Nhiều tài sản như cầu, dây đu qua sông của bà con bị lũ cuốn trôi. Trong bản cũng có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vấn đề lương thực, thực phẩm vì không thể sang sông được nên cũng rất khó khăn. Hôm nay đã là ngày thứ 3 bị chia cắt".
Tuyến quốc lộ 15A cũng đang bị chia cắt, có nơi ngập sâu cả mét
Còn tại bản Giá, cây cầu cứng của thủy điện Hồi Xuân đầu tư xây dựng qua bản hàng chục tỷ đồng cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Trước khi tiến hành làm cầu, bến phà cũ đã bị di chuyển nên dù nước có trở lại bình thường thì việc tiếp cận bản này cũng là cả vấn đề.
Nhà máy thủy điện Hồi Xuân cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ tiền để người dân sắm thuyền qua sông. Tuy nhiên, đó mới là chủ trương, còn trước mắt thì người dân vẫn đang phải cầu trời cho nước rút.
Nước sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Quan Hóa vẫn đang chảy xiết
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện miền núi Quan Hóa chưa ghi nhận tổn thất về người do mưa lũ. Chính quyền huyện này đang tập trung khắc phục hậu quả trận lũ và chỉ đạo các địa phương giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Bom rơi xuống quốc lộ sau vụ sạt lở đất! Bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn vừa cho biết, sáng nay (4/8), mưa lớn làm sạt lở một đoạn taluy dương trên tuyến QL3, đoạn qua Đèo Giàng, huyện Ngân Sơn. Sau vụ sạt lở, một quả bom... lăn từ trên đồi xuống mặt đường! Quả bom được những người đi đường phát hiện lẫn trong đất...