15 đại biểu không tán thành thông qua Luật An ninh mạng
Sáng nay (12.6), với hơn 423 đại biểu tán thành, chiếm 86,86%, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng.
Quốc hội đã thông qua Luật An ninh ninh mạng (ảnh VPQH).
Trước khi thông qua toàn văn Luật An ninh mạng, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết với điều 10 của Luật. Theo đó có có 458 đại biểu tham gia chiếm 94,05%; có 423 đại biểu tán thành chiếm 86,86%, có 20 đại biểu không tán thành chiếm 4,11%, có 15 đại biểu không biểu quyết chiếm 3,08%.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết điều 26, có 463 đại biểu tham gia chiếm 95,07%; có 389 đại biểu tán thành chiếm 81,72%, có 41 đại biểu không tán thành chiếm 8,42%, có 24 đại biểu không biểu quyết chiếm 4,93%.
Về kết quả biểu quyết toàn văn Luật An ninh mạng, có 466 đại biểu tham gia chiếm 95,69%, có 423 đại biểu tán thành chiếm 86,86%, có 15 đại biểu không tán thành chiếm 3,08%, có 28 đại biểu không biểu quyết chiếm 5,75%. Như vậy Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Điều 10. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
Video đang HOT
1. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.
2. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:a) Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;b) Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;c) Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;d) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;đ) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;e) Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;g) Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;h) Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Thủ tướng Chính phủ ban hành và sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.4. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng trong việc thực hiện các hoạt động thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Điều 26. Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng
1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
2. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Theo Danviet
Quốc hội lấy ý kiến về điều 10, điều 26 của Luật An ninh mạng
Ngay trước ngày bấm nút thông qua dự thảo Luật an ninh mạng, Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến của đại biểu về 2 điều còn gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật.
Thông tin với phóng viên, một số đại biểu Quốc hội cho biết, sáng qua (11.6), các đại biểu đã được phát phiếu lấy ý kiến về điều 10 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, và điều 26 - Bảo đảm thông tin trên không gian mạng.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày, các phiếu đã được thu lại để tổng hợp ý kiến nhằm có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp trước khi dự thảo luật được bấm nút thông qua vào ngày hôm nay (12.6).
Sáng nay (12.6) Dự thảo Luật An ninh mạng sẽ được bấm nút thông qua
Những quy định tại điều 10 và điều 26 của dự thảo luật cho đến trước ngày bấm nút vẫn nhận được khá nhiều ý kiến, trong đó nhiều người cho rằng, Điều 26, dự thảo luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu... Quy định này được coi là không phù hợp, trái với quy định tại Hiến pháp.
Phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang cho rằng Điều 26 của dự thảo luật cần viết rõ ràng hơn. Vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình", thì sẽ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin.Trước đó, vào ngày 29.5, tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về các quy định tại một số điều, đặc biệt là điều 26 của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ băn khoăn về cac quy định tại Điều 26 dự thảo Luật An ninh mạng (Ảnh VPQH)
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu:"Trong Điều 26 mục 4 khoản d về lưu trữ thông tin cá nhân của người sử dụng, còn quá chung chung, cần chi tiết, cụ thể hơn. Ta có thể học tập kinh nghiệp của Philippines, luật năm 2017 quy định cụ thể phân loại dữ liệu thông tin thành 3 cấp: cấp 1 là những thông tin không cần hạn chế, như thông tin thông thường của cá nhân không cần hạn chế; cấp 2 là những thông tin, dữ liệu cần hạn chế, ví dụ như hồ sơ tài chính, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ giáo dục của cá nhân cần có luật quy định để hạn chế thông tin cung cấp; cấp 3 là các dữ liệu mật, tối mật như an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, bí mật thương mại hay các phát minh, sáng chế là những tài liệu cần bảo vệ tuyệt đối an toàn thì luật phải quy định rõ ràng".
Theo dự kiến, sau khi tiếp thu và điều chỉnh theo ý kiến đa số đại biểu, sáng nay (12.6) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 47 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, một số vấn đề chung tiếp tục trình xin ý kiến tại kỳ họp này, gồm: bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Chương II); phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng (Chương III); bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2 và khoản 3 Điều 26).
Theo Danviet
Đường dây đánh bạc cho thấy tình trạng "khép kín" trong cơ quan chống tội phạm mạng Thảo luận về dự án luật An ninh mạng chiều 4/4, nhiều đại biểu Quốc hội dẫn chứng vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến nhiều tướng lĩnh công an để cảnh báo việc thiếu công cụ trong đấu tranh với tội phạm mạng, cần cơ chế giám sát chéo để chống tình trạng "khép kín" trong lực lượng chuyên...