137 nhân viên y tế Lai Châu bị thôi việc: Do sửa sai
Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận, do trước đó tuyển dụng sai nên sau khi có kết luận của Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh đã sửa lại, đổi từ hợp đồng không xác định thời hạn sang 1 năm.
137 cán bộ y tế tại tỉnh Lai Châu chính thức bị chấm dứt hợp đồng từ 1/4, trong đó nhiều người có thâm niên làm việc 4-8 năm, từng được ký hợp đồng không xác định thời hạn và nhiều người đang giữ các vị trí quan trọng.
Số nhân viên bức xúc cho rằng, họ đã có quyết định trong chỉ tiêu biên chế, hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, nhưng sau đó lại bị ký xuống hợp đồng 1 năm và tham gia thi tuyển như người mới. Khi không qua kỳ sát hạch thì bị chấm dứt hợp đồng.
Một trong những nhân viên y tế tỉnh Lai Châu vừa bị chấm dứt hợp đồng đang rất lo lắng cho cuộc sống sắp tới. Ảnh: TTXVN
Đơn cử như trường hợp anh Ma Đình Tuyển, từng giữ chức phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn. Anh được Sở Nội Vụ tỉnh Lai Châu ký hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế từ 2011 nhưng đến năm 2017, cũng chính Sở này lại khẳng định chưa có quyết định tuyển dụng.
Được biết, giai đoạn từ 2011-2016, Sở Nội vụ và Sở Y tế Lai Châu tuyển dụng 258 người vào hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, bổ sung cho các đơn vị trong ngành y tế. Tuy nhiên kết luận của Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh cuối năm 2016 cho thấy, các trường hợp trên tuyển dụng không đúng, yêu cầu dừng hợp đồng và phải tham gia thi tuyển lại.
Cuối năm 2017, tỉnh Lai Châu tổ chức kỳ thi sát hạch tuyển viên chức ngành y tế, ngoài 258 nhân viên nói trên còn hơn 500 hồ sơ khác.
Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Lai Châu tổ chức hôm nay, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Đối cho biết, căn cứ vào thông báo kết quả thi của Sở Nội vụ mới đây, Sở Y tế đã chấm dứt hợp đồng với 137 nhân viên y tế không qua sát hạch.
Ông Đối cũng thừa nhận, việc chuyển hợp đồng từ không xác định thời hạn sang 1 năm là “sửa sai”, thực hiện theo kết luận thanh tra của Sở Nội vụ tỉnh, yêu cầu ngành y ký lại hợp đồng đúng quy định.
Giải thích về việc các nhân viên y tế có thâm niên không được ưu tiên, ông Trần Văn Vấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu cho biết, việc thi sát hạch là bình đẳng, căn cứ theo luật Viên chức và Nghị định 29 năm 2012 của Chính phủ.
“Đây là trách nhiệm của tập thể”
Tại cuộc họp, phía Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu cho rằng, Sở Y tế đã ký hợp đồng không đúng, dùng những cụm từ như: cán bộ, viên chức nhà nước khiến người lao động hiểu nhầm.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đã ký nhiều quyết định xoá tập sự (người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự), quyết định nâng lương, bổ nhiệm cho những người nói trên.
UBND tỉnh Lai Châu họp báo cung cấp thông tin
Ông Vấn cho biết, theo luật Viên chức, UBND tỉnh quản lý viên chức, việc tuyển dụng viên chức do hội đồng tuyển dụng của tỉnh thực hiện.
Trước nhiều câu hỏi của phóng viên, ông Lê Phú Hiếu, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu thừa nhận, phía cơ sở đã hiểu không đúng quy định, dẫn đến nhầm lẫn.
“Cái này là trách nhiệm của tập thể, không rà soát kỹ, xuất phát từ nhận thức. Trong trách nhiệm tập thể, tôi khẳng định có trách nhiệm cá nhân tôi”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, bây giờ khi nhìn lại các quyết định ký nâng lương ngày đó là chưa đúng đối tượng do chưa phải viên chức.
Ông Hiếu giải thích, giai đoạn 2011, huyện Nậm Nhùm có 10 trạm y tế mới, không có người để làm, buộc Sở Y tế phải ký hợp đồng tuyển người để đáp ứng nhiệm vụ. Đây là yêu cầu của ngành thời điểm đó.
Khi được hỏi có phải khi cần thì ký còn giờ không cần thì chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu giải thích: “Không phải không cần, đang rất cần nhưng do quá trình tuyển dụng chưa đạt thì ngành y tế không biết phải làm thế nào, hiện vẫn thiếu rất nhiều”.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Lai Châu báo cáo
Trước thông tin có tới 10 trường hợp đang nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn bị chấm dứt hợp đồng, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế chưa thực hiện dừng hợp đồng với nhóm này, chờ đến khi hết chế độ nghỉ.
Về phương án giải quyết, ông Đối cho biết tới đây sẽ có đề xuất để tiếp tục được tuyển dụng 137 nhân viên y tế nói trên, sẽ có ưu tiên trên cơ sở phù hợp với thực tế và không sai về pháp luật.
“Mong muốn của ngành là tiếp tục được sử dụng, đây đều là những người có kinh nghiệm nhưng thi không trúng, còn theo phương diện hợp đồng hay như thế nào thì phải theo luật”, ông Đối nói.
Bộ Y tế yêu cầu báo cáoHôm nay, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Lai Châu báo cáo về việc 137 cán bộ, nhân viên trực thuộc các đơn vị y tế tại tỉnh này, đột ngột bị chấm dứt hợp đồng lao động.Bộ yêu cầu Sở Y tế có giải trình rõ ràng, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Minh Anh
Theo vietnamnet.vn
Xung quanh việc giáo viên hợp đồng dôi dư ở Đắk Lắk: Cần thiết điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục
Trước sự việc UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế đối với hơn 500 giáo viên đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD gửi Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo sự việc cũng như đề xuất những hướng giải quyết mang tính bền vững.
Các giáo viên được huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ký hợp đồng vẫn lo lắng về tương lai công việc của mình
Kịp thời bảo vệ quyền lợi nhà giáo
Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin qua báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ trực tiếp trao đổi với Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk để nắm tình hình; đồng thời chỉ đạo Sở có ý kiến với các cơ quan hữu quan trên địa bàn khẩn trương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên, đặc biệt quan tâm tới những trường hợp khó khăn, gia đình chính sách (nếu có).
Ngày 10/3/2018, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có Công văn số 57/CĐN gửi Liên đoàn Lao động, sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk, đề nghị các đơn vị liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi và chế độ, chính sách cho các thầy cô giáo.
Ngày 15/3/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về việc này. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk, các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết vụ việc với tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện Krông Pắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Trước mắt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Đồng thời, yêu cầu huyện Krông Pắk rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh giải quyết căn cơ các vấn đề, trong đó, nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang tiếp tục nắm bắt diễn biến tình hình vụ việc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục ở cơ sở
Theo Bộ GD&ĐT, để xảy ra vụ việc nêu trên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là do một số nguyên nhân chính như sau:
Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS;
Huyện Krông Pắk đã thực hiện việc tuyển dụng giáo viên không đúng các quy định hiện hành (hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao). Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp và liên quan như ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và UBND tỉnh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên của huyện dẫn đến sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng;
Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của địa phương còn nhiều bất cập. Cũng như hầu hết các tỉnh/thành phố khác, việc ngành Giáo dục (đặc biệt là Phòng GD&ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Đã đến lúc sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP
Từ vụ việc xảy ra tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng như tại một số địa phương khác trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên của các địa phương.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề trọng tâm, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương; xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục: Giao Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh/huyện trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên các cấp để đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên hợp lý theo đúng quy định và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các địa phương.
Trong Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tăng cường giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức trên toàn quốc, đồng thời có ý kiến với Bộ Nội vụ (cơ quan được Chính phủ giao đầu mối quản lý, chỉ đạo công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức) phối hợp, chỉ đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xử lí dứt điểm vụ việc này cũng như có sự kiểm tra và xử lí kịp thời đối với các địa phương, đảm bảo cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
K.S
Theo giaoducthoidai.vn
Đắk Lắk: Chấm dứt hợp đồng không thỏa đáng, nhiều giáo viên bức xúc Nhiều giáo viên tại huyện Krông Pắk phản ánh đến Báo về việc chủ sử dụng lao động là các nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không thông báo thời gian cụ thể hay giải quyết các chế độ chính sách khi chấm dứt HĐLĐ đối với họ. Cô Huỳnh Thị Hà phản ánh việc nhà trường chấm dứt...