13 giờ đu bám trên nắp thùng nhựa ướp cá của 6 ngư dân
“Con sóng to khoảng 6-7 m đánh chiếc tàu úp xuống. 13 giờ lênh đênh, nhiều lần bị sóng đánh tan, ai cũng kiệt sức, chân tím tái, tê cứng nhưng vẫn nỗ lực đu bám vào nắp thùng ướp cá chờ được cứu…”, ngư dân bị nạn ở biển Bình Đại, Bến Tre, kể lại.
Thi thể ngư dân xấu số được đưa về Cần Giờ. Ảnh: An Nhơn
15h ngày 24/12, thi thể anh Trương Đức Hậu (31 tuổi), ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu cá ở cửa biển Bình Đại, Bến Tre, đã được lực lượng biên phòng đưa về Cần Giờ (TP HCM) và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Đón anh tại bến Hải đội 2 – Bộ đội biên phòng Cần Giờ là hàng trăm ngư dân vùng biển, trong đó có vợ con và cả 6 đồng nghiệp cùng gặp nạn với anh nhưng may mắn được cứu sống.
Trong bước đi tập tễnh, chân tay trầy xước do nhiều giờ vật lộn với sóng, anh Trần Hùng Cường (36 tuổi), thuyền trưởng của tàu cá đưa ánh mắt thất thần nhìn đồng đội được chuyển lên xe cứu thương. “Hậu rất giỏi, mới đi biển với tôi khoảng 4 tháng nay. Hơn 25 năm đi biển, lần này tôi đã mất mát quá lớn. Tàu mất, tôi có thể làm sắm lại, nhưng mất bạn thì không thể”, anh Cường rớm rớm nước mắt nói.
Sáng 22/12, anh Cường cùng 6 ngư dân lái tàu cá dài gần 15 m, rộng hơn 4 m, ra đánh cá ở khu vực vùng biển Bình Đại (Bến Tre), vùng giáp ranh biển Cần Giờ và Tiền Giang.Đến 16h cùng ngày, mọi người đang kéo vài trăm sải lưới cuối để chuẩn bị về đất liền thì bất ngờ một cơn sóng cao ập đến. “Mùa gió chướng, mọi người đều lường trước sẽ có gió to sóng lớn nhưng không ngờ nó to đến thế. Ngọn sóng dựng đứng, cao khoảng 7-8 m đánh tàu úp, chìm hẳn. Tôi bị văng ra xa khoảng 20 m”, anh Cường nhớ lại.
Ngoi lên mặt sóng, anh Cường với tay chụp được một chiếc áo phao ném cho anh Trần Hữu Trọng (36 tuổi, quê Tiền Giang) đang chới với gần đó… Anh Hậu bị kẹt trong đóng lưới, đưa hai tay cầu cứu. Chỉ một người có áo phao, mọi người khác ôm được một nắp thùng nhựa ướp cá cùng bình nhựa 20 lít trong tàu bị đánh úp nổi lên. Vài phút sau, một cơn sóng cuồn cuộn lại ập đến, đánh anh Hậu văng xuống nước và kẹt trong lưới. “Mọi người lại bơi đến cứu nhưng Hậu đã tắt thở. Chúng tôi xác định phải cố giữ mạng sống rồi quay lại đưa xác Hậu về sau”, anh Cường ngậm ngùi.
Thuyền trưởng Cường với hay cánh tay chằng chịt vết cắt do vật lộn với sóng và đeo bám lên chòi đáy. Ảnh: An Nhơn
Từ lúc đó, mọi người tự động viên nhau cố gắng đu bám trên nắp thùng nhựa dài gần 1,5 m, ngang khoảng 1 m, vật lộn với nhiều cơn sóng dữ để hy vọng có tàu cá đi ngang cứu. Cứ vài phút, sóng cao 4-5 m lại ập đến, đánh mọi người tan ra. “Nhờ một sợi dây cột chặt nắp thùng vào một người trong nhóm nên nó không bị trôi đi. Sau đó những người bị đánh văng ra lại bơi lại chỗ anh này”, anh Trần Hữu Trọng, 36 tuổi, một thuyền viên nhớ lại.
Video đang HOT
Theo anh Trọng, trong màn đêm tối om, sóng to, anh và mọi người nhìn thấy nhiều ánh đèn của tàu cá ngư dân cách đó vài chục mét nhưng không thể kêu cứu được. “Tôi động viên mọi người đừng bỏ cuộc, hãy nhớ ở nhà còn vợ con đang chờ đợi. Ai mệt thay phiên nhau nằm lên nắp thùng nhựa để nghỉ ngơi, nhưng cũng chỉ được một lúc là bị sóng đánh úp”, anh Cường nhớ lại giây phút sinh tử.
Đói, lạnh cộng với việc hàng chục lần bị sóng đánh văng ra phải bơi lại nắp thùng, ai cũng gần như kiệt sức, chân tím tái, tê cứng. Họ thay phiên bóp chân, tay…cho nhau để có thể đủ sức đu bám. Sau 13 giờ lênh đênh trên biển, tất cả gần như tuyệt vọng. Đến 5h sáng ngày 23/12, họ như chết đi sống lại khi bị đánh dạt khoảng 7-8 hải lý đến khu vực chòi đáy cá của ngư dân. Tuy nhiên chỉ 5 người bám được vào trụ chòi đáy cá, riêng anh Trần Văn Sang bị sóng đánh văng ra và trôi dạt một mình với nắp thùng nhựa thêm khoảng 10 hải lý, đến khoảng 8h thì được một tàu cá vớt lên.
Trong khi đó, tại đáy cá bỏ hoang của ngư dân, 5 thành viên lại phải vất vả để leo lên chòi. “Chòi cao 5-6 m. Chúng tôi cứ trèo lên rồi tuột xuống. Mất cả giờ, mọi người mới lên hết”, anh Cường vừa kể vừa chỉ vào những vết trầy xước chằng chịt ở bụng, hai tay và hai chân của mình do nỗ lực leo lên.
Lên được chòi đáy, thấy một hũ bột ngọt, họ tưởng là đường nên pha với một ít nước có sẵn tại đây uống vào cho đỡ đói và lạnh. Nằm chờ đến 8h sáng, thấy một tàu cá ngư dân đi ngang, tất cả liền đồng thay hô hào, vẫy tay cầu cứu. Anh Cường mượn nhờ điện thoại gọi về thông báo cho gia đình biết, nhờ lực lượng biên phòng đưa tàu lớn ra chở về.
Vết trầy xước trên tay của anh Trọng. Ảnh: An Nhơn
Chị Đỗ Thị Ngọc Lý, vợ anh Cường, cho biết, tối đó chị chờ mãi vẫn không thấy chồng gọi điện về, gọi lại vẫn không được nên lo lắng, suốt đêm không thể chợp mắt. “Tôi cầu mong là điện thoại của mọi người trên tàu hết pin, chứ đừng có chuyện gì xảy ra”, chị Lý nhớ lại.
Đến 5h sáng ngày 23/12, chị chạy ra ở bến tàu Long Hòa để xem có tàu cá chồng về chưa nhưng vẫn không thấy. Người vợ này càng lo hơn khi một số người đi biển về bảo hôm qua biển động, sóng rất to. Sau đó, chị đến Đồn biên phòng Long Hòa trình báo.
Trao đổi với VnExpress, thượng tá Nguyễn Văn Minh, Đồn trưởng biên phòng Cần Giờ (TP HCM) cho biết, sau khi đưa được 6 ngư dân về đất liền an toàn, sáng nay, lực lượng biên phòng Cần Giờ tiếp tục ra vị trí tàu chìm tìm kiếm thi thể anh Hậu. Đến 11h cùng ngày, thi thể anh Hậu đã được tìm thấy ngay cửa Đại, khi bị bủa vây trong lưới cá.
An Nhơn
Theo VNE
13 giờ giành giật sự sống dưới núi tuyết
Suốt 13 giờ bị chôn vùi trong tuyết cùng xe hơi, Karen Rossi đã tìm mọi cách để tự cứu sống mình, nhưng cũng có lúc đành cầm bút viết thư tuyệt mệnh cho các con.
Karen Rossi đoàn tụ với con gái Madelyn sau 13 giờ bị tuyết chôn vùi. Ảnh: Buffalo News
Theo Buffalo News, chiếc xe của Rossi bị mắc kẹt trong một đống tuyết trên giao lộ ở thành phố Lancaster, bang New York, khi không còn cách nhà cô bao lâu. Lúc đó là 3h sáng và cô vừa từ bệnh viện Mercy ở Nam Buffalo, nơi cô làm kỹ thuật viên, trở về.
Khu vực miền tây bang New York khi đó đang hứng chịu một đợt tuyết rơi dày kỷ lục, lên đến 1,5 m. Một chiếc xe cào tuyết đi qua đẩy Rossi lún sâu hơn vào đống tuyết trước khi một cơn bão chôn vùi hoàn toàn chiếc Chevy Cobalt của Rossi.
Cô gọi điện cho con gái và được hướng dẫn giữ cho ống xả của xe không bị kẹt tuyết. Điều này sẽ giúp xe tiếp tục hoạt động và lan tỏa hơi ấm mà không khiến cô bị ngộ độc carbon monoxide (CO).
Tuy nhiên, Rossi không mở được cửa xe. "Tôi liền kéo cửa sổ xuống và dùng một cái áo đào dọc xe thành một đường hầm để ống xả được thông thoáng", cô kể lại. "Cứ một tiếng rưỡi, tôi lại chui ra phía sau. Đường hầm bằng tuyết đó bị sập và tôi phải đào lại".
Khi điện thoại bắt đầu hết pin, Rossi liên tục nhắn tin cho con gái để thông báo tình hình. "Điện thoại của mẹ sắp hết pin rồi. Mẹ yêu con".
Rossi không còn biết bên ngoài đang là ngày hay đêm. "Tôi cảm thấy như mình đang ở dưới lòng đất, bị chôn trong một chiếc quan tài", cô kể. "Thật kỳ quái. Không gian tĩnh lặng suốt hàng giờ. Không có ai đến và điện thoại của tôi đã sập nguồn. Tôi không sạc được nó vì tôi lấy xe của con gái đi làm".
Con gái của Rossi trước đó đã dọn dẹp chiếc xe, lấy hết chăn, áo quần và những vật dụng nhẽ ra rất có ích cho cô vào thời điểm đó. Là một người làm ở phòng cấp cứu của bệnh viện, Rossi biết rằng tình hình đang không ổn chút nào.
Cuối cùng, Rossi quyết định tìm cách thu hút sự chú ý với hy vọng ai đó sẽ cứu mình. Một lần nữa, cô trèo ra ngoài cửa sổ. Lần này, cô dùng áo và một chiếc chổi quét tuyết để đào lên trên.
"Cuối cùng tôi cũng đào lên được đến nơi có thể nhìn thấy bầu trời", Rossi kể. "Tôi đứng trên khung cửa sổ nhưng không thể nhìn ra ngoài. Tôi bắt đầu vẫy chiếc chổi tuyết màu đỏ rực. Tôi nào có biết rằng chẳng có ai đến cả".
Rossi sau đó quay trở lại ghế trước và chờ đợi. Cô bắt đầu nghĩ về cuộc sống và gia đình mình, hai đứa con gái của mình. Người mẹ 47 tuổi tìm thấy một mẩu giấy trong túi xách, xé nó ra làm đôi và bắt đầu viết những lời từ biệt cho con gái. "Tôi viết thư cho cả hai đứa", Rossi nói.
Sau đó, dù đã ướt nhẹp, tê cóng và kiệt sức, cô vẫn tiếp tục cố gắng trèo ra ngoài cửa xe, rướn người lên và vẫy chiếc chổi quét tuyết đỏ ra ngoài cái lỗ trên đống tuyết. Cứ mỗi khi bàn tay nhức buốt, cô lại quay lại xe ngồi nghỉ. Cuối cùng, một người lái xe ngang qua đã thấy tín hiệu kêu cứu của Rossi.
"Tôi nhìn thấy rồi, tôi sẽ cứu cô ra", giọng của một người đàn ông vang lên. "Tôi có một cái xẻng". Đó là David Edwards, người đang trên đường đi làm về.
Anh kéo Rossi ra và đưa cô lên chiếc xe tải lớn màu đen của mình. "Tạ ơn Chúa đã đưa anh ấy đến", Rossi nói. Do đường vào nhà Rossi đã bị kẹt vì tuyết rơi quá dày, Edwards đành chở cô về nhà của anh và cũng dừng lại cứu nhiều tài xế khác dọc đường.
Cuối cùng, chiều hôm sau, Rossi cũng về đến nhà và có cuộc đoàn tụ xúc động với các con gái. "Chúng tôi khóc òa và ôm lấy nhau", Madelyn Rossi, 17 tuổi, kể lại.
Rossi nhẩm tính mình đã bị chôn trong tuyết từ 3h sáng đến 16h chiều ngày 18/11. "Tôi chưa bao giờ nghĩ về những điều tương tự. Tôi đã hứa với mình rất nhiều điều trong xe", cô nói.
Về hai bức thư tuyệt mệnh, Rossi cho hay các con cô không muốn xem bởi chúng không muốn nghĩ đến chuyện mất cô. Tuy nhiên, Rossi vẫn giữ nó bởi một ngày nào đó, có thể các con gái lại muốn đọc xem những gì cô đã viết như những lời trăn trối.
Anh Ngọc
Theo VNE