16 năm khổ cực bên Trung Quốc
Sau 16 năm bị bán và lưu lạc nơi xứ người, chị Tuyết đã may mắn trở được về nhà.(Hình minh họa)
Nạn nhân là chị Trần Thị Tuyết, ở xóm Bắc, thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Khi đang sống cùng gia đình, năm 1994 có một phụ nữ tên Vịnh, quê ở Ba Vì, Hà Tây sống gá nghĩa như vợ chồng với một người đàn ông cùng xóm của chị Tuyết, rủ chị ra Bắc thăm thủ đô Hà Nội. Vì cả tin nên chị nghe theo và biệt tích suốt 16 năm qua. Năm đó chị Tuyết 28 tuổi và chưa lập gia đình.
Bị lừa qua biên giới
Khi đến Hà Nội, Vịnh không đưa chị Tuyết đi thăm thú thủ đô như đã hứa mà đưa chị lên thẳng cửa khẩu Lạng Sơn bằng xe khách. Khi xe đã qua phía Trung Quốc, chị Tuyết mới phát hiện ra mình bị đưa đi bán. Chị định báo công an Trung Quốc về tình trạng bị bắt cóc của mình, nhưng Vịnh đã gọi 4 người đàn ông to cao, khỏe mạnh đến đánh và đe dọa, buộc chị phải đi theo chúng.
Sau đó chị được bán cho một người đàn ông trên 50 tuổi, người Việt gốc Hoa, giá 600 nhân dân tệ, với lời hứa là mua chị để cùng đi buôn bán. Sau đó, người đàn ông này (chị không biết tên) bán chị cho một người đàn ông khác 35 tuổi, tên là Luận A Dị (phiên âm tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt). Luận A Dị mua chị về làm vợ với giá 2.700 nhân dân tệ. Lúc này, chị gặp một số phụ nữ Việt Nam cũng bị bắt cóc sang Trung Quốc để bán làm vợ, khuyên chị nên chấp nhận hoàn cảnh vì nếu không thuận theo có thể bị bán vào các ổ chứa mại dâm, và như vậy tình cảnh còn có thể bi đát hơn.
Chị Trần Thị Tuyết sau 16 năm xa quê trở về
Video đang HOT
Nghe theo lời khuyên của người cùng cảnh ngộ, chị chấp nhận làm vợ Luận A Dị. Từ đó chị sống với Luận A Dị tại xã Mồ Cô Xám, huyện Xín Phỉng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Nhập cảnh “lậu” về quê
Nhìn dáng vẻ khắc khổ của chị, khi chúng tôi hỏi chị được đối xử như thế nào, chị trả lời bằng thứ tiếng Việt rõ ràng nhưng giọng hơi cứng và chậm vì đã 16 năm xa quê hương, rằng Luận A Dị đối xử tốt với chị, không đánh đập, hành hạ chị. Thời gian đầu chị rất sợ hãi vì cô đơn, chỉ có một mình, lại lần đầu xa quê, không biết tiếng Trung Quốc. Nhưng rồi qua thời gian, chị hòa nhập dần với cuộc sống mới. Chị có 2 con với người đàn ông này. Con đầu 15 tuổi, con thứ hai được 10 tuổi và đều là con trai.
Thời gian đầu sau khi làm vợ Luận, chị ở nhà làm việc nhà, sau đó chị đi làm ở một xí nghiệp sản xuất đồ da xuất khẩu. Cuộc sống vật chất của chị ở mức trung bình, đủ ăn. Chị bảo nơi chị sống có khoảng 4 đến 5 người cũng bị bắt cóc để bán làm vợ đàn ông Trung Quốc. Theo chị, khoảng 10 năm trở về trước, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị bắt cóc xảy ra nhiều, hiện nay tình trạng này đã giảm.
Vì xa quê nên chị Tuyết rất nhớ nhà. Năm 1999, được phép của Luận, chị quyết định trở về Việt Nam thăm quê, nhưng khi đi đến gần cửa khẩu, chị bị cướp hết tiền bạc, tư trang nên không thể về quê được. Lần này, cũng được phép của Luận, chị lại quyết tâm về quê. Nhưng vì chưa nhập khẩu được ở Trung Quốc, không có bất cứ giấy tờ tùy thân hợp pháp nào nên không thể làm các thủ tục nhập cảnh, chị buộc phải đi “lậu” về quê sau khi chi 100 nhân dân tệ cho một nhóm người chuyên đưa người qua lại biên giới Việt – Trung. Họ đưa chị “vượt biên” bằng thuyền qua sông Móng Cái, theo đường sông trở về Việt Nam.
Mong được làm lại giấy tờ tùy thân
Chị Tuyết về tới Tuy Phước, Bình Định vào ngày 2.10.2010. Sau 16 năm xa quê, tên của chị không còn trong hộ khẩu vì gia đình có nhiều biến động. Chị đã báo với Công an huyện Tuy Phước về sự có mặt của mình tại quê nhà và đề nghị được cấp các giấy tờ tùy thân để được “nhập khẩu” hợp pháp. Tuy nhiên, cơ quan công an trả lời rằng trường hợp của chị là chưa có tiền lệ nên chưa giải quyết được.
Hiện nay người phụ nữ đáng thương này đang cần giấy tờ tùy thân hợp pháp để có thể đi lại thuận tiện. Mong muốn của chị là sẽ đưa các con của chị về thăm quê ngoại, nhưng vì không có giấy tờ tùy thân nên việc đi lại, giao dịch rất khó khăn.
Theo Thanh Niên
Sự thật nữ sinh 15 tuổi mất tích
Thi trượt cấp III, lại buồn chán hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Thị X., 15 tuổi ở huyện Lương Tài, Bắc Ninh đã theo bạn xuống Hà Nội, ngồi lì ở các quán internet, sống qua ngày bằng cách gọi bạn chat "cứu net". Trong khi đó, mẹ cô tất tả ngược xuôi trình báo Công an về việc con gái mất tích.
Khi kể lại việc cô con gái 15 tuổi của mình bị "mất tích" và rồi được cơ quan Công an tìm thấy, chị Trần Thị H., trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh không giấu nổi sự buồn phiền. Đáng ra việc tìm được con phải khiến chị vui mừng, nhưng chị đã bị sốc và bẽ bàng khi biết được cô con gái yêu của mình không phải bị mất tích như lý do chị đã trình báo với cơ quan Công an...
Một ngày đầu tháng 9/2010, lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52), Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được đơn trình báo của chị Trần Thị H., trú tại Lương Tài, Bắc Ninh cho biết, con gái chị là cháu Nguyễn Thị X., 15 tuổi, bị "mất tích" từ trước đó khoảng 1 tuần.
Theo trình bày của chị H thì con gái chị khá xinh xắn, tuy mới 15 tuổi nhưng cháu phổng phao, cao lớn như một cô gái đã trưởng thành. X. vừa học xong lớp 9, sau khi thi THPT không đỗ, cháu tạm thời ở nhà. Trước khi bị mất tích một ngày, chị thấy hai cô gái trẻ trạc tuổi con mình tìm đến nhà chơi, trong số đó chị biết một cô gái tên là Yến, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội, trước đây từng học với X.
Nhận được đơn của chị, lãnh đạo Phòng PC52 đã chỉ đạo một tổ trinh sát giàu kinh nghiệm tổ chức xác minh, truy tìm cháu X. Qua rà soát tất cả các mối quan hệ của X., trinh sát đặc biệt tập trung vào mấu chốt là cô gái tên Yến. Khi tìm đến nhà Yến, trinh sát bất ngờ khi thấy Yến vẫn đang ở nhà. Hỏi về X. thì cô bé bảo rằng, sau cuộc gặp gỡ cách đây 1 tuần, Yến đã chia tay X. và Chit để về nhà, còn 2 bạn kia giờ đang ở đâu thì cô bé không được biết.
Nguyễn Thị X. tại cơ quan Công an và lá thư cảm ơn của gia đình cháu.
Từ lời khai của cháu Yến, các trinh sát thấy rất lo lắng vì không tìm được thông tin nào về Chit, không ai biết cô ta là người thế nào, ở đâu, có phải X. đã bị Chit dụ dỗ? Việc tìm thấy cháu X. vẫn còn chút hy vọng khi các trinh sát phát hiện nick name "congchuasissy95" của X. lại sáng đèn trong bảng chat. Các trinh sát đã tiếp cận với X. bằng cách chat với cô bé, qua mấy câu hỏi thăm thì các anh rất mừng khi biết rằng X. không bị ai lừa bán đưa đi xa, mà hiện cô bé đang lang thang ở Hà Nội, các trinh sát đã hỏi chuyện để cô bé chia sẻ những uẩn khuất trong lòng.
Qua đó các trinh sát được biết, hiện cô bé đang rất tuyệt vọng và buồn chán vì hoàn cảnh gia đình không suôn sẻ. Bố mẹ sống không hạnh phúc và đã ly dị từ vài năm nay. Từ ngày mẹ đưa hai chị em X. về sống với bố dượng, X đâm chán nản, bỏ bê học hành. Ở nhà không có việc gì làm, đã nhiều lần cô bé xin phép mẹ cho đi làm để đỡ nhàm chán, nhưng không được mẹ đồng ý nên X. ngày càng thấy bế tắc trong cuộc sống. Đang lúc chán nản, cô gặp lại Yến và quen Chit trên mạng, sau một hồi tâm sự, cả bọn nhất trí rủ nhau đi chơi xa một chuyến. Các em đã đón tàu về Cẩm Giàng, Hải Dương chat suốt đêm đó. Rồi cả 3 rủ nhau về Hà Nội ngồi lỳ trong các quán net...
Tuy nhiên X. không hé lộ mình đang ở cụ thể chỗ nào. Các trinh sát đã phải mất mấy ngày ra Hà Nội, lần khắp các quán net trên địa bàn để tìm X. Và rồi các anh đã tìm thấy cô bé ở trong một quán net trên đường phố Việt Hưng, Gia Lâm.
Khi thấy các chú Công an, X. không tỏ ra bất ngờ. Chỉ tội nghiệp cho mẹ của cô bé, khi vừa nhìn thấy con, chị đã ôm lấy và khóc như mưa. Hỏi những ngày vừa qua con ăn ở thế nào, chẳng có đồng xu dính túi thì con sống ra sao? X. hồn nhiên kể lại cho mẹ và các chú Công an rằng, những ngày qua cô bé sống nhờ những người đi cứu net.
X. cho biết, những ngày đầu ra Hà Nội, X. và Chit vào quán net ngồi lỳ từ sáng đến tối, khi không còn tiền chơi thì mỗi đứa đi một ngả. Qua chat, X. đã nhờ người đến "cứu net". Cô bé không nói rõ những người đã cứu net là ai, nhưng cũng chẳng ai có ý định hỏi rõ, bởi sự thật quá bẽ bàng.
Trung tá Phạm Văn Lương, Trưởng Phòng PC52, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, trường hợp cháu Nguyễn Thị X. không phải là cá biệt, bởi liên tiếp trong thời gian gần đây, Phòng PC52, Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhận được nhiều đơn kêu cứu của gia đình nhờ tìm giúp những cô bé bị mất tích.
Cơ quan Công an đã rất vất vả để điều tra, truy tìm. Tuy nhiên, có sự thật đáng báo động là hầu hết các em đều tự tìm cớ để mất tích, việc ra đi là có chủ ý, nên mọi thông tin liên lạc hầu như bị cắt đứt, chính vì vậy việc truy tìm không đơn giản chút nào.
Anh Lương cho rằng, nguyên nhân của những vụ "mất tích" đó hầu hết đều do các em thấy bất ổn trong cuộc sống gia đình, chưa được cha mẹ quan tâm đúng mực, chính vì vậy các em đã bám vào Internet, để quên đi thực tại. Khi có người cùng chia sẻ trên mạng, đặc biệt là bạn khác giới, các em nhanh chóng bị dẫn dụ ra khỏi nhà, và nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra.
Do vậy, các ông bố bà mẹ hãy quan tâm hơn nữa đến con em mình, bởi ở cái tuổi mới lớn, tâm sinh lý đang phát triển, các cô bé gái rất dễ bị kích động, lôi kéo để rồi sa ngã. Những vụ mất tích ảo sẽ khiến các em ngày một rời xa gia đình, có nhiều em nếu gặp kẻ xấu sẽ không có cơ hội để quay về nhà và làm lại cuộc đời.
Theo CAND
4 năm tù cho kẻ lừa bán người yêu Chiều 30/9 trước vành móng ngựa, Lương Văn Hưng (16 tuổi) bập bẹ tiếng phổ thông kể về hành trình lừa bán người yêu vào "tổ quỷ". Hưng khai, cuối năm 2009 từ huyện miền núi Nghệ An hắn đến Thái Nguyên thăm chị gái, nhanh chóng thân thiết với anh rể tương lai Nguyễn Mạnh Hải (22 tuổi). Hải gạ cậu em...