150 trường tư kiến nghị được hoạt động trở lại
Lãnh đạo các trường tư khẩn cầu Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại trước nguy cơ cạn kiệt tài chính.
Ảnh minh họa
Trong thư kiến nghị ký ngày 3/3, lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non tới THPT “đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí”. Học sinh phải nghỉ học liên tiếp nhằm tránh Covid-19, nhà trường không có doanh thu và đang mất dần tính thanh khoản. Có người phải “đem tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê địa điểm, lương giáo viên, điện nước, thuế, phí, tiền vay ngân hàng…”.
“Chúng tôi đang đứng trước tương lai bất định, khó khăn chưa từng có”, bản kiến nghị có đoạn.
150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm năm nội dung. Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, các trường đề nghị Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập hoạt động trở lại để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, trường có doanh thu, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. Các trường cam kết thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng chống dịch.
Thứ hai, các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.
Kiến nghị thứ ba là Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Họ cũng mong Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng chấp thuận gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng từ 3 tới 6% mỗi năm trong năm 2020, 2021.
Thứ tư, các trường mong muốn “công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến (online); tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy”.
“Là khối doanh nghiệp đặc thù dễ bị tổn thương và tác động tức thì trong thời gian này, chúng tôi đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để được hướng dẫn các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, giải quyết nhanh thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên”, bản kiến nghị nêu rõ nội dung thứ năm.
Video đang HOT
150 trường tư khẳng định “đồng cảm và ủng hộ” các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan Covid-19 của Chính phủ, nghiêm túc đóng cửa trường học để đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%, trong đó 90% có nguy cơ phá sản.
Khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc hiện có gần 2 triệu học sinh. Nhóm trường này đánh giá việc đóng cửa hàng loạt cơ sở sẽ “gây hệ lụy nghiêm trọng” đối với nền giáo dục Việt Nam. Hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến trẻ không có người trông nom, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.
“Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị mất trắng”, bản kiến nghị nêu.
Là Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục Victory Hà Nội (gồm mầm non, tiểu học), bà Nguyễn Ngọc Điệp cho hay nếu các cấp học khác nghỉ có thể học bù thì trường mầm non nghỉ ngày nào là mất nguồn thu ngày đó vì theo quy định không tổ chức học không được thu tiền.
“Học sinh được nghỉ học nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn phải trả tiền mặt bằng. Như hệ thống Victory, hàng tháng chúng tôi phải trả khoảng 800 triệu đồng tiền mặt bằng và 1,5 tỷ tiền lương”, bà Điệp nói.
Khẳng định an toàn của học sinh là trên hết, nhưng bà Điệp cho rằng Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Vừa qua, các trường quốc tế, phổ thông đã cho học sinh quay lại trường và chưa thấy gì đáng lo ngại. “Tôi mong học sinh được đi học sớm hơn vì khối lớp 1 mới học được một kỳ, mới định hình được việc học thì giờ phải làm quen từ đầu”, bà nói.
Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 8-16 ngày, học sinh cả nước nghỉ phòng chống Covid-19 một tháng. Đến đầu tháng 3, học sinh THPT của 59 tỉnh thành đã đi học lại, trừ Hà Nội, TP HCM, Tiền Giang, Sơn La. Riêng học sinh mầm non, tiểu học, THCS sẽ nghỉ hết ngày 8/3, hoặc 15/3.
Bùng phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đến hôm nay Covid-19 đã lan ra 84 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 96.000 người nhiễm bệnh, 3.286 người chết. Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran ghi nhận nhiều ca nhiễm.
Tại Việt Nam, 16 người nhiễm nCoV đã khỏi, 23 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Hiện có 92 người nghi nhiễm được cách ly; 16.190 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm và từ vùng dịch về, được theo dõi sức khỏe.
Theo VNE
Giáo viên mầm non làm đủ nghề "cầm cự" qua những ngày nghỉ dạy
Đã gần 1 tháng học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Nhiều trường tư thục đã thiệt hại vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, kèm theo đó là đội ngũ giáo viên không có việc làm.
Hiện tại, đã có cơ sở giáo dục mầm non thông báo phải ngưng hoạt động vì thời điểm hiện tại gặp quá nhiều khó khăn. Cụ thể như trường mầm non Cô Tiên (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cực chẳng đã cũng phải thông báo tới giáo viên và phụ huynh rằng trường sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/3 do không đủ điều kiện để chi trả bảo hiểm, lương cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch bệnh.
Đại diện nhà trường cho biết trường đã hoạt động được hơn ba năm nay và có 80 bé theo học. Trường xin lỗi và nhờ phụ huynh tìm trường mới để các con được tiếp tục việc học.
Số lượng các cơ sở mầm non tư thục nói chung và cô giáo nói riêng không thể cầm cự qua mùa dịch bệnh có lẽ sẽ còn nhiều hơn. Bởi lẽ, giáo viên trường công lập ít nhất còn có trợ cấp trong khi giáo viên ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ thì học sinh không đến trường cũng đồng nghĩa với cô giáo không có lương.
Giáo viên mầm non bán chè trong những ngày nghỉ dạy
Cô giáo Minh Tuyết Hương (giáo viên tại Cơ sở mầm non Thiên Thần Nhỏ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Mình là giáo viên trường tư thục, không đi dạy thì cũng không thể nào bắt chủ cơ sở trả lương cho mình được.
Bởi lẽ, thực tế, khi học sinh nghỉ thì không phải đóng học phí, nhà trường cũng không có nguồn thu nào trong khi vẫn phải thuê mặt bằng, trả điện nước và các chi phí khác như đóng bảo hiểm cho nhân viên".
Chị Hương cũng như nhiều giáo viên khác trong trường, nghỉ không lương nhưng vẫn phải trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống, điện nước và không biết phải cầm cự đến bao giờ.
Vốn nấu nướng khá ngon nên những ngày nghỉ chị Hương tranh thủ bán đồ ăn sáng online quanh khu mình ở.
Giáo viên chọn bán đồ ăn để cầm cự qua những ngày không lương.
"Rất may, tôi trọ gần một khu chung cư rất đông dân nên tôi thường xuyên vào đó đăng bài để bán đồ ăn sáng. Sáng thì tôi làm bún ốc, bún chả còn chiều thì tôi làm nem để bán cho cư dân.
Khi làm tôi rất chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chọn được thực phẩm ngon, mọi người ăn ai cũng khen nên thường mua ủng hộ. Vì thế, những ngày nghỉ cũng có đồng ra đồng vào" - chị Hương chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với chị Hương, cô giáo Nguyễn Thiên Vân (giáo viên Cơ sở mầm non Hoa Mặt Trời, Hà Nội) thì chọn làm giúp việc theo giờ để có đồng lương trang trải cho cuộc sống.
Chị Vân tâm sự: "Nhà tôi có hai cháu, một cháu tiểu học và một cháu học THCS nên những ngày nghỉ học hai chị em có thể tự chăm sóc cho nhau. Nếu tôi mà nghỉ ở nhà không lương thì chi phí sinh hoạt không biết trông vào đâu vì chồng tôi đang chăm ông nội trong viện.
Có một phụ huynh cũ của tôi làm môi giới việc làm nên đã giới thiệu cho tôi đi làm giúp việc theo giờ. Công việc cũng cực nhưng tôi cố gắng được".
Một căn nhà chung cư chị Vân lau dọn và nấu bữa trưa hết khoảng 2-3h. Mỗi giờ chị được trả 120 nghìn tiền lương.
"Làm giáo viên nên tôi rất cẩn thận và tỉ mẩn. Vì thế nên khi đi làm giúp việc theo giờ cũng không quá khó khăn với tôi. Những ngày đầu thì chủ nhà hơi xét nét, nhưng rồi thấy tôi làm mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ nên họ rất quý. Có hôm tôi về họ còn gói cho cả túi hoa quả mang về cho bọn trẻ", chị Vân chia sẻ.
Theo infonet
"Nước mắt" trường mầm non tư thục thời Covid-19 Các trường mầm non tư thục hơn bao giờ hết cũng đang cần một liều vaccine để giúp họ có thể "sống sót" qua giai đoạn dịch Covid-19 khó khăn như hiện nay. Cô giáo Nguyễn Hoa Vinh, những ngày này kết hợp cùng một số đồng nghiệp bán cơm hộp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Những suất cơm...