13 nhóm quyết sách lớn vừa được Quốc hội thông qua
Chính sách đặc thù cho TP.HCM, xây dựng đường bộ cao tốc, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành…, là các quyết sách vừa được Quốc hội thông qua.
Sau 26 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14 đã thông qua 6 dự án Luật và nhiều nghị quyết quan trọng về ngân sách, phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Ảnh: QH
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế 6,7%
Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kinh tế xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu của năm tới gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% – 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% – 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%…
Theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội.
Quốc hội cũng giao Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sâu và chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản.
Vay 363.280 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ
Với 86,56% đại biểu tán thành, ngày 13.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Theo đó tổng số thu ngân sách năm 2018 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1,52 triệu tỷ.
Như vậy, năm 2018 ngân sách Nhà nước được bội chi 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, cao hơn 0,2% so với năm 2017.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước (vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) trên 363.280 tỷ đồng.
Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018
Ngày 14.11, 88,39% đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Chính phủ có trách nhiệm giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, tỉnh, thành phố theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng quyền cho người trực tiếp trồng rừng
Ngày 15.11, Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp (tên gọi mới của Luật bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Luật lần này khác các Luật trước là không chỉ hình thành rừng (trước đây chú trọng quản lý và bảo vệ, phát triển rừng) mà mở rộng đến thương mại. Đặc biệt là thể chế hóa chiến lược phát triển kinh tế rừng, việc sản xuất rừng quy mô lớn cũng được tính đến với nhiều cách thức, trong đó có tích tụ đất đai.
Trong Luật Lâm nghiệp, từng loại chủ rừng được quy định rất rõ ràng và theo hướng tăng quyền cho những người trực tiếp bỏ công sức ra trồng rừng và bảo vệ rừng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019.
Sau 26 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua 6 dự án Luật. Ảnh: Giang Huy
Video đang HOT
Ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản
Ngày 20.11, với tỷ lệ 88,8% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng.
Đạo luật này bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc…, các ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15.1,2018. Tuy nhiên các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và nhà băng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Ngày 21.11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi), gồm 9 chương, 105 điều, quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; kiểm ngư…
Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019.
Tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên
Ngày 21.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.
Luật quy định tiêu chuẩn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền làm cơ sở để giới thiệu, tiến cử các cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn làm Đại sứ, không chỉ là những cán bộ của Bộ Ngoại giao mà còn từ các bộ, ngành, cơ quan khác.
Tiêu chuẩn Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên phù hợp với yêu cầu đối ngoại và thực tiễn bổ nhiệm Đại sứ; nhiệm kỳ công tác của Đại sứ là 36 tháng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018.
Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa
Ngày 21.11, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Như vậy, thay vì học sách giáo khoa mới từ năm sau theo nghị quyết cũ, học sinh sẽ tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới trong chậm nhất là hai năm tới.
Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông
Ngày 22.11, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên – Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong giai đoạn 2017 – 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là hơn 118.700 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và hơn 63.700 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Thống nhất đầu mối quản lý nợ công
Ngày 23.11, với tỷ lệ 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Luật quy định Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, thay vì 3 cơ quan đầu mối (gồm cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) như trước.
Quốc hội giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
Bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm
Ngày 24.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quy hoạch với 88,19% đại biểu tán thành.
Luật quy định xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.
Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 72 điều quy định việc lập, thẩm định, quyêt đinh hoăc phê duyêt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Chi 23.000 tỷ giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành
Chiều 24.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành.
Theo Nghị quyết, diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó dành 5.000 ha cho sân bay Long Thành; hơn 282 ha thuộc về khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 97 ha của khu tái định cư Bình Sơn; diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.
Với tổng mức đầu tư dự án 22.938 tỷ đồng, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn.
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Chiều 24.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đó, 4 nhóm cơ chế đặc thù sẽ được thí điểm cho TP.HCM gồm công tác quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách và cơ chế thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Nghị quyết thông qua lần này chưa cho phép TP.HCM thí điểm thuế tài sản. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Ngoài các nghị quyết nêu trên, tại phiên bế mạc chiều 24.11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hoạt động chất vấn.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thu tương vê viêc miên nhiêm chưc vu Bô trương Giao thông Vân tai đôi vơi ông Trương Quang Nghia va chưc vu Tông Thanh tra Chinh phu đôi vơi ông Phan Văn Sau; phê chuẩn hai nhân sự thay thế lần lượt là ông Nguyên Văn Thê va ông Lê Minh Khai.
Theo Hoàng Thuỳ – Anh Minh (VnExpress)
Thử thách lớn với tân Bộ trưởng GTVT, Tổng Thanh tra Chính phủ
Công tác nhân sự được gói gọn trong tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này với việc miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và bổ nhiệm nhân sự mới thay thế. Những người kế nhiệm nhận "ghế nóng" không có thời gian chần chừ vì những nhiệm vụ đều đã tới "deadline".
Sáng nay, 23.10, Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 4 với chương trình nghị sự dự kiến kéo dài hơn 1 tháng, bộn bề công việc. Tuần làm việc đầu tiên chưa có nhiều thời gian thảo luận các nội dung để dành cho công tác nhân sự.
Ngay sau ngày khai mạc với hàng loạt báo cáo được trình, từ chiều mai, 24.10, phần nội dung công tác nhân sự bắt đầu với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu sẽ được Quốc hội miễn nhiệm trong tuần này.
Các đại biểu Quốc hội có đôi chút thời gian để thảo luận về việc này trước khi tiến hành bỏ phiếu kín để phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ với 2 thành viên Chính phủ vào sáng hôm sau, 25.10.
Dù chưa làm nhiệm vụ đủ thời gian cho đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ vào kỳ họp Quốc hội đầu năm sau, 2018, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu được coi là hoàn thành nhiệm vụ trên cương vụ tư lệnh ngành trong 2 năm qua.
Việc miễn nhiệm với 2 ông có thể chỉ là vấn đề thủ tục, quy trình vì thực tế, ông Nghĩa đã được phân công vào vị trí công tác mới (Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng), ông Sáu đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ được các cơ quan Đảng, Chính phủ chấp nhận.
2 năm qua, ghế Bộ trưởng GTVT, Tổng Thanh tra Chính phủ đều được xếp vào diện "ghế nóng" khi các lĩnh vực quản lý này đều có những diễn biến sôi động, thúc bách lớn từ cuộc sống.
Lĩnh vực giao thông với liên tiếp những điểm nóng phát sinh từ các dự án BOT, các trạm thu phí BOT. Chuyện ùn tắc giao thông tại những đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, chuyện quá tải sân bay Tân Sơn Nhất... cũng đều là những vấn đề cấp thiết cần sớm giải quyết. Chưa có nhiều dự án mới được triển khai dù hạ tầng giao thông không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Dự án sân bay Long Thành đã chậm tiến độ 8 tháng so với kế hoạch đề ra ban đầu.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kiệm lời hơn, ít xuất hiện hơn tại những điểm nóng so với người tiền nhiệm. Một số lý giải được đưa ra là ông đang tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trước khi bắt tay vào hành trình của cá nhân mình.
Lĩnh vực của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thời gian qua cũng được "thổi nhiệt" hơn bao giờ hết với hàng loạt những vụ việc được Thủ tướng giao, cần phải làm sáng tỏ, trong đó có những việc rất nhạy cảm vì liên quan đến công tác cán bộ.
Vụ án tại VN Pharma với "phần chìm của tảng băng" là hoạt động cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc đang gây bức xúc. Nhiệm vụ thanh tra tài sản, thu nhập của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái đã quá hạn công bố kết luận khá lâu mà vẫn chưa thể hoàn thành khiến dư luận băn khoăn, nghi vấn...
Nhưng cũng không nhiều cuộc thanh tra lớn được thực hiện, đi đến kết luận, công khai thoả đáng trong khi sự hối thúc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của cả xã hội đang rất lớn với công tác phòng chống tham nhũng.
Trao đổi về việc Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu có đơn từ nhiệm gửi Bộ Chính trị, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lý do đưa ra là vì cảm nhận công việc không phù hợp, vì lý do sức khoẻ, gia đình để xin chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khác.
"Cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên Trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi (ông Sáu nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, gắn bó, trưởng thành tại An Giang trong suốt hơn 30 năm trước khi lên Trung ương - PV). Tuy nhiên sau thời gian công tác, cán bộ đó có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Không nhiều "tư lệnh ngành" dời nhiệm sở ở giữa nhiệm kỳ, khi đã đi được non nửa chặng đường như ông Trương Quang Nghĩa, ông Phan Văn Sáu. Ít nhiều cũng có những tâm tư của người rẽ ngang đường. Đó cũng chính là những thử thách, áp lực với những người kế nhiệm.
Sở dĩ, phần công tác nhân sự được sắp xếp, bố trí lại, đưa lên trọn vẹn trong tuần đầu tiên của kỳ họp Quốc hội là có lý do cụ thể. Trước đó, theo dự kiến chương trình được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, trong ngày khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng GTVT sẽ trình Quốc hội xem xét báo cáo khả thi dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư làm sân bay Long Thành. Người trình dự án, nếu vậy, vẫn sẽ là Bộ trưởng chưa được miễn nhiệm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, chương trình đã được thay đổi, nội dung này được đẩy lùi về sau để sau khi phê chuẩn nhân sự mới cho chức vụ Bộ trưởng GTVT, tân Bộ trưởng sẽ trình báo cáo khả thi này, cùng với dự án cao tốc Bắc - Nam để Quốc hội cho ý kiến về việc quyết định chủ trương đầu tư. Tương tự, tại kỳ họp này, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có dự án luật rất quan trọng phải trình là luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Để những tư lệnh mới trình các nội dung quan trọng ngay sau khi nhậm chức là một dụng ý của lãnh đạo Quốc hội để mỗi vị ý thức hơn về trách nhiệm, đảm bảo trách nhiệm thông suốt với công việc về sau.
"Đại dự án" cao tốc Bắc - Nam đáng ra cũng đã được trình từ kỳ họp trước nhưng phải hoãn lại vào phút chót vì chưa đủ chắc chắn. Dự án đang khiến nhiều cơ quan lo lắng, bất an. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thậm chí còn lo khó giải ngân 70.000 tỷ đồng chuẩn bị sẵn vì dự án triển khai rất chậm, lo cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng với dự án này mà Bộ GTVT dự định đưa ra khó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận.
Cũng như vậy, dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đang nhận rất nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều, lo ngại về chất lượng xây dựng luật tại phiên thảo luận lần đầu tại UB Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Thông tin về nhân sự được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn lần này chưa được tiết lộ. Chiều thứ Tư tuần này, 25.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chính thức giới thiệu để Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm trong ngày thứ Năm, 26.10.
Rất nhiều nhiệm vụ ngổn ngang chờ đợi tân Bộ trưởng GTVT, tân Tổng Thanh tra Chính phủ, đòi hỏi 2 vị tư lệnh ngành phải xắn tay vào cuộc, không thể chần chừ, không thể thong thả để làm quen công việc.
Theo P.Thảo (Dân trí)
Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 14 bàn thảo những vấn đề gì? Quốc hội sẽ phê chuẩn hai thành viên mới của Chính phủ, thảo luận các vấn đề liên quan dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... Theo Hoàng Thùy - Việt Chung (VNE)