16 ca tử vong và một hội nghị nặng tính phong trào
Hội nghị gần như mang tầm quốc gia, do bộ trưởng cùng hai thứ trưởng bộ Y tế chủ trì, được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều vấn đề giữa lúc bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Nhưng rốt cuộc hội nghị gây thất vọng cho không ít người tham dự.
Chỉ mới bước qua 3 tháng đầu năm 2012, nhưng bệnh tay chân miệng (TCM) đã khiến 21.295 ca mắc và cướp đi sinh mạng 16 trẻ em (tính đến ngày 25/3).
“Phải kéo giảm số tử vong đến mức thấp nhất vì tử vong trẻ em do TCM thực sự là điều nhức nhối cho cả xã hội, ngành y tế và gia đình”, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mở đầu như thế tại hội nghị Tăng cường các biện pháp giảm tử vong do bệnh TCM tổ chức ngày 5/4 vừa qua tại TPHCM.
Bác sĩ bệnh viện đa khoa Sa Đéc đang thăm khám cho trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Ngọc Tùng
Nghe nhau báo cáo
Hội nghị gần như mang tầm quốc gia, do bộ trưởng cùng hai thứ trưởng bộ Y tế chủ trì, được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều vấn đề giữa lúc bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng đáng tiếc đầu tiên là toàn bộ thời gian hội nghị chỉ dành để… nghe nhau báo cáo. Song những báo cáo nghiêm túc, có tính khoa học cao không nhiều. Đơn cử là hai báo cáo của cục Y tế dự phòng và cục Quản lý khám và chữa bệnh. Ở đây, các nhà quản lý chủ yếu dông dài về những chuyện đã triển khai, từ việc ban hành các văn bản cho đến cử đoàn xuống địa phương giám sát – một công việc hết sức tự nhiên vì là nhiệm vụ bắt buộc của họ.
Thật ra hội nghị cũng có một số báo cáo chất lượng. Ví dụ như phân tích 153 ca bệnh TCM tử vong trong năm 2011 và ba tháng đầu năm 2012 do bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện. Đây thật sự là một nghiên cứu khoa học có giá trị khi chỉ rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhi mắc TCM phải tử vong một cách đau xót như: chẩn đoán nhầm của bệnh viện tuyến trước (23 ca), chuyển viện không an toàn (24 ca), bệnh nhân tự đến trong tình trạng nặng (54 ca). Từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục.
Đã vậy, các chuyên gia của bộ vẫn chưa làm rõ tại sao dù chưa bước vào chu kỳ bùng phát hàng năm, nhưng chỉ trong ba tháng đầu năm 2012 bệnh TCM đã xuất hiện khắp ở mọi tỉnh, thành với số ca mắc gấp chín lần cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Trong khi chưa lý giải được chuyện này, các nhà quản lý y tế luôn nhấn mạnh tỷ lệ mắc TCM/100.000 dân của nước ta thấp hơn nhiều so với Singapore, quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á (23,8 so với 73,5).
Thực hư như thế nào? Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống bệnh TCM ở trường học TPHCM một ngày trước đó, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, khẳng định số ca bệnh TCM mà ngành y tế phát hiện được chỉ là “phần nổi tảng băng, còn phần không phát hiện được ngoài cộng đồng mới rất lớn”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng thừa nhận ở các quốc gia tiên tiến người ta có hệ thống giám sát dịch bệnh cộng đồng rất chặt, vì thế số bệnh nhân của họ là “số thật”. Ngược lại, con số này ở nước ta là “số ảo” vì chỉ dựa vào bệnh nhân đến khám và nhập viện. Vậy các nhà quản lý y tế tại sao lại so sánh để “tự hào”?
Đồng thuận với báo cáo!
Thật ra mục đích lớn nhất của hội nghị lần này để các địa phương rút kinh nghiệm về tử vong TCM. Bởi theo thống kê trong 16 ca tử vong từ đầu năm đến nay, 13 ca xảy ra ở tuyến tỉnh, chỉ có 3 ca ở tuyến trung ương. Điều này đồng nghĩa với việc điều trị TCM ở tuyến trước đang gặp vấn đề và có không ít ca tử vong TCM oan uổng. Nhưng rút kinh nghiệm làm sao đạt hiệu quả cao nhất khi ban tổ chức không dành thời gian cho các đại biểu tham gia thảo luận, dù chương trình có nội dung này.
Khi đồng hồ gần điểm 12 giờ trưa, một đại diện của bộ Y tế vui vẻ gút: “Bây giờ đã gần đến giờ “nhạy cảm”. Theo luật Khám chữa bệnh thì ngoài việc lo cho bệnh nhân còn phải lo cho cả thầy thuốc, vì thế nếu không đại biểu nào có ý kiến khác với các báo cáo thì chúng ta dừng lại ở đây…”.
Tham dự nhiều hội nghị phòng chống TCM, một bác sĩ từ xa đến than thở: “Lại thêm một hội nghị do bộ Y tế tổ chức mang tính phong trào, quá lãng phí thời gian và công sức. Tại sao các đại biểu bỏ công sức đến dự mà ban tổ chức không dành cho họ cả một ngày để vừa nghe báo cáo, vừa thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với nhau…? Tôi không biết mình thu hoạch được bao nhiêu điều có ích từ hội nghị lần này”.
Theo Phan Sơn
Sài Gòn tiếp thị
Bệnh tay chân miệng: 25% tử vong do chẩn đoán sai
Trước thực tế số ca tử vong do tay chân miệng (TCM) chỉ trong 3 tháng đã lên đến 16 trường hợp và số ca mắc bệnh gần 22.000, sáng 5/4, Bộ Y tế đã tổ chức họp với các địa phương trên cả nước để tìm cách "hãm" tử vong do TCM.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân các ca TCM biến chứng tử vong bên cạnh việc phát hiện trễ còn phải nói đến... lỗi của ngành y tế.
Cực kỳ nguy hiểm
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến thời điểm này, người dân vẫn tưởng tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm thông thường và chủ quan. Tuy nhiên, nếu dựa trên số ca mắc do TCM từ đầu năm đến nay trên cả nước đã lên đến con số gần 22.000 và phủ rộng trên toàn lãnh thổ VN đã cho thấy, dịch bệnh TCM cực kỳ nguy hiểm.
Trong số đó, các tỉnh, thành có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất của cả nước là: Hải Phòng (110,8), Lào Cai (82,5), Đà Nẵng (60,7), Đồng Tháp (60,3), Vĩnh Phúc (57,4), Bình Định (46,5), Bà Rịa - Vũng Tàu (46), Khánh Hòa (45,2)... Khu vực Nam Bộ ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất là 13 ca chiếm 81,3% số tử vong của cả nước. Trong đó, địa phương có nhiều ca tử vong là: An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ...
Nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng bị tuyến dưới chẩn đoán sai. Ảnh:?V.T
Mặc dù đã được tập huấn theo phác đồ điều trị mới và đã được các BV tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, tuy nhiên... theo nhận định của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thì tỉ lệ tử vong do mắc TCM trong 3 tháng đầu năm tại VN vẫn rất cao, 81,2% số ca tử vong nằm ở các BV tuyến tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, năm ngoái, sau khi xây dựng phác đồ điều trị TCM thì số ca tử vong giảm hơn một nửa. Đây là một bệnh đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ, 80% ca mắc là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh nên khâu theo dõi bệnh là rất quan trọng. Cần lưu ý rằng, các khâu sai sót trong điều trị chính là năng lực của điều dưỡng. Lâu nay, việc điều trị TCM và các phác đồ mới chỉ tập huấn cho các BS nhưng lại quên rằng, vai trò của điều dưỡng trong điều trị bệnh này rất lớn. Một êkíp trực phải đảm bảo có 1 BS và 3 điều dưỡng. Đó là chưa kể đến việc bàn giao ca trực, nhiều trường hợp tử vong trong thời gian bàn giao ca trực và việc nắm bệnh của ca mới chưa kỹ.
Tử vong oan do chẩn đoán sai
Dẫn chứng về điều này, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết: Qua hồi cứu trên 141 hồ sơ bệnh án bệnh nhi tử vong do TCM năm 2011 và 12 hồ sơ bệnh nhi tử vong của 3 tháng năm 2012 cho thấy, 40/153 (26,1%) tử vong do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, viêm phổi, hen suyễn, viêm màng não, viêm ruột, sốc nhiễm trùng, tuyến thượng thận... Thậm chí, 1/3 bệnh nhân chuyển viện không an toàn và có 2 trường hợp tử vong ngay trên đường đi.
Điều trị cho trẻ bị tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T
Cụ thể, có trường hợp bệnh nhi N bị TCM được BV địa phương chuyển đến BV Nhi Đồng 1 và trong hồ sơ bệnh án ngay từ tuyến dưới đã chẩn đoán nhầm sang nhiễm trùng đường ruột bởi trẻ có biểu hiện nôn ói rất nhiều. Do không được chẩn đoán đúng bệnh và không được điều trị sớm, bệnh nhi bị sốc nặng và sau đó dẫn đến tử vong.
Không những sai về chẩn đoán phát hiện bệnh, 3,9% ca tử vong đã được BV tuyến dưới phân độ bệnh TCM sai ngay từ lúc nhập viện. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tử vong trong quá trình điều trị còn phải kể đến do các nhân viên y tế đặt nội khí quản giúp bệnh nhân thở quá trễ, hồi sức sai, sử dụng thuốc vận mạch không đúng, vẫn còn sử dụng dopanine hoặc có chỉ định milrinone nhưng không dùng, sử dụng gammaglobuline trễ...
Để giảm thiểu tử vong do TCM, Bộ Y tế cũng chỉ đạo 5 đơn vị (2 đơn vị ở miền Bắc và 3 đơn vị ở TPHCM) làm nhiệm vụ tập huấn cho các BS điều dưỡng nhi khoa ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ bệnh nhi tử vong cao. Bộ Y tế cũng đã làm việc với bảo hiểm y tế để thanh toán các chi phí điều trị đối với bệnh này.
Nhận định của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2012, bệnh TCM diễn biến rất phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao do: Tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỉ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, sự lưu hành của týp virus EV 71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.
Theo Võ Tuấn
Lao động
Phòng chống tay-chân-miệng: Y tế "đánh xuôi", giáo dục "thổi ngược" Trong khi ngành Y tế ra sức tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia phòng chống dịch tay chân miệng mỗi ngày một "nóng" thì nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố đang thực hiện theo kiểu đối phó thậm chí giấu ca bệnh không báo cáo. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến...