15 ngày TP HCM không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng
Kể từ “bệnh nhân 589″ ghi nhận ngày 2/8, đến nay TP HCM đã 15 ngày liên tiếp không xuất hiện ca nhiễm nCoV liên quan ổ dịch Đà Nẵng.
Thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết chiều 17/8, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM.
Ông đánh giá bước đầu TP HCM kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. “Đã 15 ngày thành phố không xuất hiện ca nhiễm nCoV mới trong cộng đồng, không có nhân viên y tế nhiễm chéo, không có bệnh nhân Covid-19 tử vong”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch thành phố nhấn mạnh, không được lơ là, mất cảnh giác mà phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, bởi nếu có người bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng thì sẽ lây lan rất nhanh. Ngoài ra, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu từ những người nhập cảnh trái phép, như “bệnh nhân 912″ người Trung Quốc, và những người về từ vùng dịch trong nước nhưng không khai báo y tế.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, tính đến 11h30 ngày 17/8, thành phố ghi nhận 53.317 người về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7, đã khai báo y tế. Riêng trong ngày 16/8, thêm 632 trường hợp khai báo mới. Tất cả đã được lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát nCoV. Kết quả xét nghiệm cho thấy 52.675 mẫu âm tính, sáu ca dương tính (đã công bố ca nhiễm), còn lại 642 trường hợp đang đợi kết quả.
Ngoài ra, hai ca nhiễm nCoV khác được phát hiện trong bệnh viện. Tổng cộng 8 ca lây từ ổ dịch Đà Nẵng. Thành phố đã phân loại nguy cơ, những trường hợp nguy cơ cao đã được thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp, tạo điều kiện cho khoanh vùng, dập dịch. 7 ca khác từ nguồn nhập cảnh được cách ly ngay khi về nước. Đến nay TP HCM chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Video đang HOT
Người đứng đầu thành phố chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục nhận thông tin khai báo y tế, làm xét nghiệm tầm soát đối với người về từ Đà Nẵng. Đối với các trường hợp cố tình không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly… sẽ xem xét xử lý hình sự.
Mất dấu F0 trong cộng đồng Đà Nẵng
Ông Trần Như Dương, Đội trưởng Điều tra giám sát dịch tại Đà Nẵng, nhận định mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ lan cả làng xã, phải thần tốc cách ly F1.
Xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, ghi nhận 5 bệnh nhân Covid-19, trong đó ba người liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, hai trong cộng đồng. Ngày 2/8, đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đã đến kiểm tra địa bàn này.
Vừa đến nơi, thấy người nhà bệnh nhân mở cửa, đứng từ xa, Phó giáo sư Trần Như Dương nói lớn: "Mọi người đeo khẩu trang và đóng cửa nhà lại. Tuyệt đối không được ra ngoài. Mọi người yên tâm lực lượng chức năng sẽ đưa mọi người đi cách ly an toàn".
Làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, ông Dương khẳng định hai ca lây nhiễm cộng đồng tại đây "hiện chưa có manh mối F0, không rõ nguồn lây, không có dấu vết".
"Rõ ràng tình hình rất nguy hiểm. Mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ sẽ lan sang cả làng, cả xã. Chúng ta phải rốt ráo, thần tốc cách ly F1", ông Dương nói.
Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang và các xã băn khoăn "khi nhận được thông báo người dân nhiễm nCoV đang ở tại gia đình, phải xử lý thế nào?".
Ông Dương hướng dẫn, khi nhận được kết quả xét nghiệm, lập tức buộc người bệnh ngồi yên một chỗ, đeo khẩu trang. Chính quyền phải xuống ngay gia đình để đề nghị người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, cán bộ phải ngồi ngay tại cổng để canh giữ. Sau đó mới tiến hành điều tra dịch tễ.
"Việc điều tra dịch tễ ban đầu không được điều tra cụ thể chi tiết mà phải nắm các mốc thời gian trước, sau đó mới khai thác chi tiết. Sau đó đưa gia đình đi cách ly ngay. Nếu chưa đi cách ly được, phải ở nhà", ông Dương nói.
Ông Trần Như Dương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Bảo.
Ông Dương nhấn mạnh, để làm rõ được kẻ thù đang giấu mặt, len lỏi trong từng gia đình, phải thành lập ngay tổ Covid-19 cộng đồng. Các tổ này giám sát chặt chẽ dân cư trong khu vực mình phụ trách, khi phát hiện trường hợp nào sốt, ho, có đờm, chán ăn, phải báo cáo để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
"Mỗi tổ phụ trách cụ thể một số gia đình, phải tuyên truyền cho người dân 'không cho ai gặp nhau, không đến nhà ai và không cho ai đến nhà mình'", ông Dương nói.
Ông Dương khuyến cáo cần phải làm thật quyết liệt, gõ cửa từng nhà truyên truyền người dân phải ở trong nhà, kín cổng cao tường. Những người dân sinh sống trên địa bàn có người nhiễm nCoV phải thường xuyên đo nhiệt độ.
"Nếu có dấu hiệu nhiễm, phải đưa đi cách ly khẩn trương. Việc lây lan trong cộng đồng cực kỳ nguy hiểm", ông Dương nói.
Ông Trần Như Dương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch, làm việc với huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, ngày 2/8. Ảnh: Minh Thùy.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, cho biết đến nay thành phố đã phát hiện một số ca dương tính với nCoV ở ngoài cộng đồng, không liên quan đến các cơ sở y tế. Thành phố đang tăng tốc truy vết, xét nghiệm nCoV tiếp tục.
Tính đến chiều nay, ngành Y tế Đà Nẵng đã xác định được hơn 7.300 F1, gần 5.500 F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm nCoV. Cách ly hơn 4.400 trường hợp tại các cơ sở y tế; 4.000 trường hợp tại khu cách ly tập trung; 4.300 trường hợp tại nhà; 554 trường hợp nhập cảnh.
Tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện từ ngày 25/7 đến chiều 2/8 là gần 8.500, trong đó có 105 mẫu xét nghiệm dương tính nCoV.
Tổng số ca nhiễm cả nước lên 620, trong đó 373 người đã khỏi, năm người tử vong, 242 bệnh nhân đang điều trị.
Covid-19 từ Đà Nẵng lan 5 tỉnh thành Kể từ ca đầu tiên ở Đà Nẵng là "bệnh nhân 416", trong 6 ngày Covid-19 lan đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, Đăk Lăk, TP HCM, với 43 ca. Đồ họa: Việt Chung