16 y bác sĩ Nghệ An chi viện Đà Nẵng
16 nhân viên y tế tỉnh Nghệ An sáng 20/8 lên đường vào Đà Nẵng chi viện chống Covid-19.
Trong số họ có hai bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, hai bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, hai bác sĩ chuyên về xét nghiệm, ba kỹ thuật viên huyết học, bốn kỹ thuật viên sinh hóa và ba kỹ thuật viên vi sinh. Họ đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An…
Bác sĩ Băng bên chồng sắp cưới là anh Đào Công Dũng, trước khi lên đường vào Đà Nẵng, sáng 20/8. Ảnh: Nguyễn Hải.
Lễ xuất quân diễn ra ngắn gọn tại Sở Y tế tỉnh Nghệ An.
Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hảo, 38 tuổi, công tác tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, cho biết, rất thoải mái và tự tin lên đường, gia đình cũng hoàn toàn ủng hộ. Chị Hảo là người duy nhất của trung tâm được chọn vào tâm dịch Đà Nẵng, trong số nhiều người tình nguyện.
“Tôi muốn vào tâm dịch để chia sẻ khó khăn cùng các đồng nghiệp. Đây cũng là dịp tốt để tôi học hỏi thêm kinh nghiệm”, chị Hảo nói. Chị có 10 năm kinh nghiệm trong ngành.
Điều chị Hảo có chút lo lắng là phải gửi hai con đang học cấp 1 và cấp 2 cho người thân chăm, đưa đón đi học trong lúc mẹ vắng nhà. Trước khi lên xe, chị Hảo được bố mẹ đẻ và con trai thứ hai Đặng Quang Huy tặng hoa.
“Đêm qua mẹ đã dặn dò cháu ở nhà học ngoan và nghe lời ông bà. Cháu chúc mẹ và các cô chú hoàn thành nhiệm vụ”, bé Huy nói.
16 nhân viên y tế vẫy tay chào người thân, đồng nghiệp khi xe lăn bánh. Ảnh: Nguyễn Hải.
Bác sĩ Cao Thị Kim Băng, 28 tuổi,công tác tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trước khi lên xe cũng nắm chặt tay chồng sắp cưới là Đào Công Dũng (32 tuổi). Để tham gia chuyến công tác lần này, chị Băng bàn với anh Dũng hoãn lễ thành hôn của hai người dự định sẽ tổ chức vào tháng 10. Trước đó, hồi tháng 4, họ cũng đã hoãn cưới một lần do “giãn cách xã hội”.
“Tôi đã nói với cô ấy chuyện nào quan trọng hơn thì làm trước. Vì vậy hoàn toàn ủng hộ Băng lên đường. Khi nào hết dịch trở về thì mới bàn tới chuyện đám cưới”, anh Dũng tâm sự. Anh dặn dò người yêu “giữ gìn sức khỏe trong thời gian xa gia đình và người thân”.
“Em tự tin mình hoàn thành nhiệm vụ. Là tuổi trẻ thì cần phải xông pha nơi khó khăn”, chị Băng nói ngắn gọn khi thu xếp hành lý vào khoang xe.
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, là trưởng đoàn công tác này. “Tinh thần là khi nào hết dịch chúng tôi sẽ trở về”, anh Nam nói.
Kỹ thuật viên Hoàng Thị Lý, 23 tuổi, (áo đen) là người trẻ nhất trong đoàn chi viện Đà Nẵng, cười rạng ngời trên xe. Ảnh: Nguyễn Hải.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tiễn đội y tế lên đường, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, giữ gìn sức khỏe, tự phòng dịch cho bản thân; tích lũy kiến thức góp vào công tác phòng chống dịch cho tỉnh trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 14/8, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Sở Y tế Nghệ An hỗ trợ nhân lực giúp địa phương chống dịch.
Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 654 ca lây nhiễm trong nước, trong đó số ca liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 514.
Thủ tướng chỉ đạo chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố lớn
Thủ tướng chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức làm việc trực tuyến với 5 thành phố thuộc Trung ương là bởi các địa phương này, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn. Thời qua qua, 5 thành phố đã làm nhiều việc chống dịch Covid-19, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kiên quyết Chỉ thị 15 của Thủ tướng có hiệu lực từ 0h ngày 28/3 và đạt kết quả bước đầu.
Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới là "giờ vàng" quan trọng quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không.
Tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe các địa phương báo cáo tình hình cụ thể trên địa bàn để kiểm tra tình hình cũng như quyết tâm chính trị trong chống dịch, nhất là các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn.
" Tôi nói ví dụ như ở Hà Nội, các đồng chí đã chủ động đề xuất Trung ương về ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai", Thủ tướng nói, " chúng tôi muốn nghe kiến nghị của các đồng chí về việc thực hiện Chỉ thị 15 trên địa bàn mình".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố lớn. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng đề nghị các địa phương làm rõ hơn, góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch để làm sao giải quyết vấn đề sát hơn với thực tiễn, " chủ trương của Trung ương phải sát cơ sở, sát địa phương, nhất là các thành phố lớn". Thực tế thì các địa phương đóng vai trò chính trong triển khai chống dịch.
Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong và yêu cầu xử lý việc thông tin thất thiệt về vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến 8h sáng nay, 29/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 của Việt Nam lên 179.
Thế giới có 662.402 ca nhiễm, gần 31.000 người chết. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt tại Hoa Kỳ các nước châu Âu.
Báo cáo cho biết, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây do các trường họp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Báo cáo thống kê cho thấy có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm Covid-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.
Tính đến nay đã tổ chức cách ly an toàn cho 34.776 người tại các khu cách ly tập trung, 943 người tại cơ sở y tế, 39.519 người tại nhà, nơi lưu trú chưa kể các ổ dịch mới phát sinh.
Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ ngày 26/3 đến nay đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm lần lượt cho toàn bộ các nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, số mẫu đã lấy sàng lọc SARS-CoV-2 tính đến 8 giờ ngày 27/3 là 5.419 mẫu.
Hiện nay cả nước có 24 phòng xét nghiệm được phép công bố các trường hợp dương tính và các phòng xét nghiệm sàng lọc. Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn phòng xét nghiệm; công suất hiện đạt 8.250 mẫu/ngày, số sinh phẩm xét nghiệm hiện còn 10.600 test; đã mua thêm 100.000 test phân phối trong đầu tuần tới và đã mua 200.000 sinh phẩm chẩn đoán nhanh của Hàn Quốc vào đầu tháng 4.
Đã tập huấn và phân bổ 20 máy xét nghiệm nhanh cho các đơn vị, tới đây sẽ về tiếp 20 máy xét nghiệm trong tổng số 100 máy xét nghiệm nhanh xin từ nguồn các đơn vị tài trợ. Các thành phố lớn đang tập trung đầu tư thêm hệ thống xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm như Hà Nội đạt 2.000 mẫu/ngày. Như vậy, Bộ Y tế khẳng định, về cơ bản hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm trong thời gian tới.
Video: 10 xe đặc chủng của Quân đội khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai
XUÂN TRƯỜNG
Đà Nẵng bỏ quy định cách ly người từ địa phương có dịch Trong một ngày, chính quyền ban hành hai văn bản với nội dung khác nhau về giám sát người từ nơi có dịch đến Đà Nẵng. Chiều 28/3, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký văn bản 1954 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch thành phố về việc rà soát, quản lý người từ các địa phương có dịch....