16.000 nam giới Hàn Quốc ở nhà làm nội trợ chăm con
Số liệu ngày 21/2 cho thấy ngày càng nhiều nam giới cho phép mình không làm việc và cũng không tìm việc làm để toàn thời gian nuôi dạy con cái.
Một người đàn ông dùng thử địu vải ở hội chợ sản phẩm dành cho trẻ em được tổ chức tại Coex, Seoul, ngày 5/10/2023. Ảnh: Newsis
Theo Tổ chức Thống kê Hàn Quốc, số nam giới nước này không tham gia các hoạt động kinh tế vào năm 2023 vì lý do chăm sóc trẻ em là khoảng 16.000 người, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại kể từ lần đầu tiên dữ liệu liên quan được tổng hợp vào năm 1999.
Con số này tăng 37,4% so với 12.000 người của năm 2022 và tăng gần gấp ba lần so với mức 6.000 người năm 2013. Sự gia tăng bắt nguồn từ việc số lượng nam giới nghỉ sinh con ngày càng tăng trong vài năm qua ở đây, báo hiệu sự cải thiện trong nhận thức của nam giới về việc chăm sóc con cái.
Số lượng đàn ông ở nhà theo nhóm tuổi là khoảng 8.400 nam giới (tương đương 53,3% tổng số) ở độ tuổi 40; tiếp theo là 4.600 nam giới (tương đương 28,8%) ở độ tuổi 30.
Năm 2023, số phụ nữ không đi làm để ở nhà chăm con là 840.000 người, giảm 14,7% so với năm 2022 và con số này đang liên tục giảm khi ngày càng có nhiều phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con.
Tính theo nhóm tuổi, có 497.000 phụ nữ (tương đương 59,1% tổng số) ở độ tuổi 30; tiếp theo là 219.000 (tương đương 26,1%) ở độ tuổi 40 chọn ở nhà chăm con. Do số phụ nữ sinh con ngày càng ít, nên tỷ lệ người không đi làm để ở nhà chăm con ở cả nam và nữ, đã giảm từ 1,48 triệu người năm 2013 xuống còn 840.000 người vào năm 2023.
Video đang HOT
Ngày 21/2/2024, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc, cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ cho những gia đình có cha mẹ đều đi làm. Chương trình kết nối các phụ huynh với nhân viên chăm sóc trẻ em, những người có thể giúp chăm sóc trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống tại nhà. Các gia đình có hai con trở lên cũng sẽ đủ điều kiện được nhận trợ cấp một phần chi phí chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn thí điểm dịch vụ chăm sóc trẻ em khẩn cấp, cho phép phụ huynh đăng ký tìm người trông trẻ trước hai giờ trong trường hợp cha mẹ đi làm về muộn. Hay tạo điều kiện hỗ trợ cho trẻ em từ các gia đình đa văn hóa về học tập, giáo dục song ngữ và tư vấn nghề nghiệp.
Kim Hyun-sook, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết: “Tỷ lệ sinh ở Đức và Thụy Điển đã tăng trở lại nhờ tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Vì thế, để cải thiện tỷ lệ sinh thấp thì có thể thúc đẩy một môi trường thân thiện với gia đình, nơi nam giới và nữ giới cùng làm việc và chăm sóc con cái, giảm bớt gánh nặng gia đình”.
Thị thực 'vừa làm vừa chơi' có giúp giải quyết tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc?
Thị thực du mục kỹ thuật số mới giúp người nước ngoài đến Hàn Quốc du lịch có thể làm việc từ xa trong khoảng thời gian dài hơn.
Khách du lịch và người dân địa phương ngồi bên sông Hàn ở Seoul. Ảnh: AFP
Ashley Humphries - một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng Youtube người Anh - là một trong những người đầu tiên nộp đơn xin "visa digital nomad" (thị thực cho dân du mục kỹ thuật số) do chính phủ Hàn Quốc bắt đầu triển khai từ năm 2024.
Theo kênh truyền hình CNN, thị thực này có giá trị trong vòng 2 năm và phục vụ những người nước ngoài có mong muốn làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian đến đây du lịch như Humphries.
Hình thức thị thực này cũng ngày càng phổ biến trong dịp COVID-19, xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới từ Dubai tới quần đảo Cayman.
Theo một bài viết đăng trên trang mạng Korea Herald, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo thị thực việc làm sẽ được cấp cho du khách có mong muốn làm việc và du lịch tại Hàn Quốc.
Đây là loại giấy phép cư trú tạm thời cho phép du khách có quyền ở lại Hàn Quốc và làm việc từ xa cho chủ lao động hoặc doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài. "Chính sách mới sẽ cho phép người lao động và người sử dụng lao động ở các công ty nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian dài hơn", thông báo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Trước khi chính sách thay đổi, người nước ngoài phải nộp đơn xin thị thực du lịch hoặc chỉ ở lại trong vòng 90 ngày không cần thị thực để làm việc từ xa tại Hàn Quốc.
Một số chuyên gia Hàn Quốc tin rằng chính sách thị thực này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho việc đi lại mà còn là một giải pháp khả thi để tăng lực lượng lao động ở một quốc gia có tỷ lệ sinh cực kỳ thấp.
Theo Giáo sư Jungho Suh - Giám đốc dự án thuộc Viện Quản lý Hàn Quốc tại Đại học George Washington, thị thực làm việc là một bước khởi động cho một kế hoạch lớn hơn nhằm thu hút nhiều người nước ngoài hơn vào Hàn Quốc.
Hiện Hàn Quốc là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh của đất nước, được đo bằng số lần sinh trung bình của một người phụ nữ trong đời, được dự đoán giảm từ 0,78 vào năm 2022 xuống 0,65 vào năm 2025. Trong 3 năm qua, số ca tử vong được ghi nhận nhiều hơn số ca sinh ở nước này.
Giáo sư Suh nhận định với chính sách thị thực mới, chính phủ đang nỗ lực nhằm bình thường hóa sự pha trộn xã hội giữa các dân tộc hoặc giữa người Hàn Quốc và người nước ngoài.
Jeong Hyun Cho - người sáng lập Hoppers, một cộng đồng dành cho những người lao động ở xa và người nước ngoài sống ở Hàn Quốc - nói rằng sau khi chính sách thị thực làm việc được công bố, nó đã trở thành chủ đề nóng nhất trong nhóm WhatsApp Digital Nomads Korea và các nền tảng trực tuyến khác.
Trong một cuộc khảo sát với 1.300 thành viên, 83% trong số họ bày tỏ sự quan tâm đến việc xin thị thực mới. Mặc dù Hàn Quốc được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng, Wi-Fi và các tiện nghi khác, song vấn đề lớn nhất mà giới trẻ Hàn Quốc phải đối mặt là chi phí sinh hoạt cao.
"Khu vực thủ đô ở Hàn Quốc có mật độ dân cư đông đúc. Điều này dẫn đến chi phí sinh hoạt cao, cạnh tranh khốc liệt và mức độ căng thẳng ảnh hưởng đến quyết định kết hôn và lập gia đình. Tôi cho rằng tỷ lệ sinh thấp có liên quan đến cuộc sống cạnh tranh và căng thẳng ở khu vực thủ đô", cô Jeong giải thích.
Trong khi thị thực làm việc là một bước tiến quan trọng để mở cửa Hàn Quốc cho người lao động quốc tế, Humphries tin rằng các yêu cầu quá khắt khe đối với hầu hết những người có nguyện vọng.
Để có được thị thực, người nộp đơn phải xác nhận họ kiếm được ít nhất 85 triệu won (65.000 USD) mỗi năm từ một công ty không phải công ty Hàn Quốc, xuất trình bằng chứng về bảo hiểm y tế và có lý lịch tư pháp trong sạch.
Cộng đồng trực tuyến lớn nhất dành cho người nước ngoài InterNations không xếp Hàn Quốc trong các nước "Dễ định cư" trong cuộc khảo sát người dùng hàng năm. Quốc gia này cũng chỉ xếp thứ 50 trong số 53 quốc gia trong danh sách các quốc gia tốt nhất để định cư của trang web Expat Insider, chỉ trước Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Kuwait.
Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao Dữ liệu công bố ngày 22/2 cho thấy tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc đã giảm xuống vào năm 2022 sau đại dịch COVID-19, mặc dù vẫn ở mức cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Người hâm mộ khóc thương một ca sĩ Hàn Quốc tự tử vào tháng 12/2017. Ảnh tư liệu: VOA Theo dữ liệu do Cơ...