13 bí mật có thể bạn chưa biết về Final Fantasy VII (Phần 2)
Final Fantasy VII có thể xem là một trong những tựa game huyền thoại trên thế giới, thế nhưng, có những bí mật về tựa game này có thể bạn chưa từng biết đến. Tiếp tục là bài viết phần 2 những bí mật mà bạn có thể chưa biết về Final Fantasy VII, tựa game nhập vai nổi tiếng nhất của Square Enix.
7. Cái chết của Aerith phản ánh một chuyện buồn có thật
Việc Sephiroth hạ sát Aerith đã gây ra cú sốc lớn và để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người chơi Final Fantasy VII. Tuy rất đau buồn nhưng sự kiện này đã tiếp thêm sức mạnh cũng như động lực cho Cloud cùng đồng đội trên con đường tiêu diệt Sephiroth. Có một sự thật là cái chết của Aerith không chỉ nhằm mục đích đóng góp vào cốt truyện mà nó còn có một ý nghĩa sâu xa hơn.
Mẹ của Hironobu Sakaguchi, cha đẻ series Final Fantasy đã qua đời khi Final Fantasy VII được phát triển. Cũng lúc ấy kịch bản bị chuyển từ Thám tử Joe sang những gì mà chúng ta được biết ngày nay. Cái chết đầy bất ngờ của Aerith phản ánh chính cảm giác đau buồn mà Sakaguchi đang trải qua.
8. Game đầu tiên giới thiệu hoạt động đua và nuôi dưỡng Chocobo
Lần đầu xuất hiện là từ Final Fantasy II, Chocobo đã chiếm được cảm tình và trở thành hình ảnh tượng trưng cho dòng game Final Fantasy. Những chú chim (gà) khổng lồ này luôn giúp đỡ người chơi trên các chuyến hành trình dài. Final Fantasy VII là trò chơi đầu tiên trong series giới thiệu hai nhiệm vụ phụ liên quan đến Chocobo: đua tốc độ và nuôi dưỡng.
Mục tiêu của phần nuôi lớn là phát triển Chocobo thành nhiều loại có màu sắc khác nhau, bao gồm xanh lá, xanh biển, đen và vàng. Mỗi con đều có kỹ năng đặc biệt riêng, áp dụng cho từng loại địa hình trên bản đồ. Chúng là chìa khóa để người chơi thu thập được một số Materia hiếm có nhất.
Đối với mini-game đua Chocobo, bạn sẽ phải tới Công viên giải trí Gold Saucer. Càng đua thằng nhiều, cấp độ của bạn càng lên cao và tăng tỷ lệ Chocobo có màu được sinh ra. Thế nên muốn nhân giống được Chocobo, trước tiên bạn phải thử sức với màn tốc độ đã.
9. Một số cảnh nhạy cảm đã bị cắt bỏ
Final Fantasy VII không ngại ngùng đặt các nhân vật chính của chúng ta vào những cảnh có phần hơi khiếm nhã. Người chơi từng được chứng kiến Cloud giả gái ở nhà nghỉ Honeybee, Tifa suýt chút nữa trở thành nô lệ tình dục cho Don Cornell, hay Cloud rất không thoải mái với cảnh “nhà tắm” nổi tiếng (mặc dù người hâm mộ không biết thực sự có chuyện gì xảy ra ở cảnh đó). Tuy nhiên trên thực tế, game vẫn còn khá nhiều đoạn nhạy cảm đã bị cắt bỏ.
Nhà nghỉ Honeybee về bản chất là một nhà thổ. Có một số cảnh bạn chỉ được thấy trong phiên bản tiếng Nhật. Đầu tiên là khu vực lễ tân có một loạt bức ảnh gái treo trên tường để khách lựa chọn. Tiếp đến là phân đoạn mặc cả cho cặp quần lót của Tifa. Ngoài ra để cho nhà nghỉ Honeybee giống với ngoài đời, nhà sản xuất đã thêm vào một số cảnh thường thấy trong các phòng nghỉ ở khu đèn đỏ. Thậm chí họ từng có kế hoạch cho Cloud và Tifa có một đêm “đầy cảm xúc” trong chuồng nuôi Chocobo. Sau khi hành sự, họ sẽ bước ra với vẻ ngoài tội lỗi và xõa xượi.
10. Khúc nhạc của Sephiroth lấy cảm hứng từ Jimi Hendrix
Video đang HOT
Bất cứ ai đã hoàn thành xong Final Fantasy VII đều không thể quên màn đấu trùm cuối với Sephiroth.
Đến hôm nay, mỗi khi nghe bản nhạc nền của trận chiến này đều gợi nhớ lại những kỷ niệm khó phai. Được sáng tác bởi nhạc sĩ Nobuo Uematsu, nhạc phẩm One-Winged Angel đi vào lòng mỗi fan hâm mộ Final Fantasy bằng ca từ đầy ám ảnh. Lần đầu tiên một bài hát có lời được sử dụng nhằm tăng độ đen tối cho trường đoạn này.
Cảm hứng đằng sau One-Winged Angel đến từ bản nhạc chủ đề của bộ phim Psycho (do Alfred Hitchcock làm đạo diễn). Uematsu cũng mượn một chút phong cách của nhạc sĩ người Nga Ivan Strvinski, đặc biệt là tác phẩm The Rite of Spring. Thành phần cuối cùng đến từ thiên tài ghita rock Jimi Hendrix với bài hát Purple Haze.
11. Final Fantasy VII từng là một trong những trò chơi có chi phí phát triển cao nhất
Kịch bản hấp dẫn và nhân vật được đầu tư công phu đã giúp Final Fantasy VII vượt xa các game nhập vai khác cùng thời. Để tăng sức hấp dẫn, các nhà thiết kế đã phải áp dụng triệt để đồ họa 3D khi tạo ra các nhân vật. Là game đầu tiên của series áp dụng công nghệ này, Final Fantasy VII đem lại một cảm giác thật chưa từng có.
Tuy nhiên cái giá phải trả là rất cao. Square đã phải tiêu tốn 45 triệu USD cho riêng trò chơi này. Và để đảm bảo doanh số bán ra, công ty còn chi 100 triệu USD để làm marketing. Tổng chi phí của game lên đến 145 triệu USD, quá khổng lồ vào thời điểm ấy. Kỷ lục này được giữ vững trong suốt 14 năm cho đến khi bị Star Wars: The Old Republic phá vỡ vào năm 2011 với chi phí 211 triệu USD.
Ngày nay, Final Fantasy VII vẫn xếp thứ 4 trong top các video game đắt đỏ nhất từng được tạo ra.
12. Final Fantasy VII Remake vốn chưa từng có kế hoạch phát triển
Rất nhiều hãng sản xuất sẽ cho phát hành lại một trò chơi nổi tiếng nào đó khi có một hệ máy console mới ra mắt. Điều này giúp họ tiếp cận với những người chơi mới và kết nối fan của phiên bản gốc. Mặc dù có thành công cực kỳ vang đội, Final Fantasy VII lại chưa từng được nhận một bản cập nhật nào. Người hâm mộ đã từng rất hào hứng khi video Tech Demo của game được trình chiếu tại hội chợ E3 năm 2005, tuy nhiên nó chỉ dành cho mục đích phô diễn sức mạnh của PlayStation 3.
Không cần nói cũng biết giới game thủ thất vọng như thế nào. Demo này là khởi nguồn cho chiến dịch kêu gọi remake Final Fantasy VII. Thế nhưng ngược lại với mong muốn đó, Square Enix liên tục phủ nhận các khả năng sẽ có một phiên bản Final Fantasy VII hoàn toàn mới. Tất nhiên đó là chuyện của quá khứ rồi.
13. Thần chết là động lực để tạo ra bản remake
Thất bại trong việc đem Final Fantasy VII lên PlayStation 2 đã khiến nhà sản xuất phải từ bỏ dự án này. Remake một trò chơi cổ điển là một công việc đồi hỏi công sức và thời gian vô cùng lớn. Nhóm phát triển có thể còn phải gia giảm nội dung để tránh việc phải phát hành thành nhiều đĩa. Tại thời điểm đó, Square Enix đang dồn sức cho Final Fantasy XIII Saga nên nguồn lực cũng bị giới hạn.
Sau khi kết thúc series Final Fantasy XIII, đội ngũ thiết kế có phần rảnh rang hơn để bắt tay vào các dự án khác. Producer Shinji Hashimoto là người đầu tiên cân nhắc việc remake.
Ông đã có cuộc trò chuyện với các thành viên cũ như đồng tác giả kịch bản Yoshinori Kitase, họa sĩ Yusuke Naora và thiết kế nhân vật Tetsuya Nomura, về khả năng thực hiện. Họ nhận ra rằng mình đã quá già để tiếp tục trì hoãn dự án này. Điều gì sẽ xảy ra khi tài năng của họ bị mai một do tuổi tác? Sẽ ra sao nếu họ chết trước khi có thể kết thúc công việc và thế hệ tiếp theo phải hoàn thành nó? Từ suy nghĩ đó, chúng ta có được Final Fantasy VII Remake.
Theo fffcvn
13 bí mật có thể bạn chưa biết về Final Fantasy VII
Final Fantasy VII có thể xem là một trong những tựa game huyền thoại trên thế giới, thế nhưng, có những bí mật về tựa game này có thể bạn chưa từng biết đến.
Năm 2017 đánh dấu 30 năm ra đời của một trong những tựa game RPG nổi tiếng nhất lịch sử, Final Fantasy. Được hãng Square phát hành lần đầu vào ngày 18 tháng 11 năm 1987, Final Fantasy đã bán được hơn 115 triệu bản trên toàn thế giới và nằm trong top những thương hiệu video game bán chạy nhất mọi thời đại. Nếu như Final Fantasy được mang vương miện dành cho series trò chơi hay nhất thì viên ngọc trên đó phải là Final Fantasy VII.
20 năm sau ngày ra mắt, Final Fantasy VII vẫn chiếm được cảm tình rất lớn từ người hâm mộ. Nó là mốc son đánh dấu sự chuyển mình của cả dòng game. Ngày nay, nhiều trang đánh giá vẫn ca ngợi thành công của trò chơi này và liệt nó vào danh sách những game tuyệt vời nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những bí mật mà có thể các bạn chưa bao giờ biết về Final Fantasy VII.
Nội dung có đi kèm một số spoiler, các bạn cân nhắc trước khi đọc.
1. Bối cảnh ban đầu của game là thành phố New York với nhân vật chính là một thám tử
Kế hoạch dành cho Final Fantasy VII bắt đầu từ năm 1994, ngay sau khi Final Fantasy VI phát hành. Cha đẻ của series, ngài Hironobu Sakaguchi và nhóm của ông đã phác thảo các kịch bản cho phần mới này. Một trong số đó là câu chuyện về thám tử đầy nhiệt huyết Joe. Dự tính của Sakaguchi là cho Joe sinh sống tại New York vào năm 1999. Nhiệm vụ của nhân vật này là truy tìm thủ phạm của một vụ đánh bom diễn ra trong thành phố.
Khi thực hiện phát triển dự án, mọi người cho rằng New York không phù hợp với trò chơi này, nhưng họ vẫn giữ lại cho một trò chơi khác trong tương lai. Địa điểm được chuyển qua thành phố công nghệ cao Midgar. Kế hoạch đánh bom vẫn có trong diễn biến cốt truyện. Nhân vật chính bị đổi thành Cloud Strife. Không biết một ngày nào đó liệu thám tử Joe đáng thương có được xuất hiện trong một tựa game nào đó hay không.
2. Game là nguồn cảm hứng cho Xenogears, Parasite Eve và Final Fantasy VIII
Không phải tất cả các ý tưởng đều biến mất như Joe. Nhiều thành viên đã sử dụng lại ý kiến của mình cho các dự án khác. Mặc dù khi phát triển một trò chơi, có rất nhiều kịch bản, phác thảo bị vất bỏ nhưng với trường hợp của Final Fantasy VII, các lập trình viên đã tận dụng chính những thứ bị loại đi đó để tạo ra 3 trò chơi: Xenogears, Parasite Eve và cả Final Fantasy VIII.
Trước khi các anh hùng của chúng ta nổi dậy ở Midgar, 2 tác giả Tetsuya Takahashi và Kaori Tanaka đã cho họ tham gia một cuộc chiến giữa 2 cường quốc Aveh và Kislev. Cốt truyện ban đầu của Final Fantasy VII, bị đánh giá là quá đen tối, được Takahashi hồi sinh cho một dự án có tên mã "Kế hoạch Noah". Về sau nó được phát hành vào năm 1998 dưới tựa đề Xenogears và trở thành một RPG cực kỳ nổi tiếng. Bối cảnh New York cũng được chuyển qua trò chơi Parasite Eve (1998). Nhân vật chính là Aya Brea, nhân viên mới của cục cảnh sát. Có lẽ nào thám tử Joe cũng có mặt ở đó chăng?
Game tiếp theo thừa hưởng các yếu tố từ Final Fantasy VII là đàn em Final Fantasy VIII. Phác họa ban đầu về một phù thủy đã xuất hiện trong đầu nhóm phát triển nhưng không phù hợp với chủ đề cũng như sự kiện trong game. Nhân vật này bị bỏ qua một thời gian cho đến khi tìm được ngôi nhà mới là Final Fantasy VIII. Đó không ai khác ngoài Edea Kramer.
3. Tóc của Cloud Strife suýt chút nữa là màu đen
Cloud Strife là nam chính trong Final Fantasy VII. Hình ảnh một Cloud với thanh Buster Sword khổng lồ sau lưng đã trở thành quá đỗi quen thuộc với mỗi fan hâm mộ. Một đặc điểm nhận biết khác của Cloud chính là mái tóc vàng óng. Tuy nhiên đáng lẽ ra anh phải nổi tiếng với kiểu tóc đen mượt chứ không phải style hiện tại.
Với ý tưởng đơn giản hóa thiết kế nhân vật, Cloud ban đầu được cho một mái tóc đen tối màu. Việc này vừa giúp giảm thời gian tạo ra mô hình 3D, vừa làm nổi lên sự tương phản với phản diện chính Sephiroth do hắn có tóc dài và trắng bạc. Thế nhưng họa sĩ Tetsuya Nomura lại quyết định sử dụng tóc vàng để Cloud không bị quá nam tính. Họ cho rằng nhân vật manly quá mức sẽ không được người hâm mộ yêu thích.
4. Mối liên kết với Star Wars
Star Wars hiện diện ở khắp nơi. Bạn có thể bắt gặp thương hiệu này ở bất cứ đâu, từ phim ảnh, TV show, trò chơi điện tử cho đến đồ ăn theo. Final Fantasy cũng chịu ảnh hưởng trong rất nhiều phiên bản. Final Fantasy VII có 2 nhân vật liên kết trực tiếp đến Star Wars là Biggs và Wedge.
Hai thành viên của AVALANCHE này đã làm việc cùng với Cloud và Barret ở giai đoạn đầu game. Họ hỗ trợ công tác phá hủy lò phản ứng Mako ở Midgar. Đáng buồn là cả 2 đã thiệt mạng khi Shinra cho phá hủy thành phố. Lòng dũng cảm và sự hi sinh của họ rất giống với Biggs Darklighter và Wedge Antilles trong Star Wars.
Nhân vật Biggs của Star Wars là đồng hương của Luke ở hành tinh Tatooine. Họ đã bay cùng nhau trong cuộc chiến phá hủy Death Star. Nhưng Biggs hi sinh trước khi chiến tranh kết thúc. Wedge thì vẫn sống sót cho đến cuối phim. Anh cũng là một phi công starfighter, sát cánh cùng Luke trong các trận Yavin, Hoth hay Endor.
5. Sự xuất hiện của tín ngưỡng tôn giáo Kabbalah
Final Fantasy VII thêu dệt nên một câu chuyện hấp dẫn bao gồm cả những yếu tố thần thoại và tôn giáo. Rất giống với cái chết của Aerith phản ánh trải nghiệm thực tế, các thành phần tín ngưỡng đã có ảnh hưởng lớn đến cả dòng game Final Fantasy. Lấy cụ thể trường hợp Final Fantasy VII, chúng ta thấy được phảng phất những nét đặc trưng của Kabbalah, một tư tưởng của người Do Thái.
Điều này thể hiện rõ nét nhất qua tên gọi của các nhân vật. Ví dụ như Sephiroth được bắt nguồn từ chữ "Sephirot", một trong mười nhân dạng của Chúa và là một phần của Cây Sinh Mệnh trong truyền thuyết của đạo Kabbalah. Còn Tifa thì giống với Tiferet, một mặt của Cây Sinh Mệnh và có ý nghĩa là cái đẹp. 7th Heaven và Final Heaven, tên quán bar và limit break của Tifa gắn với quan niệm trong Kabbalah rằng Tiferet liên kết tới tầng cao nhất của sự sống.
6. Cảm hứng đến từ Thần thoại về Thor
Final Fantasy VII có nhiều nét tương đồng với nhân vật Thor của Marvel: một người hùng tóc vàng có sức mạnh vô song, mang bên mình món vũ khí thần thánh và gắn liền với thần thoại Bắc Âu. Những câu chuyện dân gian này có sự xuất hiện của rất nhiều vị thần, quái vật và thực thể lạ lùng.
Gốc gác Bắc Âu tồn tại trong rất nhiều tên gọi của Final Fantasy VII. Midgar, một trong những thành phố phát triển nhất của game, được lấy từ chữ Trái Đất trong tiếng Na Uy (Midgard). Nibelheim, quê hương của Cloud và Tifa, chính là một địa danh trong Chín Vũ Trụ truyền thuyết. Ngoài ra, Ragnarok, cây kiếm thuộc hàng mạnh nhất game được mô phỏng theo tên của chuỗi sự kiện đánh dấu ngày tận thế.
Theo fffcvn
Top 7 tựa game được chuyển thể lên Mobile hay nhất 2016 Đừng bỏ lỡ những tuyệt phẩm đã được chuyển thể lên nền tảng di động này nhé, nếu không bạn sẽ cực kỳ hối tiếc đấy. Final Fantasy VII Vốn được phát hành đầu tiên vào năm 1997 trên hệ PS1 xa xưa. Final Fantasy VII được xem như một trong những tựa game đi đầu trong việc đưa ra khái niệm JRPG...