16 bộ trưởng trong nội các của Colombia từ chức
Mười sáu bộ trưởng trong nội các Colombia ngày 22/8 đã từ chức theo đề nghị của Tổng thống nước này Juan Manuel Santos.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đây được coi là một phần trong kế hoạch cải tổ nội các của ông Santos nhằm cải thiện tỷ lệ ủng hộ.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Colombia cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, đã đến “thời điểm phù hợp” để tiến hành những thay đổi trong hàng ngũ chính phủ.
Tuy nhiên, nguồn tin trên không nêu rõ bộ trưởng nào có thể được luân chuyển hoặc bị cách chức. Trong thư gửi Tổng thống Santos, các thành viên nội các đều bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này.
Đợt cải tổ nội các ở Colombia được tiến hành từ cuối tháng Tư vừa qua, bao gồm việc thuyên chuyển 16 bộ trưởng và 10 cố vấn tổng thống, khi ông Santos công bố một kế hoạch nhà ở mới, qua đó cấp miễn phí 100.000 căn hộ trong vòng hai năm cho người nghèo.
Quyết định cải tổ nội các được Tổng thống Santos đưa ra sau khi kết quả một cuộc thăm dò dư luận ở nước này cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với ông đã giảm xuống còn 58%, thấp hơn nhiều so với thời điểm ba tháng sau khi ông nhậm chức vào tháng 8/2010.
Trước đó, ngày 26/4, Tổng thống Santos đã bổ nhiệm ông Federico Renjifo, một trong những phụ tá gần gũi nhất của mình, làm Bộ trưởng Nội Vụ, thay ông Germain Vargas, người được điều chuyển sang phụ trách lĩnh vực nhà ở./.
Theo TTXVN
Tổng thống Syria ban hành sắc lệnh cải tổ nội các
Ngày 16/8, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ban hành một sắc lệnh cải tổ nội các, bổ nhiệm ba bộ trưởng mới đứng đầu các Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Bộ Công nghiệp.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: TTXVN)
Theo sắc lệnh trên, ông Saad Assalam al-Nayef sẽ phụ trách Bộ Y tế thay thế ông Wael al-Halqi, người được chỉ định làm Thủ tướng cách đây một tuần sau khi người tiền nhiệm của ông là Riad Hijab chuyển sang phe đối lập và hiện đang tỵ nạn ở Jordan.
Bộ Công nghiệp sẽ do ông Adnan Abdu as-Sahni đứng đầu và Bộ Tư pháp do ông Najem Hamad al-Ahmad đảm nhiệm.
Ngoài ra, Tổng thống Assad cũng bổ nhiệm ông Mohammad Akkad làm Tỉnh trưởng tỉnh miền Bắc Aleppo, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột hiện nay giữa quân đội chính phủ và phe đối lập ở Syria.
Trong diễn biến mới nhất, truyền hình nhà nước Syria đưa tin các đơn vị quân đội đang tiến hành một chiến dịch lớn tại tỉnh Aléppô và đã tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố. Phe đối lập cho biết quân chính phủ đã huy động pháo hạng nặng trong chiến dịch này.
Liên quan đến quyết định của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đình chỉ tư cách thành viên của Syria, ngày 16/8, truyền thông nhà nước Syria đã lên tiếng chỉ trích, đồng thời cáo buộc OIC là cơ quan phục vụ "chủ nghĩa thực dân của phương Tây".
Trước đó, cùng ngày, khi bế mạc hội nghị khẩn cấp ở thánh địa Mecca của Arập Xêút, OIC đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Syria và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực tại đây.
Phản ứng về việc này, nhật báo Tishrin cáo buộc OIC là "luật sư của ma quỷ," và các thành viên của OIC ủng hộ "các phần tử khủng bố," trong khi tờ Al-Baath của đảng cầm quyền mô tả hội nghị này là "hội nghị của chủ nghĩa cực đoan."
Trong phản ứng của mình, Iran cũng chỉ trích quyết định của OIC là "không công bằng vì điều này trái với Hiến chương của OIC."
Phát biểu với hãng thông tấn IRNA, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho rằng "Syria lẽ ra phải được mời tham dự hội nghị này để bảo vệ mình"./.
Theo TTXVN
Indonesia cải tổ nội các kiểu 'dậm chân tại chỗ'? Người dân Indonesia và thậm chí cả bản thân các Bộ trưởng nước này cũng hy vọng có một nội các hiệu quả hơn để sát cánh cùng Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trên con đường lãnh đạo đất nước nhưng rốt cuộc, tất cả những gì họ có được là một bộ máy chính quyền chưa có sự thay đổi đáng kể....