13 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí
Việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án là do giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu, và sự biến động của lưu lượng xe.
Bộ Giao thông Vận tải vừa thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.
Trong 19 dự án đường bộ, có 13 dự án được giảm thời gian thu phí tổng cộng là 92 năm 3 tháng; 4 dự án điều chỉnh tăng thời gian 24 năm 5 tháng.
Cụ thể, dự án xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa được giảm thời gian thu phí nhiều nhất là 20 năm một tháng. Công trình này có tổng mức đầu tư ban đầu là 822 tỷ đồng, dự kiến thu phí 27 năm 8 tháng. Sau khi quyết toán, tổng đầu tư giảm xuống 718 tỷ đồng, thời gian thu phí giảm còn 7 năm 7 tháng.
Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm một tháng xuống 12 năm 9 tháng).
Quốc lộ 1 mở rộng đoạn qua Phú Yên. Ảnh: Đ.Loan
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông Vận tải), việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí là do giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe; các tuyến đường này có lượng xe đi lại nhiều hơn so với dự kiến.
Video đang HOT
Theo quy định mới, nhà đầu tư không lập dự án đầu tư mà việc này được tiến hành bởi Bộ Giao thông. Trong bước lập dự án, tổng vốn đầu tư và lưu lượng xe chỉ là tạm tính nên không thể chính xác chi phí thực tế. Hàng năm, Tổng cục đường bộ sẽ đếm xe trên các tuyến đường để tính toán lại thời gian thu phí.
“Trong quá trình vận hành của các dự án, Bộ Giao thông sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT. Do vậy, sau khi quyết toán, nhiều công trình giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường”, ông Tuấn Anh nói.
Trong số 4 dự án BOT được kéo dài thời gian thu phí, dự án cầu Mỹ Lợi, quốc lộ 50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng). Ông Vũ Tuấn Anh cho biết việc kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm, doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT.
Từ năm 2011 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được hơn 186.000 tỷ đồng đầu tư 62 dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT và BT, gồm 58 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 170.000 tỷ đồng và 4 dự án BT với mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng.
Các dự án BOT đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 4.400 km đường bộ và hơn 94 km cầu; góp phần nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) từ 2 lên 4 làn xe, khai thác sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Đoàn Loan
Theo VNE
Nhập nhèm dự án BOT?
"Hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới, nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, độc đạo, khiến người dân không còn lựa chọn nào khác", Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng khẳng định.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (giữa) - cho rằng các dự án BOT đang có sự nhập nhèm.
Ngày 21/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT).
Tại buổi làm việc, ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - báo cáo với Đoàn giám sát Quốc hội về việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT của Cần Thơ giai đoạn 2011-2016.
Ông Dũng cho biết, quan điểm của lãnh đạo và người dân địa phương ủng hộ hai dự án BOT trên địa phương là dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 theo hình thức hợp đồng BOT và dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL 1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên, khi thực hiện hai dự án này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng và đền bù giải tỏa.
Ông Dũng cho rằng, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới, nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu. Một số dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (như quốc lộ 91) khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ của dự án BOT.
Ông Dũng nhận định, công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông hiện chưa cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai, rộng rãi hoặc có đăng báo thì chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí... chỉ là thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, hiện nay chưa có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu phí tại các trạm thu phí, nên công tác giám sát thu phí của cơ quan nhà nước tại địa phương gặp khó khăn. Cũng vì lý do này, các cơ quan tại địa phương chưa đủ cơ sở để có biện pháp giám sát và giám sát được hoạt động khai thác cũng như chất lượng công trình của các dự án BOT.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân- Chủ tịch Hiệp hội vận tải An Giang tiếp xúc với báo chí ngày 21/3
Việc thực hiện, thi công và vận hành hai dự án BOT trên địa bàn có nhiều hạn chế, bất cập như liên quan đến thu phí, xe trốn trạm thu phí trên QL 1A, đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, khiến mặt đường bị xuống cấp và mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho rằng trạm thu phí T2 dự án mở rộng quốc lộ 91 đặt trên địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) bất hợp lý vì cách trạm thu phí T1 chưa đến 40km, mức thu lại cao hơn mức thu đường cao tốc, trong khi đây chỉ là đường được nâng cấp và mở rộng.
"Tuyến đường di chuyển từ TP Long Xuyên (An Giang) đi TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua quốc lộ 80 chỉ sử dụng 100m đường quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe sử dụng quốc lộ 91, thậm chí một số người đi rửa xe cũng bị thu phí. Đối với phương tiện vận chuyển vận tải công cộng như xe buýt đi qua trạm thu phí làm giá vé lên và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân", ông Xuân nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau 5 năm thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT chỉ ra những cái làm được và chưa được để tổng kết báo cáo Thủ tướng và gửi Quốc hội. Từ đó sửa lại 1 số cơ chế chính sách, nghị định, xem xét cách quản lý, phương pháp triển khai để tìm giải pháp phù hợp hơn.
"Trong một năm nay Bộ GTVT không cấp mới dự án BOT nào mà dừng lại xem xét, rà soát lại các luật và thủ tục nhằm làm chuẩn nhất", Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Hoàng Tùng
Theo Dantri
Bộ Giao thông phản hồi việc giảm thời gian thu phí loạt dự án BOT Theo Bộ Giao thông, tất cả các hợp đồng BOT đều quy định thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và sẽ được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình. Ngày 28/2, Bộ Giao thông có thông cáo báo chí về thời gian thu phí rút ngắn đối với các dự án đầu tư theo hình thức...