15 triệu đàn ông Việt tự đầu độc mình bằng thuốc lá
Mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ bao thuốc lá, tăng gấp đôi so với những năm trước 2000. Con số này tăng đều qua các năm do mức tăng thuế quá thấp.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, Thái Lan đã duy trì được lượng tiêu thụ thuốc lá bình quân một năm là trên 2 tỷ bao nhờ tăng thuế thuốc lá. Việt Nam thì không duy trì được kết quả này, ngược lại tăng rất nhanh từ 2 tỷ bao lên hơn 4 tỷ.
Tỷ lệ hút thuốc của nam giới trưởng thành ở Việt Nam vẫn còn cao (47,4%), tương ứng với 15 triệu nam giới hút thuốc. Con số này ở nữ giới thấp hơn nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hơn khói do người hút hít vào. Ảnh:Spot.
Biện pháp hữu hiệu để hạn chế thanh thiếu niên hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trong dài hạn với cộng đồng là tăng thuế thuốc lá. Theo Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện thuế này của Việt Nam chỉ chiếm 41% trên giá bán lẻ (65% giá xuất xưởng). So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất, chỉ cao hơn Campuchia. Thuế thấp nên giá các sản phẩm thuốc lá rất rẻ đã tạo điều kiện để thanh thiếu niên dễ tiếp cận và nhanh chóng trở thành người nghiện.
Bộ Tài chính mới đây đưa ra đề xuất tăng thuế thuốc lá theo lộ trình vào năm 2015 và 2018, cứ mỗi 2 năm tăng 10%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, thì mức tăng như vậy tác động tới tiêu dùng thuốc lá không đáng kể. Mức tăng thuế thấp như vậy thì giá thuốc lá vẫn tăng chậm hơn lạm phát và thu nhập bình quân đầu người.
Video đang HOT
Bà Phan Thị Hải, Phó chánh Văn phòng cho rằng, phương án đề xuất của Bộ Tài chính giống với đợt tăng vào năm 2006-2008. Tại thời điểm tăng thuế đó, tiêu thụ thuốc lá có giảm đi nhưng không đáng kể, sau đó lại tăng lên và tăng đều cho đến bây giờ.
Vì thế, các chuyên gia đề xuất mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% vào năm 2018. Mức thuế này mới đảm bảo giá bán lẻ thực tế tăng cao hơn mức tăng thu nhập, kéo theo sức mua sẽ giảm đi.
Cũng theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm phải chi thêm 23.000 tỷ đồng để chữa bệnh liên quan đến thuốc lá – chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá rất lớn, không chỉ với bản thân người hút mà cả những người hút thụ động. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 40.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỷ lệ mắc ung thư phổi trên toàn cầu tăng khá nhanh trong 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư chính khác. Con số này cho thấy sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên. Chỉ khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm.
Phương Trang
Theo VNE
Con người đang tự đầu độc mình vì sở thích ăn uống
Vì sở thích ăn thực phẩm đẹp mắt, mùi vị thơm ngon mà nhiều người có thói quen sử dụng chất phụ gia vô tội vạ.
Ảnh minh họa: Health.
Phát biểu ở hội thảo quốc tế về "Sử dụng phụ gia an toàn trong phát triển sản phẩm thực phẩm" do Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) tổ chức tại TP HCM, tiến sĩ Phan Thế Đồng cho rằng, thói quen ăn uống của con người thường ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như văn hóa, sở thích, giá cả... Sự thay đổi về điều kiện kinh tế, lối sống cũng dẫn đến sự thay đổi về thói quen ăn uống và sử dụng nguyên vật liệu chế biến thực phẩm của người dân.
Nếu như ngày xưa cuộc sống khó khăn nghèo khổ, người dân Việt Nam chỉ mong được ăn no mặc ấm thì ngày nay không dừng lại ở đó, mọi người còn nhắm đến "ăn ngon, mặc đẹp", "ăn sung mặc sướng". Đây là xu thế tất yếu trong quá trình thay đổi của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là những vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc, bệnh tật, hủy hoại sức khỏe xảy ra trong thời gian vừa qua.
Theo khảo sát của tiến sĩ Phan Thế Đồng (giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Hoa Sen TP HCM), hầu hết thực phẩm bày bán trên thị trường hiện nay có sử dụng hóa chất phụ gia hoặc chất bảo quản để trông đẹp mắt, tươi lâu hoặc mùi vị thơm ngon hơn.
"Ngay cả những thứ chúng ta ăn uống hàng ngày như xôi, chè, bánh, kẹo, sữa, nước giải khát, các loại gia vị tương cà, tương ớt, nước sốt và ngay cả nước mắm cũng được pha loãng và cho thêm hương liệu tổng hợp để tạo mùi thơm, vị ngon ngọt hơn. Nhiều người chưa ý thức được vệc sử dụng hóa chất tổng hợp tràn lan sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe", ông nói.
Các nhà khoa học trình bày báo cáo về phụ gia thực phẩm tại buổi hội thảo. Ảnh: Thi Trân.
Thạc sĩ Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cũng nhìn nhận, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thực phẩm, việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngày càng gia tăng rõ rệt, đặc biệt là trong các loại đồ ăn, thức uống đóng gói sẵn. Tại các nước phát triển, người dân có xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay nhiều hơn.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2013 có khoảng 4.000 phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm và cho phép lưu hành trên thị trường. Bên cạnh các phụ gia được sản xuất trong nước, có rất nhiều loại được nhập nhẩu chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ... với khối lượng hơn 260.000 tấn một năm.
Theo ông Giang, phụ gia thực phẩm nếu được sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, đúng đối tượng thực phẩm theo đúng danh mục cho phép của Bộ Y tế sẽ mang lại nhiều tác dụng tích cực như chế biến ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, làm tăng giá trị thương phẩm... "Nhưng ngược lại nếu không sử dụng đúng quy định thì sẽ gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng", ông khuyến cáo.
Để việc sử dụng chất phụ gia thực sự phù hợp và đảm bảo sức khỏe cho người dân, tiến sĩ Phan Thế Đồng khuyến nghị cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể, về danh mục cũng như hàm lượng các chất phụ gia an toàn được phép sử dụng và phải cập nhật liên tục cho phù hợp với xu thế thế giới; các nhà sản xuất thực phẩm cần nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và cam kết cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn. Về phía người tiêu dùng, cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn thực phẩm, cách nhận biết thực phẩm an toàn, đồng thời hạn chế sử dụng hóa chất phụ gia.
Ông Đồng khuyên, về nguyên tắc để có được những món ăn ngon, người tiêu dùng nên chú trọng hơn nữa về việc lựa chọn nguyên liệu tốt, bảo quản thực phẩm đúng cách và hạn chế dùng chất hóa chất phụ gia khi chế biến. Tốt nhất, mọi người nên hình thành cho mình thói quen ăn các loại thực phẩm "gần với tự nhiên" hơn là dùng các loại đồ ăn thức uống đã được đóng gói bảo quàn, màu sắc đẹp mắt. Bởi bất kỳ loại thực phẩm nào nếu trông màu sắc quá sặc sỡ, quá dẻo, quá dai hoặc quá thơm không giống như tự nhiên thì đều có nguy cơ được ướp hóa chất phụ gia. Những chất này khi ăn vào người có nguy cơ tích tụ theo năm tháng, gây các bệnh mãn tính như gan, thận, tim mạch, ung thư...
"Trong trường hợp muốn sử dụng phụ gia để làm cho món ăn thơm ngon hơn thì nên ưu tiên sử dụng những phụ gia tự nhiên, sau đó là đến các chất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, tránh mua những phụ gia trôi nổi không rõ nguồn gốc", ông Đồng khuyên.
Thi Trân
Theo VNE
Những loại thực phẩm có thể "đầu độc" bạn Khoai tây, đậu ngự (Lima),... là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thường được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày nhưng nếu không sử dụng đúng cách, chúng sẽ biến thành "con dao 2 lưỡi" do chứa độc tố. Chuyên gia thông tin về độc tố tại Trung tâm chống độc Nebraska (Mỹ) - Joan McVoy - sẽ cho chúng...