15 phường ở TP.HCM bị cúp nước vào cuối tuần
Để thay mới đoạn ống trên đường Nguyễn Văn Bá (TP Thủ Đức), Sawaco sẽ tạm ngưng cấp nước trong 24 giờ, từ ngày 17/4 đến ngày 18/4.
Đêm 17 và 18/4, một số khu vực thuộc TP Thủ Đức, quận 12, Bình Thạnh, Tân Bình, và Gò Vấp sẽ bị cúp hoặc gián đoạn cấp nước sinh hoạt.
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết việc ngưng bơm nước ra mạng lưới để thay mới đoạn tuyến ống bị rò rỉ. Thời gian gián đoạn nước diễn ra trong 24 giờ, từ 21h (17/4) đến 21h (18/4).
Một số nơi tại TP.HCM sẽ bị mất nước hoặc nước yếu. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Cụ thể, Sawaco thống kê có 15 phường bị ảnh hưởng từ việc thay mới tuyến ống này gồm phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Tây, Tam Bình, Tam Phú, Bình Chiểu thuộc TP Thủ Đức; phường 11, 12, 13, 28 thuộc quận Bình Thạnh, phường 1 thuộc quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc thuộc quận 12 và phường 2, phường 15 thuộc quận Tân Bình.
Để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, Sawaco đã có phương án điều tiết hỗ trợ từ mạng truyền tải, theo dõi diễn biến trên mạng lưới để điều phối nguồn nước phù hợp tình hình thực tế.
Sawaco đề nghị người dân, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… có kế hoạch dự trữ nước để sử dụng trong thời gian trên.
Nỗ lực cung cấp nước sạch an toàn, ổn định
Để cung cấp nước sạch an toàn cho hơn 10 triệu người dân TP Hồ Chí Minh, những năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ.
Trong đó, chương trình giảm thất thoát - thất thu để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống dưới 19% được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Sawaco cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nước sạch, hướng đến cung cấp nước uống tại vòi.
Mạng lưới đường ống cấp 1 do Sawaco đầu tư lắp đặt tại tuyến đường Nguyễn Cửu Phú để tăng áp lực nước trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Từ cuối năm 2020 đến nay, trên công trường thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước cấp 1 ở đường Nguyễn Cửu Phú trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân luôn nhộn nhịp từng tốp công nhân làm việc liên tục. Đây là công trình trọng điểm có nguồn vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để phát triển mạng lưới cấp nước và tăng áp lực nước cho các hộ dân một số xã của huyện Bình Chánh và phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ông Nguyễn Văn Cơ, ngụ ấp 5, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, chia sẻ: "Mặc dù nước sạch đã về đến nơi nhưng còn rất yếu cho nên các hộ dân ở đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Chúng tôi mong chờ công trình sớm hoàn thành để nguồn nước đưa về mạnh hơn và bảo đảm có nước liên tục".
Nỗ lực đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, trong năm 2020, Sawaco đã thi công, phát triển được gần 72 km mạng lưới đường ống cấp 1 và cấp 2 với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Nhờ đó, có thêm 8.000 hộ dân được gắn mới đồng hồ nước, nâng tổng số hộ dân của thành phố sử dụng nước sạch qua đồng hồ gần 2,2 triệu hộ (tăng 10.953 hộ so với năm 2019).
Tổng Giám đốc Sawaco Trần Quang Minh cho biết: Sawaco tiếp tục duy trì chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Sawaco cùng các công ty cổ phần cấp nước đã nỗ lực thực hiện giảm thất thoát nước với tỷ lệ giảm sâu so với năm trước. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ nước thất thoát, thất thu giảm còn 18,6%, giảm thấp hơn so kế hoạch năm 2020 đề ra (chỉ tiêu 19%) và giảm 2,53% so bình quân năm 2019. Đây được xem là nỗ lực lớn, vì thời điểm những năm 2017, 2018, tỷ lệ thất thoát nước của TP Hồ Chí Minh ở mức rất cao (hơn 26%).
Cùng với việc đẩy mạnh giảm thất thoát nước, đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước diễn biến của biến đổi khí hậu, ngành cấp nước thành phố cũng chủ động triển khai ứng dụng nhiều công nghệ quản lý hiện đại, xây dựng nhiều công trình hỗ trợ nhằm bảo đảm duy trì cung cấp nước ổn định cho người dân, cũng như an ninh, an toàn cho nguồn nước thành phố, hướng đến mục tiêu cấp nước an toàn. Trong hai năm gần đây, Sawaco đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để giám sát và đánh giá chất lượng nước tại một số nhà máy nước như Nhà máy nước Thủ Đức; Nhà máy nước Tân Hiệp 1, 2; Nhà máy nước BOO Thủ Đức với các phần mềm ứng dụng quản lý như: Hệ thống thông tin địa lý mạng lưới cấp nước -
SAWAGIS; hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA); hệ thống giám sát chất lượng nước liên tục (online)...
Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco Trần Kim Thạch chia sẻ: Hiện nay, các nhà máy cấp nước của thành phố đều thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, cài đặt các ngưỡng cảnh báo trong hệ thống Scada của các nhà máy để ứng phó sự cố kịp thời. Sawaco cũng đã hoàn thành việc nâng công suất các bể chứa nước sạch của các nhà máy nước, tăng khả năng lưu trữ lượng nước lên từ 8 đến 10 giờ để bảo đảm duy trì cung cấp cho người dân khi có sự cố xảy ra. Về lâu dài, đối với nguồn nước sông Sài Gòn, Sawaco đang nghiên cứu và đề xuất phương án xây dựng hồ chứa theo một trong hai cách: Xây dựng một hồ chứa mới trên sông Sài Gòn, hoặc ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm do xả thải ở đầu nguồn.
Theo đánh giá của Sawaco, đơn vị cũng đang gặp một số bất cập, hạn chế. Số lượng khách hàng đã có đồng hồ nước nhưng không sử dụng, hoặc có mức tiêu thụ rất ít (người dân vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt, sản xuất) từ 1 đến 4 m3/tháng vẫn còn ở mức khá cao, tập trung ở các khu vực vùng ven như quận 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh, gây ra sự lãng phí rất lớn nguồn vốn đã đầu tư. Đáng lưu ý, tình hình chuyển mặn tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai theo hướng ngày càng xấu hơn so với bình quân các năm, nhất là sông Sài Gòn có thời điểm trên 250mg/l độ mặn tại trạm bơm Hòa Phú...
Với mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn, ổn định cho nhân dân TP Hồ Chí Minh, năm 2021, ngành cấp nước thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu dưới 18,86%; tiếp tục phát triển hệ thống cấp nước thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo, sản xuất nước sạch. Sawaco phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện khảo sát từ 1.500 đến 2.000 vị trí gồm các trường học, các khu vực công cộng để lắp đặt nước uống tại vòi.
Xuất hiện vết nứt dài hơn 170 mét ở thân đập hồ thủy lợi Sông Mực (Thanh Hóa) Thân đập hồ thủy lợi Sông Mực (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã xuất hiện vết nứt dài hơn 170 mét. Vết nứt ở thân đập hồ thủy lợi Sông Mực (Thanh Hóa). Những ngày qua, ngành chức năng ở Thanh Hóa phát hiện vết nứt dài khoảng 173m chạy dọc thân đập của hồ thủy lợi Sông Mực. Hồ thủy lợi này...